VĂN
VANN PHAN
Trích thư của tác giả:
“Dăm nghìn da ngựa” là truyện thật của hai vị anh hùng CSQG trước ngày miền Nam Tự do mất vào tay Cộng sản năm 1975. Một vị là Trưởng Cuộc CSQG, còn vị kia là Chỉ Huy Trưởng CSQG Tỉnh, hai người vị quốc vong thân trong hai trường hợp khác nhau và chỉ cách nhau có ba tháng…
… Là một người viết văn và là một chứng nhân của lịch sử, khi thuật lại câu chuyện đau thương, cảm động và đầy tự hào này, tác giả mong sao mọi người hãy vững tin rằng, với hồn thiêng sông núi và sức phù trợ của các vị anh hùng đã vị quốc vong thân, chẳng chóng thì chầy dân tộc Việt Nam sẽ thoát khỏi xích xiềng nô lệ của người đồng chủng, hưởng được đầy đủ mọi quyền Tự do, Dân chủ như các dân tộc may mắn khác trên thế giới.”
***
Trung Tá Lê Phó đăm chiêu nhìn vào chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ của người sĩ quan trẻ tuổi dưới quyền vừa mới được truy thăng cố Trung Uý trong một buổi lễ ngắn gọn nhưng uy nghiêm với đông đủ sĩ quan và nhân viên Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên tại Hội Trường Tiểu Khu An Xuyên, Cà Mau. Thái độ trầm ngâm và lúc nào cũng như đang đắm mình trong những suy nghĩ miên man này không phải là điều thường thấy nơi vị Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên, vốn nổi tiếng trên toàn đơn vị là một cấp lãnh đạo hoạt bát, năng động và sôi nổi. Vị sĩ quan Cảnh Sát đã vị quốc vong thân là Phan Đại Đồng, Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia Khánh An thuộc Chi Khu Thới Bình. Cái chết của vị sĩ quan anh hùng này đã chấm dứt một trận chiến kéo dài đúng 25 ngày trong đó tiền đồn Khánh An –và cũng là trụ sở hành chánh Xã– đành thất thủ trước hàng chục đợt xung phong biển người của một lực lượng tấn công cấp Đại đội của Cộng quân.
Từ hôm kia đến nay, vị Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh An Xuyên cảm thấy ruột mình lúc nào cũng cồn cào và nóng ran như bị lửa đốt. Đối với ông, cái chết của Thiếu Uùy Đồng, còn hơn cảø việc Khánh An thất thủ, là cái mất mát lớn lao nhất mà ông đang cảm nhận, bởi vì vị sĩ quan vừa nằm xuống là một trong số các cấp chỉ huy trẻ tuổi và ưu tú vừa mới được bổ sung cho Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên sau khi các chàng trai này tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Họ thuộc một đợt sĩ quan trẻ trung, nhiều sáng kiến, đa năng, đa hiệu, và đặc biệt kiên cường. Họ cũng chính là những sĩ quan đầu tiên được tôi luyện một cách chính quy tại một trường huấn luyện Cảnh Sát có tầm vóc tương đương với các trường võ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
“Thiếu Uý Đồng chết lúc nầy là một thiệt hại lớn cho mình! Riêng tôi thấy như Bộ Chỉ Huy vừa bị mất một cái gì quý giá, thân thương lắm vậy! Hai đêm rồi tôi không tài nào chợp mắt được, cả người cứ như hâm hấp sốt, miệng thì đắng ngắt,” Trung Tá Phó nói lời tâm sự với Thiếu Tá Bằng, người Chỉ Huy Phó của ông.
Thiếu Tá Bằng gật gật cái đầu, tay ông mải mê khơi khơi một chiếc bấc đèn đang bị cháy ngắn đi vì ngọn lửa nến lung linh, chập chờn trong đêm dài tưởng như vô tận trên quan tài người quá cố:
“Tôi cũng đồng ý với Trung Tá rằng Thiếu Uùy Đồng là một sĩ quan ưu tú và hết sức gan dạ của đơn vị. Sự hy sinh và lòng dũng cảm của người trai trẻ này đáng được khắc ghi vào sử sách, chẳng những của ngành Cảnh Sát Quốc Gia mà của cả quân, dân Miền Nam Việt Nam nữa. Như người khác thì đã đầu hàng theo đề nghị của địch, hoặc lặng lẽ bỏ đồn sớm hơn mà thoát thân khi đã biết quân số tham dự cuộc tấn công của Việt Cộng đông gấp 6 lần quân số phòng ngự của mình.”
