top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
LÁ THƯ CANADA: AI LÀ ANH HÙNG

TRÀ LŨ

Trời sắp vào thu, nắng hè đã bớt gay gắt, nhưng thời sự ở trần gian vẫn còn gay cấn mà hình như còn gay cấn hơn mỗi ngày. Dịch Cô Vít và các biến thể vẫn lan tràn, ngày nào giới truyền thông cũng đưa thêm những tin dữ hơn. Cái dịch tệ hại này ai cũng bảo do Tàu Cộng gây ra, gốc từ Vũ Hán, nên bây giờ ông trời đang phạt Tàu Cộng bằng bão lụt khắp nơi, con đập vĩ đại Tam Hiệp sắp vỡ. Nó mà vỡ thì nửa nước Tàu phía nam sẽ trôi ra biển. Tội nghiệp dân Tàu hết sức. Dân Tàu chạy lụt xuống phía nam, nước Lào cho dân Tàu tỵ nạn vào, còn VC thì không, dứt khoát đóng cửa ải. Việc này làm Vua Tập Cận Bình giận tím mặt, mai này hết lũ lụt ta sẽ tính tội mi sau. Ai cũng phục vua Tập về mặt nín giận này. Dù đang bị bão lụt một sống một chết mà vua vẫn đem quân vây Đài Loan, nói là tập trận cho nhẹ chứ trong bụng vua là đang dàn trận xâm chiếm, giọng điệu y hệt giọng vua Putin của Nga. Vua Putin khi dàn trận với xe tăng tàu bò và máy bay thì bảo ta chỉ diễn tập hành quân chứ không đi xâm lăng ai. Dàn quân xong, vua Putin liền ra lệnh xâm lăng đánh Ukraine. Kẹt một cái là vua Putin đã tính sai, vua tưởng với số xe tăng và máy bay nhiều như thế này thì chỉ hai ngày là chiếm xong Ukraine, ai ngờ đến hôm nay đã gần 200 ngày, bao nhiêu tướng tá binh sĩ đã tử trận mà Ukraine vẫn còn kháng cự anh dũng và được cả thế giới tây phương kính nể và tiếp sức. Nào ai ngờ Volodymyr Zelensky của Ukraine mà giỏi và được lòng dân đến như vậy. Zelensky lên ngôi tổng thống mới cách đây chưa đầy 4 năm. Ông quả là một anh hùng cứu quốc.


Về thời sự VN thì cộng đồng người Việt hải ngọai vẫn còn nhắc tới sự ra đi của nhà giáo đáng kính Nguyễn Xuân Vinh cựu tư lệnh không quân của VNCH, và GS Tô Văn Lai giám đốc trung tâm băng nhạc Thúy Nga. Tôi chưa bao giờ thấy có tang lễ nào mà đông các linh mục và giáo dân tham dự như tang lễ GS Vinh. Tôi chưa bao giờ thấy có đám tang nào mà có nhiều vòng hoa phúng điếu và được báo chí ca tụng hết lời lâu như vậy.


Ngoài ra, vì ngấy các chuyện thời sự đang xảy ra khắp nơi, làng tôi chỉ còn bàn chuyện anh hùng Zelensky. Rồi từ chuyện bên tây làng tôi đã bàn sang chuyện bên đông. Nhân chuyện anh hùng xứ Ukraine, ông bồ chữ ODP của làng phát biểu về nghĩa chữ ‘anh hùng’ rất hay, như sau:


