top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
TÂM SỰ CỦA LÁ THƯ RƠI

TRANG CHÂU

Người viết thư rơi lẫn người nhận thư rơi thường không có nhân chứng. Nhưng tôi là người duy nhất âm thầm có mặt ở cả hai phía vì tôi chính là lá thư rơi. Khi còn ở tình trạng thai nghén tôi là con đẻ, nhưng tôi trở thành đứa con vô thừa nhận ngay khi chào đời. Vì sao? Thắc mắc này tôi không nêu lên cho tôi, nó được đặt ra cho người nhận tôi. Bài viết này, xin xem như một cố gắng của riêng tôi để tiếp tay với người đọc, dù người đọc đó ở bất cứ vị thế nào.


Xin nói ngay khi viết tôi chỉ ghi nhận chứ cố sức không phê phán. Nếu thỉnh thoảng tôi có chêm vào đôi chút suy tư thì cũng chỉ là những thoáng suy tư hết sức vô tư. Mục đích của tôi là trình bày những căn nguyên, những động cơ thúc đẩy người khai sinh ra tôi đặt bút viết và người đọc tôi có phản ứng gì, suy đoán ra sao? Tôi phải đặt tên cho nhiều nhân vật. Xin nói ngay, người và việc có thể thật nhưng những cái tên thì hoàn toàn giả. Tuy giả nhưng tôi biết trước thế nào cũng có người giật mình. Khi tôi gọi ông A không phải chỉ riêng ông A giật mình mà cả các ông tên Ấn, tên Âu, tên Ấm cũng giật mình, vì nghĩ tên mình được cố ý viết trệch đi thôi. Xin những người có tên trùng với những tên nêu lên trong bài viết này an tâm, tôi không nhắm vào tên của quí vị. Tôi sẽ viết từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nhỏ và lớn ở đây dưới nhãn quan của tôi, không nhắm vào con số nhân sự mà nhắm vào nội dung của câu chuyện, của vấn đề được xảy ra hay nêu lên.


Nhỏ nhất là câu chuyện xảy ra giữa hai người, một cặp vợ chồng. Tôi ra đời sau khi hai người ly thân. Người vợ dọn ra ở ấp trong một chung cư. Lý do ly thân của họ tôi biết nhưng không nói ra vì không muốn xen vào đời sống riêng của họ. Chỉ biết sau mấy đêm ngồi trong xe rình bà vợ ly thân, tối tối hay đi bộ sang chơi ấp của một cặp vợ chồng ở một chung cư đối diện, cho đến mười, mười một giờ đêm mới ra về mà không thấy có người đàn ông nào đi theo, người chồng về nhà viết cho bà vợ ly thân một lá thư. Tôi chỉ trích lại tôi một đoạn: “Mấy hôm nay em ghé qua nhà chơi với Điệp, thấy em càng buồn càng đẹp anh cũng động lòng. Anh biết em bỏ thằng chồng em vì nó kém sinh lý. Anh bảo đảm với em, em sẽ được thỏa mãn một trăm phần trăm vấn đề đó. Hẹn em thứ tư tuần tới đúng một giờ trưa tại quán Mimosa. Em nhớ đúng hẹn, anh chờ. Ty.” Mang bỏ tôi vào thùng thơ xong ông chồng vẫn đêm đêm đậu xe ngồi rình. Ty là tên ông chồng của bà Điệp, cặp vợ chồng mà tối tối bà vợ ly thân vẫn đi bộ sang chơi. Một giờ kém mười lăm trưa thứ tư tuần sau, người chồng lái xe đến bãi đậu của tiệm Mimosa, thụt người trong xe ngồi rình. Nhưng không thấy bà vợ ly thân của ông đến chỗ ông hẹn. Tối hôm đó ông không lái xe đi rình nữa; ông ngồi ở bàn viết, ôm đầu, chốc chốc lại kéo hộc tủ, mở cuốn agenda, nhìn ngắm hình bà vợ ly thân được giấu ở bên trong. Ngắm chán ông lấy bút chì đỏ gạch đít nhiều lần hai câu thơ của Sully Prud' homme:


“Ôi! anh sẽ hiền xiết bao nếu em chỉ có linh hồn. Điều khiến anh độc ác, em biết không, chính là nhan sắc của em.” (1) 


Bà vợ ly thân nhận thư đọc xong, đắn đo một lúc rồi mang lá thư sang đưa cho bà Điệp đọc. Bà Điệp đọc xong giận run:


- Khốn nạn thật, anh Ty không bao giờ ngu xuẩn đi viết một lá thư trắng trợn như thế. Chị nghi thủ phạm là thằng chả của em ghen quá viết cuồng chứ không ai khác.


Người vợ ly thân cũng nghi như vậy. Tối đến bà Điệp mang tôi ra cho ông Ty đọc. Đọc xong ông Ty cười khẩy rồi nói:


- Tay nầy đúng là hậu duệ của Nguyễn Bính: “Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi.”


Rồi giọng ông nghiêm trang:


- Người có học mà đến mức viết những lời hạ cấp như thế mình nên đề phòng, anh ta có thể còn có những hành động điên rồ hơn nữa. Em nên lựa lời nói sao cho chị ấy bớt qua lại nhà mình.


Ở một môi trường khác, tác giả khai sinh ra tôi không phải một mà là hai người, hai vợ chồng. Họ thuộc một nhóm thân hữu hay hội họp ăn uống, ca hát, khiêu vũ. Qua lại nhiều lần, gặp mặt nhau thường xuyên va chạm tất nhiên xảy ra. Họ bình phẩm lén nhau về đủ thứ chuyện. Từ chuyện món ngon món dở, món nhiều món ít, món rẻ tiền món đắt tiền; chuyện con mẹ nọ hát giọng chua như dấm, thằng cha kia hễ cất tiếng hát là trật đường rầy; chuyện con nhỏ đã xồn xồn mà còn ỏng a ỏng ẹo; chuyện bà kia đã có cháu ngoại cháu nội mà còn ăn mặc diêm dúa, hở hang; v.v...


Một tối Bảo đưa cho Hòa, vợ anh, xem một phác thảo về tôi. Hòa đọc xong quắc mắt hỏi chồng:


- Sao anh “đánh” luôn cả ông anh của em?


Bảo trả lời giọng chắc nịch của một người giàu kinh nghiệm:


- Có như vậy thiên hạ sẽ không bao giờ nghi chúng mình. Nghệ thuật viết thư rơi là làm sao cho thiên hạ nghi ngờ lẫn nhau hoặc không thể nghi ngờ một người nào đó. Làm sao thiên hạ có thể nghi ngờ em và anh khi cả anh của em cũng bị “đánh”.


Nghe chồng nói có lý Hòa làm thinh. Nhưng nàng cầm bút chua thêm mấy chữ vào phần cuối của phác thảo rồi đưa lại cho Bảo. Bảo liếc mắt đọc rồi ngạc nhiên hỏi vợ:


- Sao em thêm ông Sinh vào làm gì vậy? Em muốn anh “đánh” con nhỏ Sương vì em không thích nó xơn xơn cười đùa và nhảy hay ôm sát mấy ông thì anh đã làm. Ông Tạ, ông Thiệt, ông Trụ, ông Lý thế là đủ rồi. Con nhỏ Sương có bao giờ xơn xơn với ông Sinh đâu?


Hòa trả lời chồng giọng cương quyết:


- Anh cứ thêm tên thằng cha vào, cho bỏ ghét. Hai vợ chồng đó “chíp” lắm, đám cưới con mình chúng cho có 70 đô chỉ vừa đủ trả phần ăn cho chúng thôi.


Bảo gật đầu ưng thuận:


- Mai anh vào sở, dùng máy của sở đánh và sẽ sao gởi đi. Em mua tem rồi chứ?


- Rồi, 15 con là đủ. Gởi cho mấy tay chóp bu thôi, chúng sẽ truyền tin đi lẹ lắm.