Hai hàng nến chong sáng trưng, lâu lâu lại dạt về một bên theo từng cơn gió Đông lạnh lẽo, như muốn ôm ấp lấy để chuyền hơi ấm cho chiếc quan tài của Cố Trung Uý Đồng, được kê cao trên đôi giá ngựa gỗ đặt ngay lối vào rộng thênh thang của hội trường. Bốn sĩ quan canh xác của ngành đang đứng trong tư thế nghiêm, gương mặt họ vừa trang trọng vừa thoáng nét suy nghĩ mông lung như thể họ đang cố nhớ lại dáng dấp thư sinh và nụ cười rộng mở của vị sĩ quan Cảnh sát trẻ tuổi chuyên “phá mồi” trong các buổi nhậu, vì anh thường bảo rằng tín đồ Đạo Tin Lành như anh không được phép uống rượu nhiều, tức là chỉ uống “nhắp môi” lấy lệ rồi cứ chăm chú lo ăn mà thôi. Cũng may là thường thường thì chính anh lại là người soạn mồi cho bạn bè nhậu nên chẳng ai dám có ý nghĩ sẽ đi mời Thiên Lôi xuống trừng trị “bọn phá mồi” như anh!
Bây giờ thì một người năng động và linh hoạt như anh đã nằm yên trong hòm kẽm với chiếc quan tài bằng gỗ bao bọc bên ngoài. Bây giờ thì anh đành giã từ chẳng những các buổi nhậu “đông-vui-hao” trong đơn vị thân thương mà còn cả những ba-lô, súng, đạn, mìn, bản đồ… lẫn những đêm thức sâu vì chiến trận trên các chiến trường gai lửa nhưng không hề có giới tuyến rõ rệt, đó là các thôn, xóm lẻ loi nơi đó các Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia địa phương vẫn là mục tiêu hàng đầu của du kích cũng như bộ đội chính quy Cộng Sản trong cuộc chiến tranh xâm lược và thôn tính Miền Nam Tự Do đã kéo dài gần ba thập niên mà vẫn chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
* * *
“Aàm! Aàm! Aàm!”
Tiếng chạm nổ của đạn súng cối yễm trợ bắn từ Chi Khu Thới Bình làm rung chuyển cả vòng rào phòng thủ Xã Khánh An, nơi đồn trú của một lực lượng Nghĩa quân cấp trung đội và một phân đội Cảnh Sát Quốc Gia. Nói là vòng rào phòng thủ cho quan trọng lên, chớ thiệt ra đây chỉ là những đọan vòng kẽm gai concertina được nối kết lại quanh Trụ sở Xã, có gài lựu đạn và một số mìn Claymore lọai phòng thủ.
Từ gần một tháng nay, Xã Khánh An đã trở thành mục tiêu tấn công dồn dập của một lực lượng Cộng quân cấp Đại đội đang nóng lòng muốn tấn công lấn chiếm xã này đặng làm điểm tập trung quân trong mưu đồ tấn công vào quận lỵ Thới Bình cách đó chừng 15 ki-lô mét theo đường chim bay. Cuộc tấn công đang diễn tiến là hoạt động mở màn cho một kế hoạch quân sự lớn lao của Cộng quân lúc đó đang ráo riết chuẩn bị khởi động một đợt tổng tấn công nhắm vào các quận lỵ tỉnh lỵ và thành phố trên toàn thể Miền Nam Việt Nam. Tất cả các hoạt động này đều nằm trong kế hoạch tổng tấn công, tổng nổi dậy mới của Trung Ương Cục Miền Nam là cơ quan trực tiếp nhận mệnh lệnh của Cộng Sản Bắc Việt tại Hà Nội trong cuộc chiến tranh phá hoại và lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ngay sau ngày Hiệp Định Hoà Bình Ba-lê được ký kết vào tháng Giêng năm 1973.
“Xin cám ơn Đại Uùy Thành đã yễm trợ! Địch đã rút lui sau khi bị chận lại nơi vòng ngoài của trụ sở Xã, thiệt cũng là nhờ mười mấy phát súng cối yễm trợ của Chi Khu,” giọng Thiếu Uùy Đồng nghe khá rõ qua máy PRC-10 là đường giây liên lạc duy nhất còn lại với Chi Khu Thới Bình sau hơn nưả tháng trời Xã Khánh An bị vây hãm.
“Vậy là chúc mừng, nghe Đồng!” Đại Uý Thành, Trưởng Ban Ba Chi Khu trả lời vui vẻ. “Nếu đụng nặng, ‘gà cồ’ cũng sẽ gáy để giúp cậu. Ráng thoát ra sớm đặng mình còn đi nhậu tất niên nữa chớ, Đồng!”
“Gà cồ” đây là nói tới hai khẩu đại bác 105 ly thuộc một khẩu đội có mặt tại Chi Khu Thới Bình với nhiệm vụ chính yếu là bắn quấy rối và bắn yễm trợ cho các xã và các tiền đồn quan trọng trong phạm vi 15 cây số quanh quận lỵ. Trên thực tế, hai khẩu 105 ly này của Chi khu hiện không sử dụng được vì đạn đã hết từ cả tuần nay mà Cà Mau, tức Tiểu Khu An Xuyên, vẫn chưa tiếp tế bổ sung. Đại Uùy Thành đã nói gạt lực lượng phòng thủ tại Khánh An như vậy cho họ khỏi mất tinh thần, chớ không hề có ý gì khác.
