top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
XÓM CHIẾU

HUY VĂN

Ba tôi làm thư ký đánh máy trong Công Ty điện lực Đông Dương của Pháp trên Nam Vang (Compagnie Des Eaux Et D' Électricité De L' Indochine,  Phnom Penh- Cambodge), vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Sau khi Cambodge được trao trả độc lập cuối năm 1953, rồi đến năm 1954 nền đệ nhứt Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam được hình thành; ba tôi liền xin vào làm việc trong Tổng Nha Công Vụ, trực thuộc Phủ Thủ Tướng, văn phòng đặt tại đường Catinat-Tự Do, thủ đô Sài Gòn (đối diện Bộ Nội Vụ).


Sau gần 4 năm đi đi, về về giữa Nam Vang và Sài Gòn, ba tôi quyết định đưa cả nhà về sống hẳn ở Việt Nam, thay vì vẫn ở chung với bà Nội tại đường Dekcho Damdin trên Nam Vang. Nhà của Nội tuy là một căn phố, nhưng khá khang trang và nằm giữa con đường rậm mát bóng me xanh, với hai đầu là hai ngã tư- có thể nói là- sầm uất nhứt của thủ đô xứ Chùa Tháp lúc bấy giờ. Hai ngã tư đó, cũng là nơi tọa lạc của hai rạp xi nê tối tân nhứt Nam Vang vào thời đó. Phía trái, ở bên kia đường, tại ngã tư Dekcho Damdin và Norodom Blvd là Ciné Lux. Còn phía bên phải, cùng dãy với nhà bà Nội, là rạp Prom Bayon Cinema tại giao lộ Preah Ang Yukanthor và Dekcho Damdin.


Như vậy, tôi có mặt tại Sài Gòn từ mùa hè 1957. Cho tới 1960 thì hè nào tôi cũng được ba cho về Nam Vang thăm Nội, nên hình ảnh ven đường tôi thuộc nằm lòng. Dạo đó, các hãng xe đò chạy đường Sài Gòn- Nam Vang, khi rời Sài Gòn thường theo lộ trình từ bến Bùi Quang Chiêu - còn gọi là đường "Cá Hấp" (*), dành cho xe đò lớn (loại autobus Renault), hoặc bến Phan Văn Hùm (xe nhỏ, loại Traction 5 CV hay Peugeot familiale 203)- chạy theo đường Lê Văn Duyệt, qua ngã ba Ông Tạ, Bà Quẹo, Hóc Môn để tới Tây Ninh, Trảng Bàng (thời đó cũng gọi là Quốc Lộ 1) và Gò Dầu Hạ, nơi có biên giới giữa Việt Nam và Cambodge (Cambodia), rồi trực chỉ đến Nam Vang.


Khi từ Nam Vang về lại Sài Gòn, thì tài xế thường quẹo trái tại ngã Tư Bảy Hiền. Lý do là vì đường Lê Văn Duyệt, nhỏ hẹp so với đường xá tại các nơi khác, nên hay bị kẹt xe. Họ chạy về hướng Lăng Cha Cả để theo Trương Minh Ký- Trương Minh Giảng (vắng xe hơn, do không phải là lộ trình "huyết mạch") về ngang Trần Quý Cáp, qua Vườn Bờ Rô (Jardin Des Beaux Jeux/ Vườn Tao Đàn) rồi chạy về bến ở góc đường Lê Lai - Phan Văn Hùm cho tiện.


Sài Gòn khi đó còn hoang sơ lắm! Nhưng cũng thật xanh tươi với những hàng cây cao vút, rậm mát ở khắp mọi nơi. Cây trồng từ khi nào không biết, nhưng vào cuối thập niên 50 thì đã thấy những hàng Me, Sao, Dầu mọc đầy trong trung tâm thành phố, chưa kể cây Cao Su cũng có mặt trong khu vực bao gồm các đường từ Hiền Vương- Trương Minh Giảng- Lê Quý Đôn, qua Bà Huyện Thanh Quan- Tú Xương, đến tận ngã tư đường Trương Định- Trần Quý Cáp.


