VĂN
ĐỖ MINH THỦY
Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng. Bệnh viện đông, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gắt má sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm...
Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ “rồi rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông”. Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi: “Sao má con đi lâu vậy?”.
Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời.
Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ. Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…
Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền.
Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả.
Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi quỵt. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than: “Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt”. Má ấm ức: “Phải tía lia, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì”...
Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn.
Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về...
Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: “Dì Hiền đẹp lắm hả ba?”. Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ.
Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa?”.
Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng: “Chuyện người lớn, con không hiểu đâu”. Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc 2 người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh …
Ba nằm viện được 5 ngày, tôi xin chuyển viện cho ba lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt.
Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên: “Bệnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời”, “Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy”..
Ba khều tôi: “Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút”.
Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi. Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có.
Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn: “Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không?”.
Anh con trai bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua. 2 người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là... là... cô Hiền phải không?”
Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu.
Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, bộ ngực thả rông xập xệ... dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao mà ba hay nhắc bấy lâu.
Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi gượng gạo.
Lúc về, tôi trêu ba: “Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba?”.
Ba thở dài: “Thà đừng gặp…”.
Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba.
May, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều này...
Đỗ Minh Thủy
VĂN THƠ NHẠC