Trên toàn lãnh thổ Miền Nam, tình trạng thiếu hụt quân trang, quân dụng và đạn dược của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã bắt đầu ló dạng chỉ hơn một năm sau ngày ký kết Hiệp Định Ba-lê, mặc dù khi ký kết hiệp định hoà bình có tính cách “bức tử Miền Nam” này người bạn Đồng Minh Hoa Kỳ đã cam kết sẽ bổ sung tiếp liệu đều đặn cho phía Việt Nam Cộng Hoà trên căn bản “một đổi một.” Vì thế, cũng là chuyện bình thường khi các chiến sĩ bộ binh hay Địa phương quân và Nghĩa quân của Quân Đội Cộng Hoà trên bốn vùng chiến thuật lúc đụng trận vẫn thường phải trông cậy vào hoả lực cơ hữu của chính mình chớ không còn được sự yễm trợ dồi dào và hữu hiệu của pháo binh hay phi cơ như trước kia nữa.
“Việt Cộng đã hết tấn công và rút lui mất rồi… Nhưng mà mình cũng phải lo chỉnh đốn lại công sự phòng thủ vì thế nào bọn nó cũng tấn công nữa. Hễ trời sáng, anh Thịnh cho anh em ra ngoài coi gài thêm lựu đạn vào hàng rào cho chắc ăn. Hồi nãy một số lựu đạn bên mé ruộng lúa đã nổ hết rồi, thế nào cũng có đứa trong tụi nó bị banh xác tại chỗ!” vị Thiếu Uùy Cảnh Sát trẻ măng lo dặn dò binh sĩ và nhân viên dưới quyền.
“Báo cáo Thiếu Uùy, mình chỉ còn độ hai chục trái lựu đạn nữa thôi! Đề nghị anh em xài ít ít lại. Khi nào cần lắm mới cho nổ, tỷ dụ như khi bị tụi nó tràn ngập chẳng hạn…” tiếng Thịnh, trung đội trưởng Nghĩa quân, trả lời cho vị sĩ quan chỉ huy đơn vị phòng thủ. Câu nói của người lính Nghĩa quân bao hàm ý chí cương quyết tử thủ tiền đồn cuả toàn thể anh em trong lực lượng võ trang của Xã Khánh An.
Với tư cách của một người chỉ huy đơn vị phòng thủ tại Phân Chi Khu Khánh An, Thiếu Uý Phan Đại Đồng, thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Quận Thới Bình, là người chịu trách nhiệm sau cùng trước Chi Khu về sự mất còn của cứ điểm quân sự quan trọng này nằm ngay bên dòng sông Trẹm, nơi ngã ba Khánh An. Kể từ sau khi Hiệp Định Ba-lê được ký kết, để đối phó với tình hình quân sự nghiêm trọng gây ra do các cuộc tấn công của Cộng quân nhằm lấn đất, giành dân tại Miền Nam Việt Nam, Bộ Tư Lệnh các Vùng Chiến Thuật đã tái tổ chức các lực lượng phòng thủ diện địa tại các đơn vị cấp quận và xã trên toàn quốc, thiết lập các phân chi khu và chức vụ xã phó an ninh tại mỗi xã để biến những nơi này thành những đơn vị phòng thủ vững chắc nhằm chống lại các cuộc tấn công lấn chiếm của Cộng quân. Và Khánh An là một trong những đơn vị đầu tiên mà dưới Xã trưởng còn có một Phân Chi khu trưởng kiêm Xã phó An ninh, một chức vụ nếu không do một sĩ quan Quân đội nắm giữ thì sẽ do vị Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia của xã đảm nhiệm.
Sở dĩ Cộng quân chọn Xã Khánh An làm nơi mở màn cho chiến dịch tấn công mới của họ là vì xã này nằm trên một vị trí chiến lược ở ngã ba sông, có thể kiểm soát cả trục giao thông thuỷ lộ trên Sông Trẹm từ Cà Mau lên Quận Thới Bình và ngược lại. Lý do thứ hai là vì Cộng quân đã được khích lệ rất nhiều sau cuộc tấn công đánh chiếm Căn cứ Tống Lê Chân do Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân trấn giữ hồi mùa Hè năm 1974 mà không gặp phản ứng gì từ phía Hoa Kỳ là nước từng hăm he sẽ trả đũa bằng quân sự, cụ thể là cho pháo đài bay B-52 từ Thái Lan và Đảo Guam bay sang dội bom trên đầu địch như trước đây, nếu phe Cộng Sản vi phạm lệnh ngưng bắn mà tấn công các tiền đồn quan trọng của chính phủ Miền Nam Việt Nam.
* * *
Khánh An là tên của một làng nhỏ êm đềm ngay tại ngã ba Kênh Khánh An chảy từ Tây sang Đông và Sông Trẹm chảy từ Bắc xuống Nam xuôi về miệt Năm Căn, Cà Mau. Như bao thôn xóm, làng mạc khác của Miền Nam hiền hoà đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh và binh biến, hết Pháp thuộc, qua Nhật thuộc, tới Chiến Tranh Đông Dương, và sau cùng là Chiến Tranh Việt Nam, Xã Khánh An vẫn sống yên lành giữa đất trời Miền Nam mưa nắng hai mùa. Dân trong xã phần lớn theo nghề làm ruộng và chài lưới, một số khác theo các khách thương ngược xuôi giòng sông Trẹm, lên tới tận Cần Thơ, Mỹ Tho hay xuống tới tận Năm Căn, Cà Mau, và có khi còn ra tới tận Phú Quốc nữa để buôn nước mắm.
