VĂN THƠ NHẠC
VĂN
NHỮNG ÂN TÌNH NGÀY THÁNG CŨ
LÊ CHU ẤN
Tôi đuợc làm thành viên của đại gia đình Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 15 tháng 1 năm 1963 và phải giã từ mái ấm đó vào lúc 11 giờ rưỡi ngay 30-4-1975 trong một hoàn cảnh thảm bại thê lương của miền Nam tự do thân yêu.
Nhẩm tính trong đầu, tôi đã sống và làm việc trong tập thể thân thương đó đúng 12 năm 3 tháng 15 ngày, kể từ lúc vui vẻ bước lên xe đi thụ huấn cho đến khi đứng nghẹn ngào chào vĩnh biệt huynh trưởng Trung Tá CSQG Nguyễn-Văn-Long tuẫn tiết dưới tượng đài Thủy Quân Lục Chiến trước tòa nhà Quốc Hội trên đường Tự Do.
Sau ngày oan nghiệt đó, đại gia đình Cảnh Sát Quốc Gia của chúng tôi đã bị tàn phá tan hoang. Anh em tứ tán khắp nơi để rồi phải gánh chịu những đòn thù kinh thiên động địa. Ở một tỉnh ở Miền Trung, trong một đêm Việt Cộng đã đem đi thủ tiêu hơn một trăm hai chục mạng người gồm hơn tám chục anh em CSQG và gần 40 quân nhân với thường dân. Có những gia đình sĩ quan trẻ, cả hai vợ chồng cùng ôm con thơ vài tháng tuổi vào tù! Có những gia đình, chồng đi tù, vợ và bầy con thơ bị xua đuổi lên vùng kinh tế mới, sống vất vưởng đói khổ ở nơi rừng sâu núi thẳm.
Trải qua những ngày hoang phế trong các trại tù ở trong Nam ngoài Bắc, từng giờ từng ngày tôi vẫn nhớ về thời gian thân ái thuở nào. Những ngày tháng cũ đã trôi đi, nhưng những kỷ niệm thân thương vẫn còn chất đầy trong ký ức, nhắc nhở cho tôi nhớ về những ân tình ngày tháng cũ…
Có những ân tình không sao nói hết,
Giữ mãi trong lòng xao xuyến khôn nguôi.
Tôi làm sao quên được hình ảnh vị tướng gia trưởng của đại gia đình CSQG mà có một thời tôi được theo gót chân Ông để làm phóng sự về các cuộc thanh sát những đơn vị hẻo lánh ở khắp các tỉnh Miền Trung và Miền Nam. Vị tướng ấy có một thân hình nhỏ bé, và một nếp sống thật đơn sơ bình dị, nhưng trái tim Ông lại chứa đựng cả một kho tàng tình cảm hiền hòa cởi mở đối với đàn em. Khi nói chuyện với những người em nhỏ tuổi, Ông thường tự xưng là “tớ” và gọi người đối diện là “cậu”. Với những người lớn tuổi hoặc có chức vị, Ông dùng hai tiếng “toi” –“moi” (tiếng Pháp có nghĩa là “anh” – “tôi”) nghe thật thân thiết êm đềm tưởng như ranh giới cấp bậc chỉ còn là huyền thoại mơ hồ.
Ông về làm gia trưởng CSQG giữa những biến cố sôi sục “giặc ngoài thù trong” khiến những ai còn có lòng với chính nghĩa và tiến đồ của tổ quốc đều phải lo lắng quan tâm. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Ông đã sát cánh cùng tất cả anh em Cảnh sát ngày đêm ra sức duy trì an ninh trật tự. Gặp những tình huống đầy tế nhị, đích thân Ông đứng ra gánh hết trách nhiệm để tránh mọi hậu quả cho các cấp đàn em thừa hành.
Ngày Việt Cộng vi phạm lệnh hưu chiến, trong Tết Mậu Thân, Ông đau lòng trước cảnh tên Ba Lém sát hại các đàn em Cảnh Sát và người thân của họ nên đã xử bắn tên nầy ngay tại mặt trận Ngã Bảy bất chấp những dư luận trong giới truyền thông thế giới.
