top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
BAO GIỜ TA THẤY LẠI ĐƯỢC TA?

NGÔ VIẾT TRỌNG

(Thân tặng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân)


Tôi trở về làng khi xã tôi đã tổ chức làm ăn theo lề lối tập thể. Công việc chính cũng chỉ là ruộng với rẫy. Ngày còn đi học tôi đã từng phụ giúp việc đồng áng cho cha tôi, sau này lại được dồi mài khá chăm trong "trại cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền" nên việc ruộng rẫy đối với tôi cũng không xa lạ. Dĩ nhiên, dù muốn dù không, tôi vẫn phải tham gia...


Kiến thức về ruộng rẫy có sẵn, tôi không ngại khi bước chân vào cái hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mang tên xã mình. Nhưng qua ít ngày làm việc, tôi thấy tình trạng nhân sự và công việc ở đây không phải như tôi mong đợi. Những thành viên có vai vế trong hợp tác xã không coi ý kiến của đám dân chiến bại như tôi vào đâu cả. Những dân làng tập kết ra Bắc hồi hương, những dân Bắc chính gốc mới vào, lúc nào cũng sẵn sàng đem tinh thần "đội B52 xẽ dọc Trường Sơn" để bảo đảm ý kiến của của họ. Thôi thì mình dù có kinh nghiệm mấy cũng nên an phận nghe lệnh cho khỏe bớt đầu óc.


Trong tập đoàn tôi có một người đàn ông khá kỳ cục. Tôi không biết thân thế ông ra thế nào, chỉ nghe người ta thường gọi là ông Tửng. Ông Tửng trạc ngoài bốn mươi, lúc nào cũng có vẻ khắc khổ, lạnh lùng. Tôi gần như không hề thấy được một nụ cười trên môi ông ta. Rất ít khi ông ta nói chuyện với ai. Gặp trường hợp chẳng đặng đừng, ông ta cũng chỉ thốt ra vài lời ngắn gọn, cộc lốc. Khi mới gặp, tôi thấy ông ta có vẻ quen quen. Có thể tôi đã gặp ông ta ở đâu đó. Tôi cố thử lục lọi ký ức nhiều lần nhưng không thể nào nhớ ra được. Khi làm, khi nghỉ, khi đi, khi về, ông Tửng luôn luôn thui thủi một mình. Cả hợp tác xã ai cũng chán ngấy ông. Thái độ lầm lì của ông đã khiến ông càng bị cô lập. Ai được cắt làm chung việc với ông là suốt ngày khỏi nói chuyện. Chỉ có lớp chỉ huy mới thỉnh thoảng nói chuyện với ông ta. May nhờ cái tính cần cù, dễ sai, người ta không làm khó dễ ông ta mấy.


Một hôm tôi chỉ ông Tửng nói với anh Tần – người làm bên cạnh:


– Cái ông Tửng cù rù ấy tôi trông quen quá mà chẳng nhớ ra đã gặp ở đâu?


Anh Tần cười cười đáp:


– Ông ấy không phải tên Tửng đâu, tên ông ta tôi nghe nhiều lần rồi nhưng giờ lại quên mất. Ông ta cũng người làng mình nhưng từ nhỏ lại ở thành phố, sau đó đi lính vì thế dân làng mình ít ai biết. Sau khi đi cải tạo về, bị vợ bỏ, ông ta buồn chán nên dắt hai đứa con trở về làng cũ để sinh sống đấy.


Một tia ký ức bỗng lóe lên trong đầu tôi:


– Có phải ông ta tên Huynh không?


Anh Tần vỗ tay lên trán:


– Đúng rồi, ông ta tên Huynh! Thế ra anh cũng biết ông ta?


– Vâng, nếu đúng là Huynh thì ông ta là bạn thuở nhỏ của tôi. Thế nhưng đã lâu rồi tôi có hề gặp ông ta đâu! Bây giờ ông ta thay đổi nhiều quá tôi làm sao nhìn ra được? Câu chuyện ông ta bị vợ bỏ thế nào anh biết không?


– Tôi chỉ nghe sơ vậy thôi, thật tình tôi cũng muốn biết rõ hơn nhưng tánh ông ta cộc lốc, ngang bướng quá nên tôi đâu dám hỏi.