Luận về anh hùng thì Tào Tháo ở Á Châu luận hay nhất. Ta cứ nghe lời đối đáp giữa ông và Lưu Bị thì thấy rõ. Lúc đó Lưu Bị đang thất thế phải chạy sang sống nhờ Tào Tháo, Tào thì đang ở đỉnh cao quyền uy, trong thì khinh thường Vua Hán, ngoài thì coi thiên hạ như rơm rác. Một hôm nổi hứng. Tào Tháo mở tiệc đãi Lưu Bị. Giữa tiệc thì trời đổ mưa lớn. Lính vào trình rằng trên trời có rồng phun nước. Tào Tháo bèn hỏi Lưu Bị về rồng. Thấy họ Lưu chưa hiểu ý mình ra sao và ra chiều lưỡng lự, Tào bèn đi một đường diễn nghĩa rất ư hùng biện như thế này: Rồng lúc thì to lúc thì nhỏ, lúc thì bay lúc thì nấp. Lúc to thì cỡi mây phun nước, lúc nhỏ thì thu hình xếp cánh. Khi bay thì lượn trong trời đất, khi ẩn thì nép dưới sông hồ. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hóa tung hoành bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Xin hỏi đại ca điều này: Đại ca đã đi khắp mọi phương trời chắc đã gặp đủ mặt anh hùng, xin đại ca kể tên các anh hùng trong thiên hạ coi. Lưu Bị bèn kể về Viên Thuật, Viên Thiệu, Tôn Bá Phù, Trương Tú… Tào Tháo liền đáp: các tên đó đều hèn, không phải anh hùng. Rồi Tháo định nghĩa anh hùng thế này: Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài lớn bao bọc được cả vũ trụ, có sức nuốt được cả trời đất. Lưu Bị bèn hỏi vậy ai mới xứng đáng được như thế, Tào liền lấy tay chỉ ngay vào mình và Lưu Bị mà rằng: anh hùng trong thiên hạ bây giớ chỉ có tôi và đại ca mà thôi! Lưu Bị nghe xong bèn giật mình run sợ, đũa ở trong tay rơi xuống đất, vì Lưu Bị nghĩ rằng thôi chết, nó đi guốc trong bụng mình mất rồi. Vũ trụ chỉ có một mặt trời, nó xưng nó là mặt trời, nó biết mình cũng là mặt trời, làm sao có hai được! Thế nhưng Tháo đã không hại Lưu Bị lúc này. Phải ghi cho Tháo một điểm son. Chính sử Trung Hoa tả Tháo là một quân sự gia và chính trị gia lỗi lạc. Tôi nghĩ là đúng vì không lỗi lạc sao làm tới chức thừa tướng. Tháo có một lập trường chính trị rất rõ ràng minh bạch và rất dứt khoát, không đi đêm, không hàng hai, không xét lại. Cái lập trường quang minh chính đại này đã chinh phục được ông tri huyện Trần Cung. Sách kể rằng sau khi mưu sát Đổng Trác không thành, Tháo bèn chạy. Quan huyện Trần Cung bắt được Tháo, đóng cũi định giải về triều, nhưng vì thấy Tháo là người có chí lớn trong thiên hạ bèn cảm phục, bèn đổi ý, và chính ông, ông đã bỏ đời nhung lụa mà trốn đi theo Tháo. Chỉ tiếc rằng trên đường đào tẩu Tháo đã nói một câu để đời ‘thà phụ người còn hơn để người phụ mình’. Câu này làm quan Trần Cung vỡ mộng.


Văn hào La Quán Trung đã vẽ Tháo với khuôn mặt hung ác tiểu nhân, còn Lưu Bị thì bộ mặt đạo đức quân tử. Tuy bị vẽ xấu như vậy nhưng mưu chước của Tháo đã làm say mê bao nhiêu độc giả. Chứng cớ là tôi thấy nhiều vị khi đọc tới các mưu thần chước quỷ của Tào Tháo đã khoái quá và vừa cười vừa thét lên: tiên sư cái thằng Tào Tháo! Tôi cho Tháo bị chửi như vậy là oan, tôi vẫn phục cái tính dứt khoát thẳng băng của Tháo. Tôi vẫn phục các mưu thần của Tháo. Chẳng mưu thần chước quỷ mà sao lại làm được cho quân Tây Thục và Đông Ngô nhiều phen xiểng liểng!


