top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
LÁ THƯ CANADA 1/11/2022: LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC

TRÀ LŨ

Canada đã cuối thu, hàng cây xanh bên đường đã bắt đầu vàng lá, trời đã bắt đầu se lạnh vào buổi sáng, bước ra khỏi nhà là phải chòang thêm áo ấm. À, đã tháng 11 rồi. Làng An Lạc của tôi không còn họp ngoài trời nữa. Bây giờ gặp nhau chúng tôi không còn nói về dịch Cô Vít, không còn nói về Ông Tập, Ông Putin, cũng không nói về chiến tranh Nga-Ukraine, cũng không bàn chuyện hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bên Mỹ đả nhau, mà toàn những chuyện rất cá nhân. Các bà trong làng thì bàn chuyện nấu ăn, chuyện mùa táo mùa bí ngô đang tới, và lan sang chuyện các chậu hoa cúc vàng đang bày bán la liệt ngoài các ngã tư.

Cụ Chánh tiên chỉ làng thì nói chuyện về thời gian năm tháng. Cụ bảo xưa nay cụ sợ con số 11 lắm. Này nha, cha ông ta ngày xưa không nói ‘tháng 11’ cuối năm mà gọi nó là tháng Một, còn tháng thứ nhất trong năm thì gọi là tháng Giêng. Hình như con số 11 là con số xui. Tổng Thống Ngô Đình Diệm chết vào ngày 2/11. Tổng thống John Kennedy chết vào ngày 22/11. Khi nói về Ông Diệm thì tiếng cụ trầm hẳn xuống, trầm như tiếng chuông chiêu hồn tử sĩ. Cụ bảo xưa nay chưa có gia đình nào bi đát như gia đình ông Diệm. May mà tất cả chúng ta đều biết và nghĩ rằng cụ bị bức tử. Chết chưa phải là hết, mà còn đời sau. Thấy cả làng im lặng lắng nghe, cụ Chánh như được dịp mở cõi lòng. Ngày xưa tôi có đọc một cuốn sách tên là ‘Người đàn bà hạnh phúc’, trong đó nhân vật chính là một thiếu phụ cực kỳ đau khổ. Bà than với Chúa khi chồng con vừa chết: Chúa ơi, con mất hết cả rồi, chồng, con cái và gia tài ! Bà than xong thì bà nghe có tiếng Chúa trong lòng: Con nói con mất tất cả sao? Khi con vừa sinh ra thì con đã có các thứ đó ư mà con bảo con mất? Có lần tôi kể chuyện này cho Cha Paolo là người bảo lãnh chúng tôi từ trại tỵ nạn năm xưa, nghe xong thì ngài bảo: lời bà Đại Hàn này giống y như lời ông Job lúc sắp chết trong Kinh Thánh Cựu Ước: Tôi trần trụi khi ra khỏi lòng mẹ thì bây giờ tôi cũng trần trụi khi ra đi về cõi vĩnh hằng…

Nghe đên đây thì tự nhiên cả làng thưa Amen vì thấy ý ấy hay và đúng quá. Cụ Chánh xin dứt bài giảng đầu tháng các Linh Hồn. Cụ xin hết lời rồi xin anh John mang không khí vui tươi về cho cả làng, vì cả làng đã quá nghiêm trang khi nghe lời cụ nói.

Anh John liền cười ha ha, nhưng chưa kịp lên tiếng thì Ông Từ Hòe nói ngay: tôi vừa đọc được một bài báo rất hay cũng bàn về cái chết, tức là bàn về chữ Tử, tức là tiếp nối bài giảng của cụ Chánh. Bài đó định nghĩa chử TỬ rất tếu như thế này :

Bị điện giật mà chết gọi là điện tử
Bị ngã ngựa mà chết thì gọi là mã tử
Đang thái thịt mà chết gọi là thái tử
Chết vì bệnh cảm cúm thì gọi là cảm tử
Chết vì yêu nhiều quá thì gọi là ái tử
Chết vì tò mò thì gọi là thám tử
Chết trong rừng gọi là lâm tử
Quân lính chết gọi là quân tử…


Các bạn nghe có tếu không, bài viết còn dài nhưng vì tôi đã cướp lời anh John để kể cho làng nghe cho vui khi chuyện còn nóng. Xin trả lại diễn đàn cho anh John. Anh John nói ngay: Khi tôi học tiếng Việt, tôi để ý đến từ chết, tức là chữ Tử vừa nghe. Và tôi thấy tiếng Việt có rất nhiều cách nói về chữ chết. Phải tùy từng trường hợp mà xử dụng cho trúng. Nói xong anh móc túi lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ, rồi anh bảo đây là những từ chỉ cái chết, tôi ghi lung tung không theo thứ tự nào : qua đời, từ trần, mất, rồi đời, đi đứt, đã khuất, nhắm mắt, tắt thở, đi rồi, khuất núi, xuôi tay, đi bán muối, chầu trời, về chầu Chúa, về cõi Phật, theo ông bà, băng hà, lìa đời, về Tây phương cực lạc, ra đi ngàn thu…

Đọc xong tài liệu này rồi anh xin bàn tiếp về con số 11. Theo anh thì con số này nhiều chuyện lắm:

- Con số 911 là con số điện thoại cầu cứu khi gặp nạn.

