top of page
Banner edge

VĂN THƠ NHẠC

VĂN

NHỮNG GIỌT LỆ THẦM TRONG THÀNH PHỐ HUẾ

VĂN 1.png
NHỮNG GIỌT LỆ THẦM TRONG THÀNH PHỐ HUẾ
VĂN 2.png

TOÀN NHƯ

Tưởng nhớ tiền nhân và những người trong gia đình đã khuất là một truyền thống đã có từ lâu đời ở nước ta. Vào ngày chết của họ theo âm lịch, những con cháu còn sống hay các người thân trong gia đình thường làm lễ giỗ tưởng niệm họ ở nhà hay đôi khi tại các chùa. Lễ vật thường gồm có thức ăn, trái cây, rượu cùng với hoa quả và những cây nhang được đặt lên bàn thờ. Các thân nhân còn sống cầu nguyện cho người đã khuất và bày tỏ sự thương yêu, kính trọng và lòng biết ơn trước bàn thờ. Truyền thống này đôi khi còn vượt ra ngoài khuôn khổ của gia đình và những người trong dòng họ. Như vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hay Lễ Vu Lan, các Phật tử Việt Nam cử hành các buổi cúng tế phần lớn ở các chùa chiền. Mọi người cầu nguyện cho những người đã chết nói chung, đặc biệt cho những người chết không người thân thích, các chiến sĩ đã bỏ mình vì công vụ, các nạn nhân chiến tranh,v.v.... Các buổi lễ có thể kéo dài một tuần hay có khi tới 15 ngày, nhưng đó là những buổi lễ trong thời còn chiến tranh. Truyền thống đó dĩ nhiên cũng có ở thành phố Huế, cố đô của Việt Nam. Dân chúng ở trong thành phố này đã chú trọng nhiều đến những cái chết trong chiến tranh. Vào tháng 5 âm lịch (tức khoảng cuối Tháng Sáu đầu Tháng Bảy), phần lớn dân Huế nếu là các gia đình Phật tử đã làm lễ tưởng niệm trước bàn thờ gia đình hoặc tại các chùa cùng với con cháu để cầu nguyện cho những người dân vô tội đã bị giết chết bởi những kẻ xâm lược Pháp vào cuối thế kỷ thứ 19. Vào ngày 23 Tháng Năm (âm lịch), năm Ất Dậu (1885), lực lượng Pháp đã tấn công dữ dội vào quân đội hoàng gia Việt Nam bảo vệ hoàng thành Huế. Hỏa lực Pháp đã giết hại không thương tiếc khoảng từ 2000 tới 3000 binh sĩ và thường dân (Huế). Mặc dù là ngày 23 tháng 5 âm lịch, nhưng dân chúng đã linh động cử hành các nghi lễ cho người chết vào bất cứ ngày nào thuận tiện cho gia đình, miễn là vẫn trong tháng 5 âm lịch. Nếu bạn viếng thăm ai ở Huế trong tháng 5 âm lịch, chắc chắn bạn sẽ được mời đến dự những lễ giỗ như thế, có thể hầu như mỗi ngày nếu bạn có nhiều bạn bè và thân nhân sinh sống trong thành phố xinh đẹp cổ kính này.


Ngoài những buổi lễ tưởng niệm trong tháng 5 âm lịch trong gần 100 năm qua, kể từ sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, các đồng bào tại Huế cũng còn tổ chức các buổi lễ giỗ tưởng niệm trong tháng đầu tiên của năm âm lịch dành cho các nạn nhân bị giết trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Trong bóng đêm của Giao Thừa Tết 1968, lợi dụng trong lúc hai bên đang trong tình trạng hưu chiến đã được thỏa thuận trước đó, các đơn vị bộ đội Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng nằm vùng đã bất ngờ tấn công vào thành phố Huế. Các đơn vị Quân Đội miền Nam Việt Nam (VNCH) bảo vệ thành phố lúc đầu đã không thuận lợi khi chống trả vì họ tưởng rằng địch quân tôn trọng thỏa thuận bốn ngày ngưng chiến, như họ đã làm trong những năm trước. Cho nên vào ngày đầu tiên của năm mới – năm Mậu Thân 1968 – các đường phố trong thành phố Huế đã tràn ngập binh lính Bắc Việt trong những bộ quân phục màu ô-liu rộng thùng thình với những cái nón cối và mũ tai bèo. Chúng đã tạm chiếm được một phần thành phố Huế.