Một nhà văn của Miền Nam Việt Nam hồi thập niên 1960 đã viết về Làng Khánh An như sau:
“Bên cạnh con kênh Khánh An êm đềm và nằm ngay nơi ngã ba Sông Trẹm lững lờ là một làng nhỏ xinh xinh, trù phú. Dân trong làng tuy không có nếp sống cao sang như Long Xuyên, Cần Thơ nhưng cuộc đời của họ khá ấm no nhờ ở đồng ruộng phì nhiêu và kênh lạch nhiều tôm cá… Thôn xóm Khánh An, ngày cũng như đêm, không ngớt tiếng ru hò trên sông nước do ở cuộc sống thanh bình, an lạc của người dân cũng có mà do ở tâm hồn đa sầu, đa cảm và nhiều mơ mộng của thanh niên nam, nữ trong làng cũng có…”
Nhưng Khánh An vào những năm sau Hiệp Định Ba-lê năm 1973 đã trở thành chỗ tranh giành ảnh hưởng giữa chính quyền Quốc Gia mà đại diện là vị Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật và các lực lượng du kích Cộng Sản địa phương được sự hỗ trợ của bộ đội chính quy Bắc Việt từ bên Miên xâm nhập qua. Khi tiếng súng vừa ngưng vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973 là ngày Hiệp Định Ba-lê bắt đầu có hiệu lực, Xã Khánh An vẫn còn nằm trong tầm tay bảo vệ của Địa phương quân và Nghiã quân Chi Khu Thới Bình, ít nhứt cũng trong vòng bán kính 10 cây số từ trụ sở Xã trở ra. Nhưng chỉ sau đó chừng một năm là xảy ra những cuộc phục kích và chạm súng đều đều giữa các lực lượng du kích địa phương và Nghĩa quân trong xã. Những trận đụng độ này ngày càng tăng mức độ trầm trọng khiến cho tới cuối năm 1974 thì tình hình an ninh của Xã coi như không bảo đảm bên ngoài phạm vi 3 cây số cách trụ sở Xã, nhứt là về đêm. Đại bác và có khi cả súng cối của Chi Khu Thới Bình, cách đó chừng 15 cây số đường chim bay, đêm đêm vẫn phải câu về để yễm trợ cho các lực lượng võ trang của xã đi kích rồi chạm địch. Và rồi trận chiến để tranh giành trụ sở Xã Khánh An, một cao điểm tương đối có tầm quan sát xa tới quận lỵ Thới Bình và có khả năng chi phối cuộc chuyển vận bằng đường sông xuống miệt Cà Mau ở mạn Nam, đã thật sự diễn ra non một tuần trước Lễ Giáng Sinh năm 1974, với một lực lượng Cộng quân cỡ Đại đội vừa mới từ Căm Bốt di chuyển qua và được sự hỗ trợ của khoảng một trung đội du kích điạ phương. Lực lượng phòng thủ sơ khởi bên trong trụ sở Xã Khánh An gồm có một trung đội Nghĩa quân cơ hữu –mà quân số chỉ còn khoảng phân nửa– cộng với một toán nhân viên Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia Khánh An. Tất cả được đặt dưới quyền chỉ huy và điều động của Trung Uùy Trần Văn Thời, Phân Chi Khu Trưởng kiêm Xã Phó An Ninh Khánh An, một sĩ quan Điạ Phương Quân từ Chi khu Thới Bình biệt phái xuống. Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia Khánh An là Thiéu Uùy Phan Đại Đồng.
Điều bất ngờ là chỉ một ngày trước khi trận chiến khởi sự, Trung Uý Thời đã lên đường về Sài-gòn nghỉ phép thường niên, giao quyền chỉ huy và điều động các lực lượng phòng thủ Xã lại cho Thiếu Uý Phan Đại Đồng là vị sĩ quan cao cấp nhứt hiện có mặt trong Xã. Xã Trưởng Khánh An Lê Văn Chất, viện lý do an ninh, đã không còn có mặt thường xuyên tại trụ sở hành chánh Xã từ hôm trước lễ Noel hai ngày.
* * *
Thiếu Úy Phan Đại Đồng tốt nghiệp Khoá 4 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia năm 1974. Là con trai út trong một gia đình đông anh em mà cha mất sớm và me thì bệnh hoạn, Đồng sớm ý thức được bổn phận của mình là phải cùng các anh trai tiếp tay nuôi nấng đám em còn nhỏ dại cho đến ngày chúng trưởng thành.
Người thanh niên tên Đồng vừa thi đậu Tú Tài 2 là cũng vừa kịp với thời hạn anh phải trình diện nhập ngũ theo học khoá sĩ quan để cùng toàn quân, toàn dân Miền Nam Việt Nam tiếp tục cuộc chiến tranh tự vệ chống lại các lực lượng xâm lăng từ Miền Bắc xuống với mục đích không gì khác hơn là nhằm áp đặt chế độ Cộng sản, mà ai cũng sợ hãi, lên toàn thể dân chúng Miền Nam Việt Nam.
