top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
MƠ ƯỚC MUỘN MÀNG

ĐÀM THU PHƯƠNG

Cách đây chừng ba tuần, các báo đăng tin cặp vợ chồng Jay và Kateri Schwandt  ở Rockford, Michigan mới sinh thêm một đứa bé trai (chắc là út một) sau khi đã có 13 cậu con trai rồi. Tin này nhắc tôi nhớ đến một mẩu chuyện có liên hệ đến chính bản thân mình mà Mẹ tôi trong lúc vui miệng đã kể lại cho tôi nghe, mấy chục năm về trước.


Tôi sinh ra đời tại một bảo sinh viện tư, hình như của bác sĩ sản khoa họ Vũ ở Hà Nội. Lúc đó  trời đã tối, Mẹ tôi có lẽ quá đau và thấm mệt nên chỉ kịp nhìn thoáng  tôi trong khoảnh khắc khi tôi được cô y tá bồng đến cho bà xem mặt rồi  bà thiếp đi. Đến sáng hôm sau khi tỉnh giấc, cô y tá giao cho Mẹ tôi một đứa bé trai, da ngăm ngăm trông bụ bẫm hơn đứa bé tối hôm trước mà Mẹ tôi nhớ mang máng là da dẻ có vẻ trắng trẻo hồng hào. Khoảng thời gian đó, Mẹ tôi trông mong có con trai vì Ba tôi vốn là con trưởng và cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Chắc chắn Mẹ tôi sẽ rất vui khi sinh con trai. Nhưng, chữ nhưng oái ăm này thường xuất hiện sai giờ giấc, khi nhìn kỹ đứa bé đó thì rõ ràng nó chẳng giống ai cả. Nó trông khác hẳn Ba tôi, cũng chẳng hề có bất cứ nét nào của Mẹ tôi. Sau vài phút đắn đo,Mẹ tôi hốt hoảng gọi cô y tá vào, bà quả quyết là tôi đã bị đánh tráo, nếu nhà thương không giao trả lại đứa bé kia thì chắc chắn Mẹ tôi sẽ khởi kiện. Ba tôi cũng cương quyết là sẽ kiện đến cùng. Sau gần 1 ngày thì họ đành đem tôi trả lại cho Mẹ tôi, và ở phòng gần đó, một bà mẹ khác đang ngồi khóc rưng rức vì chồng bà này đã tuyên bố trước là sẽ không vào thăm bà nếu bà sinh con trai. Gia đình này là chủ một hãng xe đò, họ đã có 6 đứa con trai nên bà phải hối lộ cho y tá để đánh tráo lấy một đứa con gái! Chồng bà còn cho rằng việc sinh thêm con trai đem lại điềm xui cho gia đình, vì cùng ngày hôm đó 1 chiếc xe đò của ông ta mới bị Cảnh Sát giam giữ... Xém chút nữa thì tôi đã sống đời “Hoa lạc giữa ...rừng gươm” rồi (và sau này tôi cũng đã  không cắp sách mỗi ngày đếm bước trên con đường Duy Tân cây dài bóng mátvà đầy  lá me xanh bay trong gió, mà ngày ngày chỉ phóng theo xe đò để thâu  tiền...)!


Một số những nhân vật nổi  tiếng khi được báo chí phỏng vấn về một sự kiện, một liên hệ không may nào đó xảy ra trong quá khứ, thường trả lời rằng nếu có lần thứ hai, họ  cũng sẽ chấp nhận nguyên trạng đó chứ không  mong bất cứ một thay đổi nào khác. Cá nhân tôi, tôi cũng xin được sống  lại nếp sống cũ, nhưng...ước mong tôi có cái nhìn xa và chính xác hơn.