Tôi khen Tháo, thế còn Lưu Bị thì sao cơ? Có phải Lưu Bị lúc nào cũng là anh hùng và quân tử không? Điều này phải xét lại. Chỉ riêng cái việc Lưu Bị nổi xùng rồi đùng đùng cất quân đi đánh Tôn Quyền khi hay tin Quan Công là em mình bị hại, thì đủ cho ta thấy Lưu Bị không phải là bậc lãnh tụ trăm phần trăm lỗi lạc. Lưu Bị chỉ vì quá xúc động, vì đặt nặng tình anh em kết nghĩa lên trên việc quốc gia đại sự, nên đã mắc hận lớn trong trận Mạo Đình. Trước khi cất quân đi đánh, Lưu Bị đã được cố vấn Khổng Minh can ngăn hết lời nhưng Lưu Bị vẫn không nghe. Sứ giả Đông Ngô cũng đã sang tạ lỗi và cầu hòa nhưng Lưu Bị cũng vẫn không nghe. Lưu Bị giận quá nên mất khôn. Bởi vậy xin chê Lưu Bị điểm này. Xưa nay người Tàu và cả người Việt mình chỉ thờ Quan Công chứ không hề thờ Lưu Bị.


Rồi ông ODP cười hà hà: Chuyện này dài nên bữa nay xin tạm ngưng, khi nào có dịp kẻ hèn này sẽ bàn thêm.


Nhân nói tới Tào Tháo và Lưu Bị trong Tam Quốc Chí, tôi chợt nhớ ngay tới một vị anh hùng khác trong Thủy Hử, trong truyện Anh Hùng Lương Sơn Bạc. Các cụ có biết tôi mê vị anh hùng nào không cơ? Chuyện này khá dài, xin cho tôi kể từ từ. Ngày còn bé, mỗi lần nghe ai nhắc tới Tống Giang Ngô Nhân Dụng, tôi liền nghĩ tới ngay các người mà thiên hạ tôn là anh hùng vì đại nghĩa thế thiên hành đạo. Lớn lên tôi đọc lại toàn bộ Thủy Hử thì tôi nhận ra rằng cái bộ tham mưu và các anh hùng trên chỉ là một băng cướp lớn. Nhân vật mà tôi thích nhất là Từ Hòe, quan của triều đình. Tôi thấy hình ảnh Từ Hòe đẹp vô cùng. Ông văn võ toàn tài. Lời nói đi với việc làm. Ông là vị tướng triều đình được sai tới để diệt nhóm làm loạn ở Lương Sơn Bạc. Trước ông, các tướng của triều đình sai tới đều bị quân Tống Giang bắt sống và giết hết. Tướng Từ Hòe đã một mình một ngựa vào thẳng chiến khu Lương Sơn Bạc, vì ông cho rằng tụi bay xưng mình thay trời hành đạo thì phải tỏ ra biết cư xử. Ông đã thản nhiên một mình vào hang cọp với ý định dùng lời mà đánh bầy cọp. Lúc ấy đảng trưởng là Tống Giang không có mặt vì đang đi hành quân. Thay Tống Giang tiếp quan Từ Hòe là tướng Lư Tuấn Nghĩa. Nghĩa tiếp quan Từ Hòe mà trong bụng rất khớp. Quan Hòe mang những việc gian tà của Tống Giang ra mổ xẻ, rồi nói ngay vào mặt tướng Nghĩa. Tôi mê đoạn này quá, xin chép lại nguyên văn như sau:


… Còn ngươi, con nhà lương gia, văn võ toàn tài, sao lại theo bọn bội nghịch? Nay ta hỏi rút ngươi một điều: từ nay cho tới ngàn năm, từ đây cho tới ngàn dậm, tên của ngươi là Lư Tuấn Nghĩa tránh sao khỏi hai chữ cường đạo? Trong lúc đêm khuya, nếu ngươi gác tay lên trán mà suy nghĩ thì chắc ngươi phải thẹn lắm. Nay ta vâng lệnh triều đình đến nhận nhiệm sở này, Lương Sơn Bạc là địa phận trách nhiệm của ta, một ngọn cỏ một gốc cây đều thuộc quyền ta. Ta quyết không dung những phường nghịch tặc. Hễ nghe ta thì ta thương như con đỏ, còn chống ta thì ta sẽ chém như chém chuối…