Giờ thì tôi đã nhớ ra. Thuở nhỏ tôi với Huynh ở cùng xóm, lại đồng trang lứa nên khá thân thiết với nhau. Khoảng mười hai mười ba tuổi anh được người cậu đem lên thành phố nuôi ăn học. Cậu mợ anh vì công việc buôn bán bận rộn, hay nhờ anh trông coi nhà cửa, rất ít khi anh về thăm làng. Hiếm lắm tôi mới gặp anh vài lần ở làng vào các dịp tết hoặc giỗ chạp trong họ anh. Khi lên trung học, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau trên phố hay ở nhà vài người bạn. Lúc nào anh cũng vui vẻ, nhã nhặn...


Qua tuổi học trò, anh với tôi đều vào lính, nhưng mỗi người ở một ngả, chẳng có mấy dịp gặp nhau. Thỉnh thoảng gặp những người quen biết cũ, tôi hỏi thăm về Huynh thì người ta cho biết anh đã có được một gia đình rất hạnh phúc.


Có ai ngờ giờ đây Huynh lại trở thành một anh chàng câm khó tánh đến thế? Tôi nghĩ chắc tôi cũng thay đổi nhiều lắm nên Huynh cũng chẳng nhận ra tôi.


Tôi đinh ninh bạn cũ gặp lại nhau trong hoàn cảnh này, chắc hẳn Huynh mừng lắm. Tôi cũng hi vọng sau khi gặp tôi, một người đồng cảnh, tâm tánh Huynh có thể thay đổi phần nào. Đợi đến lúc cả hai hơi rảnh, tôi bước lại gần anh:


– Anh Huynh ơi, tôi là Phương đây, còn nhớ tôi không?


Cứ ngỡ khi nghe câu hỏi này Huynh sẽ giật nẩy mình trố mắt nhìn tôi rồi chạy lại ôm tôi với nỗi vui mừng to lớn. Nào ngờ Huynh làm như không nghe thấy gì, khinh khỉnh quay sang phía khác. Thái độ của Huynh làm tôi sững sờ, ngượng ngập. Huynh nghi ngờ gì tôi chăng, hay Huynh không nghe rõ lời tôi? Tôi kiên nhẫn lập lại câu nói một lần nữa nhưng Huynh vẫn chẳng ừ hử.  Có thể anh ta điếc? Tôi phải hỏi lần thứ ba. Lần này anh ta trả lời nhưng với giọng cộc lốc, mặt vẫn không hướng về tôi:


– Anh là ai tôi đâu quen biết mà phải nhớ chứ? Hãy để tôi yên!


Bị chạm tự ái, tôi nổi giận lớn tiếng:


– Tôi nghĩ anh là người quen mới nói chuyện với anh chứ! Tôi đã làm gì anh mà anh đối xử với tôi như thế?


Mặt anh ta vẫn lạnh như đồng, khinh khỉnh bỏ đi làm việc. Ngượng quá nên tôi càng giận, cũng bỏ đi một nước! Người tánh khí như vậy hèn gì! Từ đó tôi không thèm nhìn mặt Huynh nữa.


***


Một hôm, anh Tần ra vẻ hớn hở nói với tôi:


– Anh Phương, tôi đã biết tại sao anh chàng Huynh không chịu nói chuyện với ai rồi!


Tuy chẳng còn quan tâm tới anh chàng kỳ cục ấy, tôi cũng hỏi lại:


– Thật à? Thế anh nghe ai nói ra sao?


– Tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ, người bạn cho biết Huynh trước đây là một người hoàn toàn khác hẳn bây giờ. Trước kia anh ta là một người vui vẻ, hoạt bát và tốt bụng hiếm có. Nhưng trong thời gian ở tù, vì cái tính hoạt bát, vui vẻ, vô tư mà anh ta đã bị kẻ xấu làm hại mấy phen, bị đày đọa bầm dập suýt vong mạng. Từ đấy anh ta trở nên kinh tởm tất cả mọi người. Anh ta đã tự biến mình thành kẻ câm điếc, tự giới hạn hết thảy mọi sự tiếp xúc với bất cứ ai. Khi bạn tù nói chuyện với nhau, kể cả những chuyện liên can tới anh ta, dù đúng hay sai anh ta cũng không thèm ghé miệng. Cán bộ chỉ định anh làm gì, dù lệnh ra trực tiếp hay gián tiếp, anh ta vẫn lặng lẽ thi hành. Anh sử dụng tối đa lối trả lời của mình bằng cách gật đầu thay tiếng nói. Dần dần mọi người đều quen cái thói ấy của Huynh, chẳng ai muốn làm phiền anh nữa. Có việc thì anh làm, không việc, anh đứng ngắm trời ngắm đất hoặc nghỉ ngơi, nhất định không tham gia bất cứ cuộc sinh hoạt nào. Trường hợp bị bắt buộc tham dự anh ta không khi nào mở miệng cho ý kiến. Sự tịnh khẩu bất đắc dĩ ấy về sau đã gây nỗi khó khăn cho chính anh ta. Nghe nói khi sắp được trả tự do, được gọi lên làm thủ tục, anh ta ngọng nghịu trả lời không ra tiếng khiến viên cán bộ đã nổi giận dọa giữ anh ta lại...


