VĂN
VŨ NGỌC TẤN
"Tôi xa Hà nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say.."
(Anh Bằng)
Sự thực thì tôi xa Hà nội năm 12 tuổi và chưa hề có em nào hết, cũng như chưa hề biết yêu. Nay nói chuyện về thăm Hà nội, cũng như du lịch Việt nam, trườc hết xin minh định vài điều:
- Thứ nhất: Đất nước Việt nam là của chung mọi người Việt, và không phải là của riêng bọn cộng sản. Vì là của chung mọi người (tức là của anh và của tôi) thì tôi có quyền thăm đất nước tôi. Hơn nữa, đất nước là muôn đời và kẻ cầm quyền chỉ có một thời mà thôi. Kẻ cầm quyền (nay là bọn cộng sản) một ngày nào sẽ ra đi thì đất nước vẫn còn đó. Ta không thể lẫn lộn đât nước và kẻ cầm quyền và ngược lại. Ta có thể không ưa kẻ cầm quyền, nhưng ta không thể từ bỏ đất nước của ta.
- Thứ hai: việc mắt thấy tai nghe bất cứ một chuyện gì, và khi kể lại ta nên giữ một nguyên tắc: Có thì nói, không có thì thôi. Không phải vì ghét kẻ nào thì nói thêm cho bõ ghét, không có nói cho có và thương kẻ nào thì đưa kẻ đó ên mây xanh. Làm như vậy ta sẽ làm mất đi sự trung thực của bài viết, và sinh ra nhàm chán, làm mất lòng tin của người đọc.
- Thứ ba: Xin kể một giai thoại. Hôm đó tôi và chú tài xế lái xe vào tỉnh Quảng Trị. Qua một công viên, tôi thoáng thấy tượng một anh già bằng đá trắng. Sau đó tôi vô giải khát ở một quán cà phê gần đó. Bà chủ quán, qua câu chuyện nói bằng một giọng miền Trung rất nặng: “Bức tượng đá là tượng ông Duẫn. Ông ấy sinh ra ở Quảng Trị đấy!” Nghe mẹ này nói và nhìn mặt mẹ, tôi biết là mẹ rất lấy làm vinh dự có Lê Duẫn (một thời là Tổng bí thư đảng CSVN) sanh ra ở nơi này. Tôi lờ đi không hỏi gì thêm. Lúc ra khỏi tiệm tôi hỏi cậu tài xế: "Cậu có biết Duẫn là thằng nào không?" Chú ta trả lời: "Con sanh ra sau chiến tranh, năm nay con 45 tuổi. Con chỉ lo làm việc kiếm ăn mà thôi và không biết hề Duẫn, Minh Khai là ai, làm gì... và cũng chẳng cần biết để làm gì."
Qua câu chuyện kể trên, ta có thể suy luận ra một điều: Tại Việt nam và kể cả ở hải ngoại, ta có 2 lớp người:
- Lớp người thứ nhất (nay chỉ còn khá ít) gồm có những kẻ như mẹ chủ quán cà phê này: Lúc nào cũng ôm lấy dĩ vãng- dù rằng dĩ vãng đã qua cả nửa thế kỷ. Nói chuyện thì nói về dĩ vãng như là nói chuyện ngày hôm qua. Phía bên ta (những người bỏ cộng sản ra đi), thì cũng không thiếu những người như vậy.
- Lớp người thứ hai là những người sanh ra sau chiến tranh (như cậu tài xế xe của tôi), và một số khá lớn những người lớn tuổi ở trong nước và hải ngoại. Đối với những người này thì: Chiến tranh đã qua đi cả nửa thế kỷ và Miền Nam đã thua. Ta không thể lấy lại được đất nước từ tay CS và cũng chẳng có ai gíúp ta lấy lại đất nước. Cho nên: "Simply live and let live."
Nay xin vào chuyện “Du lịch Việt nam.”
