VĂN
NGUYỄN HỮU THỜI
(TVVN): Anh Sáu là chồng chị Sáu Nail. Vợ anh làm nghề Nail, dân Việt trong chung cư nầy gọi anh là Sáu Nail cho tiện. Gần căn hộ của anh chị ở; có chị cũng tên Sáu. Để bà con dễ phân biệt, anh Tư Taxi đặt thêm “nick name” cho hai người; tùy theo nghề nghiệp họ đang làm: Chị Sáu Nail và chị Sáu Cuốn Chả Giò. Anh Sáu Nail làm thợ hàn. Tên thật anh là Lê Ráng. Bà thân mẫu anh hiếm muộn, cố gắng lắm, cầu khẩn, van vái khắp các đền chùa ở quê anh, mới sinh ra được anh. Nên cha anh đặt tên là Ráng. Lê Ráng.
Trước năm 1975, anh là trung đội trưởng nghĩa quân ở xã Nghĩa Thắng, Quảng ngãi, nhà anh gần rừng cao su, cận sơn. Vì vậy, Việt Cộng trên núi thường cứ tối đến là lẻn xuống làng, bắt bớ, hăm doạ, giết chóc, thu thuế. Anh được quận trưởng Tư Nghĩa khuyến khích, yểm trợ anh thành lập trung đội nghĩa quân. Từ đó xã Nghĩa Thắng được yên ổn một thời gian dài. Cộng Sản Bắc Việt chiếm Quảng ngãi vào tháng Ba năm 1975, chúng nhốt tù anh ba mươi hai tháng; lý do trung đội trưởng nghĩa quân “Nguỵ”, và còn giữ khẩu súng “carbine” trong nhà, không khai báo, đem nạp, chúng nghi ngờ anh có âm mưu chống lại “cách mạng” (sic), và bắt nhốt tù, tra khảo anh, đánh đập dã man, anh chết đi, sống lại, cho đến khi gần chết chúng mới thả ra, về nhà chờ chết. Nhưng con người ta, sống chết đều có phần số, với thời gian dần dần anh trở lại bình thường. Anh ở tù Cộng Sản chưa tới ba năm; nên anh không đủ tiêu chuẩn trong chương trình HO. sau nầy.
Anh chị cũng hiếm muộn, chỉ sinh độc nhất có một người con gái tên Minh Nguyệt. Tên thật hay! Nguyệt là trăng. Minh là sáng. Minh Nguyệt là trăng sáng. Năm 1985, vợ chồng ký cóp, góp nhặt cho Nguyệt vượt biên. Chuyến đi thật may mắn, suông sẻ, không gặp bọn hải tặc, sóng êm, biển lặng. Đến đảo, cháu được nhà thờ Tin Lành bảo lãnh, và định cư ở Mỹ năm 1986.
Năm 2002, cháu Nguyệt thi đậu quốc tịch Mỹ; liền làm đơn bảo lãnh cha mẹ theo diện ODP (Orderly Departure Program) của chính phủ Hoa Kỳ đề ra. Anh chị đến Mỹ năm 2007. Cháu Nguyệt hướng dẫn anh chị học nghề ngắn hạn để đi làm ngay. Anh học thợ hàn, chị Sáu học nghề nail. Buổi tối, anh chị còn rủ nhau đi học Anh văn ở Trung Tâm BPSOS (Boat People SOS) ở đường Bolsa, Little Sài Gòn để thi quốc tịch Mỹ sau nầy.
Trung tâm có trụ sở chính tại Falls Church, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ do Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng làm giám đốc điều hành, mục đích là giúp người Việt tị nạn hội nhập và phát triển khả năng sẵn có để xây dựng cho cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ vững mạnh, có một vị thế xứng đáng trên đất nước vĩ đại nầy. Trung tâm cũng tranh đấu cho người Việt bị đàn áp, bóc lột ở Việt Nam, phụ nữ VN bị bọn con buôn a tòng với bọn bạo quyền Cộng Sản VN lừa gạt đem bán cho bọn Tàu phù. Trung tâm cũng huấn luyện Anh ngữ cho những người Việt mới qua; để có đủ khả năng Anh ngữ cùng sự hiểu biết đại cương về lịch sử nước Mỹ, hiến pháp. bầu cử, ứng cử v… v… để thi nhập quốc tịch Mỹ.
