VĂN
BẠCH LIÊN
(Đây là câu chuyện THẬT. Tên nhân vật được thay đổi)
Sau 30 tháng 4 năm 1975, dòng đời gẫy khúc. Sài Gòn hoảng loạn. Xã hội tràn ngập bao cảnh đời ly tán. Cuốn trôi biết bao gia đình điêu linh theo mạch sống ngược xuôi. Tương lai sự nghiệp của người miền Nam tự nhiên trắng tay. Đời sống cơ cực gây ra nhiều mảnh đời bất hạnh.
Một trong những gia đình tan tác này, có cô giáo Minh Tâm là vợ sĩ quan. Chồng đang đi học tập cải tạo ở vùng trời xa xôi hẻo lánh. Sau khi chồng vắng nhà, chị bị chính quyền đuổi ra khỏi trại Gia Binh.
Chị và mấy đứa con nhỏ đành dọn ra ngoài, đến ở đậu nhà bà con ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Hoàn cảnh khó khăn quá, vài nguời bạn thân bày cho đi buôn bán…Chị gom gom hết tất cả tài sản mình dành dụm bấy lâu nay, bắt đầu tập tành tìm kế sinh nhai.
Một ngày, chị mang số hàng giao cho người khách quen. Trên đường đi, một chiếc xe Honda trên đó có hai thanh niên rồ ga từ phía sau lưng, chạy lướt qua. Với vận tốc nhanh hơn chớp mắt, họ bất ngờ giựt cái túi xách. Chị điếng hồn thất sắc. Trong túi xách có sáu lượng vàng và ba cái đồng hồ, và sổ hộ khẩu. Chị Minh Tâm định, sau khi giao hàng xong, chị sẽ đến Hợp Tác Xã mua gạo và mắm muối.
Xe Honda phóng như bay, vọt cái vù và mất dạng.
Chỉ còn lại một mình lảo đảo, chị té ngã trên đường. Lồm cồm đứng dậy khi hoàn hồn, đầu óc quay cuồng. Những bước chân lê lết như đi trên mây, chị đành thất thểu quay trở về nhà, ôm mấy đứa con khóc.
- Con ơi, từ hôm nay, mẹ con mình chết đói rồi!
***
Mẹ của chị Minh Tâm nghe tin như sét đánh ngang tai, hốt hoảng chạy tới hỏi thăm. Bà bàng hoàng trước cảnh buồn nát ruột tím gan này. Trong nỗi đau khổ tận cùng, tấm lòng bao la của người mẹ làm sao không thương xót. Nhất là, khi con gái mình cạn tiền, mất sạch sẽ nguồn sinh sống. Bà mẹ liền tháo đôi bông của chính mình đang đeo trên hai trái tai, đưa cho con gái.
- Con đừng buồn nữa, hãy bán đôi bông này, làm vốn nuôi con.
Nhưng chị Minh Tâm từ chối vì thương mẹ quá. Bà cũng nghèo như mình thôi.
Cùng một thời điểm chị Minh Tâm bị đuổi ra khỏi trại Gia Binh. Trớ trêu thay, trường học cũng đuổi, bắt chị rời bỏ nhiệm sở, không cho chị dạy học nữa. Với lý do đơn giản, vì chị là vợ sĩ quan đi học tập cải tạo.
Tinh thần sa sút, thân sơ thất sở, chị tuyệt vọng đến tận cùng kiếp nhân sinh. Người bạn thân, cô Bông đồng cảnh ngộ, cũng bị đuổi việc, và cũng là vợ sĩ quan đi học tập miền xa, đến thăm hỏi. Cô Bông nhanh tay xoay trở, thích nghi với cuộc sống mau lẹ hơn. Cô Bông đang cần cù, tất bật mưu sinh qua ngày với cái nghề mới mẻ - Bán bánh canh. Cô Bông an ủi và khuyên chị Minh Tâm nên học nghề bán bánh canh, kiếm chút tiền đắp đổi, sống lây lất qua ngày với hai bữa cơm canh đạm bạc.
"Măng chua nấu với ngạnh nguồn,
Sự đời đắp đổi khi buồn khi vui."