Tôi đã du lịch VN nhiều lần nhưng lần này tôi muốn làm một chuyến du lịch từ Nam ra Bắc, nhất là thăm viếng cảnh núi non hùng vĩ Miền Bắc. Nay sau khi về hưu vào tuổi 80 - tuy hơi muộn nhưng lượng sức có thể làm được, nên tôi quyết định ra đi. Vì bà xã và các cháu đều phải làm việc, không thể đi chung, nên tôi đi một mình. Qua Net và điện thoại tôi mướn “bao” được một chiếc xe có tài xế lái để đi từ Nam ra Bắc và ngược lại tôi phải trả khoảng 100 đô Mỹ mỗi ngày (tức là 3 ngàn đô la trong một tháng du lịch quanh VN), và số tiền này gồm để trả cho việc: Bao một chiếc xe muốn đi đâu thì đi, thêm tài xế lái xe. Tài xế phải tư lo chuyện ăn, ở, xăng nhớt, thuê bãi bến (để đậu xe)… Tuy rằng giao kèo là như vậy, như vì chỉ có 2 thầy trò nên tôi vẫn mời chú tài xế ăn chung (chuyện ăn uống ở VN quá rẻ: Mỗi bữa ăn là trên dưới 10 đô la mỗi người). Hơn nữa ta phải nhìn rõ là mình đi chơi trong vòng một tháng, không thể ngày nào cũng ăn nhà hàng sang, ở khách sạn “xin,” điều này không thực tế. Do đó, nhiều khi lỡ độ đường, ta cũng phải chấp nhận là có thể ăn ở trong quán hay ngoài đường (ngồi ghế đẩu thấp), và ngủ khách sạn hay là ngủ tại “nhà nghỉ” tức là kiểu “Bed and Breakfast (B&B)” tại Mỹ, Úc. Tuy rằng là “nhà nghỉ” nhưng cũng có đủ máy lạnh, TV, tắm nước nóng, và giá có thể là từ 250,000đ trở lên (tức là 12 đô Mỹ một đêm). Nếu chấp nhận như vây thì ta du lịch dễ dàng, tự do lái xe đi cho tới tối rồi mới tìm nơi nghỉ, không phải "book” trước khách sạn; mà thường thì khách sạn thì chỗ nào cũng dư thừa...
MIỀN TRUNG
Tôi khởi hành từ Sài gòn vào một buổi sáng đầu tháng 8, tôi và tài xế nhắm hướng Bắc ra miền Trung. Tôi tính ghé những đồi cát trắng ở Mũi Né, Phan thiết, rồi thuê xe “Quad bike” (xe có bánh xe lớn chạy trên cát); nhưng khi tới Phan Thiết thì trời mưa nên không thể mướn xe lái trên cát ướt được. Do đó tôi phải tiếp tục nhắm hướng Cam Ranh và qua đêm tại Phan Rang. Như ta biết Cam Ranh xưa là căn cứ Mỹ, nhưng nay thì đường phố khá mở mang, với những hàng cây cảnh được trồng tỉa rất khéo léo nằm giữa những công viên dài chia đôi con đương và những công viên cùng hàng cây cảnh này kéo dài cả chục cây số chạy song song với biển. Các “Resorts” (khu nghỉ mát tư) chiếm hầu hết các bãi biển. Điều này có nghĩa là tư nhân không được vô tắm biển tại những nơi này, trừ phi là khách của “Resort.” Tuy nhiên lái xe vòng vòng, rồi tôi cũng kiếm được một bãi tắm công cộng, khá dài, lan ra tới dãy núi xa xa với những hòn cồn nhô lên trên mặt biển ở trước mặt, rất nên thơ. Cam Ranh là nơi mà cát trắng xóa, có thể so sánh với Jervis Bay gần Sydney tại Úc. Ta thường nói “Nha Trang là miền quê hương cát trắng,” tuy nhiên cát ở Nha trang thì màu hơi vàng, không thể nói là trắng như Cam ranh được.