Tôi không sao nói hết tấm lòng quảng đại của Ông đối với anh em Cảnh Sát và cũng không sao nói hết tình thương mến của anh em Cảnh Sát dành cho Ông. Hình ảnh hai lính Cảnh Sát lấy thân mình che kín thân Ông khi một trái B40 của địch bắn ra cạnh nơi Ông đứng trên mặt trận Ngã Bảy, cùng hình ảnh Anh Nguyễn Văn Đáng liều mình xông đến bế Ông ra khỏi nơi nguy hiểm khi Ông bị thương ở mặt trận Thị Nghè đã nói lên tình huynh nghĩa đệ trong gia đình CSQG sâu xa như thế nào.
Dù phải nằm trong Bệnh Viện, vị tướng gia trưởng vẫn không quên nhắc nhớ Thiếu Tá Chánh Văn Phòng mang máy truyền tin của Ông đến bên giường để Ông tiếp tục chỉ huy. Ngày hôm sau, bức hình được đăng trên khắp các nhật báo với chú thích “Mặc dầu bị thương, Tướng Loan vẫn tiếp tục chỉ huy các đơn vị Cảnh Sát quét sạch giặc thù ra khỏi Thủ Đô”. Chính bức hình nầy đã làm cho đồng bào yên tâm, và tinh thần chiến đấu của anh em Cảnh sát thêm vững vàng.
Tướng Loan đã âm thầm rời khỏi gia đình CSQG thân thương vì phải đi chữa trị vết thương ở phương xa, nhưng nụ cười hiền hòa ấm áp còn mãi mãi trong tim của mọi người.
Trước ngày bàn giao, Thiếu Tá Chánh Văn Phòng Vũ-Huy-Đức gọi sáu anh em trong tòa soạn lên phòng khách, ngỏ lời cảm ơn về những đóng góp trong hơn một năm cho Nguyệt San Rạng Đông đồng thời siết tay giã biệt từng người. Tôi thay mặt anh em cảm ơn Ông đã dành những cảm tình nồng hậu cũng như những phương tiện thuận lợi cho tập thể làm báo của ngành.
Khoảng một tháng sau, tôi nhận Sự Vụ Lệnh do anh Nguyễn Bá Hàm xin cho toi về làm Trưởng phòng Cảnh Sát ở Ty CSQG Cần Thơ. Từ một Tổng Thư Ký, chuyên làm báo chí, bây giờ bước sang một lãnh vực khác, tự thấy mình bỡ ngỡ và kém cỏi nên phải học hỏi từng ly từng tý từ những anh em có nhiều kinh nghiệm.
Vào một buổi sáng trong giờ làm việc, anh Trưởng Ty gọi điện báo cho biết sẽ gởi một cận vệ dư thừa sang phòng của tôi để tùy nghi sử dụng. Ngay buổi chiều, Xuân đến trình diện với một bộ mặt lầm lỳ phảng phất vẻ bướng bỉnh, tóc tai bù xù trông thật khó coi. Tôi cố giữ vẻ khó chịu trong lòng, ra vẻ tươi cười ngoài mặt, tự đưa tay vuốt đi vuốt lại mái tóc của mình rồi nhẹ nhàng bảo Xuân về nghỉ một buổi lo thu xếp những việc riêng tư.
Sáng hôm sau, Xuân đến với bộ điệu thật nghiêm trang trong bộ sắc phục Cảnh Sát Dã Chiến, đầu tóc đã được hớt tỉa gọn gàng. Tôi thầm khen Xuân là người sáng trí, đoán được ý tôi.
Ngày chủ nhật, tôi đang ngồi trong nhà thì thấy Xuân lỉnh kỉnh khuân giường và ghế vào một căn nhà nhỏ nằm chếch bên nhà tôi thuê. Tôi thấy long mình vui vui vì trút được những nỗi hiu quạnh sau giờ làm việc.
Hằng đêm, trong giờ giới nghiêm, Xuân lái xe đưa tôi đi tuần tra các trạm gác ở những nơi hiểm yếu trên những con đường dọc ngang trong thành phố. Trên đường đi, chúng tôi bất chợt bắt gặp bao nhiêu vi phạm gồm đủ mọi hình thức và đủ mọi thành phần: nào là tụ năm chụm bảy uống rượu say sưa la hét um xùm; nào là nhân dân tự vệ ném đá xuống sông chọc ghẹo nhân viên Cảnh Sát đang bơi xuồng qua lại canh gác dưới gầm cầu, nào là những cuộc ẩu đả với gậy gộc dao búa trong tay, nào là những quả đạn pháo kích của Việt Cộng rót vào thành phố cần được báo cáo ngay cho Ban An Ninh tỉnh… Nhờ sự năng nổ và xông xáo của Xuân, mọi việc diễn ra đều được giải quyết trơn tru êm đẹp.