– Thì ra anh ta có nỗi khổ tâm như thế! Đâu lạ gì trong chốn tù tội thường có một hạng người chuyên đặt điều làm hại kẻ khác để lập công? Nhưng bây giờ anh ta đã ở ngoài đời sao còn cố chấp như thế? Nếu cứ ôm niềm phẫn hận mà tự cô lập mình mãi anh ta làm sao sống nổi?


Anh Tần tiếp lời:


– Nghe nói sau khi ra tù, anh ta trở về đoàn tụ với gia đình ở thành phố, tâm tánh anh ta cũng dần phục hồi. Thế nhưng khi anh ta phát giác được chuyện vợ mình thiếu chung thủy trong thời gian anh ta còn ở tù thì chứng cũ của anh ta tái phát. Cách hành xử đặc biệt của anh ta đã khiến người vợ chịu không nổi phải bỏ đi, để lại mấy đứa con. Có lẽ vì bất mãn và cảm thấy mất mặt với láng giềng, anh đem con cái trở về làng cũ, nơi còn có nhà cửa của cha mẹ anh để nương dựa. Khổ nỗi giờ lại sống kiếp “con trâu kéo cày trả nợ” trường kỳ thế này bệnh anh ta làm sao giảm được?


Tôi tin người ta đã nói đúng! Giờ thì tôi đã nhớ lại ngày xưa Huynh hoạt bát, vui vẻ, tốt bụng lắm! Có lẽ chính những người thân thiết với anh đã làm hại anh mới gây nên tình trạng hiện tại! Huynh đáng thương hơn là đáng trách. Từ đó tôi luôn bênh vực Huynh, luôn tìm cách giải thích cho người khác cùng hiểu về hoàn cảnh của Huynh. Tuy vậy, tôi vẫn chẳng muốn gần Huynh vì ngại Huynh phiền...


Một thời gian sau đó, có vài người quen đi vùng kinh tế mới ở Đồng Xoài về thăm làng. Họ cho biết trong đó đất đai mầu mỡ, làm ăn thoải mái lắm. Họ cũng cho biết chính quyền ở đó đang khuyến khích, chiêu dụ dân lưu tán đến lập nghiệp. Đối với hạng người còn mang nhiều nợ nần với chế độ, tại địa phương luôn bị theo dõi, đối xử phân biệt, làm việc quần quật quanh năm vẫn đói thiếu triền miên như chúng tôi thì đó là một tin đáng mừng. Chúng tôi đã muốn thoát cảnh sống này từ lâu nhưng chưa biết nơi nào có thể dung thân nên chưa thực hiện. Giờ cầm chắc được tin này, tại sao không rủ nhau "đi tìm tương lai"? Thời gian gần đây trong quần chúng vẫn truyền tụng câu tục ngữ mới "Muốn sức khỏe nạo thai, Muốn tương lai đi kinh tế mới", tất nhiên việc ra đi của chúng tôi cũng không đến nỗi nghịch ý chính quyền địa phương. Họ cũng muốn tống khứ bớt chúng tôi cho rảnh mắt, rảnh đất rảnh nhà thêm...


Thế là cả chục gia đình chúng tôi chuẩn bị kéo nhau vô Nam lập nghiệp.


