top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
BÀ PHAN THỊ MINH YẾN LÀ AI?

FB KIM ANH

Từ  một nữ sinh trường đầm kiêu sa, thành bà Tướng đầy uy quyền, rồi thế  thời đổi thay thành thợ hớt tóc 30 năm dài để nuôi 4 người con nên người  mang tên QUANG, MINH, CHÍNH, ĐẠI, đặt tên theo tâm niệm của người chồng  chiến binh một đời anh dũng.


Đó là Bà Phan Thị Minh  Yến, phu nhân Tướng Lê Nguyên Vỹ, vị tướng tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh  Quân Lực VNCH, một trong 5 vị tướng Miền Nam đã tuẫn tiết để nêu cao khí  phách anh dũng và để gìn giữ danh dự của một quân đội vừa mới thua trận  trong biến cố 30/4/1975...


...Vào năm 1954, cô Phan  Thị Minh Yến còn rất nhỏ, nhà ở Cầu Đất, Hải Phòng bắt đầu theo cha mẹ  di cư vào Nam. Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhỏ được gia đình cho học chương trình  Pháp tại Sài Gòn và đã có câu chuyện tình từ năm 17 tuổi. Khi được 19  xuân xanh thì chính thức lập gia đình với một anh Đại Úy Quân Lực Việt  Nam Cộng Hòa.


Lúc đó là mùa Xuân năm  1964. Chàng hơn nàng 10 tuổi. Nhưng trước sau cô Yến chỉ có một mối tình  từ khi biết yêu cho đến lúc thành hôn. Tiếp theo là 10 năm làm vợ lính  thời chinh chiến. Rồi bắt đầu làm mẹ. Những đứa con lần lượt ra đời. Các  cháu Quang, Minh, Chính, Đại. Ba đứa con trai đầu lòng đặt tên với niềm  tự hào của người cha cương trực sống trong một hoàn cảnh đất nước  nghiêng ngả. Nhưng cô Út bé bỏng, xinh đẹp chỉ được gọi là em Đại ở  trong gia đình. Khi ở ngoài lớp học thì đây là cô nhỏ Tường Vi của bà mẹ  Hải Phòng.


Suốt thời gian thơ ấu,  người cha đi chinh chiến đêm ngày. Các con phần lớn sống gần gũi và  trông cậy vào mẹ. Tuy nhiên, hình ảnh người cha quân đội vẫn là chỗ dựa  tinh thần mạnh mẽ cho cả mẹ con.


Tháng 4 năm 1975, bà mẹ 29  tuổi dẫn 4 con từ 6 tuổi đến 10 tuổi di tản qua Hoa Kỳ. Người chồng chỉ  huy đơn vị nên không có cơ hội tiễn chân vợ con. Lần chia tay sau cùng  mà vợ chồng không biết là lần vĩnh biệt. Anh đã ra đi vào miền vĩnh cửu  khi quân đội tan hàng. Không một mảnh khăn tang. Không một giọt nước  mắt. Vợ con cũng không hề biết tin về cái chết của người thân yêu. Năm  đó chưa 30 tuổi, cô Phan Thị Minh Yến trở thành góa phụ ở vậy nuôi con  cho đến năm nay 2008 vừa đúng 33 năm.


Qua Hoa Kỳ, một mẹ và 4  con nhỏ, Minh Yến bắt đầu bằng nghề cắt tóc. Cố gắng tự lập nuôi con.  Vừa làm mẹ, vừa làm cha. Từ nữ sinh trường đầm ở Sài Gòn, trở thành vợ  lính sống cảnh gia binh, rồi trở thành góa phụ.


Sau bằng ấy năm trời, các  con đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, có cháu nội cháu ngoại. Hỏi  rằng bây giờ chị làm gì” Còn làm gì nữa. Trước sau cũng chỉ làm một việc  cắt tóc chải đầu.


Nhưng nghề chính là vừa làm cha vừa làm mẹ.


Làm mẹ thì cũng dễ vì đã  làm mẹ từ Việt Nam. Nhưng làm cha cho những đứa con trai ở Hoa Kỳ mới  thật khó. Tất cả đều phải quyết định một mình. Không bàn với ai được. Ba  đứa con trai ở tuổi niên thiếu tại miền đất lạ. Biết bao nhiêu là khó  khăn. Chuyện học hành, chuyện sinh sống, chuyện yêu đương của các cháu  rồi đến chuyện hôn nhân. Cái gì cũng là chuyện của các con.


Khi được hỏi rằng thế chị  làm ở tiệm tóc thì làm chủ hay làm thợ. Được trả lời rằng trước sau chỉ  làm công mà thôi. Đã bảo rằng nghề chính là làm mẹ, nếu bôn ba mở tiệm, e  rằng không có đủ thì giờ trông nom lũ nhỏ.