Trong chuyến đi điều tra một vụ án ở Quận Thuận Nhơn, một Quận hẻo lánh mà đường đi thật nguy hiểm vì mìn bẫy và những đợt bắn lén của Việt Cộng nên các quân nhân, công chức thường dùng trực thăng lúc không có đơn vị mở đường. Vì quá khẩn cấp, bốn anh em Cảnh Sát chúng tôi đành phải dùng xe. Xe vừa ra khỏi thành phố, tôi để ý thấy mặt chú tài xế và nhân viên tư pháp dều xanh như tàu lá, chỉ có Xuân vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh lầm lỳ. Ngoài súng cá nhân, Xuân còn mang theo một khẩu M72 và 10 quả đạn để tiêu diệt địch khi chúng xông ra tấn công ồ ạt. Suốt chặng đường dài dọc theo kinh xáng Xà –No, chiếc xe lắc lư nhồi lên nhồi xuống, Xuân vẫn đứng, tay cầm súng M16, mắt không ngừng quan sát như sẵn sàng chiến đấu.
Chúng tôi đến Quận vào lúc xế trưa và hoàn thành công tác khi trời vừa tối, đành phải ngủ lại. Đêm về, hàng chục quả đạn pháo kích của địch rót vào Quận lỵ. Đâu đó tiếng khóc thét của trẻ thơ hòa lẫn tiếng kêu ơi ới của người lớn gọi nhau xuống hầm trú ẩn. Xuân vội kéo tay tôi và chú tài xế nhét hai người xuống hai hố cá nhân trước khi có một tiếng nổ kinh hồn ở một mảnh sân bên cạnh. Tôi cúi đầu nhắm mắt điếng hồn, thầm cám ơn người em lanh trí. Từng loạt phản pháo của chi khu bắn ra liên tiếp làm câm họng súng của địch. Tôi bước ra khỏi hố, nhìn lên trời cao, thấy những đốm mắt hỏa châu đang tuông từng hàng lệ sáng lòa khóc cho số phận đau thương của quê hương yêu dấu.
Làm nghề cảnh sát, thi hành luật pháp, nhiều khi gặp cảnh thương tâm cũng đành dấu đi những xúc cảm yếu đuối trong lòng để làm tròn trách nhiệm. Trong một buổi sáng, nhân viên truy tầm báo cho tôi biết vừa bắt quả tang một vụ mãi dâm tại một căn nhà trọ. Tôi, với vai trò sĩ quan tư pháp cảnh lại, có nhiệm vụ phải đến chứng kiến và lập vi bằng. Khi đến nơi, tôi thấy một phụ nữ tuổi hơn 20 đang ngồi bó gối khóc nức nở và ôm chặt chiếu quần che kín phần dưới của thân thể. Tôi nhẹ nhàng bảo cô ta hãy mặc quần vào, chuẩn bị ra xe. Cô vẫn ngồi yên khóc vùi, rồi nghẹn ngào thốt lời “Quần em bị rách lớn, vì giật qua giật lại với mấy anh ấy nên không thể bận được”. Tôi vội nhờ một nhân viên sang mượn kim chỉ của nhà bên cạnh, rồi yêu cầu tất cả ra ngoài để cô ta ngồi vá.
Tại phòng Cảnh Sát, nhân viên tư pháp lập biên bản hỏi cung rất nhanh và nộp cho tôi duyệt ký trước khi giải giao nội vụ lên tòa. Đọc biên bản tôi mới rõ chồng của bị can là một nhânviên cảnh sát dã chiến ở Chi CSQG Phong Điền. Lý do người phụ nữ phạm pháp chỉ vì con đau không tiền mua thuốc trong khi người chồng biệt tăm biệt tích hơn một tháng qua. Đọc biên bản mà lòng tôi se thắt lại, cảm thương người phụ nữ như thương em gái ruột thịt của mình. Tôi không thể thả cô ra một cách ngang xương vì làm như vậy là phạm luật, ở tù như chơi. Muốn biết tin tức người chồng, tôi vội thảo một công điện gửi Chi Phong Điền, yêu cầu đương sự về trình diện gấp. Mặt khác tôi điện thoại đến Ông Biện Lý tòa án Cần Thơ trình rõ nguyên nhân sự phạm pháp của người vợ của môt đàn em là do quá túng thiếu nên phải làm liều và xin Ông khoan hồng cho trường hợp nầy.