Vì chẳng tiếp xúc với ai nên Huynh không biết gì về việc này. Với cái tính khinh khỉnh, khó chịu như thế ai dám rủ rê anh ta? Tôi suy nghĩ về Huynh mà thương cho anh ta quá. Những người có chút hiểu biết về Huynh đều ở trong số người sắp ra đi này cả. Mai mốt đây họ đi hết rồi, anh ta sẽ ra sao khi làm việc với đám người không hiểu một tí gì về anh? Nghĩ đi nghĩ lại tôi không đành lòng bỏ anh ta...


Hai hôm trước khi đi, tôi tìm đến nhà Huynh. Lúc ấy Huynh đang ngồi lượm sạn trong rá lúa với đứa con trai khoảng mười hai tuổi. Vẫn thái độ bất cần, khinh khỉnh, Huynh đưa mắt nhìn tôi mà chẳng thèm chào hỏi. Thái độ ấy đã khiến tôi muốn bỏ mặc anh ta mà đi ngay, nhưng rồi tôi cố nén giận để thốt ra:


– Tôi đến để giã từ anh, hai ngày nữa tôi sẽ đi vùng kinh tế mới!


Nghe tôi nói xong thằng con Huynh mắt sáng rỡ lên:


– Ba ơi, gia đình thằng Hảo cũng sắp đi vùng kinh tế mới. Nghe nói trong đó đất tốt làm ăn rất dễ, không bị đói như ở đây đâu! Sao mình không đi với họ?


Huynh trừng mắt nhìn thằng con làm nó sợ hãi cúi mặt xuống. Nhưng bỗng nhiên Huynh thay đổi thái độ, ánh mắt anh dịu xuống. Anh hỏi tôi:


–Anh đi kinh tế mới à? Liệu làm ăn khá hơn ở đây không?


Đây là lần đầu sau ngày gặp lại Huynh, tôi nghe anh ta nói một câu khá dài. Thấy Huynh đã có vẻ quan tâm tới chuyện này, tôi kể sơ cho anh ta nghe về cuộc hành trình mà chúng tôi đang chuẩn bị. Nghe xong, Huynh khẩn khoản nói:


– Cho ba cha con tôi đi với!


Tôi sốt sắng:


– Muốn đi cứ đi chứ ai ngăn cấm anh đâu! Chuẩn bị sẵn sàng sáng mốt lên đường được không? Những điều cần thiết anh có thể hỏi anh Dự để biết rõ hơn nhé!


Thế là Huynh ráo riết chuẩn bị để đi theo chúng tôi. Thật sự tài sản của Huynh cũng chẳng có gì. Chỉ có cái xác nhà đáng kể anh có thể tính toán sau cũng được. Phải phòng nếu chuyến đi không ra gì thì còn trở về nữa chứ!


***


Ngày lên đường, cha con Huynh đi cùng chuyến xe khách liên tỉnh với chúng tôi. Tôi ngồi cách xa Huynh bốn ghế trên băng đối diện. Huynh vẫn lầm lì không bắt chuyện với ai. Khi đến bến xe Đà Nẵng, có vài người khách xuống xe và một toán khác bước lên. Có ba người, một nam hai nữ, được xếp ngồi đối diện với cha con tôi. Cả ba cũng khoảng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn vài ba tuổi. Bỗng nhiên tôi thấy ánh mắt Huynh sáng rỡ lên khác thường. Anh ta nhìn những người mới lên xe rồi nhìn tôi. Vẻ thiện cảm, vui tươi hiện rõ trên gương mặt anh. Đây là lần đầu từ khi gặp lại Huynh tôi thấy anh vui vẻ thật sự.


Thình lình Huynh đứng dậy tiến lại trước mặt tôi. Tôi nghĩ chắc anh muốn nói gì với tôi. Huynh lịch sự chào mấy người kia rồi nhã nhặn quay sang tôi nói:


– Cảm phiền anh cho tôi đứng đây một lát, có lẽ tôi đang gặp mấy người quen. Tha hương ngộ cố tri, anh thông cảm nghe.


Tôi hơi ngạc nhiên, cười vui gật đầu. Huynh liền quay lại hỏi chuyện ba người kia. Đúng là những người quen biết cũ của Huynh thật. Tôi nói:


– Để tôi đổi chỗ anh ngồi đây nói chuyện cho tiện.


Nhưng thằng con tôi ngồi cạnh tôi nhanh nhẹn đứng dậy nhường chỗ:


–Mời bác ngồi đây!