Ngay sau đó, các cán bộ cộng sản đã thiết lập chính quyền lâm thời. Điều đầu tiên chúng làm là kêu gọi tất cả các binh sĩ Nam Việt Nam, công chức các cấp, các thành viên đảng phái chính trị, và các thanh niên sinh viên, phải ra trình diện “ủy ban nhân dân cách mạng” của họ. Những người này phải trình diện ủy ban cộng sản để được ghi danh vào những cuốn sổ kiểm soát rồi được thả về với lời hứa hẹn sẽ được an toàn. Một vài ngày sau, họ lại được gọi ra trình diện, rồi tất cả lại được thả về nhà an toàn và bình an. (Đây là cái mánh mà Việt Cộng sau ngày 30/4/1975 cũng áp dụng khi chúng kêu gọi các sĩ quan, quân cán chính Miền Nam ra trình diện để đi “học tập cải tạo” 3 ngày, 10 ngày, hoặc một tháng. Những người ra trình diện “học tập cải tạo” 3 ngày đều được thả về; nhưng những người ra trình diện học tập cải tạo những lần sau 10 ngày hoặc một tháng thì không.) Trong ba tuần lễ dưới sự chiếm đóng của các đơn vị cộng sản Bắc Việt, những người nằm trong diện bị tình nghi được lệnh phải trình diện ủy ban cộng sản ba hoặc bốn lần. Trong khi đó, những người bị gọi ra trình diện chính quyền cộng sản lần sau cùng đã biến mất, họ đã ra đi mà không thấy trở về. Đến khoảng cuối Tháng Giêng (âm lịch) 1968 (tức khoảng tháng 2 DL), tức gần một tháng sau, các đơn vị của QLVNCH và đồng minh Hoa Kỳ đã thực hiện những cuộc phản công đẫm máu và tái chiếm toàn thành phố sau nhiều ngày giao tranh ác liệt buộc Việt cộng phải rút lui bằng nhiều ngả. sau khi các đơn vị TQLC và QLVNCH giải phóng Huế.


Sau khi tái chiếm lại Huế, lúc đó mọi người mới biết, hầu hết những người bị mất tích là binh sĩ trong những đơn vị không tác chiến và nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh, các công tư chức, tu sĩ, và nhiều dân thường và người ngoại quốc. Không ai biết lúc đó họ ở đâu. Vào cuối Tháng Hai năm 1968, căn cứ vào những báo cáo của những cán binh và tù binh Việt Cộng, các nhà chức trách địa phương của Miền Nam Việt Nam đã tìm ra một số mồ chôn tập thể đầu tiên. Tại những nơi này, hàng trăm thi thể những người mất tích đã bị chôn được tìm thấy. Hầu hết họ có những dấu tích bị trói vào nhau bởi những sợi dây thừng, dây điện hay dây điện thoại. Họ đã bị bắn hay bị đập đầu hoặc bị bóp cổ cho đến chết. Các mồ chôn tập thể đã gây xúc động toàn thành phố Huế và cả nước. Hầu như mọi gia đình ở Huế đều có ít nhất là một thân nhân, gần hoặc xa, đã bị giết hay vẫn còn mất tích. Mồ chôn tập thể sau cùng được tìm thấy là ở trước sân trường tiểu học quận Phú Thứ trong tháng Năm năm 1972, gồm có khoảng hai trăm (200) xác ở dưới cát. Họ đã bị thảm sát trong thời gian một tháng chiếm cứ của quân đội Bắc Việt. Đất cát đã không để lại một dấu vết gì cho biết có một mồ chôn tập thể ở bên dưới cho đến khi một em bé học sinh lớp ba tình cờ đào đất hơi sâu một chút để tìm bắt dế đã phát hiện ra. Ngoài khoảng hơn hai ngàn người chết đã được xác nhận sau khi phát hiện ra những mồ chôn tập thể, số phận của những người khác, con số lên đến vài ngàn, vẫn còn chưa biết.