Quân sĩ đứng hầu nghe quan Từ Hòe mắng chửi chủ mình thì giận quá, muốn chém Từ Hòe nhưng tướng Lư không cho. Lư Tuấn Nghĩa lập luận rằng: Ông này nếu dở thì đã không dám vào đây, mà dám vào đây và còn lớn tiếng, vậy ắt không phải là dở. Bèn để cho quan Từ Hòe ra về thong thả. Đêm đó Lư Tuấn Nghĩa đã suy nghĩ suốt đêm về những lời nghe rất phải rất tới của quan Từ Hòe. Bỏ Tống Giang không được mà về đầu hàng Từ Hòe cũng không xong. Giá tướng Nghĩa có chút máu anh hùng như quan Từ Hòe và một chút dứt khoát của Tào Tháo thì cục diện Lương Sơn Bạc đã đổi khác. Trong các mặt tướng sĩ hai bên, tôi chỉ thấy Từ Hòe là anh hùng, xứng danh kẻ sĩ. Tiếc rằng tác giả chuyện này đã không vẽ Từ Hòe đẹp đủ, và đã xếp Từ Hòe vào vai phụ, bao nhiêu son phấn tốt đẹp tác giả đã đem dồi lên mặt Tống Giang, Ngô Dụng, Văn Thiên Bưu…Quan Từ Hòe đã mong dùng ba tấc lưỡi để tránh cảnh máu xương nhưng không được. Muốn nặng thì ông cho nặng, và ông đã đem quân đánh chiến khu. Tống Giang Ngô Nhân Dụng giỏi như vậy, xưa đã từng bắt được danh tướng của triều đình Hồ, ấy thế mà nay không bắt nổi quan Từ Hòe. Trái lại, Từ Hòe ra tay đã chọc thủng hai phòng tuyến. Thế mới biết Từ Hòe giỏi, nói đã hay mà làm còn hay hơn …


Làng An Lạc của tôi nghe tôi nói đến đây thấy hay quá nên đã vỗ tay mãi mới thôi. Ông bồ chữ ODP lên tiếng: Vì tôi biết chuyện quan Từ Hòe trong Thủy Hử hay như vậy nên khi thấy ông bạn già này, ông lấy tay chỉ vào ông Từ Hòe trong làng rồi tiếp.Vì biết cả quá khứ oanh liệt của ông có nhiều nét rất giống quan Từ Hòe trong truyện nên khi họp làng lần đầu tôi đã lấy danh xưng Từ Hòe đặt cho ông là thế. Mấy bà mấy cô trong làng nghe xong liền thốt lên: đúng quá, hay quá.

Cụ Chánh tiên chỉ của làng cũng là một bồ chữ. Cụ bảo cái tên Hòe này làm cụ nhớ tới một chuyện VN thời còn khoa cử ngày xưa. Rằng năm đó thời nhà Lê có mở một khoa thi Hương ở đất Bắc. Thí sinh Nguyễn Hòe cũng vác lều đi thi. Quan chánh chủ khảo cũng tên Hòe nên người ta kiêng tên này mà đọc tên anh là Huề. Xướng danh đã mấy lần, mọi thí sinh đã vào trường thi chỉ trừ anh Nguyễn Hòe. Người xướng danh mới chõ loa vào anh mà hỏi tên. Nguyễn Hòe mới gào lên: Tôi là thằng Hòe. Người xướng danh mới hỏi: tôi gọi mãi mà sao thày không vào? Hòe mới đáp: tôi chỉ nghe gọi tên thằng Huề chứ có gọi thằng Hòe đâu! Sau đó phải gọi đúng tên Nguyễn Hòe thì anh Hòe mới chịu vào. Thấy Hòe nhỏ tuổi mà ra điều hỗn láo, quan chánh chủ khảo mới sai giữ Hòe lại rồi ra một câu đối, đối được thì mới cho thi. Vế quan ra:


‘Lan Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như thực bất tương như’ nghĩa là Lan Tương Như (đời Chiến Quốc) và Tư Mã Tương Như (đời Hán), tên thì giống nhau mà thực chất thì không giống nhau.

Nguyễn Hòe liền đối ngay: ‘Ngụy Vô Kỵ, Trương Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ’ nghĩa là Ngụy Vô Kỵ (đời Chiến Quốc) và Trương Vô Kỵ (đời Đường) mày không sợ thì sao tao lại sợ?