- Con cố 911 là con số nhắc ta về biến cố hai tòa tháp đôi ở New York bị tan vì bọn khủng bố năm 2001, nay đã 21 năm…

- Hai siêu cao ốc ở New YORK trước khi bị sập trông giống như con số 11

- New York là tiểu bang thứ 11xin gia nhập liên bang,

- New York City gồm 11 chữ

- Ngũ Giác Đài ‘The Pentagon’ bị quân khủng bố tấn công cũng gồm 11 chữ

- Máy bay American Airlines chuyến 11 đâm vào cao ốc phía bắc có 92 hành khách cộng 2 số lại cũng mang con cố 11.

- Máy bay United Airlaines đâm vào cao ốc phía nam có 65 hành khách, 65 cộng lại cũng là con số 11.

Nghe đến đây thì ông Từ Hòe xin góp lời, ông bảo đó là số mệnh, vậy ông xin bàn tiếp về số mệnh. Báo chí cho biết người đẹp Barbara Olson bình luận gia của đài CNN, đáng lẽ đi máy bay ngày mồng 10, nhưng bà đổi ý đi ngày 11 để về kịp ăn mừng sinh nhật của chồng nên bà đã gặp tử thần. Ông Nguyễn Quốc Dũng làm việc cho một đại công ty ở lầu 66 của cao ốc New York, vì nán lại nhà thêm 15 phút đề ăn sáng với vợ mà thoát chết…

Chị Ba Biên Hòa và Cụ B.95 vì toàn nghe chuyện con số xui 11 bèn lên tiếng kêu nhức đầu, xin làng chuyển đề. Bèn có ngay, Anh John xin kể chuyện số mệnh ở Canada, chuyện ca sĩ Paul Anka. Anh này gốc Trung Đông xứ Liban. Vì nhà nghèo nên gia đình anh di cư đến Canada và làm việc rất cực nhọc. Mãi rồi cha mẹ anh mới đủ tiền mua được một tiệm chạp phô ở gần thủ đô Ottawa. Vừa dọn vào nhà mới xong thì anh bỗng nhìn thấy cô hàng xóm tóc vàng mắt xanh đẹp quá. Tình yêu nổi lên ngay, anh mê cô hàng xóm tức thì. Cô tên là Diana. Cô nhiều tuổi hơn anh, nhưng anh nghĩ tình yêu không kể tuổi như thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết ‘Yêu nhau ai kể tuổi bao giờ’, nên suốt ngày đêm anh mơ tưởng đến Diana. Bài ca Diana đã ra đời từ trái tim anh và bài ca này đã trở thành bất hủ ngay tức thì. Khắp năm châu đều vang lên ‘ Oh, sit by me, Diana’. Tôi nhớ đầu thập niên 1960, mỗi chiều thứ bảy đài phát thanh Saigon có chương trình ‘nhạc yêu cầu’ thì bao giờ bài Diana cũng đứng đầu danh sách. Paul Anka bỗng trở thành nổi tiếng. Và được hứng khởi, anh làm thêm những bài Crazy Love, Put your head on my shoulder, You are my destiny… Tôi tự hỏi nếu không có đất tạm dung Canada và cô Diana ở đất Canada thì liệu Paul Anka có biến thành thiên tài như vậy không, và chúng ta có được những bài ca về tính ái hay như vậy không. Ngàn năm tạ ơn đất Canada.