Rời Cam Ranh ra Nha Trang, tôi khá ngạc nhiên vì sự phồn vnh của thánh phố này: nhà cao tầng san sát, bãi biển Nha Trang dài cả chục cây số, với những hàng dừa và cây bàng cho bóng mát bọc theo đường đi dạo mát suốt dọc theo bờ biển. Biển Nha Trang khá sạch và thoai thoải, và nước biển thì muôn đời vẫn ấm (ngày và đêm) cho nên sáng sớm, khoảng 5 giờ đã có người tằm biễn. Khoảng 5 giờ chiều khi đã nhạt nắng, thì người ta lại ào ạt đi tắm biển. Tôi mướn một phòng khách sạn ngay mặt biển ("waterfront") có balcony nhìn ra biển, với giá là 500,000 đồng (khoảng 25 đô Mỹ) một đêm. Buổi tối bờ biển thắp sáng như ban ngày và người ta túa ra đường như trảy hội: đi ăn uống, nghe nhạc, đi dạo theo những hàng dừa dọc biển hay là nhảy xuống nước tắm đêm.
Khi ra tới Quy Nhơn, thì thành phố này cũng lớn và phát triển như Nha Trang, tuy nhiên bãi biển Quy Nhơn đầy rác và rất dơ bẩn, có lẽ là bãi biển dơ nhât mà tôi đã trải qua. Tuy rằng có những xe hót rác chạy trên cát dọc theo bãi, và cứ vài chục mét thì lại có một thùng rác để hốt, nhưng khi ta nhảy xuống tắm, thì chân ta đụng rác lung tung dưới nước. Bãi biển sạch nhất và đẹp nhất tại Quy Nhơn là bãi Kỳ Co. Vì bãi này nằm trong một khu nghỉ mát nên ta phải trả tiền vô cửa (khoảng 10 đô la). Đây là một bãi tắm cát mịn, nước xanh, có những hang nhỏ bên hốc núi để thăm viếng, có thể thuê ghe để thăm vùng biển xung quanh. Đồ ăn biển ở Quy Nhơn, thì cũng giống như Nha Trang: nơi đây là bậc nhất ở VN với tôm hùm, ốc biển... Ta muốn ăn gì thì người ta nấu ngay cho ta ăn lúc đó trong quán ăn cạnh biển.
Tại Quy Nhơn, tôi có ghé thăm “Viện bảo tàng Quang Trung” tại ấp Tây Sơn để tưởng nhớ lại người anh hùng áo vải, từ nước lã mà vã nên hồ, một thời lừng lẫy phá quân Thanh. Viện bảo tàng được xây tại chính nơi anh em Nhạc, Huệ, Lữ sanh ra và lớn lên, với cái giếng mà anh em nhà Tây Sơn ngày xưa lấy nước uống. Đằng trước viện là bức tượng Quang Trung Nguyễn Huệ đứng sừng sững với nét kiêu hùng, áp đảo ba quân. Vô trong là những di sản thời Tây Sơn với trống làm bằng da voi, tiền đúc thời Tây Sơn và những ấn tín, cùng minh họa những chiến công hào hùng của Nguyễn Huệ.
Cũng không xa nơi này là Thành Đồ Bàn của nước Chiêm Thành năm xưa. Ta còn nhớ là vua Lê Thánh Tông đánh và thắng Chiêm vào năm 1471. Vua cho phá hủy thành này. Sau đó vào năm 1778, Nguyễn Nhạc (nhà Tây Sơn) xưng đế và cho xây thành Hoàng Đế trên nền của thành Đồ Bàn xưa. Trước khi thăm nơi này, tôi háo hức là sẽ được xem một nơi mà “Rừng hoang vu. Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù” (Xuân Tiên); nhưng tôi đã vỡ mộng. Trước mắt tôi là một nơi hoang vu khô cằn sói đá với bức tường đá ong, cái cổng tam quan khép kín và chiếc hồ cạn với cột cờ và bia đá bên trong nay đã rêu phong. Từ ngoài nhìn vào, ta ngâm ngùi cho một triều đại quật cường của người Chiêm một thời đóng đô ở đây, với ngày nào Chế Bồng Nga tiến quân ra đất Bắc uy hiếp vua nhà Trần phải bỏ kinh đô Thăng Long mà chạy...