Vào những năm cuối thập niên 50, Sài Gòn đang trên đà phát triển. Lúc đó, sinh hoạt của thủ đô miền Nam Việt Nam tập trung vào trung tâm thành phố, với nhà cửa san sát, phố phường đông đúc. Nếu lấy Bưu Điện và Nhà Thờ Đức Bà làm trung tâm điểm, thì cách đó trên không đầy 3km đường chim bay về hướng Nam và Tây Nam, đã là ngoại ô với ruộng, vườn, kinh, rạch, ao, trũng, đầm lầy chằng chịt. Xóm Chiếu, bên quận 4, một địa danh khá quen thuộc của cư dân Sài Thành, nằm ngay nơi đó.


Quận 4 là một cù lao hình tam giác, bao quanh bởi sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé và con Kinh Tẻ. Theo lời kể, thì thời xưa (vào khoảng thời gian Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập Phủ Gia Định, cuối thế kỷ 17) trên các sông, rạch, ao, hồ của vùng này mọc nhiều cây bàng và nhứt là lác (còn gọi là cây Cói), nên nhiều người dân địa phương cắt đem về dệt chiếu. Từ đó, địa danh Xóm Chiếu ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.


Đầu thập niên 1950, Sài Gòn đã trở thành một trong số các thương cảng quan trọng của vùng Đông Nam Á. Đến khi có làn sóng di cư của đồng bào miền bắc vô Nam, rồi Đệ I Cộng Hòa ra đời, thì nền kinh tế nói chung tại miền Nam, càng thêm khởi sắc. Nhu cầu lao động tăng vọt. Dân tứ xứ kéo về Khánh Hội, Vĩnh Hội, cư trú trong những căn nhà dựng trên kinh, rạch, ao, đầm trong khu vực, để đi làm kiếm sống.


Do đó, quận 4 được thành lập theo nhu cầu của sự phát triển đô thị, gia tăng dân số và lớn mạnh về mặt kinh tế của thủ đô miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Nổi bật nhứt là sự "chuyển mình" và tân tiến hóa của bến Thương Khẩu trên sông Sài Gòn (tên cũ là Thương Cảng Sài Gòn, được xây dựng từ hồi Pháp thuộc) với chiếc kho lớn nhứt và tấp nập nhứt là Kho 5. Đây cũng là niềm hãnh diện của Kinh Tế và Thương Mại Sài Gòn trong thời kỳ của hai nền Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam!

Vào thời điểm của cuối thập niên 50, Xóm Chiếu tuy chỉ là một phường nhỏ, nhưng dân cư đông đúc hơn các phường còn lại (Vĩnh Hội, Khánh Hội, Cây Bàng...) do vị trí "đắc địa" nằm sát bờ sông Sài Gòn về phía đông và rạch Bến Nghé ở ngay hướng Bắc. Đồng thời, Xóm Chiếu cũng là "xương sườn" của quận 4, với các trục lộ giao thông quan trọng, trông không khác gì một bàn cờ ca rô, với các đường Đoàn Nhữ Hài, Hoàng Diệu, Lê Văn Linh và Tôn Đản chạy ngang (theo hướng Đông- Tây); Trình Minh Thế, Nguyễn Trường Tộ, Lê Thạch, Lê Quốc Hưng và Đỗ Thành Nhơn chạy dọc (theo hướng Nam- Bắc).


Đường Lê Văn Linh chạy từ đường Trình Minh Thế qua chợ, rồi nối dài tới đường Đỗ Thành Nhơn, nơi có phông tên nước là chấm dứt. Bên kia ngã ba Lê Văn Linh "nối dài" và Đỗ Thành Nhơn, là khu đầm lầy, có nguồn nước xuất phát từ rạch Bến Nghé ( Con rạch này nối sông Sài Gòn tới kinh Đôi, kinh Tẻ của các quận 6,7,8 về tận Chợ Đệm tại Bình Chánh/ Bình Điền, rồi đổ vào sông Cần Giuộc).


