top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
HỌC TÀI THI PHẬN

TRẦN TRUNG ĐẠO

Bạn tôi, Nguyễn Hồng Quốc Quoc Hong, viết một đoản văn rất cảm động về cha của bạn và thời thơ ấu của bạn ấy ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Một đoạn trong đoản văn bạn kể lại kỳ thi lên lớp đệ thất (lớp 6) của chúng tôi.

Bạn Quốc tánh tình rất khiêm nhượng nên không nhắc tới một niềm vinh dự lớn lao trong tuổi thiếu thời của bạn. Đó là việc bạn đậu thủ khoa tức đỗ đầu trong số trên 500 học sinh trong kỳ thi đệ thất niên khóa 1965-1966.

Trước 1975, thi tú tài phần một và tú tài phần hai rất khó nhưng nếu tính theo tỉ lệ đậu dưới mười phần trăm, thi đệ thất còn khó hơn nhiều. Bài viết của bạn Quốc có một sự kiện liên quan tới tôi. Bạn Quốc viết thế này:

“Khi mình thi đậu đệ thất vào trường công theo đề thi của nha trung học quy định thi cùng một ngày trên toàn quốc. Đậu được đệ thất là khát khao cháy bỏng của bao bậc phụ huynh và học sinh từ thành thị tới nông thôn ngày ấy. Quận Duy xuyên có 19 xã gồm 19 trường tiểu học với trên năm trăm học sinh dự thi, nhà trường chỉ lấy đủ năm mươi học sinh cho một lớp công lập, sau đó thầy hiệu trưởng Nguyễn phúc Mai có thiện ý lấy thêm năm học sinh dự khuyết dành cho học sinh xuất sắc ở các trường thi rớt vì lý do học tài thi phận.”

“Học tài thi phận” là cách nói đổ thừa quen thuộc trong dân gian nhưng lại đúng với tôi. Trong “năm học sinh xuất sắc ở các trường” được chọn lên bậc trung học có tôi và điều đó cũng có nghĩa là tôi thi rớt.

Tôi thi rớt đệ thất là một “cú sốc” lớn trong xóm nhỏ của tôi vì ai cũng nghĩ là tôi sẽ đậu. Bà con nội ngoại chỉ mỗi mình tôi đi thi đệ thất. Nhưng ngày treo bảng, danh sách học sinh thi đậu không có tên tôi.

Tin tức loan dần đến thầy hiệu trưởng và các thầy cô trường tiểu học Xuyên Châu. Các thầy cô ngạc nhiên khi nghe tin tôi rớt. Những trường hợp “học giỏi nhưng thi rớt” cũng xảy ra tại nhiều trường tiểu học khác trong quận nên thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai quyết định tuyển thêm 5 học sinh, như bạn Quốc nhắc trong bài, “xuất sắc” nhất trong đám học sinh thi rớt. Lần này không thi mà do một ban gồm nhiều thầy cô duyệt xét.

Thi đậu đệ thất đã khó mà được chọn vào danh sách bổ sung chỉ vỏn vẹn 5 trò từ 19 trường tiểu học cũng khó không thua. Bao nhiêu thông tín bạ (học bạ bậc tiểu học), bài làm, thư đề nghị của các thầy cô phải nộp lên ban duyệt xét do thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai làm trưởng ban. Trường khai giảng rồi mà ban duyệt xét vẫn chưa có quyết định. Việc chọn chỉ 5 trò bị “học tài thi phận” không phải dễ dàng và nhanh chóng.

Khổ tâm nhất là những lần cha tôi ra trường hỏi thăm tin tức rồi buồn bã trở về. Tôi không lo lắng lắm. Còn nhỏ nhưng tôi linh cảm một hành trình đầy bi tráng đang chờ phía trước. Tôi tin mình sẽ được nhận vào lớp đệ thất để bắt đầu cuộc viễn du qua những sông và suối, qua những núi và đèo.

Một ngày, cha tôi nhận thư báo tôi được nhận vào lớp đệ thất (lớp 6) của trường Trung Học Duy Xuyên (Trung học Sào Nam bây giờ). Các cô, các bác tôi mừng rỡ. Mọi người đều đồng ý “rõ ràng là học tài thi phận mà.” Tôi không nghĩ vậy. Câu nói đó chỉ để đổ thừa và an ủi. Các bạn thi đậu một cách xứng đáng. Tôi thiếu chuẩn bị nên thi rớt. Chẳng số phận nào cả. Cha tôi nghĩ sở dĩ tôi được tuyển vào lớp đệ thất là nhờ mẹ tôi phù hộ.

Mùa học đã bắt đầu. Tôi vào trường trễ. Cha tôi cùng đi với tôi đến trường. Tôi mặc chiếc áo sơ mi trắng quần xanh mới may ở một tiệm ngoài chợ quận. Thầy hiệu trưởng đưa tôi vào lớp học đầu bên cánh trái từ cổng nhìn vào. Nhập học sau nhưng vì nhỏ con nên tôi được xếp ngồi bàn đầu gần cửa sổ.

Sân trường Trung học Duy Xuyên rất đẹp với những hàng phượng vĩ và bầy chim sẻ líu lo. Bên kia cửa sổ lớp học là bệnh xá quận Duy Xuyên. Cũng tại bệnh xá này chưa đầy hai năm sau có một cậu bé 13 tuổi khóc thét lên khi nghe cô y tá cho cậu biết cha của cậu có thể sẽ không bao giờ tỉnh dậy.

Cậu bé ra đi mang theo vết thương không bao giờ lành.

(Fb Trần Trung Đạo)

(Ảnh: Lớp của tôi ở Trường Tiểu Học Xuyên Châu, quận Duy Xuyên nhưng không nhận ra hết kể cả chính mình)

VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page