Hỏi rằng đi làm như vậy có  gặp những điều gì khó chịu không. Trả lời rằng lúc đầu cũng thấy tủi  thân lắm. Nhưng rồi thì cũng phải nhịn nhục cho quen đi. Vả lại, ở đây  cũng không ai biết hoàn cảnh mình ra sao nên cứ việc mình, mình làm.  Cũng thi lái xe, cũng lấy bằng, cũng tìm đường đi học nghề, đi làm và  nuôi con. Vâng, việc chính là nuôi con.


Chị có buồn giận về chuyện  anh nhà đã không đi được vào năm 1975 hay không” Trả lời rằng thì anh  nghĩ coi, ai mà chả muốn có vợ có chồng. Các con muốn có đủ cha mẹ.  Nhưng phần số đã như vậy thì mẹ con phải sống sao cho phải đạo với sự hy  sinh của ông nhà tôi. Ông ấy mà còn thì cũng chỉ muốn cho các con của  chúng tôi được học hành tốt nghiệp đại học, rồi dựng vợ gả chồng cho các  cháu như bây giờ gia đình tôi đã được như vậy.


Ngoài việc hãnh diện về  chuyện con cái, bà mẹ gốc Hải Phòng còn kể thêm với niềm hào hứng đặc  biệt. Đó là mối liên hệ với mẹ chồng.

Số là ngay sau khi di tản  qua Hoa Kỳ, gia đình được tin chồng chết nên đã tìm cách báo về Bắc cho  bà mẹ già biết tin. Tội nghiệp chưa. Ông nhà tôi, lời chị Yến, cũng di  cư vào Nam từ 54, mẹ con xa nhau 21 năm không liên lạc. Bây giờ bà cụ  mới biết tin con dâu và các cháu ở Mỹ thì đồng thời cũng biết tin con  trai đã qua đời.


Những năm đầu ở Hoa Kỳ  cũng rất chật vật nên không tiếp tế được nhiều. Những năm sau này bắt  đầu gửi tiền về miền Bắc cho bà cụ. Chính tôi là con dâu mà chưa hề biết  mặt mẹ chồng. Đến khi liên lạc được thì chồng đã chết. Gia đình tôi và  các cháu tiếp tục liên lạc về Bắc. Mấy năm gần đây cụ vào Nam gặp các bà  chị tôi rồi thu xếp cải táng đưa di hài nhà tôi về Bắc. Xong công việc  quan trọng, cụ mới qua đời mấy năm gần đây.


•••••


Vâng, thưa quý vị, tôi vừa  kể hầu quý vị một câu chuyện của bà mẹ Việt Nam trong nghĩa vụ thay  chồng làm cha thời hậu chiến kéo dài hơn 30 năm tại Hoa Kỳ. Một người  thiếu nữ 10 năm làm vợ nhưng đã có đến 30 năm vừa làm cha, làm mẹ, và  làm dâu hàm thụ qua thư tín.

Cũng suốt 33 năm tại Hoa  Kỳ, với vốn liếng Pháp văn và Anh ngữ của trường Đầm Sài Gòn, trước sau  bà cũng vẫn chỉ là cô Yến làm tóc tại Hoa Kỳ. Bởi vì, người phụ nữ Việt  Nam đơn giản này đã có một nghề cao quý vô cùng mà bà phải hết lòng theo  đuổi. Đó là nghề làm mẹ. Do đó Ngày Của Mẹ hàng năm sẽ là ngày đặc biệt  đối với những đứa con của bà.


Và mỗi năm, ngày tang 30  tháng 4 cũng là ngày giỗ bố của đám nhỏ. Bà mẹ Việt Nam tổ chức giỗ  chồng bằng âm lịch những vẫn dặn con vào ngày cuối tháng 4, dù ở đâu  cũng phải dành cho bố những giây phút tưởng niệm.


Bởi vì thân phụ của các  cháu đã chết đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tên ông là Lê Nguyên Vỹ,  người Sơn Tây, Bắc Việt, chết tại Lai Khê miền Đông Nam Phần.


Ngày nay, tại ngôi đình  làng cũ tỉnh Sơn Tây có thờ bài vị của tướng công Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh  Binh Đoàn Số 5 của quân đội Sài Gòn. Ông đã tự sát vào ngày đất nước  thống nhất và hòa bình.


Đó là cách ghi nhận của  người đồng hương Sơn Tây với một chút tự hào. Và hình ảnh của ông vẫn  trong lòng các con Lê Nguyên Quang, Lê Nguyên Minh, Lê Nguyên Chính và  con gái út Lê Nguyên Đại Tường Vi tại miền Virginia Hoa Kỳ.


Đối với lũ trẻ Quang Minh Chính Đại, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng là Ngày Của Mẹ./.


(Nguồn: Fb Kim Anh)


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page