Xin hết chuyện Paul Anka mà xin bàn sang chuyện thông minh của người Việt mình. Cụ Chánh là người nấu phở ngon nhất trong làng. Có lần cụ kể cho tôi chuyện riêng tư này: khi mới tới Canada thì cụ dạy nghề nấu phở cho một thằng cháu. Thằng này rất thông minh, học một biết mười. Nó lấy vợ rồi mở tiệm phở. Ngày khai trương thì khách đông nghẹt, cả ta cả tây. Hôm đó đang lúc mọi người xì xụp húp phở và hít hà khen ngon thì bỗng một bà da trắng kêu to tiếng: Ối, lạy Chúa tôi, có một con ruồi trong bát phở của tôi nè, úi úi. Ai cũng ngưng ăn và nhìn về phía bà. Thằng cháu tôi, tức chủ quán, bèn chạy đến ngay, bà đầm chỉ con ruồi nằm giữa bát phở, nó liền bình thản lấy cái muỗm múc con ruồi rồi bỏ vào miệng, rồi nó giả vờ nhai rồi giả vờ suy nghĩ một chút, rồi nó nuốt cái ực. Nuốt xong nó mỉm cười nhìn bà đầm và nói tỉnh bơ: thưa bà đó không phải là con ruồi mà là hạt tiêu sọ, phở chúng tôi thơm ngon là nhờ hạt tiêu sọ này. Tôi sẽ lấy cái muỗm khác để bà xơi tiếp tô phở còn đang nóng. Thực khách chung quanh ai cũng thở cái ào rồi vui vẻ cúi xuống ăn phở tiếp. Nó tiến vào bếp nói nhỏ với vợ: Hú vía, tôi mà không nhanh trí thủ tiêu con ruồi thì coi như dẹp tiệm từ hôm nay. Kể đến đây rồi cụ Chánh kết luận: Đó là một tai nạn, nhờ thằng cháu thông minh nhanh trí mà thoát nạn, hiệu của nó hiện vẫn nổi tiếng về phở ngon và sạch sẽ trong nhiều năm qua.

Cụ Chánh xin hết chuyện, ông Từ Hòe liền tiếp sức ngay. Ông định kéo anh John vào cho vui, nhưng khi thấy Chị Ba Biên Hòa ngồi bên chồng, ông liền trêu Chị Ba: Tại Biên Hòa quê của Chị Ba có ngọn núi nổi tiếng là Núi Chứa Chan. Tôi thấy có người ra một câu thách đối mà chưa có ai đối lại được, vậy xin hỏi Chị Ba về việc này. Chị Ba lắc đầu ngay và xin ông Từ Hòe cho biết chuyện. Ông Kể rằng: xưa tôi có nghe câu thách đối như thế này : ‘ Leo núi Chứa Chan, chán chưa, chưa chán’, và tôi chưa hề nghe có ai đối lại được. Câu này đơn sơ dễ hiểu, rằng bạn đang leo núi Chứa Chan, xin hỏi bạn đã chán leo chưa, và bạn đáp ngay là chưa chán. Ôi, cái tiếng Chứa Chan sao mà nghe dễ thương làm vậy. Nếu các cụ phương xa đối được câu này, nhớ cho tôi biết để tôi báo Chị Ba tặng phần thưởng nha.

Rồi nhân chuyện địa phương Biên Hòa ông Từ Hòe lan sang một chuyện địa phương lớn ở Saigon, đó là Lăng Ông Bà Chiểu. Bạn bè ông về thăm Saigon, ai sang đây cũng kể chuyện đi viếng Lăng Ông Bà Chiểu. Tôi xin mở ngoặc : Ba Chiểu không phải là tên vợ của Ngài Lê Văn Duyệt, Bà Chiểu chỉ là tên một địa phương như Bà Hom, Bà Rịa, Bà Quẹo. Theo sử thì Ngài Tả Quân dáng người thon nhỏ và có dạng ẩn cung hình, dáng một hoạn quan, nhưng có tài, ông được vua Gia Long tuyển vào cung lãnh đạo ban cận vệ. Ông dũng cảm, cầm quân rất giỏi, đánh trăm trận trăm thắng. Ông được vua Gia Long tin tưởng, giao ông làm Phó Vương tổng trấn thành Gia Định. Ông được mọi người yêu mến. Gia Định thời đó chính là miềm Nam ngày nay. Ông được lòng hầu như toàn dân: tự do kinh tế thị trường, doanh nhân Tây Tàu tự do buốn bán, truyền giáo tự do. Sau vua Gia Long, vua Minh Mạng bất đồng chánh kiến với Lê Văn Duyệt nhưng không làm gì được vì ảnh hưởng của ông lớn quá, vì ông là phó vương mà. Khi ông vừa qua đời, Minh Mạng đã phá mọi thế lực của ông và đặt quan cai trị mới, và cho các quan từ Huế vào cai trị dân trực tiếp, và lập tòa án xét xử công tội Lê Văn Duyệt. Lúc đó, người Tàu minh hương, người Công Giáo, các điền chủ, người dân và các quan chức thời Lê Văn Duyệt rất bất bình. Không chịu được nữa, ngày 18-5-1833 con nuôi của Lê Văn Duyệt đã nổi loạn chống triều đình Huế, dân miền Nam ai cũng ủng hộ. Nhưng vì không có tài chiến lược, Lê Văn Khôi đã thua và đã bị diệt. Mộ tả quân Lê Văn Duyệt đã bị san bằng và bị hạ nhục. Mãi đến đời Vua Tự Đức năm 1818 mới cho xét lại vụ án và trả lại sự công bằng và vinh danh Tả Quân. Ông biến thành vị thấn linh thiêng. Nơi an táng ông biến thành một cái lăng như lăng các vua chúa. Bây giờ hàng ngày dân Saigon và du khách ai cũng đến viếng Lăng Ông để xin ông phù hộ, ai cũng dâng của lễ và thắp hương coi ông như một vị đại thần, khách đông hơn các chùa miếu chung quanh.