Từ hướng bắc, đường Nguyễn Trường Tộ chạy từ chân cầu Móng, tới Trạm Y Tế Xóm Chiếu, nơi có một khoảng đất trống khá rộng, vốn là sân thả diều của đám nhóc tì trong vùng. Tại đó, đường Nguyễn Trường Tộ chẻ ra hai nhánh là Lê Thạch và Lê Quốc Hưng, chạy cặp theo hai bên hông chợ Xóm Chiếu.


Cả hai đường này khá ngắn, chạy tới đường Lê Văn Linh là chấm dứt. Tuy vậy, nhờ bao quanh chợ, nên nhà cửa khá sầm uất. Trên đường Lê Thạch có nhà bảo sanh Hữu Đức, là nơi hầu hết các nhi đồng Xóm Chiếu chào đời. Phía bên kia đường là dãy hàng quán, không chỉ nổi tiếng bên quận 4, mà còn lan rộng qua trung tâm Sài Gòn ở hướng bắc. Dân nhậu Sài Thành không ai không biết tới gà đút lò Tám Lọ và ếch chiên bơ Tư Sanh. Ngày nào cũng nườm nượp khách sành điệu đến ăn, nhậu cho tới khuya.


Bên kia chợ, đường Lê Quốc Hưng, tuy kém "ì xèo" hơn vì không có nhà hàng hay quán nhậu nổi tiếng, nhưng lại được các bạn hàng khắp nơi chiếu cố tận tình, khi các sản phẩm vùng quê theo từng mùa, đặc biệt là trái cây và bông hoa ngày Tết, được bạn hàng trải chiếu, bày bán cả trên lòng đường.


Nhóc tì Xóm Chiếu không có dịp "đá cá" (vì Cá chỉ được bày bán trên các sạp gỗ hay thiếc ở trong chợ), nhưng mỗi lần Tết đến là đám nhóc có dịp phá phách khi thi nhau "lăn dưa"! Một hình thức thách nhau chứng minh sự "bạo gan và tánh chịu chơi" của con nít. Tất nhiên, phần thưởng là mấy trái dưa tí hon được chia phần cho cả đám. Còn khi bị bạn hàng nhéo tai, kéo về tận nhà để mắng vốn với cha mẹ, thì không thể tránh được những trận đòn sưng đít!


Đoạn giữa của đường Lê Quốc Hưng cũng là nơi chánh quyền địa phương thỉnh thoảng chọn chiếu phim, hay dựng sân khấu lộ thiên để bà con giải trí. "Khúc Ca Mùa Hè" và giọng hát của nữ ca sĩ Linh Sơn, " Đoàn Người Lữ Thứ", "Nhạc Rừng Khuya" với phần trình diễn của Ban Hợp Ca Đài Phát Thanh Sài Gòn, cùng với những thước phim giới thiệu cảnh đẹp miền Nam, cũng như những phát minh khoa học tân thời, là những hình ảnh được khán giả Xóm Chiếu ủng hộ rất nồng nhiệt.


Con đường có lộ giới khá rộng này, cũng là nơi nam thanh, nữ tú rảo bước mỗi tối để tận hưởng không khí đã bớt phần..."nồng nàn" của buổi chợ trong ngày. Con đường bách bộ chấm dứt tại khoảng đất rộng phía cuối đường Nguyễn Trường Tộ. Nơi đây cũng là sân thả diều quanh năm của nhi đồng Xóm Chiếu và khu vực Đỗ Thành Nhơn- Tôn Thất Thuyết. Đến năm 1960 thì ngôi nhà thờ Tin Lành đầu tiên của quận 4 được xây lên ngay tại khoảng đất trống đó.