Buổi chiều, khi nhân viên dẫn giải bị can lên tòa, tôi đích thân vào gặp Ông Biện Lý và trao biên bản tận tay Ông. Sau khi xem xong hồ sơ, Ông đã tuyên bố miễn tố và ra lệnh phóng thích cho người bị cáo bất hạnh. Cả hai chúng tôi đều cúi đầu cảm ơn Ông trước khi bước ra khỏi phòng.
Khi về tới sở, tôi đã thấy một nhân viên cảnh sát dã chiến ngồi ở phòng đợi. Người phụ nữ chạy vội đến cầm tay người đó, cả hai nhìn nhau bằng đôi mắt rưng rưng lệ tủi. Tôi mời cả hai vào phòng, an ủi và khuyên bảo họ hãy sống thuận hòa, quên đi những lỗi lầm nhất thời và tha thứ cho nhau. Người chồng tỏ vẻ hối hận, bật lời tự thú, chỉ vì ham vui cá độ cá gà nên đã thua hết tháng lương, không dám về gặp vợ con.
Khi tiễn hai vợ chồng ra khỏi phòng, tôi bỗng thấy một nhân viên tư pháp đi từ bàn nầy sang bàn khác quyên góp những tờ giấy rồi gom lại trao cho cặp vợ chồng người đồng nghiệp với lời nói chân tình “Xin anh chị nhận số tiền nhỏ mọn nầy để về mua thuốc cho cháu”. Người vợ đưa bàn tay run run đón nhận, nghẹn ngào cảm tạ với đôi dòng lệ tuôn rơi. Tôi thấy như cả một trời ân tình cao đẹp đang cuồn cuộn dâng lên trong khoảng không gian nhỏ bé trước mặt.
Tôi rời chúc vụ để trở về Nha CSQG Khu 3 sau khi anh Nguyễn-Bá-Hàm ra đi chừng hơn một tháng. Kèm theo Lệnh Thuyên chuyển là một giấy khiển trách “kém tác phong” mà chính bản thân tôi cũng chẳng biết lý do gì.
Tôi coi sự thuyên chuyển là chuyện bình thường như những cơn mưa nắng hàng ngày, nhưng cũng không khỏi chạnh nhớ đến bao nhiêu điều tranh cãi gay go giữa Trưởng Ty Hàm và Giám Đốc Nguyễn –Bính. Ở Nha, ai cũng biết anh Hàm xin tôi về, giờ anh ra đi, tất nhiên tôi cũng phải cuốn gói lên đường.
Tôi đến trình diện Đại Tá Giám Đốc Đào-Quang-Hiển trong một tâm trạng cố gắng trấn tĩnh trong lòng. Đại Tá cho phép tôi ngồi rồi lặng lẽ mở hồ sơ cá nhân của tôi ra xem xét. Một thoáng sau, Ông ngẩng đầu lên, nói một câu nhẹ nhàng:
- Tôi thấy anh chẳng có lỗi gì!
Nghe Đại Tá nói, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng như vừa trút bỏ bao nhiêu điều khắc khoải thắc mắc đè nặng trong tâm hồn bởi ba chữ “kém tác phong”. Tôi ấp úng mãi mới thốt nên lời cảm ơn vị huynh trưởng.
Sau đó, Đại Tá vừa gấp tập hồ sơ vừa nhìn tôi nói tiếp:
-Anh có thể xin đi bất cứ tỉnh nào trong khu 3, trừ hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa vì các nơi nầy thặng dư nhân số. Theo tôi nghĩ, anh nên ở lại Nha làm Phụ tá cho chủ sự phòng Tư Pháp Đặng-Thành-Trí.
Tôi cảm ơn hảo ý của Đại Tá và xin phép ra ngoài để gặp anh Trí, một người bạn cùng khóa và cũng là người từng là Trưởng Phòng Cảnh Sát ở Cần Thơ.