Nhớ lại vào năm học đệ  nhất, một cô bạn cùng lớp khoe với tôi “ê  Phương, ông cậu của tao xem tướng số hay lắm đó”. Ông này làm việc tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình  Báo nên biết về Ba tôi và gia đình tôi. Tôi  không tin chuyện bói toán cho lắm, nhưng cũng nhờ ông này đến xem tướng dùm Mẹ tôi. Tôi không rõ ông ta đoán như thế nào, vì sau khi bưng trà nước ra mời thì tôi phải  rút lui vào phòng trong, không được phép ngồi  ngang hàng với Mẹ tôi và  khách. Sau đó chừng một tuần, tôi tò mò hỏi lại và ông này cho biết  “khi về già, Mẹ cháu sẽ không ở với Ba cháu, 2 người sẽ sống xa nhau”.  Tôi ngẫm nghĩ cười thầm, đúng là “bói ra ma, quét nhà ra rác” rồi. Hai  vợ chồng già thì đương nhiên phải có người chết trước, người chết sau,  mấy khi hai vợ chồng cùng chết chung một lúc trừ khi bị tai nạn! Nhưng  quả đúng như vậy, bốn năm sau, Ba tôi quyết định ở lại, tôi đưa Mẹ tôi xuống Rạch Giá vào ngày 1.5.1975 tìm đường  vượt biển…. và đó là lần  chia tay cuối cùng, Mẹ tôi và tôi không bao giờ gặp lại Ba tôi nữa.


Sau đó vài năm, một buổi  trưa khi đang sửa soạn đi xem bảng kết quả  thi lên năm thứ ba trường  Luật thì Ba tôi bất chợt về nhà. Ông tươi vui khi nhìn thấy tôi “thôi, khỏi cần đi xem bảng, cô đậu rồi”. Thì ra một  sĩ quan Cảnh Sát vừa đi  xem bảng về, anh ta báo cho Ba tôi biết và Ba tôi về nhà tìm tôi. Tôi mừng lắm, mặc dù tất cả các bài thi tôi làm đều trôi chảy, nhưng người ta vẫn chẳng thường nói “học tài thi phận”, biết đâu số xui bị đánh rớt oan một môn nào đó thì sao? Chị ruột một cô bạn thân của tôi, học Luật trên tôi 2 năm, khi đi lãnh bằng Cử Nhân mới khám phá ra mình đã tốt nghiệp từ hồi ...năm ngoái rồi, nhưng chỉ vì lỗi của người thư ký đánh máy đã vô tình, mơ màng ... bỏ sót tên! Trong lúc đang “vui như Tết” với tin thi đậu, một buổi tối, tôi dạo chơi trong Khối Huấn Luyện – một thói quen sau khi ăn cơm tối – chợt thấy một đám  đông bu chung quanh  một bàn làm việc. Tôi đoán là họ đang xem đánh bài  để giết thời giờ  trong lúc bị cắm trại, nhưng đến gần mới khám phá ra họ  đang xem ... chỉ tay. Thôi thì tôi cũng nhập cuộc, đưa tay ra xin xem,  cho dzui! Ông đại úy Hiển thản nhiên chậm rãi phán “cô có học giỏi cách  mấy, trước  khi lấy chồng, cô sẽ không bao giờ có bằng cấp” và “đám cưới của cô sẽ  không vui vì chỉ có mặt một trong hai gia đình mà thôi, có gia  đình cô thì sẽ không có mặt gia đình bên kia hoặc ngược lại”. Tôi ngạc nhiên  lắm, đành ngỏ lời cám ơn ông và lặng lẽ rút lui, tiếp tục cuộc đi  bộ  một mình trước sân nhà, trong lòng hơi có chút bực bội...Tôi không phải  đi quân dịch và không bao giờ có chuyện tôi bỏ học hay bỏ nhà...


Nhớ đến nụ cười của Ba  tôi, cùng sự tận tụy săn sóc của Mẹ tôi, tôi  hăng hái đi học đều đặn và  đậu lên năm thứ tư một cách dễ dàng, quên hẳn  đi những lời đoán năm  trước. Dòng đời cứ lặng lẽ trôi cho đến mùa xuân  năm 75. Tin tức chiến  sự tại các mặt trận càng ngày càng sôi động, rồi  lệnh rút quân được ban  ra...những trái hỏa châu nổ sáng rực các góc trời  mỗi buổi tối và có  lần một chiếc dù của trái hỏa châu đã tắt bay xà  xuống sân trước  nhà...Tôi vẫn cố bám vào giấc mơ sắp đi thi, viễn ảnh sẽ được tốt nghiệp trong vài tháng nữa và vì thế vẫn cố ôm sách học bài  thi cho đến  giờ phút cuối cùng, mặc những tiếng nổ ầm ầm của đại bác từ  xa vang vọng về hằng đêm...Cho đến lúc một vị đồng nghiệp đến tận nhà rủ  Ba tôi  bỏ chạy, tôi mới chợt nhận ra là toàn thể miền Nam không chừng sẽ thất  thủ, nhưng dù vậy, tôi vẫn cầu mong một phép lạ nào đó sẽ hiện  ra để cứu vãn tình hình! Để rồi...vận mệnh đất nước đã đến ngày sụp đổ.