Tiếp tục lái xe về hướng bắc nhắm hướng Đà Nẵng.Đồi Bà Nà là một đồi khá cao phải đi xe cáp treo dài gần 6 cây số để lên đỉnh đồi. Cáp treo này được xếp hạng là dài nhất thế giới. Cáp treo dẫn tới đỉnh đồi và từ đây, ta sẽ thăm một chiếc cầu vòng cung nối liền ga cáp treo với vườn cây. Có hai bàn tay lớn bằng đá tạo hình tượng như chiếc cầu này được hai bàn tay đá nâng lên. Kiến trúc này hoàn toàn do người Việt vẽ họa đồ và xây lên (Vũ Viết Anh, Trần Quang Hùng và Nguyễn Hữu Tuấn). Đây là một nơi đáng thăm viếng: từ trên chiếc cầu vòng cung với gió lồng lộng, tạo cảm tưởng là ta đang bay bổng trên không, ta có thể nhìn bao quát toàn vùng, và xa xa về thành phố Đà Nẵng.
Ngũ Hành Sơn (“Marble Mountains”), hay Núi Non Nước là một nơi khá đặc biệt. Đây là 5 ngọn núi đá bằng cẩm thạch (“Marble”) lẫn với đá vôi. Qua giòng thời gian, mưa lũ đã soi mòn đá vôi tạo nên những hang động rất lôi cuốn du khách. Trong năm ngọn núi (Ngũ Hành) thì Thủy Sơn là nơi đáng coi nhất với rất nhiều chùa và hang ở lưng chừng núi. Ngày nay ta có thể đi thang máy lên lưng núi và từ đây ta đi bộ thăm rất nhiều chùa chiền: chùa Tam Thai, chùa Linhh Ứng và “Cổng Trời “(nơi cầu thang bằng đá dẫn đền chỗ vách núi nứt ra như một cái cổng nhìn lên bầu trới), rồi động Huyện Không, hang lên trời v..v...
Tôi có tới thăm và tắm ở bãi biển Mỹ Khê. Bãi rất dài và nước biển rất ấm và sạch. Tuy nhiên tôi vẫn thích biển Nha Trang hơn vì Nha Trang có đường đi dạo cạnh biển rợp bóng dừa và bóng cây bàng.
Tới Huế thì thấy thực sự Huế là một thành phố không có nhiều thay đổi nếu ta so sánh với Đà Nẵng hay Sài Gòn. Tuy nhiên Huế vẫn là cố đô của nhà Nguyễn, và những nơi như Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, hay là lăng Tự Đức... là những nơi tại Huế mà không lần nào thăm Huế ta có thể bỏ qua. Có một điều là cầu Tràng Tiền (là nơi mang nhiều kỷ niệm của các bạn sinh quán tại Huế), nay vào ban đêm, chiếc cầu này được thắp sáng bằng đèn màu mỗi nhịp cầu một màu khác nhau và màu thay đổi liên tục. Thú thực nhìn cảnh màu sắc xanh đỏ này có vẻ rất là rẻ tiền. Hơn nữa, cái cảnh gạ gẫm chào hàng của những anh xích lô, hay là những chị chèo thuyền trên sông Hương làm du khách rất phiền muộn. Ta đi bộ bên giòng sông Hương để nghe vang vọng trong tai những bài ca hay bài thơ về Huế, thì cứ vài phút lại có một anh hay chị nhảy ra chào hàng (!). Thật hết thơ và hết mộng. Đi về phía bắc, tôi bỏ con đường lộ 15 qua động Phong Nha (vì đã thăm nơi này trước kia) nên đi theo quốc lộ 1 qua đèo Ngang. “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà” (bà Huyện Thanh Quan), thì sự thực tôi cũng không thấy có gì làm tôi xúc động. Có lẽ vì nay có đường hầm xuyên núi Hoành Sơn nên ta đã mất đi khúc đẹp nhất của đèo Ngang từ đỉnh núi nhìn ra chăng?