Công tác đầu tiên của tôi được giao phó là phối hợp cùng các sỉ quan quân cảnh Tư Pháp và An Ninh Quân Đội của Quân Khu 3 ra Vũng Tàu điều tra những đơn khiếu nại của dân chúng về việc một số quân nhân tại đặc khu đã đơn phương hành quân ban đêm khám xét các quán rượu, bắt đi một số chiêu đãi viên, thu giữ giấy tờ tùy thân để ép họ ăn nằm qua đêm. Tôi đã làm việc tại một phòng riêng biệt thuộc nhà khách của đặc khu trong suốt tám giờ đồng hồ, không ăn không uống, cố gắng lấy đầy đủ lời khai của các đương đơn và nhân chứng. Trong khi đó, Các sĩ quan quân cảnh tư pháp và an ninh quân độì làm việc ở một phòng khác với các quân nhân của đặc khu có tên trong đơn tố cáo.
Hôm sau, tôi trình toàn bộ biên bản lên Đại Tá Giám Dốc. Ông đọc thật kỹ lưỡng rồi nói với tôi:
- Để tôi sẽ nói với anh Trí !
Anh Trí mà Đại Tá nhắc tên chính là Trung Tướng Đổ-Cao-Trí, Tư Lệnh Quân Khu 3, một vị tướng tài ba từng xông pha nhiều trận mạc.
Chỉ mấy bữa sau, sì quan Chỉ huy phó đặc khu Vũng Tàu cùng một số tùy tùng dính líu vào việc làm tồi tệ đã phải thuyên chuyển đi nơi khác.
Vì nhu cầu công vụ của Nha, tôi được giao trách nhiệm điều hành hai Ban Căn cước và Kiểm soát an ninh. Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã thiết lập được các bản thống kê và hệ thống sơ đồ để cung cấp các khối lượng công việc của các ty liên quan đến chương trình đổi thẻ căn cước mới cũng như hoạt động kiểm tra an ninh tại các địa phương. Đại Tá Giám Đốc có vẻ hài lòng về hai tài liệu nầy, nó đã giúp Ông theo dõi chính xác các hoạt động và thành tích của các Ty giữa lúc còn bận rộn với bao công việc khác.
Làm việc dưới sự chỉ huy của Đại Tá Đào- Quang- Hiển, tôi thực sự có biết bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp về đạo đức, phong cách đối xử cùng tấm lòng bao dung quảng đại của vị huynh trưởng làm tôi nhớ lại những lời ca tụng của đa số nhân viên cảnh sát và dân chúng ở tỉnh Cần Thơ, nơi Ông đã từng làm việc một thời.
Tôi nhớ một lần, Ty CSQG Hậu Nghĩa gởi công điện về Nha báo cáo cảnh sát viên Biện-Lực đang làm nhiệm vụ đã hạ sát một nhân viên an ninh quân đội trong tư thế tự vệ chính đáng. Đương sự đã bị quân cảnh Tư Pháp câu lưu để lập hồ sơ truy tố ra tòa. Tôi cầm công điện trình xin Đại Tá cho phép thảo công điện chỉ thị Ty Hậu Nghĩa đến lãnh bị can về, lập biên bản khẩu cung vì bị can là dân chính chứ không phải là quân đội. Hai ngày sau, Ty Hậu Nghĩa lại gởi công điện thông báo rằng cơ quan Quân Cảnh Tư pháp không cho lãnh bị cáo, viện lý do hồ sơ đã hoàn tất. Một lần nữa tôi xin vào gặp Đại Tá với một công điện đã thảo sẵn với nội dung yêu cầu Ty Hậu Nghĩa lập một hồ sơ điều tra song hành nêu rõ các uẩn khúc và chứng cớ tự vệ chính đáng hầu xin tòa miễn tố hay giảm khinh cho bị cáo.
Sau khi xem xét và ký công điện, Đại Tá buông tiếng thở dài và nói với tôi:
- Ty nầy làm việc quá sơ sót, thay vì chủ động điều tra lại giao cho người ta muốn làm gì thì làm, để mặc đàn em trong lúc hoạn nạn có khác gì đem con bỏ chợ!
Qua câu nói đó, tôi hiểu tâm tư và tình cảm của Ông đối với đàn em.
Bỗng một buổi sáng, tôi được Đại Tá Giám Đốc gọi vào gặp Ông. Sau thủ tục chào kính, tôi lấy làm lạ khi Ông giơ tay ra bắt tay tôi rồi ra dấu cho tôi ngồi xuống.
Ông biết tôi đang ngạc nhiên nên nói ngay:
- Anh về làm việc tại Nha mới được vài tháng, tôi biết khả năng của anh và đang định giao cho anh một chức vụ tại Ty trong một ngày rất gần. Nào ngờ, Tổng Nha mới gởi Sự-Vụ Lệnh đổi anh về Sở Tâm Lý Chiến.