Thế là Huynh ngồi xuống cạnh tôi. Bốn người họ bắt đầu nói chuyện râm ran. Lúc này tôi thấy con người cù rù buồn bã lạnh lùng của Huynh đã biến hẳn. Huynh đã thành một người vui vẻ, ăn nói duyên dáng, hoạt bát lạ lùng. Dần dần tôi biết được người đàn ông là nhạc sĩ Dương Mới, hai người đàn bà một là vợ ông Dương Mới và một là nghệ sĩ Minh Tuyết đều từng phục vụ trong ngành tâm lý chiến thời trước. Bà Dương Mới ít nói. Riêng nhạc sĩ Dương Mới ăn nói rất lưu loát lại pha thêm ít nhiều tính chất hoạt kê khiến cuộc nói chuyện thêm vui vẻ, hào hứng. Qua những lời của họ, tôi biết được Huynh và nghệ sĩ Minh Tuyết đã có thời quen biết thân mật với nhau. Chồng Minh Tuyết đã tuyệt tích sau một lần vượt biên...


Xe đang qua đèo Rù Rì thì một cái lốp bị xẹp. Khi mở bánh xe xơ cua để thay tài xế mới biết được lốp xe này cũng xẹp luôn. Bất đắc dĩ xe phải ngưng giữa đèo đợi người phụ xe quá giang xe khác tìm chỗ vá lốp. Hành khách đều xuống xe kẻ ngồi người đứng bên vệ đường. Mấy phút sau tôi nghe các hành khách nói chuyện với nhau:


– Đi vá lốp khoảng bao lâu nhỉ?


– Lâu mau chi cũng phải đợi chứ biết làm sao bây giờ?


– Tôi hỏi vì có việc cần làm chứ. Gần đây khoảng hai trăm thước có một cái am nghe linh lắm. Ai đến đó mà thành tâm cầu nguyện thì cầu chi được nấy. Nếu đợi lâu chừng một tiếng mình có thể tới đó cầu khấn một chốc biết đâu lại chẳng gặp được điều hên!


– Tôi cũng đã nghe nói chỗ đó linh thiêng lắm. Nhưng đặc biệt là mình phải vừa lạy vừa cầu nguyện lớn tiếng chứ nói lầm thầm thì không bao giờ ứng nghiệm.


– Sao kỳ dữ vậy? Thánh thần linh thiêng nói to nói nhỏ gì các ngài lại không nghe được? Mình nghĩ trong bụng các ngài cũng biết nữa là! Cầu khấn mà phải lớn tiếng thì những ước muốn thầm kín của mình bị người ngoài biết hết!


– Ở đây người ta nói vậy mình không muốn nghe thì thôi! Có ai bắt buộc ai cầu đâu?


– Tôi thì cứ nghe chuyện thần thánh là lo "kính nhi viễn chi" cho chắc!


Ông tài xế nghe hành khách bàn tán thì xen vào:


– Việc đó có thật đấy, tôi nghe nói vị thần trấn nhậm nơi này vốn là một đồng nam mắc chứng lảng tai bị tử nạn ở đó nhằm giờ linh nên được phong thần. Ngài nhân đức lắm, chỉ biết giúp người chứ không hại ai bao giờ. Bọn tài xế chúng tôi vẫn thỉnh thoảng ngừng ở đó để thắp hương cầu nguyện. Đằng nào khi thay lốp xong xe cũng phải chạy tới đó. Ai muốn cầu điều gì cứ tới đó cầu xong đứng tại chỗ đợi xe luôn cũng được. Hương có sẵn trong xe, bà con ai cần cứ lên lấy mà thắp.


Thế là bà con lấy mấy nén hương xuống chia nhau rồi thả bộ đến am. Khi đến gần am, ai nấy đều giữ vẻ hết sức nghiêm chỉnh, thứ tự từng người bước vào lễ bái. Am chỉ là một căn chòi vách ván mái ván nhỏ nền rộng không quá bốn thước vuông, chỉ vừa đặt một cái bàn thờ. Người khấn nguyện phải đứng trước cửa am lạy vào bên trong. Quả thật rất nhiều người đã thành tâm nói lớn ước muốn xin thần giúp đỡ. Chỉ có vài người thắp hương vái lạy nhưng không khấn nguyện. Tôi đứng kế sau vợ chồng nhạc sĩ Dương Mới. Trong số quen biết của tôi, người đầu tiên đến trước am là Huynh. Tôi thấy vẻ mặt anh hết sức thành khẩn, anh khấn lớn: "Xin thần linh giúp đỡ con, nếu ngài biết được người nào thương con xin ngài khiến người ấy lên tiếng cho con biết!"