“Nhà mình trước sau đã có ba người anh của con là sĩ quan trong Quân Đội Cộng Hoà rồi. Ýcon vẫn thích trở thành một sĩ quan Cảnh Sát để trong nhà mấy anh em có ngành này, ngành nọ, me à!” Đồng vẫn hay nói với mẹ như vậy mỗi khi nghe bà già than thở với mọi người rằng nhà bà có bốn người con trai lớn thì đã ba người phải đi lính, nay thằng thứ tư lại cũng chuẩn bị lên đường nhập ngũ.
Và Đồng đã nộp đơn gia nhập ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Anh được tuyển vào Khoá 4 Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia để được huấn luyện trở thành một Sĩ quan Cảnh Sát theo một chương trình học kéo dài 12 tháng. Trung tâm huấn luyện lớp sĩ quan Cảnh Sát tân tuyển này là Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức, và Chỉ huy trưởng Học Viện là Trung Tá Trần Minh Công.(sau này là Đại Tá).
Vì nhu cầu mới do tình thế đòi hỏi, các sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia tốt nghiệp sẽ trở thành Xã Phó An Ninh kiêm Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia tại các xã trên toàn quốc, đặc biệt là những nơi có sự giằng co giữa Quốc Gia và Cộng Sản, hay nói nôm na là tại những vùng “xôi đậu.” Khái niệm mới này về an ninh lãnh thổ đã đặt vào tay các sĩ quan tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia trọng trách của một chiến sĩ nơi tuyến đầu, một mặt phải lãnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho dân chúng, mặt khác phải tự mình chiến đấu trực diện với kẻ thù đang rình rập khắp nơi. Vì thế, trong suốt một năm trời thụ huấn tại học viện, ngoài kỹ năng chuyên môn của ngành an ninh và tình báo, các sinh viên sĩ quan như Đồng đều được huấn luyện chu đáo về kỹ thuật tác chiến giống y như bất cứ sinh viên sĩ quan nào theo học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà-Lạt hay Truờng Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà-Lạt.
* * *
Vầng trăng thượng tuần treo lơ lững bên trên vùng sông, nước mênh mông. Ánh sáng yếu ớt của vầng trăng khuyết không đủ soi sáng cho các công sự phòng thủ đã xiêu vẹo qua mấy đợt tấn công vây hãm của Cộng quân vào trụ sở xã. Sau hơn 20 ngày ròng rả chiến đấu, lực lượng trú phòng đã chịu một số thương vong là 2 tử thương và 4 bị thương để đổi lấy xác cuả 9 Cộng quân bỏ lại tại chỗï, phần lớn do lụu đạn và mìn Claymore phòng thủ gây ra.
Thiếu Úy Đồng, trước nguy cơ vị trí cố thủ của mình chẳng chóng thì chầy sẽ bị địch tràn ngập vì thiếu hụt đạn dược, đã điện về Ban 3 Chi Khu Thới Bình xin được yễm trợ ngay bằng súng cối 81 ly để chận đứng các toán xung phong cảm tử của Việt Cộng. Lời yêu cầu này, một lần nữa, chỉ được thoả mãn phân nửa, nếu không nói là chiếu lệ. Vị sĩ quan Cảnh Sát vẫn còn nhớ rõ là trước đây, tuy Đại Úy Trưởng Ban 3 của Chi Khu có hứa sẽ yễm trợ hoả lực tối đa cho đồn Khánh An nhưng ông cũng có nói thòng một câu là số đạn 81 còn lại trên Chi Khu rất hạn chế do bởi nhu cầu phải bắn yễm trợ các đơn vị Địa Phương Quân trong vùng ngày một gia tăng sau khi các khẩu đại bác 105 ly của Chi Khu không còn hoạt động được nữa mà vẫn chưa được tiếp tế đạn dược theo yêu cầu.
Trên thực tế, kể từ ngày thứ 17 của cuộc bao vây, trong nhiều trường hợp được mô tả là thập tử nhứt sinh của phe phòng thủ bên trong trụ sở Xã Khánh An, không hề có một viên đạn súng cối nào được bắn đi từ Chi Khu để yễm trợ cho tiền đồn nhỏ bé nhưng anh dũng này chống trả các cuộc tấn công của Cộng quân. Điển hình là trong ngày thứ 21 của chiến trận, 13 Cộng quân đã lọt được qua hàng rào phòng thủ và tiến sát vào vách tường ngoài của trụ sở Xã. Địch chỉ chịu rút lui khi phân nửa trong số bọn họ bị bắn gục ngay tại chỗ và số còn lại thì bị thương nặng không dám bám trụ tại chỗ để hòng đột nhập vào bên trong trụ sở Xã. Những vết máu loang lỗ đã được phát giác ngay sát cửa sổ trước hầm chỉ huy của Thiếu Úy Đồng. Các Cảnh sát viên Tâm và Hiền cùng với 4 Nghĩa quân Thịnh, Tuấn, Bình và Trọng, sử dụng lựu đạn và có khi cả lưỡi lê, đã chận đứng được bọn Cộng quân đang xâm nhập vào vành đai phòng thủ sau cùng của Xã Khánh An.