Nếu lấy chợ Xóm Chiếu làm trung tâm điểm, thì cả bốn phía đều chỉ trên dưới 200 mét! Đất chật, nhưng người đông. Ngôi chợ nổi tiếng của cả quận 4 quả là môi trường sinh hoạt khẩn thiết đối với một lượng người không nhỏ và gồm đủ mọi thành phần trong xã hội.


Tuổi thơ Xóm Chiếu cũng từ đó tha hồ tìm được hương vị hồn nhiên và thú vui của thời con nít, với công viên dành cho thiếu niên và nhi đồng tại đường Đoàn Nhữ Hài, cạnh Ty CSQG/ Q4. Nơi đây có đầy đủ những thứ mà trẻ nhỏ thời nào cũng mê mẩn mỗi khi được phụ huynh cho ghé qua. Công viên tuy không rộng lớn nhưng cũng có cầu tuột, xích đu, vòng quay, thú gỗ và một khoảng sân nhỏ đủ cho đám nhóc tha hồ chạy, nhảy.


Đến 1960, theo đà phát triển của dân số và nới rộng thổ cư; các vũng, ao, rạch, đầm lầy, nghĩa địa và vùng đất ruộng nằm dọc theo đường Đỗ Thành Nhân về hướng tây, dần dần bị san bằng, lấp, đắp. Nhóc tì Xóm Chiếu mất đi cái thú câu lươn, bắt ếch hay tát cá (lìm kìm, bảy màu, lia thia...). Nhưng bù lại, bên kia đại lộ Trình Minh Thế- chỗ đường Hoàng Diệu băng qua- có một con đường thênh thang dẫn đến Bến Súc, là một bãi bốc dỡ hàng hóa trên sông Sài Gòn, cũng là nơi lý tưởng cho đám nhóc tha hồ tắm mát trong những buổi trưa hầm hập nắng.


Theo đà phát triển của đô thị và theo chiều phồn thịnh của kinh tế miền Nam Việt nam; đặc biệt là của Thương Khẩu Sài Gòn, Quận 4 nói chung và Xóm Chiếu nói riêng, đã là nơi tập trung dồn dập của khách thập phương từ cuối thập niên 50. Từ đồng bào di cư 1954, tới những người lìa bỏ thôn trang đã mất dần an ninh vào đầu thập niên 60, cho tới những người ở các vùng lân cận hay từ các quận ven đô ở phía tây thủ đô Sài Gòn, ai nấy đều đổ xô về quận 4 để lập nghiệp rồi an cư.


Khu tứ giác Đỗ Thành Nhân, Hoàng Diệu, Trịnh Minh Thế và Lê Văn Linh (kể cả đoạn đường nối dài) cùng với đường Tôn Đản bỗng chốc trở thành vùng đất được Nha Quy Hoạch và Phát Triển Đô Thị thuở xưa, liệt vào một trong những nơi phát triển nhanh nhứt của Đô Thành Sài Gòn. Chẳng mấy chốc, chợ Xóm Chiếu trở thành chiếc nôi dưỡng sức sống của vùng này, kiêm chất keo gắn chặt sinh hoạt thương mại và xã hội của thầy, thợ, bạn hàng, phu phen, bốc vác cùng những thành phần xã hội khác.


Chỉ qua một mùa hè của năm 1957 là Xóm Chiếu đã mang lại cho tôi một "thế giới" mới, khi sinh hoạt hằng ngày chuyển từ nhịp trầm lắng của đường phố êm ả, rợp bóng me xanh của Dekcho Damdin trên Nam Vang; qua những ồn ào, ráo riết và lắm khi có cả "bạo lực", đặc biệt là "bạo lực đường phố" quanh xóm chợ và trong khu phố từ đoạn Lê Văn Linh "nối dài" tới phông tên nước, tại ngã ba đường Đỗ Thành Nhơn, xuống tận Tôn Đản.