Tất cả nguyên liệu, gia vị nêm nếm, cũng như cách thức nấu bánh canh, đều do cô Bông, người bạn thâm tình chỉ dẫn từng chi tiết nhỏ nhặt bằng cả tấm lòng thành. Có cùng hoạn nạn mới thấu hiểu đá vàng - giúp đỡ lẫn nhau trong buổi giao thời nghiệt ngã. Làm sao có thước nào đong đo lòng nhân ái?
Dòng đời vẫn trôi…
Năm tháng cơm rau vẫn hoàn rau cơm.
Đôi vai gầy guộc oằn gánh đi thăm nuôi chồng…
Chưa ai biết được ngày nào mãn tù, sum họp…
Đến một ngày, chị Minh Tâm bất ngờ nhận tờ giấy báo từ hải quan, đi lãnh thùng quà từ Mỹ gởi về ở phi trường Tân Sơn Nhất. Trên tờ giấy mỏng manh này ghi rõ ràng tên họ của chị. Chị Minh Tâm quá đỗi sững sờ, đến ngơ ngác!
Chị cứ ngỡ nhầm tên, hoặc là sai địa chỉ - vì mình hoàn toàn không có thân nhân hay bạn thân nào ở Mỹ. Chị rất lo lắng, không biết chuyện gì xảy ra và tự hỏi - Sao ai mà biết tên họ, địa chỉ rành mạch của mình như vậy? Chị rối trí nên dọ hỏi ý kiến vài người bạn. Ai cũng khuyên chị nên đi nhận thùng quà.
Ngạc nhiên hơn nữa, trong thùng quà này có một phong bì với những hàng chữ trần tình - khiến chị hoa mắt:
“Tôi là người giật túi xách của chị năm xưa. Với số vàng đó, tôi đã vượt biển đến Mỹ. Hiện tại tôi đi làm được vài tháng. Lòng tôi luôn ray rứt khi nghĩ đến chị, xin cho tôi nói lời hối hận và cám ơn chị rất nhiều. Nhờ chị, tôi được đổi đời. Nếu không có ngày định mệnh khắc nghiệt đó, chắc chắn, tôi vẫn còn mang thân phận bọt bèo trong vũng bùn nhơ nhớp của tội ác.
Đến định cư ở vùng trời tự do, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Tôi nhanh chóng tìm việc làm, toàn tâm toàn ý cắc củm, dành dụm được số tiền ít ỏi này. Người đầu tiên tôi muốn đền ơn đáp nghĩa, đó là chị. Hy vọng chị tha lỗi cho lòng tôi nhẹ bớt mặc cảm tội lỗi.
Mong chị nhận thùng quà đầu tiên với cả tấm lòng thành thật, ăn năn sám hối. Tôi biết, sau lần mất mát sáu lượng vàng, chị đau khổ ra sao rồi. Cũng may, trong túi xách có sổ hộ khẩu, sổ mua gạo nên tôi biết địa chỉ, và giữ cẩn thận cho đến hôm nay.
Những ngày tiếp nối sau này, tôi hứa với lòng, sẽ tiếp tục gởi về chút quà thêm nữa, để đền bù cho chị đầy đủ.”
"Tướng cướp buông đao xuống là thành Bồ Tát."
Tôi nhớ hình ảnh này có trong kinh Phật. Nhưng ngày nay lại hiện hữu giữa dòng đời. Một ngày đẹp trời, tâm hồn an nhiên lắng đọng, chị mơ màng ngoảnh nhìn về quá khứ bên kia bờ đại dương.
Hoài niệm buồn đẫm lệ ở góc phố Sài Gòn xa xăm thuở nào, bỗng dưng quay lại thước phim cổ tích chưa ngủ yên trong tiềm thức. Chị Minh Tâm khe khẽ kể lại quá khứ mờ phai. Ngàn giọt lệ khóc thầm đã lặng lẽ rơi dài trong nhiều đêm cô tịch, mà mình đã trằn trọc thao thức.
Nụ cười hiền hòa nở trên môi, như để thay lời tha thứ cho một kẻ cướp. Chàng thanh niên còn xanh tóc đã lầm lỡ, nông nổi làm khổ gia đình mình. Một người dưng hoàn toàn xa lạ, mà chị chưa bao giờ biết mặt.
Bạch Liên
(diễn đàn PSXH)
VĂN THƠ NHẠC