Như đã nói, tình trạng khan hiếm đạn dược trong các đơn vị tác chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà kể từ sau khi Hiệp Định Ba-lê được ký kết ngày càng trở nên trầm trọng, một phần cũng vì người bạn Đồng Minh Hoa Kỳ đã không thực thi đúng lời hứa là sẽ bổ sung quân trang, quân dụng cho Miền Nam Việt Nam trên căn bản “một đổi một.” Tại nhiều nơi, tình trạng này càng trở nên tệ hại hơn khi quyền quyết định ưu tiên yễm trợ hoả lực nằm trong tay các đơn vị pháo binh và súng cối trong vùng, mà việc định đoạt đồn nào hay đoàn quân nào phải được ưu tiên yễm trợ là một vấn đề tuỳ thuộc nặng nề vào tình cảm thương, ghét giữa các đơn vị trưởng với nhau, theo kiểu Việt Nam. Hậu quả là, khi có đụng trận, một số tiền đồn hay đoàn quân đã không được yễm trợ hoả lực đầy đủ và hữu hiệu chiếu theo nhu cầu thực tế. Tuy không đến nỗi có chuyện Quân Đội Nam Việt Nam công khai bán đạn cho Việt Cộng –như phúc trình của Uỷ Ban Chuẩn Chi Ngân Sách Hạ Viện Mỹ đã cho biết– tình trạng yễm trợ hoả lực không dựa trên thực tế chiến trường này đã đóng góp không nhỏ vào sự suy sụp cuả các tiền đồn lẻ tẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trước sức tấn công ngày càng gia tăng của Cộng quân nhằm lấn đất, giành dân, nhứt là khi phe địch đánh hơi được rằng, chẳng sớm thì muộn, người bạn Đồng Minh Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi các chiến hữu Việt Nam Cộng Hoa và để mặc họ chống chỏi với hoả lực và nhơn sự ngày càng được tăng cường của Cộng quân trên khắp các mặt trận.
“A lô! Nghe đây! Các bạn đã đến bước đường cùng rồi! Yêu cầu Thiếu Uý Đồng và toàn bộ lực lượng phòng thủ trong Xã buông súng đầu hàng! Các bạn sẽ được đối xử tử tế theo đúng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam!” có tiếng loa từ bên ngoài vang vọng vào bên trong vòng rào phòng thủ của Xã Khánh An. Đây quả đúng là một đòn chiến tranh cân não mới của Việt Cộng sau 24 ngày ròng rã bọn họ bao vây và tấn công vào trụ sở hành chánh của Xã.
“Bố tiên sư chúng mày! Bọn ông sẽ không đầu hàng, thử xem tụi bây làm gì cho biết!” Thiếu Úy Đồng trả lời, nhại theo giọng Bắc kỳ Cộng sản, câu nói vang dội trên sông nước Khánh An, nghe đanh thép trong đêm vắng.
Tuy trả lời địch như vậy nhưng vị sĩ quan trẻ tuổi đang chỉ huy các lực lượng phòng thủ Xã Khánh An biết rất rõ là thời gian không còn ở về phía anh và đồng đội nữa. Chi Khu Thới Bình, trong lần liên lạc sau cùng với Xã, đã cho biết sẽ không có lực lượng nào được gởi đi Khánh An trong những ngày tới để giải vây cho đồn như dự trù trước đây, vì Chi Khu hiện chỉ còn một ít quân số cơ hữu để lo việc phòng thủ cho chính Chi Khu, trong khi các đơn vị Địa Phương Quân đều đã bị dàn ra quá mỏng trên toàn lãnh thổ quận rồi… Mặt trận Thới Bình hiện đang rất sôi động, vì Cộng quân đang tăng cường tấn công vào các đồn, bót lẻ loi của ta để yễm trợ cho kế hoạch lấn đất, giành dân dài dài của phe Cộng sản.
Và Thiếu Uý Phan Đại Đồng, sau cùng, đành phải quyết định là toàn bộ lực lượng phòng thủ Xã Khánh An gồm 9 thầy trò –3 Cảnh sát và 6 Nghĩa quân– sẽ lặng lẽ rời bỏ đồn, rút lui bằng cách bơi qua mạn Nam Kênh Khánh An, để rồi tất cả sẽ tập trung về Chi Khu Thới Bình hoặc xuống An Xuyên trình diện Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Tỉnh. Cuộc rút lui sẽ diễn ra vào giờ G cuả đêm 20 giáp Tết, tức là vào ngày thứ 25 của cuộc bao vây Xã Khánh An. Một phần lý do cuả quyết định này nằm trong tình cảm của vị sĩ quan có đạo Tin Lành không muốn các đồng đội và nhân viên dưới quyền, đa số đều là cột trụ gia đình, phải cùng chết với anh một khi Cộng quân tràn ngập vị trí mà mọi người đang cố thủ.