Cho tới năm 1958, đoạn đường nối dài của Lê Văn Linh (từ ngã ba giao với cuối đường Lê Quốc Hưng) tới Đỗ Thành Nhân hoàn toàn chưa có chưa có Điện, Nước. Điện đường nằm ngay trên các đường phố chính, bao quanh chợ và chỉ có một ngọn duy nhứt ngay tại trụ đèn đặt tại ngã 3, tức ngay đầu phố. Trong các khu xóm, người dân thắp tạm bằng đèn cầy, đèn dầu hôi, đèn khí đá và nếu ai có dư chút tiền, thì sắm đèn Manchon (của Pháp), sáng hơn và (tất nhiên là) trông... sang hơn!


Còn Nước?! Chiếc phông tên 4 vòi, nằm tại ngã ba Lê Văn Linh "nối dài" và Đỗ Thành Nhơn, là nơi "ngầu hầm" nhứt của đoạn đường không đến 100 thước này! Nước được mở suốt ngày. Đúng ra là từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối. Hoạt cảnh tại phông tên rất náo nhiệt và không hề ngưng nghỉ trong suốt 12 tiếng đồng hồ đó. Tiếng thùng nước chạm nhau rầm rầm, tiếng cãi cọ; chửi bới ỏm tỏi giữa các chị, các bà, là âm thanh không thể thiếu. Việc "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" xảy ra như ăn cơm bữa.


Qua đầu thập niên 1960 thì khác! Hạ tầng cơ sở đã được nâng cao, đời sống phát triển thuận lợi đã mang tới cho Xóm Chiếu những thay đổi hầu như toàn diện. Sự phồn thịnh biểu hiện rất rõ nét qua việc nhà cửa mọc lên khắp nơi, từ trong hẻm ra tới ngoài mặt tiền đường. Tất nhiên, của các xưởng cưa gỗ, kho hàng, kho xi măng, kho gạo cũng xuất hiện nhan nhản ở khá nhiều nơi trên toàn địa bàn quanh chợ Xóm Chiếu.


Bên cạnh đó là nhu cầu giải trí cũng phát triển rầm rộ không kém khi hai rạp hát "bình dân" được mở ra cùng một lúc ở trên đường Đổ Thành Nhân (Rạp Văn Thuận nằm cách ngã 3 đường Lê Văn Linh- Đỗ Thành Nhân chừng 50 mét, về hướng đường Tôn Đản) và trong một con hẻm khá rộng lớn trên đường Lê Văn Linh (Rạp Hòa Bình, nằm trong khu đất trống mênh mông, nơi có một xưởng cưa gỗ và một kho chứa gạo khá "bề thế", nằm đối diện với rạp hát. Ngoài ra, trong khu vực này, ngoài một số nóc gia, còn có một dãy phố biệt lập gồm 12 căn, khá khang trang và tiện nghi, do gia đình một phú hộ gốc Hoa kiều tên Triệu Tiết xây lên để cho mướn.)


Sinh hoạt nào có chiều đi lên, có hướng thăng tiến, cũng đều là những dấu hiệu tốt đẹp. Duy chỉ có một thứ đáng tiếc cũng vươn dần lên theo thời gian và theo đà tăng trưởng của dân số cùng sinh hoạt thường ngày. Đó là bãi rác ở cuối chợ, nằm ngay góc đường Lê Thạch và Lê Văn Linh, đối diện với con hẻm rộng thênh thang dẫn vào rạp hát Hòa Bình và các kho hàng và xưởng cưa bên kia đường.


Tại nơi đó, Sở Vệ Sinh Đô Thành có xây một ụ rác khá to, rộng, đủ để chứa toàn bộ những thứ phế thải sau buổi họp chợ. Nhưng dần dà rác không chỉ nằm trong ụ, mà còn tràn ngập ra ngoài lòng đường. Nhân viên của Sở Vệ Sinh dọn không xuể. Ngày nào nước thải từ phần rác còn dư, chưa dọn kịp, cũng chảy tràn lan ra cả một nửa mặt đường. Người lớn mỗi lần đi ngang qua đều không ngớt nhăn mặt. Nhóc tì Xóm Chiếu hết hứng chạy rong hay vào trong chợ chơi trò trốn tìm trên các sạp gỗ. Đường xá "chèm nhẹp" triền miên. Hôi hám và trông rất mất thẩm mỹ!