Và tôi được chuyền đến 50 người. Trong 50 người nầy, 10 người có tên trong lá thư rơi. Và đúng như Bảo tiên đoán, họ nghĩ ngay đến những kẻ thù, những đối thủ, những kẻ đang có vấn đề với họ. Họ đổ xô đi tìm kiếm hung thủ bằng cách đoan quyết hay loại bỏ. Một ông nói để ám chỉ một người:


- Văn tức là người mà, nó gốc Tàu nên viết tiếng Việt không rành, lỗi chính tả tùm lum, đọc là biết ngay ai rồi.


Một bà ra vẻ rành rõi:


- Người viết phải là gốc Nam. Chỉ có người Nam mới xưng hô chị Năm, chị Hai thôi.


Một bà khác lại đoan quyết ngược lại:


- Đứa viết phải là một con mẹ Bắc Kỳ, chỉ có thứ Bắc Kỳ đanh đá mới dùng chữ “đánh đĩ” mà thôi.


Một ông khác có tên trong lá thư rơi lại điểm mặt một người:


- Tôi đã từng làm trong an ninh quân đội nên có kinh nghiệm. Chỉ cần nhìn sắc mặt là biết. Trong thư nó chửi tôi, tôi đến ngay mặt bắt tay nó, nó bắt tay tôi mà mặt biến sắc, tôi biết ngay chính nó là thủ phạm.


Có người thận trọng hơn không ám chỉ mà chỉ loại bỏ. Một bà bênh vực một nghi phạm:


- Tôi biết ông ấy không phải là loại người viết thư rơi. Ông ấy chẳng sợ ai đâu, có gì ông ấy nói toạc ra ngay đâu phải đi mất thì giờ để viết thư rơi.


Một ông tỏ ra am tường tâm lý:


- Không phải ai cũng viết thư rơi được đâu, cũng như không phải ai cũng đi ăn cắp được đâu. Người viết thư rơi phải là loại người cảm thấy thích thú khi nghĩ rằng mình chửi người ta, dù người ta có nghi mình, người ta cũng chẳng làm gì được mình.


Trong suốt mấy tuần tôi là đề tài bàn tán công khai lẫn ngấm ngầm trong nhóm thân hữu. Bảo và Hòa cũng chờ xem có ai nghi mình không. Hai người đồng ý với nhau hễ ai nói đến thư rơi sẽ nhất nhất trả lời thư rơi nên vất vào sọt rác và xem như không có, không biết chuyện gì xảy ra. Thái độ không can dự của hai vợ chồng được nhóm thân hữu tỏ ra tán thưởng, ít ra là ngoài mặt. Hai người được mời tham dự các sinh họat nhiều hơn trước. Hòa hả hê nói với chồng:


- Mình “đánh” chúng nó mà chúng nó lại quí mình hơn, thế mới hay.


Bảo lại nhìn kết quả với cặp mắt khác:


- Chúng nó quí mình thì ít, anh nghĩ chúng nó sợ mình nhiều hơn. Chúng nó nhát chứ không ngu hết đâu.