Cuộc thảm sát năm 1968 ở Huế đã mang lại một khúc rẽ rõ rệt trong thái độ chung đối với chiến tranh. Một số lớn những người lưng chừng trước năm 1968, những người chống đối chiến tranh, và ngay cả những người thân Cộng, đã đứng về phía chính quyền miền Nam Việt Nam sau biến cố kinh hoàng này. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, dường như con số thuyền nhân xuất xứ từ Huế đã chiếm một tỷ lệ lớn trong số các người di tản nhiều hơn các nơi khác. Để xóa đi những dấu tích tội ác cũng như những ký ức đau buồn của người dân Huế, kể từ Tháng Tư 1975, chế độ Cộng Sản Việt Nam đã tìm cách di chuyển nhiều gia đình của các nạn nhân vụ thảm sát năm 1968 ra khỏi thành phố Huế. Tuy nhiên dân chúng trong thành phố vẫn còn tưởng niệm họ hàng năm. Nhưng vì người dân Huế đã khôn ngoan hòa lẫn các buổi tưởng niệm cùng với các lễ hội ngày Tết nên nhà cầm quyền Cộng Sản địa phương không thể nào cấm đoán họ.


Hầu hết người Mỹ đều biết rất rõ về vụ thảm sát gây ra bởi Thiếu Úy Calley của Quân Lực Hoa Kỳ ở Mỹ Lai nơi có khoảng 200 đến 300 người đã bị anh Thiếu úy này giết. Thật là một sự bất công khi truyền thông Mỹ loan tin rùm beng về vụ này; trong khi đó, vụ thảm sát Mậu Thân 1968 ở Huế, lại không được họ tường thuật hay loan tin gì cả. Vào tháng 11 năm 1974, khi một cuốn phim tài liệu về cuộc tấn công Tết Mậu Thân được thực hiện bởi các phóng viên Nam Việt Nam (VNCH) được trình chiếu cho khán giả Mỹ gồm khoảng 200 sĩ quan Quân Lực Hoa Kỳ ở căn cứ Fort Benning, Georgia, hầu như 90 phần trăm trong số họ đã nói, họ không được biết sự kiện này. Nhiều người đã nói rằng, nếu họ biết được cuộc thảm sát vào thời điểm đó, họ có thể đã hành sử khác trong lúc phục vụ tại Việt Nam. Hải Quân Hoa Kỳ đã đặt tên cho một chiến hạm là Thành Phố Huế (Hue City). Không biết có bao nhiêu người trong đoàn thủy thủ của chiến hạm này biết được rằng cái thành phố mà nó mang tên đã từng chịu nhiều đau thương. Có lẽ sẽ là một đề nghị tốt nếu mỗi năm một lần vào dịp Tết trên chiến hạm Thành Phố Huế nên tổ chức một buổi lễ tưởng niệm dành cho những người đã chết mà TQLC Mỹ đã chiến đấu cho họ trong Tháng Hai năm 1968?


Sự thù hận không nên được trao lại cho những thế hệ trẻ, nhưng con cháu chúng ta phải được dạy cho chúng biết sự thật. Những tội ác chiến tranh không thể bị bỏ quên, và lịch sử không chỉ được viết bởi những người viết thuộc về một phía.


TOÀN NHƯ

(Phỏng dịch theo “The Silent Tears in Hue City”, nguồn Vietmemorial.org)


bottom of page