MIỀN BẮC
Vào địa hạt Ninh Bình nơi đất Bắc, ta không thể bỏ qua thung lũng Tam Cốc, Tràng An... là những nơi được UNESCO liệt kê là di sản của thế giới. Tôi mướn thuyền đi trong Tam Cốc: vẫn đẹp và thơ như thuở nào và gợi nhớ tới Hạ Long hay Quế Lâm. Rời Tam Cốc, tôi tính leo lên Hang Múa rồi thăm Tràng An; nhưng vì trời quá nóng (nhiệt độ hôm đó gần 40 độ C), nên tôi đi thẳng ra Hà Nội.
Hồ Gươm (Hà nội): trong đêm tối, tôi đi dạo quanh Hồ Gươm, lòng bồi hồi nhìn đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc trong đêm để nhớ tới những kỷ niệm năm xưa hồi mình còn bé, thì tình cờ cũng thấy vài anh Tây ngồi trên ghế đá mê mẩn ngắm liễu và những hàng cây la đà nghiêng bóng bên hồ. Cái lãng mạn của Hồ Gươm thì ngòi bút khó có thể mô tả được. Tôi có thăm Văn Miếu để tìm lại những cảm nghĩ về một thời văn học và khoa cử của ta thuở xưa. Đi dọc theo phố Huế để tìm lại dĩ vãng, thì rạp xi nê Đại Nam vẫn còn ở chỗ cũ, vẫn giữ tên cũ, nhưng nay trở thành nơi trình diễn và hội họp của doanh nhân. Chợ Hôm thì nay đã dẹp. Tôi có lên đường Cổ Ngư (nằm giữa hai hồ Tây và Trúc Bạch), thì nay đã thay tên là đường Thanh Niên (rất vô duyên), tuy nhiên chùa Trấn Quốc (là trung tâm Phật giáo của đất Thăng Long từ thời Lý Trần) thì vẫn mơ màng soi bóng trên mặt hồ.
Rời Hà nội tôi nhắm hướng vịnh Hạ Long, thì trên đường đi, nhớ tới chuyện Vua Trần Nhân Tôn và Huyền Trân công chúa, tôi ghé thăm núi Yên Tử.
Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử (Quảng Ninh - gần Hạ Long): chùa được đúc bằng đồng do vua Trần Nhân Tôn, sau khi từ bỏ ngai vàng, đi tu và cho đúc chùa này trên đỉnh núi. Ta phải qua 2 lần cáp treo và leo núi khoảng 1000 bậc mới lên được tới chùa (kể cũng là kỳ công của một anh già 8 bó như tôi). Tưởng cũng cần nhắc lại là Huyền Trân công chúa là con của vua Trần Nhân Tôn. Công chúa được gả cho vua Chiêm là Chế Mân và nhờ đó Chế Mân xin dâng hai Châu Ô và Châu Lý (nay là Thừa Thiên và Quảng Trị). Vậy bạn nào quê quán xứ Thần Kinh cũng nên nhớ lại gốc gác mình từ đâu mà có.
Vịnh Hạ Long nhìn từ đỉnh Ti Tốp. Muốn lên tới đỉnh này, ta phải leo khoảng gần 700 bực thang lát đá. Tuy nhiên từ đỉnh núi nhìn bao quát toàn cảnh vịnh Hạ Long xung quanh, ta sẽ thấy là đã không uổng công leo. Tại Hạ Long ta cũng không thể bỏ qua chuyện đi vô “Hang Luồn”: muốn vô hang này, ta phải chèo thuyền (“kayak”) đi qua một cửa hang nhỏ thông qua vách núi (tức là luồn qua). Khi vượt qua hang, ta sẽ lọt vào một khung cảnh thần tiên với tứ bề là vách núi cao sừng sững bao quanh một mặt hồ nhỏ nước xanh biếc như gương.