Người khai sinh ra tôi lần nầy xuất thân từ một hội chuyên gia về khoa học kỹ thuật. Hội nầy có một tờ nội san mỗi năm ra hai số. Báo của hội đi dần dần từ chuyên ra gia. Ban đầu chuyên môn là chính nhưng rồi có người phê bình bài vở khô khan quá nên có lẽ vì thế ông chủ bút đương nhiệm muốn làm cho tờ báo gia hơn một chút nghĩa là có gia vị hơn một chút bèn tăng cường một số bài phiếm nặng mùi nói lái và đưa văn chương Kim Dung vào mục trả lời thư tín với những sư tỉ, sư muội, đại ca, tiểu đệ, v.v... Thế là bắt đầu có sóng gió, vì khen nhiều mà chê cũng lắm. Khen nhất có người viết thư về nói cầm tờ báo là tìm đọc ngay mục trả lời thư tín. Thứ nhất vì nó “dui”, thứ hai để xem ai có tên trên bảng phong thần. Nhưng cũng chính mục nầy bị chỉ trích là rẻ tiền, bất xứng trên một tờ báo của một hội chuyên gia. Người chỉ trích cũng phản bác lập luận mục được đọc trước nhất không có nghĩa mục đó hay nhất cũng như một ông đọc tờ Play-Boy trước tờ Gazette, không có nghĩa tờ Play-Boy có giá trị hơn tờ Gazette, nó gợi dục hơn thì có. Nhưng nếu có thư khen được đăng lên mục thư tín thư chê lại chỉ được phổ biến dưới dạng thư rơi. Phía nhận tôi, đọc tôi xong, họ đưa tôi ra ban trị sự để thảo luận. Thảo luận đưa đến kết luận: Tác giả thư rơi chỉ là một người trong khi đa số hội viên không ai lên tiếng, vậy thì “chó sủa mặc chó đường ta ta đi.”


Tôi lại được gởi tới ông chủ bút lần thứ hai. Sự công kích lần nầy quyết liệt hơn. Nó mỉa mai ông chủ bút miệng lúc nào cũng than van muốn từ chức nhiều lần, lần nào cũng bị ép ôm của nợ, thế mà khi họp Đại Hội Đồng ông lại xung phong tái ứng cử chức ủy viên báo chí. Nó cũng tiếp tục tấn công cái mục thư tín, không biết căn cứ vào đâu, nó nói ông chủ bút cứ lôi tên mấy thằng bạn cùng lớp ra tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời giùm chúng để cho đầy mục thư tín. Nó hô hào ngưng đóng niên liễm vì không muốn hội dùng tiền để chi cho một tờ báo báo đời như thế. Tôi lại được đưa ra ban trị sự để thảo luận và kết luận vẫn là kết luận gần như lần trước: Kẻ viết hai lá thư rơi là một, một đương nhiên là thiểu số cho nên “chó sủa mặc chó đường ta ta đi.”


Thứ thư rơi như tôi lúc nào cũng được người ta công khai tuyên bố, khuyến cáo, khẳng định chỉ đáng vất vào sọt rác. Thế nhưng bên trong người ta vẫn sôi sục nghiền ngẫm về tôi, tìm hiểu đích thực tác giả là ai, vì câu “văn tức là người” vẫn ám ảnh người nhận thư. Ai cũng cố tìm cho ra một kẽ hở nào đó của người viết để nhận diện tác giả. Người khai sinh ra tôi trong vụ nầy là một người từng trải ngoài đời, ông tin mình biết hết mọi chuyện, ông nghĩ mình có bổn phận phải giữ cho hội một hướng đi đứng đắn. Có lần ông tâm sự với một người bạn:


- Nhận lỗi thay một kẻ khác là người quân tử; làm lỗi mà biết nhận lỗi là một người biết phục thiện. Hai hạng người nầy tôi phục. Còn hạng làm lỗi đã không chịu nhận lỗi mà còn vênh váo là một thứ tiểu nhân đắc chí cần phải triệt hạ.


Nơi tôi được khai sinh nhiều lần, từ hai phía bắn qua bắn lại, là cái Cộng Đồng. Tôi không hiểu có gì trong đó mà người ta gần như ẩu đã nhau để chiếm lấy nó. Ai cũng nói công việc cộng đồng là công việc vác ngà voi nghĩa là công việc hao công tốn của tưởng sẽ đốt đuốc kiếm không ra người ai dè lại cứ xô nhau để dành vác. Để thỏa mãn tham vọng chăng? Thế tham vọng là gì? Triết gia Chamfort đã từng mỉa mai: “tình yêu là sự điên rồ dễ thương; tham vọng là sự ngu xuẩn đứng đắn” (2) và tôi đã không nhớ ai đã phát ngôn câu nầy: “Đàn ông bất tài mà nhiều tham vọng chỉ giỏi nịnh hót; đàn bà bất tài mà nhiều tham vọng chỉ giỏi bắt nạt chồng.”


