top of page
Banner edge

VĂN THƠ NHẠC

VĂN

TẢN MẠN VỀ BÁNH MÌ VÀ PHỞ
VĂN 1.png
VĂN 2.png

TOÀN NHƯ

Bánh mì và phở là hai món ăn truyền thống khoái khẩu của người Việt. Ở hải ngoại, những nơi nào có đông người Việt là hầu như đều có những nhà hàng, tiệm bánh bán hai loại thức ăn này. Chỉ riêng tại vùng thủ đô Little Saigon của người Việt tại Quận Cam đã có không biết bao nhiêu là tiệm phở, tiệm bánh mì. Đúng là ‘chúng ta đi mang theo quê hương’ như cố nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã từng đặt tên cho một chương trình phát thanh của ông khi giới thiệu về những món ăn truyền thống của người Việt.


Quả thật hai món ăn này vừa bình dân lại vừa tiện lợi nên đã theo bước chân người Việt đi đến khắp mọi nơi, từ trong nước ra đến xứ người. Nó bình dân vì giá cả của nó cũng nhẹ nhàng (nói theo ngôn ngữ quảng cáo ở vùng Little Sàigon, Quận Cam), vì chỉ với một vài đô la (ở trong nước có thể còn ít hơn) người ta đã có một ổ hay một khúc bánh mì thịt hay một tô phở đủ để lót lòng thay cho một bữa ăn. Đối với người Việt, dù cơm là món ăn chủ yếu không thể thiếu trong một bữa ăn, nhưng nếu vì một lý do nào đó không có cơm thì món ăn được thay thế thường là bánh mì hay phở chứ ít khi nào người ta nghĩ đến những thứ khác. Dĩ nhiên đây chỉ là xác suất tương đối chứ không phải tuyệt đối, nhất là khi ở hải ngoại người ta có nhiều lựa chọn hơn.


Chính vì bánh mì và phở là hai món ăn dự phòng sau cơm của người Việt nên không ít người Việt đã coi chúng như một biểu tượng của quê hương. Mỗi khi đi xa, ra khỏi quê hương không khỏi có đôi lúc thèm phở hay bánh mì. Một anh bạn tôi định cư ở miền đất lạnh Na Uy đã làm một bài thơ gởi tặng tôi nói về nỗi nhớ quê hương của anh cũng như của tôi trong đó có câu:


Nhớ quê hương như nhớ phở

Ơi bánh mì Bưu điện Sài Gòn…


Câu thơ của bạn tôi làm tôi nhớ đến cái ki-ốt bán bánh mì trước 1975 ở trước Bưu điện Sài Gòn, lâu quá rồi tôi không còn nhớ nó mang tên gì. Nó là cái ki-ốt nhỏ giống như những ki-ốt bán hoa trên đường Nguyễn Huệ nhưng nhỏ hơn, nằm ngay trên lề đường phía trước Bưu điện Sài Gòn, bên hông Nhà Thờ Đức Bà. Có lẽ đó là cái ki-ốt bán bánh mì đầu tiên qui mô nhất tại Sài Gòn và có thể ở Việt Nam thời bấy giờ. Nó khác hẳn với các xe bán bánh mì từ trước đến thời điểm đó. Nó có vẻ văn minh và hiện đại hơn nên đã thu hút khá nhiều khách hàng chiếu cố mỗi ngày. Với những ổ bánh mì con cóc kẹp các loại nhân khác nhau như pa-tê, thịt, chả lụa, xíu mại, hay thịt chà bông, v.v… nó đã là một món ăn rất tiện lợi cho các công chức, sinh viên, học sinh dùng thay cho bữa ăn trưa hay ăn sáng. Tôi còn nhớ những buổi trưa tan sở thay vì về nhà, tôi đã cùng bạn bè rủ nhau mỗi người mua một ổ bánh mì Bưu điện Sài Gòn rồi chui vào rạp xi nê vừa ăn vừa coi phim xong lại trở lại sở làm việc, thật là thú vị.


Nhưng Sài Gòn đâu phải chỉ có bánh mì Bưu điện Sài Gòn mới đáng nhớ. Còn có nhiều nơi khác cũng bán bánh mì nổi tiếng không kém như Bánh Mì Hà Nội trên đường Nguyễn Thiện Thuật Quận 3, hay những xe bánh mì mang tên Ba Lẹ, Sáu Voi ở Tân Định cũng nổi tiếng được chiếu cố rất nhiều. Ở Little Saigon nay cũng có những tiệm bánh mì mang tên Ba Lẹ, Sáu Voi, không biết chúng có liên hệ họ hàng gì với những người chủ cũ ở Sài Gòn năm xưa hay không, hay đó chỉ là một cách đặt tên một cách ngẫu nhiên để mọi người gợi nhớ về một Sài Gòn ngày xưa cũ.