Ông Từ Hòe vừa hết lời thì Chị Ba lên tiếng: Bác thật là thông thái, cái gì cũng biết. Riêng tôi gốc là nhà giáo, tháng trước bác bàn về hai tiếng anh hùng trong lịch sử thật hay, bữa nay xin bác cho biết trong lịch sử ngành giáo dục VN, ai là những vị thày giáo anh hùng nổi tiếng.

Ông Từ Hòe biết mình bị hỏi khó, nhắm mắt suy nghĩ một chút rồi nói ngay: Theo tôi, tôi coi 3 danh nhân sau đây là 3 thày giáo đáng trọng nhất:

1. Thầy giáo Chu Văn An ( 1292-1370 ). Thày Chu Văn An là người có công lớn trong việc xây Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở VN. Thày là người dạy Vua Trần Hiền Tôn và đào tạo ra những vị quan có tài đời nhà Trần, hoàn thiện chương trình dạy Nho giáo. Thày là người đầu tiên được đưa vào thờ tại Văn Miếu.

Thày Chu Văn An tuy thi đỗ Thái Học Sinh tức tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Thày nổi tiếng về học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, không cầu danh lợi, nổi tiếng khắp nơi, học trò khắp chốn. Thày được tôn là Vạn Thế Sư, người thày của muôn đời.

2. Thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585). Thày được coi là một cây đại thụ, môt danh nhân văn hóa, một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri đại tài, một nhà giáo vĩ đại.

Thày Khiêm đỗ giải nguyên đời nhà Mạc, làm quan được 8 năm, thày dâng sớ xin hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe, nên xin cáo quan về Bạch Vân quê nhà mở trường dạy học. Qua 40 năm dạy học, thày đã đào tạo ra nhiều danh nhân như Phùng Khắc Khoan, Lý Hữu Khánh, Nguyễn Duyên… Danh tiếng trường Bạch Vân bên dòng Tuyết Giang của thày vang dội khắp nơi. Thày được tôn vinh là ‘Tuyết Giang Phu Tử’. Thày đã dùng tài lý số của mình mà cứu vãn nhà Mạc tồn tại khá lâu. Thày cũng đưa ra lời sấm cho Nhà Nguyễn, nhờ đó nhà Nguyễn mới tiến vào phương Nam, làm chúng ta có bờ cõi rộng như ngày nay.

3. Thầy Lê Quý Đôn (1726-1784). Thày sinh trong một gia đình khoa bảng, thông minh ngay từ nhỏ. Năm 14 tuổi theo cha lên Thăng Long và thày đã học xong hầu như toàn bộ các sách của nho gia. Năm 18 tuổi đi thi Hương đậu Giải nguyên, năm 27 tuổi đỗ Hội Nguyên rồi đỗ Đình Nguyên bảng Nhãn. Thày được bổ nhiệm nhiều chức quan lớn trong triều Lê-Trịnh. Thày thông hiểu nhiều lãnh vực như địa lý, khoa học, xã hội, văn chương, sử học, vua quan và dân chúng ai cũng kính nể. Thày phụ trách các kỳ thi, chấm thi, tuyển dụng nhân tài. Thày thường khuyên các môn sinh học trò: Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà phải tìm đến chỗ gốc bên trong… Sách không hết lời, lời không hết ý, phải hiểu cho rõ ngầm ý của thánh nhân. Thày luôn bảo biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ…

Và ông Từ Hoè xin hết ý. Cả làng vỗ tao râm ran ca ngợi sự thông thái của bồ chữ niên trưởng này, và ca ngợi Chị Ba đã theo ngành nhà giáo. Ông ODP nói với Chị Ba: chị theo ngành sư phạm để dạy học là đúng lắm, khai tâm trí lớp trẻ là xây dựng quốc gia đúng nhất. Rồi ông kể trước 1975 ông thích nhất tấm bảng ở cổng trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Mặt trước đề tên trường, mặt sau viết 4 chữ lớn ‘Lương Sư Hưng Quốc’ có nghĩa là thày giáo giỏi sẽ làm hưng thịnh quốc gia, nghĩa rộng là tương lai quốc gia ở trong tay giới trẻ, tương lai giới trẻ ở trong tay nhà giáo. Các bạn nghĩ sao về câu nói này cơ?


Trà Lũ


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page