top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
BIỀN BIỆT TIN CHA

THANH TÂM

Khi Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH tại Hoa Kỳ phát động việc gây quỹ giúp thương phế cảnh và gia đình tử sĩ CSQG, ngoài danh sách nhân viên Cảnh Sát các cấp hy sinh và mất tích trong tháng Ba và tháng Tư đen, Ban Điều Hành Tổng Hội có đưa ra danh sách nhân viên CSQG đã chết trong các trại tù cộng sản và yêu cầu những ai có tin tức liên quan thì bổ sung. Anh Ánh, khoá 3 BTV, đã cho Ban Điều Hành Tổng Hội biết một Đại Uý CSQG tên Lê, khoá 2 BTV, đã chết vì tai nạn trong khi đi lao động ở một trại tù miền Tây Nam Phần.


Một thời gian sau, tôi nhận được email của anh Bình, khoá 3 BTV, cùng là bạn tù với anh Ánh và tôi cho hay, anh và anh Ánh có bắt được liên lạc với cháu Hiền, con gái của anh Lê, và nói cháu Hiền muốn liên lạc với tôi. Anh Bình cũng không quên kèm theo email của cháu Hiền gửi cho anh ấy và email của anh trả lời cháu Hiền. Cơ duyên nào mà cháu Hiền biết anh Ánh và anh Bình thì tôi có nghe kể nhưng đã quên. Theo yêu cầu của anh Bình, tôi ghi vài dòng giới thiệu về mình gửi qua email của cháu Hiền. Những trao đổi giữa cháu Hiền và tôi đôi khi qua email, đôi khi qua những “tin nhắn” trên phone bắt đầu từ đấy. Những điều tôi ghi lại sau đây là theo lời kể của cháu Hiền.


Cháu Hiền, từ nhỏ cho đến nay rất muốn biết thực hư về cái chết của cha cháu là anh Lê. Cháu muốn liên lạc với tôi vì cháu được anh Ánh và anh Bình cho biết tôi là người bạn tù ở cùng buồng với anh Lê và cũng là người đã đưa anh Lê đi chôn sau khi anh Lê bị thiệt mạng trong một tai nạn khi lao động. Năm anh Lê bị nạn, cháu Hiền chỉ mới vài ba tuổi, nên không biết gì về cái chết của cha, lớn lên mới nghe bà nội và mẹ kể lại. Bà nội và mẹ của cháu kể cũng mơ hồ lắm vì chỉ có mẹ cháu là chị Vân, vợ anh Lê, nghe tên công an của trại tù cho hay khi chị đến thăm nuôi mà không gặp được chồng, rằng anh Lê đã chết vì bị tai nạn lao động. Công an trại giam có đưa chị Vân đến nơi đã chôn anh Lê trước đó vài tuần. Ba tháng sau khi viếng mộ chồng, chị Vân đã cùng mẹ chồng mướn người đến bốc xác anh Lê về quê, thuộc một tỉnh khác ở miền Tây. Bà nội và mẹ cháu đem xác về chôn, nhưng trong lòng không biết chắc đó có phải là xác của anh Lê. Những điều công an trại giam nói, mẹ và vợ anh Lê chỉ nghe chứ chẳng dám tin. Có thể anh đã bị thủ tiêu rồi bỏ xác ở đâu đó, hay có thể anh đã bị chuyển đến một trại giam nào khác mà công an không muốn cho gia đình biết. Mẹ cháu Hiền đôi lần đi thăm nuôi anh Lê, có gặp một người cùng đi thăm chồng tên Đức, ở cùng một buồng giam với anh Lê. Vì không ở cùng quê nên chị Vân đã không hỏi địa chỉ của vợ anh Đức, nên sau này không biết vợ anh Đức ở đâu để kiểm chứng tin anh Lê chết sống thế nào.


Khi cháu Hiền đã trưởng thành thì cháu quyết lòng tìm cho ra tông tích của cha. Anh Mẫn, một người bạn cùng lớp thời trung học và cùng học khoá 3 BTV với anh Lê, sau khi ra tù, có đến thăm gia đình anh Lê. Anh Mẫn không biết tin tức gì của anh Lê kể từ sau ngày 30 tháng 4 vì hai người không cùng đơn vị và đi tù ở hai nơi khác nhau. Từ anh Mẫn, cháu Hiền biết thêm một số BTV khoá 2, còn ở trong nước cũng như đã định cư ở hải ngoại, nhưng cũng như anh Mẫn, họ chẳng biết gì hơn vì khác đơn vị, khác trại tù với anh Lê.


Một lần, có một người bà con nói với cháu Hiền là người ấy có gặp một người lạ trong một quán cà phê, người lạ này xưng là ở tù chung trại với anh Lê. Người lạ này nói rằng tin anh Lê chết là tin giả, và rằng anh Lê đã vượt ngục để tham gia vào một tổ chức bí mật nào đó. Người lạ này còn nói là vào ngày có tin anh Lê chết, ông ta có thấy xác một người bó trong cái chiếu nhưng cái xác đó nhỏ hơn nhiều so với dóc váng của anh Lê. Người bà con của cháu Hiền nhớ tên người lạ nhưng không biết người lạ đó ở đâu, khiến cháu Hiền mất rất nhiều thời gian để tìm người đó nhưng chẳng bao giờ được gặp. Tuy nhiên cái tin từ người bà con nghe được qua người lạ đã an ủi bà nội và cháu Hiền rất nhiều, bà cháu tin rằng anh Lê còn sống, và cứ mong một ngày nào anh Lê bất ngờ trở về với gia đình. Bà nội cháu Hiền, mẹ của anh Lê, đã qua đời cách đây 5, 6 năm, trong lòng bà vẫn còn tin rằng anh Lê còn sống.