Vài tháng sau khi đặt chân  đến Canada, thay vì đi đến các văn phòng  của người Việt tỵ nạn hỏi  thăm tin tức và kiếm cách đi học lại, tôi lại  tin nghe lời bàn của  những người “đi trước” là học xong cũng chưa chắc  kiếm được việc làm.  Học đây cũng chỉ là học một nghề gì khác, chứ học  luật thì ai cũng khuyên tôi “I can you” và thời đó chưa có bất cứ một  người nào ghi danh học Luật tại đây, dù rằng sinh viên Việt Nam du học qua Canada khá  đông. Rồi tôi lại suy luận, vừa đi học vừa đi làm bán  thời gian thì bao  giờ mới học xong, chưa kể phải gánh thêm một món nợ  không biết bao giờ mới trả hết? Chữ “mang nợ” quá mới mẻ đối với một người mới qua tuổi  hai mươi, mới chân ướt chân ráo từ quê ra tỉnh như tôi lúc bấy giờ!  Phần khác, tôi tự nghĩ vốn xuất thân từ gia đình danh giá, bây giờ lại phải hàng tuần đi xếp hàng để xin trợ cấp – chỉ đúng 15 đồng một tuần –  thì coi “không đặng” chút nào! Tự ái dân tộc nổi lên đùng đùng, tôi quyết định dứt khoát đi kiếm việc làm. Mỗi sáng sớm tôi đi mua một tờ báo, dạo đó giá chỉ có 15 xu, rồi chăm chỉ cầm bút khoanh vòng tròn những mẫu tin tìm người và hàng ngày lang thang lên khu vực  tài chính  tại trung tâm thành phố gõ cửa mọi nhà băng lớn, hỏi xin receptionists các số phone cần thiết. Không ngờ là Thánh Nhân đãi kẻ khù  khờ, cuối  cùng tôi cũng mò mẫm gọi đúng vào nơi đang cần người, họ hẹn tôi đến phỏng vấn và sau hai đợt phỏng vấn, tôi được nhận vào làm việc. Đó là  ngày 15.8.1975, đúng 2 tháng rưỡi sau khi tôi đặt chân đến vùng đất mới.


Khi còn ở VN, tôi chỉ nghĩ  đến việc học, học ngày học đêm, học tối  đa thế nào để sớm được tốt nghiệp và mong trở thành một giáo sư, dạy lại  tại trường Luật. Trong 4 năm đại học, tôi chỉ gặp thoáng GS Vũ Việt  Hương (ái nữ của GS Vũ Văn  Mẫu) một lần và được học một môn với GS Trần  Thị Hoài Trân vào năm thứ tư. Trường Luật hình như không có nhiều nữ giáo sư và vì thế, tôi mơ ước một ngày nào đó sẽ được dạy một môn học  tại đây. Mẹ tôi hứa tặng  một chiếc xe hơi thật đẹp khi tôi ra trường và tôi sẽ lái chiếc xe này đi dạy học...


Chạy loạn đến xứ người, đúng là “thân gái dặm trường”, mộng mơ thời con gái đã tan biến khi va chạm thực tế phũ phàng, tôi càng luyến tiếc giấc mơ đầu đời thì tôi càng cảm thấy không thích hợp với bất cứ môn học  nào khác, như computer science, accounting v.v...và cứ thế tôi vẫn tiếp tục làm cánh chim trời bay mãi để tìm một giấc mơ không bao giờ thành  tựu ...


43 năm ngày Quốc Hận đã  trôi qua, tôi vẫn không sao quên được chuyện quá khứ và lỗi lầm của mình. Lời nói của Mẹ tôi luôn văng vẳng bên tai  “không có cái NGU nào giống cái NGU nào”. Quả thật đúng như vậy!


Nếu tôi được cho một điều  ước: ƯỚC gì tôi có cái nhìn khác hơn vào năm 1975, sáng suốt hơn, thực tế hơn, dù chỉ là một chút, một chút thôi  ……


Đàm Thu-Phương

Mother’s Day, 13.5.2018


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page