Tôi gặp lại anh Sáu nơi đất khách, quê người sau hơn bốn mươi năm biệt tăm, không tin tức. “Tha hương ngộ cố tri” nên thỉnh thoảng tôi ghé thăm anh khi có dịp về Little Sài gòn; hầu ôn lại bao kỷ niệm thời trai trẻ ở quê nhà trước năm 1975. Tháng rồi gặp anh nơi buổi lễ đặ tượng Đức Thánh Trần, đường Bolsa. Sau lễ, anh mời tôi ghé qua nhà chơi. Trong câu chuyện anh kể:
- “Anh Tám ơi! Tôi vừa thi rớt quốc tịch nữa rồi!”.
Rồi anh buồn bã nói tiếp:
- “Xui quá! Hai lần thi, tôi đều gặp giám khảo người Việt Nam“.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- “Gặp giám khảo người Việt Nam là may mắn sao gọi là xui xẻo? Nói nghe thử coi?”
- “Cái đó cũng tùy người anh Tám ơi! Lần thứ nhất, tôi gặp người giám khảo Á Châu trẻ tuổi, tôi tưởng là Đại Hàn hay Phi Luật Tân. Ông nầy hỏi tôi nhiều câu về lịch sử nước Mỹ, về hiến pháp. Thượng viện, hạ viện v…, v… tôi trả lời suông sẻ. Xong, ông bảo tôi đọc và viết câu tiếng Anh. Tôi làm được lắm; nhưng khi ông quay tôi sự khác nhau giữa chữ NEVER và EVER, và đặt câu ví dụ, tôi ngập ngừng, lúng túng. Ông nầy còn trẻ lắm, tôi đoán trẻ hơn con Nguyệt nhà tôi”.
- “Sao anh biết ông giám khảo nầy là người Việt Nam?
- “Vì trước khi bảo tôi ra về, ổng nói với tôi bằng tiếng Việt? Chú về học lại để thi lần sau đi. Chỗ nào không hiểu hỏi con cái trong nhà chỉ cho.
Tôi ngạc nhiên, mắt sáng lên, nhìn vào cái thẻ thì ra cậu nầy người Việt tên Mỹ họ Việt; tôi mới biết rõ, ổng cũng là dân ăn nước mắm như mình. Chừng ba tháng sau, tôi nhận được cái thơ của Sở Di Trú cho thi lại kỳ hai. Cái thư còn để trong hộc bàn kia”.
- “Anh cho tôi xem cái thư được không?”
Đọc thư, tôi mới biết đại khái là anh Sáu qua được phần đọc, viết tiếng Anh cùng lịch sử nước Mỹ. Thư cũng cho phép anh nạp đơn thi lại, và muốn khiếu nại thì ra tòa “hearing”. Đọc thư xong, tôi có hỏi sao anh không nạp đơn khiếu nại “hearing”. Anh nói:
- “Họ chỉ cho phép 30 ngày nạp đơn khiếu nại, mà tôi nhận được thơ đã quá hạn cho phép”.
Tôi lại hỏi tiếp:
- “Lần thi vừa rồi sao anh lại hỏng nữa?”