Ngừng một chút, Đại Tá nói tiếp:
- Tôi muốn giữ anh lại, nhưng đây là lệnh của Chuẩn Tướng Tổng Giám Đốc nên đành chịu vậy. Mong sao có dịp gặp lại sau.
Tôi nhận Sự Vụ Lệnh và chào giã từ Đại Tá Đào-Quang-Hiển mà lòng rất buồn. Trong thâm tâm, tôi chẳng muốn rời nơi làm việc hiện tại, dù thời gian ngắn ngủi, nhưng lại đầy tình ấm áp.
Tôi trở về Tổng Nha, nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình truyền hình hàng tháng của gia đình Cảnh Sát Quốc Gia. Nơi đây, tôi đã làm việc chung với nhạc sĩ Minh Kỳ, nhạc sĩ Y-Vân,, nhạc sĩ Phạm-Đại, nhạc sĩ Hoài Linh cùng một số ca sĩ và đoàn nữ vũ công.
Ngày đầu tiên đến thu hình tại đài truyền hình, tôi gặp anh Phạm-Duy-Cường vốn là bạn cùng khóa 14 Biên Tập Viên CSQG thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Rạch Dừa. Ngày đó anh em cùng khóa đã tặng cho anh biệt danh “Nhìn nắng” chỉ vì mỗi khi ra sân anh thường thích thú ngước nhìn ánh nắng mặt trời và nghe tiếng thông reo vi vút để rồi “hữu cảnh sinh tình” anh sáng tác ra bản nhạc “Nhìn Nắng”. Anh chuyển sang quân đội lúc nào, tôi không rõ, chỉ biết lúc gặp lại , anh đã là Đại Úy biệt phái về đài với vai trò đạo diễn. Tôi ngỏ ý nhờ anh điều khiển và sắp xếp việc thu hình cho tất cả các buổi cảnh sát lên đài. Anh đồng ý, tôi liền lên Ban Giám Đốc trình bày các yêu cầu của mình và được chấp thuận ngay.
Để chương trình đuợc lôi cuốn, mỗi kỳ phát hình, xen kẽ trong phần tin tức, đều có một nhạc cảnh bao gồm các tiết mục ca, vũ, diễn tấu tùy theo nội dung của kịch bản. Các nhạc cảnh chiếc Nỏ Thần, Hòn Vọng Phu,Trương Chi Mỵ Nương, Tiếng Trống Mê Linh … của gia đình Cảnh Sát Quốc Gia đã một thời được nhiều người ái mộ.Thành quả nầy có được tất nhiên có nhiều sự đóng góp, trong đó có bao sáng kiến tinh tế của đạo diễn Cường.
Nhìn anh làm việc năng nổ miệt mài, tôi thầm cảm ơn anh đã mang một món quà tinh thần quý báu cho cái gia đình mà anh từng là thành viên khi mới bước vào đời.
Vào một buổi chiều khi tôi đang làm việc tại bàn, Ông Chánh Sở Tâm Lý Chiến Tôn Thất Dẫn ra báo cho tôi biết Đại Tá Giám Đốc Nha CSQG Vùng 3 đã bị thương trên đường đi thanh sát một Chi CSQG hẻo lánh thuộc tỉnh Phước Tuy, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến Hoa Kỳ. Vừa nghe xong, tôi vội bỏ cả công việc đang làm, quên cả xin phép, lấy xe phóng vội vào bệnh viện để thăm gặp vị huynh trưởng quý mến.
Tôi bước vào phòng, thấy Đại Tá nằm trên giường bệnh với một giải băng trắng che kín cả đôi mắt hiền từ. Tôi nói tên mình, run run đưa hai tay nâng nhẹ bàn tay Ông với mối xúc động không nói nên lời, chỉ ấp úng cầu chúc huynh trưởng mau mau bình phục.