Quan chánh chủ khảo thấy tài ứng đối giỏi bèn tha tội vô phép lúc đầu và cho vào thi. Không biết Nguyễn Hòe có thi đỗ khóa đó hay không, nhưng điều ta biết chắc là tên của Nguyễn Hòe đã đi vào lịch sử trường thi VN khi xưa.


Trên đây là mấy chuyện viết về mấy vị anh hùng thời xưa, vừa Tàu vừa VN. Anh hùng trong thiên hạ thì nhiều lắm, sách vở kể chẳng hết. Và mới chỉ là lãnh vực trần thế. Còn lãnh vực trên cao, lãnh vực tín ngưỡng thì sao? Công Giáo VN có hơn 100 ngàn vị tử đạo, và 117 vị đã được Giáo Hội phong hiển thánh ngày 19-6-1988 tại Roma do Dức Giáo Hoàng Phaolo6 II. Các ngài, dù được phong hiển thánh hay chưa, đều là những bậc anh hùng thực sự đã hiên ngang mang mạng sống của mình để làm chứng đức tin. Trong số 117 vị hiển thánh, chỉ có 1 vị thuộc phái nữ duy nhất, đó là Thánh Anê Lê Thị Thành. Bà sinh quán Thanh Hóa, nhưng sống với mẹ ở làng Phúc Nhạc, huyện Yên Mô Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Thánh nhân có gia đình và 6 con, bà bị quan tổng đốc Trinh Quang Khanh bắt bỏ tù rồi tra khảo đánh đập bắt bỏ đạo nhưng bà một mực từ chối. Bà bị chết vì các vết đòn trong tù. Dân địa phương Phúc Nhạc quen gọi bà là Bà Thánh Đê.


Cụ Chánh thấy dân làng chăm chú lắng nghe thì được hứng. Cụ bảo trên là chuyện người dân bình thường, còn bậc vua chúa thì sao, có ai can đảm anh hùng lúc nhắm mắt không. Lão liền nhớ đến một chuyện được nghe từ ngày còn bé xíu, chuyện quan tài có 2 tay thò ra ngoài. Đó là chuyện Vua Alexander Đại Đế của vương quốc Macedonia tức Hy Lạp cổ đại cách đây mấy mươi ngàn năm. Chuyện kể rằng trước giờ lâm chung, A Lịch Sơn Đại Đế cho triêu tập các cận thận lại rồi nói với họ 3 điều ước muốn cuối cùng của mình:


- Hãy để các ngự y giỏi nhất triều đình khiêng quan tài của ta


- Hãy rải tài sản của ta gồm tất cả vàng bạc kim cương đá quý trên đường đưa ta tới nghĩa trang

- Hãy để đôi bàn tay của ta được thò ra ngoài quan tài và thả lỏng để mọi người thấy ta không còn cầm theo một cái gì cả.


Một trong các cận thần tỏ ra không hiểu gì cả thì Á Lịch Sơn Đại Đế giải thích:


- Ta muốn các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài ta để chứng minh rằng đối với cái chết thì ngay cả những ngự y giỏi nhất thế giới cũng phải bó tay, không thể làm ta tiếp tục sống được


- Ta muốn rải tài sản trên đường để mọi người thấy rằng mọi của cải giầu sang trên mặt đất cũng đều phải ở lại, không theo ta được.


- Ta muốn hai bàn tay ta thò ra khỏi quan tài để mọi người hiểu rằng ta ra đi với hai bàn tay trắng, khồng thể đem theo một thứ gì.


Lão kính phục đại vương này quá vì đã có được những ý nghĩ chết là hết, dám làm như vậy là anh hùng can đảm quá chứ. Rồi Cụ Chánh kết luận: Đó là các bậc thánh trong quá khứ. Còn chúng ta, trong hiện tại, có dám theo chân tổ tiên, có dám anh hùng, có dám bênh vực chân lý và tuyên xưng Đức Tin không. Đó là câu lão luôn hỏi chính lão và hỏi con cháu mỗi ngày.


TRÀ LŨ


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page