Khi lần đầu trao đổi với tôi qua “tin nhắn”, cháu Hiền rất xúc động vì đã gặp được người biết rõ về cái chết của ba cháu. Cháu tới tấp đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác liên quan đến sự liên hệ giữa tôi với anh Lê và về cái chết của anh ấy. Tôi nhớ đến đâu kể đến đó khá chi tiết từ khi tôi nghe tin anh Lê chết, đến thăm xác anh Lê trước khi anh được bỏ vào cái hòm bằng gỗ rẻ tiền, thương tích của anh thế nào, và tôi đã cùng những ai đi chôn anh Lê. Tôi không muốn kể cháu nghe cái cái hòm đó bề ngang hẹp hơn đôi vai của anh Lê, sợ cháu càng mủi lòng hơn. Có vài ba lúc cháu Hiền đã ngừng lại cuộc bút thoại khá lâu khi nghe tôi kể từng sự việc quá rõ ràng, không có gì để cháu có thể nghi ngờ rằng câu chuyện đã bị tôi vẽ vời hay tưởng tượng ra. Tôi rất buồn vì nhận ra cháu Hiền đã đau đớn và thất vọng như thế nào khi biết được sự thật rằng cha cháu đã vĩnh viễn không còn trên cõi đời này nữa. Tôi cũng băn khoăn tự hỏi rằng khi nói ra sự thật não lòng như vậy, tôi đã làm một việc đúng hay sai. Tôi lại tự an ủi mình rằng với thời gian, với cuộc sống khó khăn phải đối diện hàng ngày, cháu Hiền rồi cũng sẽ nguôi ngoai.


Tôi cũng có nghĩ đến việc người bà con của cháu Hiền có thể đã dựng nên câu chuyện gặp một người lạ ở quán cà phê là nhằm để an ủi mẹ, vợ, và các con của anh Lê. Nếu đúng như tôi nghĩ, thì người bà con này đã làm được một điều rất đáng ca ngợi. Câu chuyện đã giúp cháu Hiền ấp ủ niềm tin rằng cha mình còn sống để thi hành một công tác bí mật nào đó, công tác đó là gì nếu không phải là công việc phục quốc? Cháu Hiền có gửi cho tôi một bài thơ cháu làm cách nay đã hơn mười năm, nói về tâm sự của bà nội và cháu đang mong chờ người con, người cha anh hùng chưa làm xong nhiệm vụ nên chưa thể trở về với gia đình. Không chỉ trong bài thơ này, mà trong những bài thơ đủ thể loại khác của cháu Hiền, tôi nhận ra được điểm đặc biệt là ngôn ngữ cháu dùng hoàn toàn là ngôn ngữ của người Việt miền Nam trước 1975, không pha trộn một chữ nào của cộng sản hay của người dân trong nước sau này. Một lần đề cập việc đưa mẹ cháu đi trị bệnh, cháu không nói là thành phố Hồ Chí Minh như hầu hết người Việt trong nước hiện nay đang dùng, mà cháu nói rất tự nhiên rằng “Hôm nay cháu đưa mẹ cháu lên Sài Gòn trị bệnh.” Khi tôi nói với cháu Hiền về nhận xét của tôi trong cách cháu dùng từ ngữ khác với ngôn ngữ của người dân xã hội chủ nghĩa, cháu Hiền rất mừng vì có người nhìn ra điều đó, vì trong thâm tâm, cháu không muốn bị “hoà lẫn” với những người khác. Theo tôi, cháu Hiền là một người con gái, một phụ nữ dù sống trong lòng chế độ cộng sản, vẫn luôn giữ được niềm hãnh diện về người cha của mình, nên lúc nào cũng vẫn mang trong lòng sự phản kháng đối với chế độ mới, thể hiện qua lời ăn tiếng nói và những bài thơ nhẹ nhàng đầy tình người.


Cá nhân tôi, sống gần 9 năm trong các trại tù cộng sản, thêm gần 1 năm trong tù vì tội “vượt biên ra nước ngoài để chống lại nhà nước và nhân dân” đã bị tiêm nhiễm nhiều “từ” của cộng sản. Ra hải ngoại, đôi lúc tôi vẫn còn nói một vài từ ngữ của cộng sản hay dùng, nên hay bị các bạn sửa lưng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì mình không được như cháu Hiền, một hậu duệ CSQG, vẫn còn giữ được thuần chất ngôn ngữ miền Nam, một miền Nam Việt Nam Cộng Hoà, dù đã trải qua gần 50 năm biền biệt tin cha.


Thanh Tâm

20 tháng 3 năm 2023


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page