Một nơi khác tại Vịnh Hạ Long mà ta không thể bỏ qua là đảo Cát Bà. Ngày nay ta có thể tới Cát Bà dễ dàng bằng cách lái xe lên phà từ đảo Tuần Châu ra Cát Bà. Đảo Tuần Châu cách Hạ Long khoảng 10 cây số và nay đã được nối với đất liền bằng một con đường dài khoảng 1 cây số. Khi lên tới bến phà bên Cát Bà, ta phải chạy xe khỏang 40 cây số nữa để tới thị trấn Cát Bà. Tại đây ta mướn ghe đi thăm quần đảo Cát Bà và vịnh Lan Hà. Đây là một cái vịnh lớn rất đẹp bao quanh bằng ngững hàng núi đá vôi nhấp nhô trên mặt biển. Ta có thể leo núi hay tắm biển tại những bãi cát trắng như bông nối liền hai ngọn núi trên biển và có thể là chỉ có một mình ta trên bãi cát.
Từ vịnh Hạ long vào buối sáng, tôi trực chỉ hướng Hà Giang qua Hà nội. Nhờ hệ thống đường cao tốc, tôi tới Hà Giang vào buổi chiều. Đây là tỉnh cực bắc VN giáp giới Tầu và ngăn cách với tỉnh Vân Nam bên Tầu bằng một vùng núi non hiểm trở với đỉnh Tây Côn Lĩnh và giòng sông Chảy.
Một cảnh trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Theo tôi thi con đường lái xe từ Cổng Trời (Quản Bạ - Hà Giang) tới Đồng Văn (nơi cực bắc VN - giáp giới Trung Quốc), rồi từ Đồng Văn tới Mèo Vạc (con đường này là đường đèo Mã Pì Lèng) là con đường đèo đẹp nhất mà tôi đã đi qua. Con đường này có thể so sánh với con đường được mệnh danh là con đường lái xe đẹp nhất thế giới (“The most beautiful drive in the world”) là con đường từ Banff (với lake Louise) tới Jasper ở Alberta (Canada). Đoạn cuối của đèo là sông Nho Quế: một con sông nước xanh biếc lượn qua eo núi với vách núi cao vút, cùng rất nhiều thác nước và thác bậc thang ("cascades").
Rời Hà Giang qua Cao Bằng, quanh co trên vùng núi non dọc theo sông Gầm (đoạn nối tiếp của sông Nho Quế), tôi qua Cao Bằng lên thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc: Thác nằm vắt ngang biên giời Việt và Tầu. Dù qua nhiều tranh cãi về thác này, cho rằng Trung quốc đã chiếm phần chính của thác, thì theo tôi nơi tốt nhất để chiêm ngưỡng thác là từ bên phía Việt Nam, không phải là từ phía Trung Quốc; vì từ bên VN, ta có thể quan sát trực diện vô thác. Phía bên Tầu, dù họ xây cất con đường vòng núi quy mô để cho khách coi thác, nhưng cũng chỉ được ngắm thác xeo xéo từ một bên vách núi mà thôi. Tuy được nhắc tới nhiều qua giấy mực và tuy rằng thác khá lớn, nhưng ta không thể so sánh thác này với sư vĩ đại của những thác như Niagara (Mỹ - Canada), Iguazu (Argentina) hay Victoria (Zambia - Zimbabwe) được. Thác cũng chẳng thể so sánh với những thác ờ Iceland (do tuyết tan tạo ra rất nhiều thác vĩ đại), hay những thác từ núi đổ xuống biển như tại vịnh Bergen (Bergen Fjords) bên Na Uy hay Milford Sound (bên New Zealand)… là những nơi có cả trăm thác nước từ núi đổ xuống biển. Cho nên nếu ta đi du lịch trong vùng Hà Giang, Cao Bằng... thì nên ghé coi thác cho biết, còn nếu từ Sài Gòn hay Hà Nội mà vượt đèo vượt núi đi coi thác thì có lẽ là không phải là chuyện đáng làm.