Nghe lời khấn đó tôi vừa cảm động vừa tức cười. Có lẽ vợ chồng Dương Mới cũng thế. Khi mọi người trở lui, Dương Mới cười hỏi tôi:


– Khi nãy anh nghe ông Huynh khấn thế nào không?


Tôi gật đầu. Dương Mới tiếp:


– Hình như ông ta bị xóc về tình cảm.


Đến đây thì mọi người hú nhau báo hiệu xe đã thay lốp xong. Khi ai nấy đã yên vị trên xe, Dương Mới nói với bà Minh Tuyết:


– Chị Minh Tuyết này, ở đời không hiếm chi chuyện gương vỡ lại lành phải không chị? Như anh Huynh nói, ngày xưa anh ấy đã suýt gắn bó với chị. Bây giờ cả hai đều gặp tình trạng nửa đường gẫy gánh, sao anh chị không gắn thử gương vỡ để nương tựa nhau trong quãng đời còn lại? Dù sao cố nhân vẫn hơn người khác chứ!


Bà Minh Tuyết cười:


– Anh muốn làm ông mai hả? Cũng được thôi ông nhạc sĩ ạ. Nếu anh Huynh còn đoái nghĩ đến tình xưa, lẽ nào tôi dám chối từ?


Dương Mới nhìn Huynh hỏi:


– Chị Minh Tuyết chịu rồi đó, anh Huynh nghĩ thế nào?


Vẻ mặt Huynh rạng rỡ lên một cách dị thường, Huynh hỏi trỗng:


–Không lẽ lời nguyện của tôi đã được thần linh đáp ứng?


Những người ngồi quanh đó cười rân lên. Dương Mới vui vẻ nói:


– Vậy là hai bên đã đồng ý. Hôm nay anh Huynh, chị Minh Tuyết và vợ chồng tôi tình cờ găp nhau sau nhiều năm xa cách chắc hẳn cũng do ý trời. Vì tương lai hạnh phúc của anh và chị, tôi xin tình nguyện đứng ra kết hợp cho hai người. Tôi là người cùng đi với chị Minh Tuyết, coi như tôi đại diện bên đàng gái. Ông anh đây (ông ta chỉ vào tôi) đi với ông Huynh coi như đại diện đàng trai. Để hôn sự được tiến hành tốt đẹp, trước tiên, xin đại diện đàng trai vui lòng đứng dậy đổi chỗ cho cô dâu để đôi trẻ được gần gũi nhau.


Tôi vui vẻ đứng dậy rời chỗ ngay:


–Xin tuân lệnh đại diện nhà gái. Tôi đã sẵn sàng, xin mời cô dâu.


Bà Minh Tuyết tươi cười đứng dậy bước sang phía Huynh. Huynh cũng vồn vã đứng lên đưa cả hai tay nắm tay bà Minh Tuyết kéo bà ngồi xuống chỗ tôi vừa rời khỏi. Hai người chưa kịp nói gì thì Dương Mới đã làm ra vẻ trịnh trọng lên giọng:


– Thưa bà con hai họ, Hôm nay là ngày lành tháng tốt…


Với khiếu ăn nói hài hước, Dương Mới làm như mình đại diện hai họ thật, phát biểu những lời chào mừng quan khách, sau đó lại đại diện quan khách chúc mừng tân lang và tân giai nhân bách niên giai lão. Những người chung quanh đã vỗ tay vang rân khiến những người ngồi xa không biết việc gì đều ngơ ngác quay lại nhìn. Huynh càng xích lại sát bà Minh Tuyết, giọng anh có vẻ xúc động:


– Quả thật “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”! Anh cám ơn Minh Tuyết vô cùng. Em là vị nữ thần nhân hậu đã ban phép tái sinh cho anh. Không ngờ trên bước đường cùng này em lại hiện ra để cứu vớt linh hồn anh! Từ nay…


Hai người đã trao nhau những lời thương yêu mặn nồng như đôi vợ chồng mới cưới thật một cách công khai. Những người chung quanh ban đầu cũng chú ý theo dõi nhưng lát sau họ bắt đầu ngủ gà ngủ gật hoặc đem đồ ăn ra ăn. Huynh và nghệ sĩ Minh Tuyết vẫn say sưa bày tỏ tâm tình. Bà Dương Mới hích cùi tay vào tôi ra hiệu và hỏi nhỏ:


– Cái ông này sao lại làm như chuyện thật vậy kìa?