Bỗng nhiên nét mặt anh trở nên căng thẳng, đôi mắt như sáng lên, anh ấm ức, chậm rãi trả lời:
- “Thi lần nầy, bà vợ tôi xin sở nghỉ một ngày đi theo để rút kinh nghiệm cho kỳ thi sắp đến của bả. Chúng tôi ngồi nơi phòng chờ đợi. Một bà dáng dấp người Á Châu, mặc đầm, cở năm mươi, thấp, mang kiếng trắng bước ra khung cửa, quét mắt đứng nhìn tổng quát một vòng nơi phòng đợi, hình như đang tìm kiếm ai đó. Bà xã bấm tay vào đùi tôi nói nhỏ: Mấy bà bạn học cùng lớp với em tả đúng dáng dấp bà nầy đây. Bà nầy Việt nam gốc Tàu Chợ Lớn hay gốc Miên gì đó. Họ nói, mười người Việt Nam thi quốc tịch gặp bà nầy hỏi thì chín người rớt!. Nghe nói, tôi lo lắm, vái Trời đừng gặp bà nầy. Nhưng 'ghét của nào Trời trao của nấy.' Chừng 5 phút sau, bà khi nảy, ôm xấp hồ sơ, gọi tên tôi. Trống ngực tôi đập thùm thụp. Tôi 'nervous' lắm! đứng dậy đi theo bà. Bà làm theo thủ tục 'thề thốt', xem drive license, ID… xong, bà bắt đầu hỏi tên họ, tuổi tác, sinh quán, địa chỉ hiện tại, vừa hỏi, vừa nhìn vào hồ sơ. Giọng nói tiếng Anh của bà thật khó nghe, không giống giọng Mỹ, và không giống giọng Thầy Cô Việt Nam của tôi dạy thi quốc tịch ở BPSOS. Giọng nói của bà như là đang ngậm kẹo hay đang ăn cơm, vừa ăn, vừa nói. Nhưng tôi đã lấy lại bình tĩnh trả lời thông suốt. Bỗng bà hỏi tiếp: Ông có muốn đổi tên không? Tôi ngập ngừng, phân vân chưa biết trả lời ra làm sao. Trong bụng tôi đang nghĩ; mình tên Ráng thì mình nên đổi tên Mỹ gì gần giống tên Việt Nam. Tên Ron, tên Ran, tên Ram gì đây. Tôi chưa kịp trả lời thì bà nói ngay: Tiếng Anh ông còn kém lắm, nghe không hiểu tiếng Anh. Rồi bà tiếp tục hỏi: Ông thi quốc tịch Mỹ để làm gì?. - Tôi thi để đi bầu cử, và khi về Việt Nam thăm bà con, cha mẹ già, anh em còn kẹt bên đó, nếu có chuyện gì, tôi chạy vào Tòa Đại Sứ Mỹ cầu cứu, nhờ họ giúp đỡ.
Bà cười gượng, nét mặt có vẻ khi dễ và không tin. Lúc nầy, bà mới nói bằng tiếng Việt: Già rồi, đi học để thi quốc tịch chi cho mệt, lên máu, đái đường, mất ngủ. Đi làm về ở nhà coi phim bộ hay hơn. Thi cử làm gì cho mất thời gian! Còn ông về Việt Nam với cái hộ chiếu Việt Nam cũng có sao đâu; miễn là ông đừng tham gia biểu tình, chống đối gì họ.
Với cái giọng nói của bà kiểu đó, tôi biết thế nào bà cũng đánh rớt, nên tôi tính gân cổ cãi lại, và định nói: Nếu chúng tôi không đi thi quốc tịch thì bà lấy 'job' đâu mà làm, mà phỏng vấn, hỏi han nầy nọ. Tôi chưa kịp nói câu định nói; thì bà đứng dậy; đưa cái giấy thi rớt và bảo tôi ra về.
Tôi vừa đi ra cửa, vừa suy nghĩ câu nói của các bà bạn vợ tôi ở trường học: Gặp bà Việt Nam nầy phỏng vấn thì 10 người chỉ đậu được 1. Thật đúng quá!”.
Người đồng hương Việt Nam tị nạn Cộng Sản qua đây, đa phần họ thường sống quây quần, giúp đỡ nhau, chỉ dẫn cho nhau những điều họ biết về xã hội Mỹ, tìm giúp và giới thiệu việc làm; nhưng cũng có một số ít khác hẳn.
Thật đáng cho chúng ta phải suy gẫm, và cẩn thận khi gặp những trường hợp nầy!
Nguyễn Hữu Thời
(Nguồn: tvvn.org)
VĂN THƠ NHẠC