Cũng cân nhắc là đường đi từ tỉnh lỵ Cao Bằng ra thác Bản Giốc là một con đường rất đẹp và hùng vĩ với núi đá vôi xuyên mây chập chùng trên đường đi. Con đường này cò thể so sánh với cảnh ở Quế Lâm (“Guilin”) bên Tầu.
Rời thác Bản Giốc, tôi hướng xuống phía Nam thăm hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn. Hồ Ba Bể ở cách đường lộ chính khoảng 50 cây số. Đây là một hồ rất lớn, bao quanh bằng những dãy núi đá vôi cao và hùng vĩ cho nên cảnh nước in bóng núi rât là nên thơ. Tuy nhiên, khi đi thăm những thắng cảnh trên hồ: như thác nước, hang đá, hồ nhỏ với vách núi bao quanh... thì ta lại gặp cảnh cũ: các hàng quán hai bên san sát, mời chào. và níu kéo rất là thối chí cho khách du lịch.
Rời hồ Ba Bể tôi trực chỉ hướng Nam trở về Sài gòn.
Khởi hành từ Nha Trang vào buổi sáng tôi tới Sài gòn vào lúc hoàng hôn. Cái nhìn đầu tiên có lẽ là Sài gòn nay có khá nhiều nhà cao tầng và số xe máy tuy vẫn nhiều, nhưng xe hơi cũng tăng gấp bội. Một điều đáng chú ý là không còn chuyện “nói thách” như xưa. Thăm hàng, quán thì giá thế nào, bán thế đó. Không còn chuyện mặc cả. Ở ngoại quốc thì ta có Uber, thì Sài gòn có Grab: ta có thể “book” xe Grab đi từ nơi này tới nơi khác với giá khoảng từ 3 tới 5 đô Mỹ và giá cố định. Hầu như tất cả những cơ sở thương mại đều xài tiếng Mỹ cạnh tiếng Việt: “Thương xá Tax” nay thành “Saigon Centre” (gần tòa nhà cũ), bệnh viện Sài Gòn năm xưa (trước chợ Bến Thành) thì ngoài chữ Bệnh Viện Đa Khoa Sài gòn, thì là chữ “Saigon General Hospital.” Nói chuyện với người Sài Gòn, thì có thể nói là 90 % ưa Mỹ và chỉ có cỡ 10% ưa Tầu. Đến nỗi là một số anh Tầu ờ VN không dám nhận mình là người Tâu vì sợ bị dân… bề hội đồng.
Trong hầu hết những khách sạn mà tôi đã ở, tôi có thể bật đài (TV) CNN, Al Jazeera, BBC... của Tây phương thoải mái. Trên đường phố Sài Gòn và trên khắp mọi nẻo đường trên đất nước VN, tôi nhân thấy là có rất nhiều xe hơi mang nhãn hiệu “Vinfast” và cũng có rất nhiều trạm sạc điện cho xe ở bên đường. Hỏi ra thì biết đây là một hiệu xe hơi chạy điện, làm tại Việt nam mà giám đốc công ty là một người Việt tên là Phạm Nhật Vượng. Công ty của ông này xuất phát từ Ukraine, và ngày nay công ty này (Vingroup) bao gồm nhiều lãnh vực: Du lịch, Bất động sản (Vinpearl Phú Quốc, Cáp treo Nha Trang..), xe hơi điện (Vinfast), xe bus chạy điện (Vinbus)... Công ty xe hơi điện này đang nhắm vào thị trường Mỹ và Âu châu.