Tôi chưa biết trả lời thế nào thì Dương Mới ghé miệng vào tai vợ nói nhỏ:


– Cá mắc cạn lâu ngày gặp nước mà!


Câu nói ngộ ngộ của Dương Mới khiến tôi không khỏi tức cười. Lúc ấy Huynh và Minh Tuyết có lẽ đã quên hết nhưng người chung quanh. Bàn tay Huynh vẫn nắm chặt bàn tay người nữ nghệ sĩ như sợ nó vuột mất.


Vì hơi mệt mỏi nên tôi ngủ thiếp đi một chốc. Khi tỉnh lại, tôi nghe bà Minh Tuyết nói pha lẫn tiếng cười:


– Anh nói anh sẽ gắng làm lụng để cho em sung sướng suốt đời nhưng ở vùng kinh tế mới anh làm sao bảo đảm điều ấy được? Em nghe nói ở những nơi ấy người ta tự nuôi mình còn không nổi làm sao đùm bọc người khác?


– Em cứ tin anh đi! Vùng kinh tế mới này đất đai mấu mỡ lắm. Anh đã thăm hỏi rất kỹ trước khi đi mà! Anh tin có em bên mình anh sẽ phấn chấn để làm việc gấp hai gấp ba…


Nhạc sĩ Dương Mới đột nhiên phá lên cười:


– Trời ơi, anh lao động cực lực như vậy thì về nhà còn làm ăn gì được nữa?


Những người ngồi gần đó cũng đồng loạt cười theo. Bà Minh Tuyết cũng cười. Chỉ một mình Huynh có vẻ cụt hứng. Anh tiu nghỉu quay lại nhìn chằm chằm ông nhạc sĩ. Có lẽ hối hận vì sự phá đám của mình, Dương Mới vội nói:


– Xin lỗi anh Huynh, xin lỗi chị Minh Tuyết, tôi thật vô tình, mong anh chị bỏ qua!


Bà Minh Tuyết cười giả lả:


– Lỗi phải cái gì! Vở kịch nào mà chẳng có lúc chấm dứt? Nãy giờ tôi đã đóng vai tuồng của mình một cách tận tình quí vị thấy không? Thành thật cám ơn quí vị đã quan tâm theo dõi. Giờ tôi sắp xuống xe rồi. Xin chúc quí vị tiếp tục cuộc hành trình vui vẻ.


Lúc đó tài xế đã cho xe chầm chậm rà sát lề đường rồi ngừng lại. Nghệ sĩ Minh Tuyết, vợ chồng nhạc sĩ Dương Mới và vài hành khách khác đứng lên lấy hành lý. Một trong số hành khách ấy còn tần ngần tỏ ý tiếc rẻ:


– Giá như đi thêm được một đoạn nữa thì hay biết mấy!


– Tạm biệt anh Huynh nhé! – Nghệ sĩ Minh Tuyết xiết chặt tay Huynh trong khi anh ta ngẩn ngơ, bối rồi không thốt nên lời…


Mấy hành khách mới lên ồn ào chen lấn tìm chỗ ngồi. Bà Dương Mới nhìn Huynh và bà Minh Tuyết rồi quay lại nói với tôi:


– Anh thấy đúng là những người nghệ sĩ không? Tạm biệt anh.


Huynh lặng người nhìn theo những hành khách đang xuống xe. Khi xe chuyển bánh trở lại, anh lầm bầm: “Thế này thì tôi muốn thấy lại tôi cũng không được nữa!” Rồi anh ngồi phịch xuống băng ghế. Trong phút chốc anh đã hoàn toàn trở lại con người cù rù củ rủ như trước. Thằng con anh đem gói xôi lại ngồi vào chỗ bà Minh Tuyết vừa rời khỏi, nó nói với anh:


– Đói bụng quá rồi, mình ăn ba hè!


– Mày đói thì ăn đi! – Huynh nói xong lại ngồi thẫn thờ như thả hồn tận đâu đâu…


Ngô Viết Trọng

VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page