Tuy vậy, hình ảnh của Xóm Chiếu nói chung vẫn là những hoài niệm thật êm đềm. Mặc dù chỉ sống tại Xóm Chiếu trên dưới 5 năm nhưng kỷ niệm cũ, sau hơn 60 năm, vẫn chưa nhạt nhòa trong tôi. Nét đẹp của tuổi thơ Xóm Chiếu vẫn luôn theo tôi cho đến tận ngày nay. Trong từng con hẻm, trên từng góc phố, qua từng ngả đường của Xóm Chiếu, đâu đâu cũng có vết chân của đám con nít, đa số là nhóc tì húi cua, lê la đó đây.


Phải nói Xóm Chiếu nói chung và con đường Lê Văn Linh nối dài mang đậm nét "vàng son" của kỷ niệm đầu đời, vẫn luôn hằn nét trong ký ức của tôi. Những "Thằng" và "Con" ngày xưa bây giờ ra sao? Ai còn, ai mất? Ai đã lưu vong, ai còn tranh sống trên quê hương?! Vật đổi, sao dời huống chi con người!  Trong số những mái tóc "bum bê", đuôi gà, húi cua lẫn mấy cái đầu cạo trọc của Minh Tâm Học Đường và Xóm Chiếu, có Ai còn nhớ Ai không?


Tuấn, Toàn, Thu con bác Ba Truyện. Nhựt, Nga, Mỹ, con bác Tư Hỷ. Anh em thằng Xuân, thằng Thu con bà Mười. Thằng Gáo "thọt chân", thằng Đáng, con ông Tám "Đỏ" chạy xe ba gác, thằng Tình con ông Mười "giặt ủi", anh Thọ con bà bán cháo chiều, tối trong hẻm. Hai chị em "tây lai" Pauline, Cécile, những nàng "công chúa" kín cổng cao tường không có nhóc tì nào dám tới gần, vì hai con bẹc giê đáng ghét luôn ào ra sủa ào ào, nhức tai, mỗi khi có ai đến bên hàng rào.


Gia đình chú Sinh và em gái ông, cô Hoa, một bông hồng Trưng Vương đầu thập niên 60. Ông bà Tố "di cư", gia đình cô Tư má thằng Hiếu, nhóc tì đầu tiên trong xóm qua đời năm 1961 vì sốt xuất huyết. Hai chị em Hương, Huyền, con ông bà Hà làm nghề đóng guốc, nhà đối diện với tiệm giặt ủi.  Ông bà chủ tiệm ảnh , nghe nói từng có tiệm hình tại Hà Nội (không nhớ tên hiệu).


Ông bà Thái, chủ lò chả lụa kế bên tiệm giặt ủi của ông Mười. Ông bà chủ tiệm tiệm tạp hóa kiêm chỗ cho mướn xe đạp (năm đó, 1960, xe cho mướn tính 1 Đồng / 1 giờ). Ông chủ tiệm thuốc Bắc mang tên Nhân Hòa Đường (bên kia đường Đỗ Thành Nhân), đối diện với tiệm tạp hóa .


Bà chủ tiệm uốn tóc (không nhớ tên) ngay cuối đường Lê Quốc Hưng (nơi Lê Văn Linh "nối dài" bắt đầu). Dì Năm, bà chủ tốt bụng có sạp báo đặt kế bên tiệm uốn tóc, cạnh trụ đèn đường. Nơi mà sáng nào, 3  nhóc tì "trường tây" cũng ra đó sớm, để vừa xin đọc ké những mẫu truyện bằng tranh có tên Bé Ngôn, Bé Luận và Mai Sơn Tráng Sĩ, vừa chờ xe Lambretta của hai người cha từ trong xóm chạy ra đón, chở đi học. Phước, Lợi! Hai bạn bây giờ đang ở đâu? Đã ra sao?!