Những tháng năm tù tội trong trại tù của Cộng Sản, hàng đêm tôi thường vắt tay lên trán nhớ về những đoạn đời đã qua. Từ năm tám tuổi tôi đã phải sống trong vùng tạm chiếm của Việt Minh, được cha mẹ cho đi học lớp ba trường làng. Ngày nào đến trường cũng phải sắp hàng đứng chào lá cờ đỏ như máu có ngôi sao vàng và hát lên những tiếng ê a” Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…” rồi sau đó phải hát tiếp :” Ai yêu Bác Hồ hơn chúng em nhi đồng…”. Cặp mắt ngây thơ của tôi ngày đó chưa nhìn xuyên qua được lũy tre làng thì làm sao biết được thế sự bên ngoài. Tháng ngày chỉ thấy những toán bộ đội quần áo vàng màu nghệ kéo về ăn ở hết nhà nầy sang nhà khác rồi lại ra đi… rồi lại kéo về…rồi lại ra đi y hệt như một tấn tuồng diễn đi diễn lại làm ai cũng phải ngao ngán. Thùng gạo nhà tôi cứ bị vơi dần vì phải sớt qua hũ gạo nuôi quân. Sau mỗi vụ gặt lúa tháng năm, hàng đoàn cán bộ huyện, xã kéo đến thúc dục dân làng gánh thóc ra cân rồi thu gom chở đi nói rằng đó là thuế đảm phụ quốc phòng. Đêm về, tôi thường nghe tiếng thở dài và lời than vãn sưu cao thuế nặng của bố mẹ…
Khoảng năm 1948, chiến Dịch Hà Nam Ninh của quân đội Liên Hiệp Pháp và quân đội Bảo Hoàng (sau nầy gọi là quân đội quốc gia) phát động mạnh mẽ khiến các cơ quan hành chánh và lực lượng quân đội chính qui của Việt Minh đã phải di tản và tháo chạy về các vùng rừng núi. Tuy nhiên, các lực lượng du kích núp bóng dân vẫn không ngừng quấy phá. Hằng đêm, chúng bắt người, chặt đầu, chôn sống chổng ngược chân lên trời tất cả những ai mà chúng nghi ngờ hoạt động cho đối phương.
Thấy tình hình ở quê quá bất ổn, Bố mẹ tôi vội thu xếp gởi tôi vào Sài gòn để sống với gia đình người chú ruột, với hy vọng sau nầy tôi sống nên người.
Sống và đi học được ít lâu, tôi bị người con riêng của bà thím hiếp đáp nhiều lần nên bỏ nhà trốn đi giữa ngày cúng ông Táo. Trên bước đường lưu lạc khắp đầu đường xó chợ tôi đã thọ ân của biết bao nhiêu người, từ bác xích lô cho bát cơm hàng đến bà bán rau cho gói xôi tấm bánh. Ngày 29 Tết, một bà già làm công quả cho chùa Kỳ -Viên thấy tôi quá lem luốc bèn kéo tôi về tiệm bán chạp khô của chùa để làm các công việc bửa củi, kéo nước giếng và trông coi tiệm. Được ít lâu bà cho tôi đi học một buổi tại trường tư thục Lê Bá Cang ở góc đường Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Niên học tới, bà lại xin cho tôi vào học lớp nhất trường tiểu học Bàn Cờ để rồi cuối năm học tôi thi đỗ bằng tiểu học và may mắn trúng kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất trường trung học Trương Vĩnh-Ký (thuở đó gọi là Lycée Pétrus Ký). Tôi không biết tên thật của bà là gì, chỉ nghe người ta gọi bà là Bà Tư, nên tôi cũng gọi như vậy.
Vòng tay ân tình của Bà Tư thình lình đã buông rơi tôi ra sau một cơn bạo bịnh. Tôi theo xe tang khóc sướt mướt như khóc một bà ruột thịt.
Một trong những người đi dự đám tang đã nhận ra tôi và báo chú tôi biết đến bắt tôi về.
Tôi trôi theo dòng đời qua bao sự đổi thay để rồi cuối cùng hòa nhập vào bến bờ Cảnh Sát Quốc Gia. Nơi ấy, tôi có biết bao huynh trưởng, bạn bè, anh em thân thương. Và cũng chính nơi đó, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, những niềm an ủi và sự cộng tác chân thành.
Giờ đây, ở tuổi cuối đời, trí óc đã phôi pha, nhưng tôi vẫn còn ôm mãi trong lòng những ân tình ngày tháng cũ.
Xin tạ ơn đời! Xin tạ ơn đại gia đình Cảnh Sát Quốc Gia đã cho tôi những ân tình tốt đẹp khó quên đó.
Lê Chu Ấn (KS)
Nguồn: https://hung-viet.org/p18a20556/nhung-an-tinh-ngay-thang-cu