Tôi không đề cập đến những nguyên nhân gây xáo trộn cộng đồng, những nguyên nhân đã tạo nên sự có mặt của tôi, tôi chỉ nói đến phong cách của những người khai sinh ra tôi thôi. Một buổi sáng bà Mỹ đang ngồi xem truyền hình thì điện thoại reo.


- Allô


- Chị Mỹ đó hả tôi Mễ đây.


- Dạ, chào anh Mễ.


- Chị nhận được cái thư rơi chưa?


- Dạ dạ, có, hôm qua.


- Chị đọc, chị thấy sao?


- Dạ... dạ... thư rơi... dạ... thư rơi thì... nhưng mà cũng có cái đúng.


- Cái thư rơi đó tôi viết đấy, chị thấy được không?


- Dạ... dạ... anh viết thì... thì... cũng đúng thôi.


- Đó là tôi còn nhẹ tay đấy. Dạ, thôi, cám ơn và chào chị.


Những người khai sinh ra tôi không người nào giống người nào. Ông Mễ là mẫu người kín mà hở, ông viết thư rơi nhưng lại muốn có người biết mình là tác giả. Có lẽ ý ông muốn người ông cho biết đánh giá khả năng viết của ông cũng như hiệu quả điều ông muốn tống đạt. Tất nhiên ông Mễ chỉ hé cho những người mà ông nghĩ khi biết ông là tác giả sẽ phản ứng theo chiều ông mong muốn.


Trong một phiên họp, bốn trên năm người có mặt đồng ý viết văn thư phản đối ông Chủ Tịch Cộng Đồng. Riêng một mình ông Phan chống, ông nói ông thấy chưa đến lúc phải viết văn thư. Tuy thế văn thư vẫn được thảo ra và gởi đi vì đa số đồng ý. Mấy hôm sau ông Phan nhận được điện thoại của ông Chủ Tịch Cộng Đồng cảm ơn ông Phan là người duy nhất đã bênh vực ông. Ông Phan ngạc nhiên hỏi:


- Chúng tôi họp kín sao ông biết tôi chống vụ viết văn thư?


- Có người cho tin. Tôi còn biết trong bốn người ai là người chống tôi nhất.


Một tháng sau tôi ra đời. Nội dung lá thư rơi chỉ trích ông Chủ Tịch Cộng Đồng, bằng những lời lẽ thô bạo nhất. Tôi bay đến hàng chục địa chỉ, từ những người nhận nầy tôi bay đến hàng trăm người nhận khác. Không ai nói ra nhưng mọi mũi dùi đều ngầm chỉa vào ông Phó người đã đả kích kịch liệt ông Chủ Tịch Cộng Đồng trong phiên họp kín năm người. Nhưng không ai có thể ngờ tác giả khai sinh ra tôi chính là ông Phan. Tuy thế gặp ai ông cũng phàn nàn:


- Tôi không dám nghi ai là tác giả lá thư rơi kia, nhưng dù ai đi nữa, cũng không nên đả kích nhau trong lúc nầy. Quốc Gia mình không giúp nhau làm việc thì thôi chứ đừng phá nhau, Cộng Sản nó cười cho.


Một tối thứ sáu tại tư gia của một thương gia nằm ở ngoài thủ đô Ottawa, có cuộc họp mặt giữa hai người đàn ông, một tên Thứ, một tên Triện. Ông Triện hơi khum người khi đón bàn tay nhão và lạnh của ông Thứ chìa ra cho mình bắt:


- Xin kính chào đồng...


Ông Thứ cắt ngang câu nói:


- Anh ở trong nước mới ra nên chưa quen. Ở đây anh phải tập thay đổi cách xưng hô. Anh sắp hoạt động trong lòng thành phần chế độ cũ của miền Nam, anh phải tập nói ngôn ngữ của họ. Họ chưa hấp thụ được ngôn ngữ sáng tạo của ta như bên nhà vậy anh phải tránh những cụm từ như đi tham quan, khẩn trương lên, hãy thư giản, đẹp cực kỳ, không có thời gian, muốn liên hệ với v.v... Anh sẽ sát cánh làm việc với một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong cộng đồng việt kiều hải ngoại tại xứ nầy.