Nói đến bánh mì thì cũng phải nói đến bánh mì bít-cốt là một phó phẩm làm từ bánh mì. Đối với các tù cải tạo trước đây thì bít-cốt là một loại lương khô rất quen thuộc. Đó là một loại bánh mì khô được làm từ bánh mì cũng rất đơn giản. Bánh mì được cắt thành những lát mỏng dầy khoảng 1cm rồi đem nướng hay sấy khô trong lò nướng. Đây là món ăn được những người tù rất ưa chuộng vì chúng giữ được lâu, lại không phải nấu nướng hay chế biến gì cả dùng để ăn dặm thêm những lúc đói bụng. Ở tù, dù là tù cải tạo hay tù hình sự thì cũng đều ăn uống thiếu thốn, không những vậy lại còn phải lao động cực nhọc nên lúc nào cũng cảm thấy đói, cho nên một bịch bánh mì bít-cốt thăm nuôi lúc ấy chẳng khác gì cao lương mỹ vị. Tuy nhiên, sau này, khi đã được trả tự do, thỉnh thoảng ăn lại những miếng bánh mì bít-cốt sao thấy nó lạt lẽo, khô khốc làm sao, chẳng còn hấp dẫn chút nào. Đó là cái cảm giác tự nhiên, chứ chẳng phải chê bai gì nó.


Trở lại câu thơ của bạn tôi nói trên, nỗi hoài niệm nhớ về quê hương liên tưởng đến phở và bánh mì Bưu điện Sài Gòn có lẽ chỉ đúng cho bạn tôi và những người sống xa quê hương ở những nơi có ít người Việt như Bắc Âu hay một vài nơi khác. Ở những nơi đó, người Việt sống rải rác, muốn tìm một nhà hàng để ăn một tô phở hay mua một ổ bánh mì kẹp thịt không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, nếu ở Quận Cam, nơi không thiếu tiệm phở và tiệm bánh mì mà nói như thế chắc sẽ có người cười, cho là không thực tế. Cho nên cũng nên thông cảm cho bạn tôi ở một nơi gần như lạnh giá quanh năm, thiếu hàng quán của người Việt thì việc thèm hay nhớ đến một tô phở hay một ổ bánh mì cũng là đều dễ hiểu. Nhất là vào những ngày lạnh gía tuyết phủ đầy đường, hẳn là bạn tôi cũng thèm ăn một tô phở cho ấm lòng người xa xứ để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Tôi không biết lúc ấy cảm giác của bạn tôi đã như thế nào? Có giống như Nguyễn Tuân đã viết trong một bài tùy bút về Phở mà tôi đã được đọc từ lâu lắm rồi không? Hình như Nguyễn Tuân đã viết đại ý “mùa đông ăn một tô phở giống như nuốt một cái chăn (mền) bông vào bụng”. Riêng tôi thì chưa bao giờ có cái cảm giác đó cả, có lẽ một phần vì chưa sống ở những nơi qúa lạnh, hoặc vì đang sống ở một nơi có qúa nhiều bánh mì và phở nên không có cái cảm giác này. Quận Cam về mùa đông cũng không lạnh lắm so với Na Uy nên dường như chưa ai có cái cảm giác nuốt một cái chăn hay mền vào bụng khi ăn một tô phở.

TẢN MẠN VỀ BÁNH MÌ VÀ PHỞ

Cũng vì nỗi hoài niệm nhớ về quê hương nên ở hải ngoại, đặc biệt là ở Quận Cam, có nhiều tiệm phở ở đây cũng mang những cái tên giống như ở Sài Gòn trước 1975. Nào là Phở 79, Phở Công Lý, Phở Tàu Bay,…, những cái tên mà những ai từng sống ở Sài Gòn không ai lại không biết đến. Trong số những tiệm phở ấy có lẽ tiệm Phở Công Lý ở Sài Gòn là nổi tiếng hơn cả. Thực ra tiệm phở này không có tên, không có bảng hiệu, nó nằm ở trong một khu cư xá của người Bắc di cư nằm trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) gần ngã tư Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), có lẽ vì vậy nên người ta gọi nó là Phở Công Lý cho tiện. Nhưng cũng có người gọi nó là Phở Dậu theo tên bà chủ tiệm, dù thực ra đó không phải là tên của bà chủ - Dậu là tên của bà chủ sáng lập ra nó nay đã sang tên cho người khác nhưng khách ăn cứ quen gọi như thế. Tiệm phở này nổi tiếng vì nó từng được đón tiếp một số thực khách là những nhân vật nổi tiếng thuộc hàng VIP như Tướng Nguyễn Cao Kỳ hay Bộ Trưởng Hoàng Đức Nhã, và rất nhiều các quan lớn nhỏ khác. Nghe nói, sau khi bà chủ tiệm phở này đi định cư ở Mỹ khoảng giữa thập niên 1990, tiệm phở này đã được giao lại cho người con trai của bà Dậu. Kể từ đó, tiệm này đã chính thức trưng bảng hiệu Phở Dậu, theo đúng tên thân mẫu của người chủ quán, người đã sáng lập ra tiệm phở này như một sự “châu về hiệp phố”.