Chừng 15 phút sau cuộc rút lui –mà lẽ ra phải diễn ra hết sức lặng lẽ — Thiếu Úy Đồng đã bị một toán Cộng quân phục kích sẵn nơi mạn Nam của bờ kênh phát hiện. Cách bơi qua kênh nương theo các phao bằng thùng đạn M16 cuả Thiếu Úy Đồng gây nhiều tiếng động hơn là mọi người đã nghĩ. Một viên đạn AK trong số nhiều loạt đạn bắn đi từ ít nhất là 3 tay súng của Cộng quân về phía nhóm chiến sĩ đang rút lui đã bay trúng vào đầu của vị thiếu uý Cảnh sát. Mặc dù Hiền, người đệ tử trung kiên nhất của Thiếu Uý Đồng, đã ra sức ghìm giữ cho thân thể của “ông thầy” khỏi chìm và trôi theo giòng nước kênh đang cuồn cuộn chảy, Thiếu Uý Đồng đã trật tay, không bám được nữa vào các thùng đạn làm phao, để rồi toàn thân anh đành chìm lĩm dưới làn nước đen lạnh của con kênh. Thật ra, vết thương nơi đầu đã làm cho Thiếu Uý Đồng tử thương chỉ vài phút sau khi bị bắn trúng. Điều may mắn duy nhất là Hiền và 7 người nữa trong nhóm rút lui đã lẩn được vào bóng tối và vượt thoát được qua bên kia bờ kênh một số an toàn về trình diện Chi Khu Thới Bình và số khác tới được Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên chiều ngày hôm sau đó.
* * *
Lúc sinh tiền, Thiếu Uý Đồng được dân chúng trong vùng thương yêu cả vì tài năng lẫn đức độ cho nên khi chết đi, xác anh được dân Khánh An vớt lên và chở về giao lại cho Chi Khu Thới Bình. Sau khi nhận xác của vị sĩ quan dưới quyền, chính Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên Lê Phó đã đứng ra trông coi việc tẫm liệm thi hài người quá cố, vì thân nhân Thiếu Uý Đồng ở Sài-gòn chưa kịp hay tin.
Thừa lệnh Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, Trung Tá Lê Phó, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên, đích thân gắn cặp lon Trung Uùy truy thăng lên quan tài cho vị sĩ quan bất khuất của ngành đã vị quốc vong thân. Trong điếu văn tại lễ truy điệu và chuyển cữu của Cố Trung Uùy Phan Đại Đồng, Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Xã Phó An Ninh Khánh An, con chim đầu đàn của Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên nói với giọng nghẹn ngào, bi ai trước cảnh chim xa bầy, người xa người trong cuộc đao binh:
“Tưởng niệm và truy điệu Cố Trung Uùy Phan Đại Đồng, chúng ta vinh danh một chiến sĩ Quốc Gia đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng dân tộc trong những giờ phút nguy nan nhứt của Tổ Quốc thân yêu. Gương anh dũng và đức hy sinh không bờ bến cho Tự Do dân tộc và Toàn Vẹn Lãnh Thổ của đất nước của Cố Trung Uùy sẽ mãi mãi là niềm hãnh diện và là gương sáng soi chung cho các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia nói riêng và Quân, Dân Việt Nam Cộng Hoà nói chung.”
Thi hài của vị cố trung úy, sau khi được khám nghiệm đầy đủ, đã được hộ tống và di chuyển về Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn ngay sáng hôm sau đó. Suốt đêm, tại Nhà Thờ Tin Lành Gia Định, các sĩ quan Cảnh Sát thuộc Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh đã canh thức quan tài người đồng đội vừa nằm xuống. Sáng hôm sau, một tiểu đội danh dự Cảnh Sát Dã Chiến đã bảo vệ và hộ tống linh cửu của Cố Trung Úy Phan Đại Đồng đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa Trang Tin Lành Việt Nam ở Giồng Ông Tố, Gia Định.
Với tiểu đội cảnh sát danh dự trong tư thế bồng súng chào nghiêm chỉnh và trong tiếng kèn đồng tiễn biệt lâm ly, quan tài của vị sĩ quan ưu tú, trẻ tuổi, đứa con thân yêu của ngành Cảnh Sát Quốc Gia, được từ từ hạ huyệt. Toàn thể tang quyến và các chiến hữu Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà vĩnh biệt Trung Uý Phan Đại Đồng. “Ngủ Yên Trong Chúa” là lời khắc đơn sơ trên bia mộ người chiến sĩ can trường đã bỏ mình vì tổ quốc trong những tháng ngày cuối cùng trước khi Miền Nam Tự Do rơi vào tay Cộng Sản vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.