Một điều khá ngạc nhiên là khoảng 6 năm trước, tôi ghé thăm “Viện bảo tàng Mỹ thuật” ở đường Phó Đức Chính (gần chợ Bến Thành), thì ngày đó, trong tòa nhà thứ hai của viện bảo tàng này là san sát tượng Hồ Chí Minh cái này sau cái khác - trông khá trơ trẽn, vô duyên và chẳng có gì là mỹ thuật (ngược với cái tên “Viện bảo tàng Mỹ Thuật” của nơi này) - thì ngày hôm nay khi thăm viếng, các tượng của Hồ nay đã biến mất và thay vào đó là những bức tranh hoặc điêu khắc khác. Có một vài tranh vẽ Hồ nói chuyện với các em bé hay các” chiến sĩ,” nhưng con số này rất ít. Riêng tác phẩm “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí vẫn còn được đặt ở một vị trí trang trọng. 28 bức tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu do cô Thụy Khuê tặng viện bảo tàng nay được đặt trong hai phòng là nơi duy nhất có máy lạnh trong Viện Bảo tàng, với bức tranh “Sơn Nữ” rất đáng chú ý. Video phỏng vấn cô Thụy Khuê (tác giả của cuốn “Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc" là một cuốn sách phê bình HCM rất nặng nề) được chiếu đi chiếu lại liên tục tại hai phòng này.
Từ bến Bạch Đằng, tôi lên tầu cao tốc ra Vũng Tàu. Tàu đi mất 2 giớ để tới Vũng Tàu và giá vé khư hồi là 30 đô Mỹ. Tại Vũng Tầu, tôi mướn bao một xe taxi trong 4 giờ với giá là 30 đô Mỹ để thăm Vũng Tầu và Long Hải. Bãi Trước Vũng Tầu ngày nay tuy được trùng tu cho rợp bóng cây, nhưng bãi khá dơ bẩn vì rác. Bãi Ô Quắn (tức “Nghinh Phong”) thì ngược lại. rất đẹp và đáng nhẩy xuống tắm. Bãi Sau Vũng tầu nay được mở mang: ngày xưa thì trần trụi không có cây thì nay với khoảng 10 cây số rợp bóng cây trên bờ và hàng quán rất tất nập.
Một vài cảm nghĩ
- Một cách tổng quát thì người dân VN ngày nay khá dễ thương và lịch sự: Nói chuyện đều có thưa gởi và kêu chú xưng cháu với tôi. Chuyện “Bún mắng, cháo chửi” nối tiếng nhiều năm trước, thì nay tôi không thấy. Ngược lại tôi xin kể một chuyện: Hôm đó tôi cho lái xe về tới Gia Lâm (cạnh Hà Nội). Tôi và tài xế rất đói bụng nhưng kiếm mãi không ra quán ăn. Lúc đi xe loanh quanh gặp một cậu bé bên đường, tôi xuống kiếng xe và hỏi: “Cháu có biết chỗ nào bán phở không?” Cậu cu này nhìn tôi, nói: “Cháu biết nhưng đi lòng vòng khó tới lắm. Để cháu dẫn bác đi.” Nói xong cậu nhỏ này nhảy tót lên xe gắn máy đi vòng vo khá xa và chỉ cho tôi tiệm phở. Tôi bàng hoàng nghĩ bụng: chuyện này khó xảy ra ở Úc: người ta có thể chỉ đường cho mình, nhưng đi xe đưa mình tới nơi tới chốn thì thú thực tôi ít gặp.
- Một chuyện nữa là khi ở vịnh Hạ Long, tôi gởi đồ để giặt trong khách sạn. Khi đi ra ngoài mới sực nhớ là mình quên một xấp tiền trong túi một chiếc quần. Tôi đinh ninh là sẽ mất số tiền này, nhưng khi trở về khách sạn, thì đồ giặt được đưa tới phòng và số tiền tôi bỏ quên trong túi được để lên trên cái túi đồ giặt (chuyện này cũng khó xảy ra ở Úc..).
Trên đây là những điều tai nghe, mắt thấy ở Việt Nam. Có thì tôi nói, không có thì thôi. Tôi không nói thêm và cũng không nói bớt…
Vũ Ngọc Tấn
(7 Sept 2022)
Trần Văn Giang (ghi lại)
VĂN THƠ NHẠC