Nói xong ông Thứ đưa cho ông Triện một phong bì dán kín và dặn:


- Ngày mai anh lấy xe đò đi Toronto. Sẽ có người đón anh ở bến xe. Anh sẽ nhận được chỉ thị công tác tại đó. Người trách nhiệm hướng dẫn anh tên là Phan.


Mấy tháng sau tôi lại xuất hiện, lần nầy trên mạng lưới của một hội ái hữu cựu quân nhân. Nội dung vi thư tố cáo một niên trưởng Chủ Tịch một phân hội bên Hoa Kỳ là Cộng Sản nằm vùng. Và cái màn bên bênh vực, bên tố cáo mạt sát nhau tận tình lại xuất hiện đầy đặc hàng ngày trên mạng lưới. Người khai sinh ra tôi lần nầy là ông Triện núp dưới cái tên Thái Thượng Nhân. Tôi được ông Triện khai sinh sau khi ông tham dự mấy buổi thụ huấn với ông Phan. Huấn từ mãn khóa của ông Phan có đoạn như sau:


- “Nhiệm vụ của chúng ta trong giai đoạn nầy là hướng dẫn người Việt hải ngoại hướng về quê hương dân tộc, hay về nguồn nói theo ngôn ngữ của họ, và quên chuyện cũ đi. Cái chuyện bắt họ quên chuyện cũ nhất là thành phần lớn tuổi cũng khó khăn. Ta thắng ta nắm quyền ta quên là chuyện dễ, họ thua nay bắt họ quên nhất là quên theo đường lối của ta thì thế nào cũng có kẻ cứng đầu chống đối. Nhiệm vụ của ta là vô hiệu hóa những kẻ chống đối, bằng cách thay vì ta trực diện đối đầu với họ, ta làm thế nào để họ đối đầu lẫn nhau. Và ta đứng đàng sau ở một phía. Quyền lợi vật chất là phương tiện rất hữu hiệu. Ta có phương tiện, có thể nói là dồi dào, để hổ trợ kế hoạch, nhưng phải đạt chỉ tiêu cao.”


Đôi lúc tôi cũng suy nghĩ về tương lai của mình. Tôi sẽ còn hiện hữu bao lâu? Tôi thấy tôi sẽ còn gây xáo trộn một thời gian dài. Những người khai sinh ra tôi đều có một mẫu số chung: hăm hở tạo dựng tôi. Mỗi người do một động cơ thúc đẩy khác nhau: ghen tuông, ganh tị, tham vọng, tham quyền hay lý tưởng hơn một chút đả phá để xây dựng hoặc chỉ đơn thuần thi hành một mệnh lệnh. Nếu viết thư rơi, dưới cái nhìn bình thường của đa số người, là một hành động không đứng đắn, thì tác giả viết thư rơi đúng là những kẻ, y như lời của tướng Delattre de Tassigny nói với các sĩ quan tham mưu của ông về Việt Minh: “Ở ngoài kia có những kẻ chiến đấu rất tốt cho một mục đích xấu.” (3)


Tôi chỉ là mặt nổi của những bàn tay trong bóng tối. Nói đến hai chữ bóng tối, tôi chợt hiểu tôi chỉ sẽ không còn hiện hữu khi nào hoặc ở nơi nào có ánh sáng, thực sự là ánh sáng.


Trang Châu


Chú thích:

(1) Oh! que je serais doux si tu n' étais qu'une âme. Ce qui me rend méchant, vois tu, c'est ta beauté. (Sully Prud' homme)


(2) Amour, folie aimable; ambition, sottise sérieuse. (Chamfort)


(3) Il y a là bas des gens qui se battent très bien pour une mauvaise cause. (Delattre de Tassigny)


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page