top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
TỌA TRUNG ĐÀM TIẾU NHÂN NHƯ MỘC

PHAN QUANG NGHIỆP K1

- Để kính nhớ Thầy Đàm Trung Mộc


Một câu thơ trong bài “Anh Giả Điếc” của Nguyễn Khuyến  mà Thầy  VT Đàm Trung Mộc hay nói với chúng tôi: “Các cậu cứ nhớ câu thơ nầy là nhớ đến tôi, trong đó có đầy đủ tên, họ và chữ lót  của tôi: “TOẠ TRUNG ĐÀM TIẾU NHÂN NHƯ MỘC”


Bây giờ sau hơn 50 năm anh chị em Khoá 1 HVCSQG chúng tôi gặp lại nhau và nhớ  đến Thầy, nhớ đến câu thơ mà Thầy đã nói. Ngẫm nghĩ nhiều khi chỉ một cái tên, một câu thơ vô tình nào đó nó lại quyện vào mình như một ám ảnh suốt cuộc đời. Câu Thơ “Toạ Trung Đàm Tiếu Nhân Như Mộc” nó vô tình gồm đủ cả tên họ và chữ  lót  ĐÀM TRUNG MỘC  của Thầy mà không biết có phải vì lẽ đó mà nó đeo đẳng theo Thầy suốt cuộc đời: Thầy đã nhiều lần phải đóng vai Anh Giả Điếc?

Đây là bài thơ có nhan đề “ANH GIẢ ĐIẾC” của Cụ Nguyễn Khuyến nguyên văn như sau:


Anh giả điếc 

-Nguyễn Khuyến-


Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc
Dạ lí phan viên, nhĩ tự hầu. (1)

Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à.


(1) Hai câu chữ Hán ý nói: khi mọi người ngồi nói chuyện và cười cợt thì ngây ra như gỗ, nhưng đêm khuya leo trèo thì lanh lẹ như con khỉ.


Bài thơ nói lên một phần nào cái tính phản kháng tiêu cực của một kẻ sĩ bất phùng thời: ngồi giữa một đám đông nói nói cười cười một cách vô tư lự biết chúng là một phường vô lại, chẳng ra gì mà mình thì không thể biểu đồng tình nhưng cũng không dám phản kháng mà chỉ biết giả điếc thôi, sự phản kháng quả nhiên là tiêu cực vậy.


Thầy là một cây cổ thụ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, có học vị cao, có ngạch trật lớn nhất trong ngành, thế mà có lúc Thầy phải bị đày làm nhân viên cho một Ty Cảnh Sát địa phương nhỏ bé xa xôi.


Thầy đã phải đóng tròn vai anh giả điếc.


Có lúc Thầy phải ngồi nhổ râu cằm mà nghe hiểu thị từ một anh võ biền nào đó mà sự hiểu biết về ngành CSQG chẳng là bao! Thầy cũng đã giả điếc mỉm cười cho qua chuyện.


Có lúc Thầy bị tách ra khỏi môi trường Cảnh Sát Quốc Gia biệt phái qua Bộ Nội Vụ ngồi chơi xơi nước Thầy lại giả điếc một lần nữa.


Đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có người hỏi tại sao Thầy không đi? Thầy đã nói rằng Thầy đã từng dạy học trò của Thầy là thân làm tướng phải chết theo Thành nếu không giữ được Thành, nên Thầy tuy không là tướng nhưng Thầy quyết định ở lại, để rồi chịu chung số phận với hầu hết học trò của Thầy. Trong tù Thầy đã nhắc anh em chúng tôi bài thơ “Anh Giả Điếc” để ráng mà nín thở qua sông:


Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,
Lối điếc ấy sau này em muốn học. 

(Nguyễn Khuyến)


Chúng tôi cùng Thầy đóng tròn vai anh giả điếc …cứ ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây ,… sáng tai họ điếc tai cày… giúp chúng tôi rất nhiều trong những năm tháng dài đăng đẳng lao động khổ sai trong các trại tù khắc nghiệt của cộng sản mà  thân phận chúng tôi bị dày vò như miếng giẻ rách


Khi xưa phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường 

(Kiều)


Tuổi Thầy cao hơn chúng tôi sức chịu đựng của Thầy kém hơn chúng tôi nên Thầy đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục tù cộng sản. Thầy đã ra đi theo những người bạn của Thầy như Ch.Tg Bùi Văn Nhu, ĐT. Nguyễn Phúc v.v.  họ cũng đã chết trong ngục tù cộng sản mà đám ma tù của Thầy thật là buồn:


***

Một xác bó tròn đôi manh chiếu
Hai đầu cột chéo bốn sợi lau
Không kèn không trống không đưa tiễn
Chẳng khói chẳng hương, chẳng nguyện cầu
Chỉ mấy bạn tù khiêng lặng lẽ
Và hồn Sông Núi khóc thương đau!
 

(Thơ Ngô Minh Hằng)


Trong những ngày tháng tận cùng của sự đau khổ và tuyệt vọng Thầy trò gặp nhau chỉ biết nhìn nhau câm nín, trong cúi đầu chịu đựng. Chúng tôi nghĩ rằng rồi ra cũng sẽ lần lượt theo Thầy (chết) để thoát khỏi cái kiếp lầm than tuyệt vọng:


Mai sau dù có bao giờ? 

(Kiều)


***

Nhưng chỉ mấy năm sau ngày Thầy ra đi thì phép lạ từ trên Trời rơi xuống chúng em được thả và được cho tái định cư ở Mỹ. Gặp nhau giữa Thủ Đô Tỵ Nạn Little Sài Gòn, chúng em cứ tưởng là trong mơ:


Tưởng bây giờ là bao giờ! 

(Kiều)


Thật vui mừng:


Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời
 

(Kiều)


Thưa Thầy Đàm Trung Mộc Viện Trưởng, Chúng em cứ nghĩ là sẽ bỏ thây nơi núi rừng Thượng Du Bắc Việt, không ngờ lại có một chút may mắn còn sống sót và được đi nốt quãng đời còn lại của mình trên đất Hoa Kỳ đầy đủ tiện nghi nầy.


Ngày nay chúng em cũng đã trên dưới 70 cái tuổi mà người xưa gọi là cổ lai hy, cho nên chúng em thường tổ chức những ngày hội ngộ để găp nhau chào hỏi nhau, an ủi nhau trong lúc tuổi già sức yếu nơi xứ lạ quê người. Mỗi lần gặp nhau  thật là


Nỗi mừng biết lấy chi cân
Lời tan hợp chuyện xa gần thiếu đâu.
 

(Kiều)


Bao nhiêu kỷ niệm một thời lại tuôn trào từ những vành môi nhăn nhúm  của tháng năm  nhưng vẫn tranh nhau nói:


Cùng nhau kể lể chuyện xưa
Nói rồi lại nói lời chưa hết lời 

(Kiều)

….

Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin còn một chút nầy làm ghi


Mấy dòng tản mạn kính dâng  Hương Hồn Thầy Viện Trưởng  Đàm Trung Mộc kính yêu của chúng tôi.


PHAN QUANG NGHIỆP

(San Jose 2017)


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page