Ngày nay, kể từ khi có làn sóng người Việt tị nạn định cư trên khắp thế giới, phở đã không còn là món ăn khó kiếm ở hải ngoại. Nhưng theo dòng thời sự, phở cũng đã có những thay đổi biến thiên theo địa phương. Nếu những tô phở ở Hà Nội hay miền Bắc chỉ có bánh, thịt và hành, ngò; thì những tô phở ở Sài Gòn hay miền Nam lại có thêm giá và rau thơm. Thậm chí tô phở khi lưu lạc đến xứ Đại Hàn còn có thêm cả món kim chi ăn kèm.


Phở ngày nay cũng có một chút khác biệt giữa phở (quốc) nội và phở (hải) ngoại, mặc dù đã là phở thì ở đâu cũng thế, nó chỉ là một loại súp nấu bằng thịt bò rồi chan lên những sợi bánh phở làm bằng bột gạo để trong một cái tô hay bát bên trên có những miếng thịt bò thái mỏng tái hoặc chín cùng với những thứ gia vị hành, ngò, rau thơm, gía, v.v... Nguyên tắc thì như thế nhưng cách thức nấu nướng chế biến có thể gia giảm tùy mỗi người, mỗi nơi mỗi khác, ngon dở khác nhau. Nhiều người từ hải ngoại, phần lớn ở Mỹ, khi trở về Việt Nam đã nhận xét phở nội không ngon bằng phở ngoại, cả về phẩm và lượng. Tô phở nội thường nhỏ nên ít thịt ít bánh, ăn một tô thì chưa đủ phê mà kêu ăn thêm thì không tiện. Trái lại, người trong nước khi qua Mỹ ăn phở lại chê phở ngoại kém xa phở nội, nhất là về lượng, nhìn cái tô phở ngoại to lớn bề thế làm họ hết hồn. Chả thế mà có anh cán khi về nước đã mô tả cái tô phở ngoại “to đùng như một cái chậu”. Thật ra việc khen chê phở nội hay phở ngoại cũng tủy thuộc vào khẩu vị và thói quen của từng người, cũng giống như người ta vẫn nói “đẹp xấu tùy người đối diện” để nói lên cái cảm quan đầy tính cách chủ quan của con người mà thôi.


Nói về phở bò mà không nói đến phở gà thì cũng là một bất công. Chúng giống như hai anh em cùng cha khác mẹ, hay cùng mẹ khác cha. Theo nhà văn Vũ Bằng thì phở gà là một biến thể của phở bò. Vào thời mà món phở bò chỉ mới thịnh hành ở miền Bắc, chưa được phổ thông trên cả nước, có một dạo ở Hà Nội không có thịt bò vào những ngày thứ Hai và thứ Sáu trong tuần. Vào hai ngày đó, người ta đã nghĩ chế ra món phở gà để tạm thay thế cho món phở bò không có trong những ngày này. Nhưng rồi không ngờ món phở gà cũng đã vươn lên đồng hành với người anh em phở bò, không chỉ trong hai ngày trong tuần mà đã có một đời sống riêng chẳng thua kém gì người anh cho đến tận ngày nay.


Sau cùng, có một câu chuyện vui, hơi tiếu lâm ví von cơm là vợ, còn phở là bồ (nhí) kể rằng: “Bồ là Phở, vợ là Cơm. Sáng: chở Cơm đi ăn phở; Trưa: mời Phở đi ăn cơm. Chiều: Phở về nhà Phở, Cơm về nhà Cơm. Tối nằm bên Cơm mà vẫn nhớ về Phở.”


Câu chuyện “tranh chấp” giữa Cơm và Phở chắc không bao giờ dứt trong những lúc trà dư tửu hậu như trong bài thơ (không rõ tác giả) dưới đây, tuy vui và tiếu lâm nhưng ngẫm lại thấy cũng đúng:


Cơm khoe tớ nhất trên đời,
Phở rằng tớ cũng tuyệt vời đấy nha.
Cơm làm từ gạo mà ra,
Phở cũng từ gạo nhưng mà ngon hơn.
Cơm nhờ hương gạo mà thơm,
Phở nhờ hương liệu nên thơm đủ mùi.
Cơm ăn no bụng là thôi,
Phở ăn no bụng lại đòi ăn thêm.
Cơm ăn hàng bữa nên quen,
Phở thì thỉnh thoảng nên thèm đương nhiên.
Cơm ngon mua chẳng mất tiền,
Phở thiu cũng vẫn bỏ tiền ra mua.
Cơm chân chất chẳng dây dưa,
Phở trang trí đẹp để lừa mắt ai.
Cơm ngoan chẳng sợ tiếng tai,
Phở tuy đẹp đẽ nhưng đầy hoài nghi.
Cơm quen chẳng ngại ngần gì,
Phở ăn vài bữa tức thì ngán thôi.
Phụ cơm chớ phụ người ơi!!!

Toàn Như

(Xuân 2012, update tháng 10/2021)

bottom of page