* * *
Trung Tá Lê Phó mở to đôi mắt nhìn quanh pháp trường lần đầu mà cũng là lần chót. Hôm nay là ngày 3 tháng Năm măm 1975, tức là 5 ngày sau khi Thủ đô Sài-gòn chính thức rơi vào tay bộ đội Cộng sản Bắc Việt và quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thể theo lời yêu cầu của ông với người chỉ huy tiểu đội hành quyết –thuộc một đơn vị bộ đội chính quy Cộng sản Bắc Việt vào tiếp thu Vùng 4 Chiến Thuật sau khi Miền Nam Việt Nam phải đầu hàng không điều kiện Cộng sản theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh– miếng vải đen bịt mắt từ lúc ông bị điệu ra pháp trường khoảng nửa giờ trước đó đã được gỡ ra. Sau mấy cái chớp mắt để làm quen với ánh nắng Hè chói chang vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vị trung tá Cảnh Sát kiêu hùng của Vùng 4 Chiến Thuật nở một nụ cười nhìn mấy anh chàng bộ đội mặt non choẹt đang chĩa thẳng những họng súng sắt máu và hận thù của họ về phiá ông. Một nụ cười nửa ngạo mạn nửa tha thứ. Bộ cảnh phục tác chiến màu rằn ri bạc thếch cùng với nét mặt cương nghị nhưng xanh mướt và đôi mắt quầng sâu của vị sĩ quan Cảnh Sát, người từng là một Chỉ Huy Trưởng xuất sắc của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia An Xuyên cho tới lúc sa cơ bị giặc bắt, là dấu ấn của những đêm thức trắng vì chiến trận để làm tròn phận sự của một người trai thế hệ thời tao loạn. Điều hiển nhiên là vị chỉ huy trưởng kiên cường này thừa hiểu rằng đơn thương, độc mã chiến đấu chống lại quân đội chính quy Bắc Việt đang hùng hổ tiến vào chiếm đóng Vùng 4 sau khi Miền Nam Việt Nam đã chính thức đầu hàng là một chuyện “đội đá vá trời” trong ý nghĩa chính xác nhất của câu nói!
“Mình đã thua rồi! Nhưng đây chính là Ý Trời, mình chẳng có gì phải buồn rầu hay muốn cưỡng chống gì nữa! Thành mất, tướng cũng mất theo thành là chuyện dĩ nhiên trong lịch sử cổ kim. Hôm nay đây dù mình có chết đi thì cũng chỉ là đi theo con đường đấu tranh gian khổ của bao nhiêu anh hùng, liệt nữ đã hy sinh xương máu cho Tự Do của đồng bào Miền Nam Việt Nam dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu…” Trung Tá Phó nói với chính mình.
Vị trung tá anh hùng thấy lòng quặn thắt, xót xa khi nghĩ tới vợ, con, không biết giờ này đang lưu lạc nơi phương trời nào sau khi họ đã cùng với thân nhân các thuộc hạ của ông chạy khỏi bản doanh Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tỉnh để không còn làm bận lòng các chiến sĩ Cảnh Sát đang quyết tâm tử thủ tại thành phố nhà hầu chận đứng bước tiến của bộ đội Cộng Sản lúc đó đang hung hăng tiến chiếm các mục tiêu tại Thị xã Cà Mau. Bất giác, ông chạnh nghĩ tới Trung Uý Phan Đại Đồng, người sĩ quan thuộc cấp được ông vừa thương yêu vừa cảm phục mà mới hơn hai tháng trước đây đã xả thân đền nợ nước, cũng trong cuộc chiến này. Rồi ông lại nghĩ tới các chiến hữu đã nằm xuống, tất cả đều là những sĩ quan ưu tú, những cấp chỉ huy lừng danh trong Quân Đội tại Vùng 4 kiên cường, bất khuất, quê hương của Phan Thanh Giản và Trương Công Định, cũng như trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Họ là những Phạm Phú Quốc, Nguyễn Đình Bảo, Nguỵ Văn Thà, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai… Tất cả, hàng hàng, lớp lớp, nối gót các anh hùng đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, những mong Miền Nam Tự Do được sống còn qua cơn binh lửa đặng chen vai, thích cánh với bè bạn năm châu từng được cái may mắn là không bị cả hai phe Tự Do và Cộng Sản chọn làm nơi tranh bá, đồ vương… Và mới đây nhứt, vừa ngã xuống trước pháp trường đẫm máu sáng hôm nay là Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện, người mà dù đã có lệnh đầu hàng của trung ương và vị chỉ huy trực tiếp đã tuẫn tiết, vẫn cùng với quân, dân Chương Thiện chiến đấu tới viên đạn cuối cùng mới chịu thúc thủ y như chính ông nơi đây.
“Kim Phượng! Em ơi! Hãy ở lại nuôi nấng đàn con thơ thay anh! Xin vĩnh biệt người vợ hiền của anh…” Trung Tá Phó thầm nói những lời trăn trối với gia đình chỉ mấy giây trước khi một loạt đạn từ những họng súng AK-47 chát chúa bay về tấm thân đang đứng thẳng, hiên ngang của một trong những vị anh hùng cuối cùng của Vùng 4 Chiến Thuật trong bối cảnh nước đã mất, nhà đã tan./.
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”
Saroyan Vann Phan
(https://buonvuidoilinh.wordpress.com/.../dam-nghin-da-ngua/
VĂN THƠ NHẠC