Ông chủ tiệm giải khát kiêm đại lý Pepsi Cola tại đầu phố cũng tốt bụng không kém. Ông luôn vui vẻ cho đám nhóc tha hồ lượm nút khoén, hay đổi 10 cái chai không để lấy một chai Pepsi Cola miễn phí mang về cho cả nhà uống. Thời đó Pepsi Cola mới ra mắt ở Sài Gòn nên "cạnh tranh thương mại" kiểu như vậy.


Ngần ấy con người, cùng những sinh hoạt trong xóm là những "dấu ấn" tuổi thơ, là "di sản" của một đời người. Trong số những "Người Xưa", chắc chắn rất nhiều vị đã trở thành "những người muôn năm cũ". Nhưng dù năm tháng có qua đi, cảnh cũ đã không còn, người xưa đã biệt dạng, ký ức về Xóm Chiếu vẫn đầy ắp hình ảnh và chưa mờ nhạt trong bộ nhớ.


Mái tóc đuôi gà và đường về sau giờ mẫu giáo tại Minh Tâm Học Đường, những tối "đu xà" trên các sạp gỗ trong chợ hay chơi trò "Trốn/Tìm"  trong các vựa gỗ. Những lần mê cầu tuột trên công viên Nhi Đồng, hay tắm sông tại Bến Sức đến mức, mới 5, 6 tuổi đầu mà đã biết "cúp cua" để vui chơi. Những chiều tập xe, đạp lên, rồi thả xuống dốc cầu Mống không biết mệt và tất nhiên "đo đường'' cũng nhiều không đếm xuể. Những đêm lén nhà, chui rào "coi hát cọp", bị rượt không biết bao nhiêu lần mà vẫn tánh nào tật đó. Kỷ niệm xưa thật không thể nào quyên!


Xóm Chiếu từng bị mang tiếng là một "xóm lành trên đất dữ"! (Nói thật lòng thì ngày xưa, tại vùng ngoại ô Sài Gòn, có nơi nào mà không..."dữ"!?). Nhưng Xóm Chiếu cũng hơn một lần là niềm hãnh diện của cư dân quận 4, khi giữa năm 1961; ông Mười, chủ tiệm giặt ủi (không có bảng hiệu) nằm ở khoảng giữa đường Lê Văn Linh nối dài và Đổ Thành Nhân, câu được một con cá Hô nặng gần 100kg! Báo chí Sài Gòn lúc đó đổ xô tới chụp hình đăng tin rần rần trên trang nhứt của các nhựt báo.


Xóm Chiếu không có nhiều "công trình" hay cơ ngơi đáng kể, ngoài những gì đã ghi trên đây. Cũng không có gì đặc biệt ngoài những nhộn nhịp của phố chợ, ồn ào của xóm hẻm. Nhưng nét đặc thù của Xóm Chiếu nằm ngay trên phong thái và trong tính cách của cư dân địa phương. Họ sôi nổi và mau mắn trong thương mại, chân tình và xởi lởi trong ngôn từ cũng như cung cách sống trong nhà và ngoài phố. Xóm Chiếu của ngày xưa là như vậy đó!


HUY VĂN (HUỲNH VĂN CỦA)


(*) Gọi là đường "Cá Hấp" vì đây là chỗ đặt vựa cá, cũng là địa điểm trung gian, lấy hàng từ chợ Cầu Ông Lãnh lên.  Đến sau 1960, với lý do đường Bùi Quang Chiêu nhỏ và chật, nên xe đò lớn chạy đường Sài Gòn- Nam Vang cũng dời về bến Phan Văn Hùm để tiện đường giao thông ( do đường Phan Văn Hùm nối thẳng vào Lê Văn Duyệt, qua Ngã 6 Sài Gòn ).


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page