VĂN THƠ NHẠC
VĂN
DINH ĐỘC LẬP - TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG
HUY VĂN TRƯƠNG
Ghi Chú: (Huy Văn Trương là bút hiệu của Trung úy Trương Văn Hùng, phòng Hành Quân Bộ Chỉ Huy trường VBQGVN)
Đoản văn dưới đây là một trích đoạn trong bút ký “Dinh Độc Lập – Tiếng Súng Cuối Cùng” của tác giả Huy Văn Trương viết về sự can trường bất khuất của một Thiếu Úy CSDC bảo vệ Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975)
…. Khi nghe đọc lời tuyên bố buông súng chờ bàn giao trên đài Phát Thanh Sàigon, tôi hơi bàng hoàng sửng sốt mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước.
Tôi mượn ông cậu của tôi bộ đồ dân sự tròng vô người, bộ đồ rộng thùng thà thùng thình trông chẳng ra làm sao cả, nhưng nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ. Tôi phóng Honda ra đường, chạy ngang qua trại Hoàng Hoa Thám, nơi tôi đã cùng hai trăm Sinh viên Võ Bị Đà Lạt về đây học nhảy dù, suốt năm tuần lễ, sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng vừa chạy vừa đếm nhịp.
Nhảy Dù cố gắng
Cố gắng Nhảy Dù.
Qua Lăng Cha Cả với mấy chiếc tăng T54 cháy đen thui, chứng tích sự kháng cự của Nhảy Dù. Dọc theo đường Công Lý, đây là con đường một chiều, thế nhưng hàng ngàn chiếc Honda cái chạy xuôi, chiếc chạy ngược cứ loạn cả lên, mạnh ai nấy chạy. Hình như người ta chạy để mà chạy chứ chẳng biết chạy đi đâu. Hai bên lề đường giày bốt đờ sô, nón sắt, súng M16 cùng với những bộ quần áo rằn ri vứt lăn lóc, lòng tôi chợt quặn đau khi nhớ tới bộ đồ dù, trong đáy túi quân trang của tôi khi còn ở quân trường.
Đến trước Dinh Độc Lập tôi hơi rợn người, xe tăng của VC đã đậu khắp trong sân. Bên ngoài cũng tăng và lính Cộng Sàn bố trí khắp công viên, kéo dài qua tòa Đại sứ Mỹ thẳng về phía Sở Thú, trùng trùng điệp điệp xe tăng và lính Cộng Sản.
Trên nóc Dinh Độc Lập cờ Quốc Gia đã được thay bằng lá cờ hai màu xanh đỏ của Mặt Trận Giải Phóng. Tôi cố nhìn một lần cuối cùng, muốn ghi lại trong trí nhớ của mình hình ảnh Dinh Độc Lập trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Trong lúc tất cả mọi chuyện hình như đã đặt dưới sự kiểm soát của vc, đột nhiên từ cánh phải bên trong Dinh Độc Lập nhiều loạt đạn M16 thi nhau nổ giòn giã, xé tan cái bầu không khí ngột ngạt, khó thở. Tiếng súng nghe như đầy căm phẩn, xen lẫn với đau thương uất hận, khiến tôi nghĩ đến hình ảnh con mãnh sư mang thương tích trầm trọng khắp mình, cất tiếng hú bi ai trước giờ tử biệt. Qua kẽ hở hàng rào dinh, tôi thấy lính Cộng Sản rối loạn hẳn lên, người ta chen lấn, đổ dồn về phía hàng rào. Tôi đoán ngay đó là những tiếng súng của Liên Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ, tiếng súng của những người lính có nhiệm vụ bảo vệ Dinh Độc Lập.
Khoảng năm phút sau từ cánh cửa nhỏ bên hông của dinh, một ông Thiếu úy Cảnh Sát Dã Chiến hai tay ôm vòng ra phía sau đầu bước ra, theo sau ông ta khoảng một trung đội Cảnh Sát Dã Chiến. Không tin vào đôi mắt của mình, Cảnh Sát Dã Chiến lại phòng thủ Dinh Độc Lập, chuyện khó tin nhưng những bộ đồ bông da báo, màu nâu đậm và vàng nhạt, thêm chiếc mũ nồi màu đen đã xác nhận họ là Cảnh Sát Dã Chiến.
Tất cả xếp hàng một dọc theo hàng rào, mặt quay vào tường, quỳ xuống, riêng viên Thiếu úy không chịu quỳ, ông ta đang nói gì đó với đám lính Cộng Sản. Trong lúc bất ngờ một cán binh VC giáng nguyên cái báng súng AK vô đầu viên Thiếu úy, thêm một cái đạp sau bắp chân. Tôi thấy ông ta quỵ xuống đất, thân hình lao đảo, ngả nghiêng nhưng vẫn cố gắng gượng lại, cuối cùng như một con báo vàng với vết thương đâm ngay tử huyệt, cả thân hình của viên Thiếu úy đổ dài xuống đất. Ông ta nằm bất động, một dòng máu tươi chảy dọc theo mang tai, lan dần như một vết dầu loang để rồi cuối cùng nhuộm đỏ cái bông mai vàng nơi cầu vai áo.
Mắt của tôi cay. Môi của tôi mặn, bất lực đứng nhìn, thương cho viên Thiếu úy Cảnh Sát Dã Chiến, thương cho mình, thương cho Việt Nam.
******
Bất tuân thượng lệnh khi đối đầu với địch quân sẽ bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận xét xử.
Viên Thiếu úy Cảnh Sát Dã Chiến, đứng trước hàng trăm chiếc tăng T54, PT76 với đại bác, đại liên, trước hàng ngàn lính Cộng Sảnvới đầy đủ AK và B40, ông ta cùng với trung đội của mình đã không chịu buông súng đầu hàng theo lệnh của cấp trên. Có nên đưa ông Thiếu úy và trung đội Cảnh Sát Dã Chiến của ông ta ra tòa án quân sự hay không?
Câu trả lời xin nhường lại cho quý vị. Phần tôi, tôi chỉ thuật lại những gì tôi thấy.
Khi mà tôi biết được bộ đồ bông da báo của Cảnh Sát Dã Chiến cũng đẹp và oai hùng như bộ đồ rằn ri của Nhảy Dù thì mọi chuyện đã trễ rồi. Đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 1 giờ kém 5 trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Dinh Độc Lập từ đây chỉ còn trong ký ức.
HUY VĂN TRƯƠNG