top of page
Banner edge

VĂN THƠ NHẠC

VĂN

ĐÔNG HÀ ƠI!
VĂN 1.png
VĂN 2.png

Tùy bút của LÊ THÀNH QUANG K1

Không phải nói “trạng”, tuy Đông Hà của tui chỉ là mảnh đất nhỏ cằn cỗi, phi sản xuất, chó ăn đá gà ăn muối, thuộc một tỉnh nghèo vùng hỏa tuyến, nhưng lại là địa danh nổi tiếng của Đông Nam Á Châu và khắp thế giới.


“Nói có sách, mách có chứng” luôn là câu thòng của thằng phách tấu, tui xin dẫn chứng, ghi nguyên văn theo tài liệu:


– Đông Hà có một vị trí quan trọng, nằm ở trung độ giao thông của cả nước, trên quốc lộ 1 nối liền Saigon – Hà Nội và quốc lộ 9 trong hệ thống đường xuyên Á; là điểm khởi đầu ở phía Đông của trục hành lang kinh tế Đông – Tây giữa đông bắc Thái Lan, Lào, Myanma và miền Trung Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và các nước trong khu vực biển Đông, qua hải cảng Cửa Việt. Từ thuận lợi về giao lưu đối ngoại, Đông Hà có khả năng thu hút, hội tụ để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và trở thành trung tâm giữa các mối quan hệ kinh tế của khu vực và quốc tế.


– Những năm chiến tranh với Pháp, Đông Hà cũng chỉ là một thị trấn nhỏ với khoảng hơn ngàn dân. Khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải thành giới tuyến quân sự tạm thời thì Đông Hà đã trở thành vị trí tiền đồn cho Việt Nam Cộng hòa. Thị xã lúc này như một khu quân sự với nhiều sắc lính, xe cộ, tiếng ồn, bụi bặm, người dân sống chen chúc với người lính.


Oai như rứa, cho nên chính quyền tỉnh Quảng Trị đã phải tổ chức mần răng cho có những bộ phận cần thiết về các mặt, kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh, quân sự vv…


Đông Hà quê tui là một thị xã, sau hiệp định Genève 1954, trực thuộc quận Cam Lộ, trên hướng Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị, điều hành bởi một viên chức gọi là Phái Viên Hành Chánh do tỉnh bổ nhiệm. Về an ninh, là nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn của Sư Đoàn I BB, cùng một đồn Cảnh Sát khang trang bề thế dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ty Cảnh Sát Quảng Trị, một đồn Hiến Binh, một Quân trần và một chi đội Thiết giáp.


Đông Hà có một bến xe, là trạm trung chuyển của những tuyến xe Cam Lộ, Khe Sanh, Gio Linh…, một ga xe lửa nổi tiếng vì đầu mối của những chuyến tàu hàng trong nền kinh tế quốc gia và quốc tế; một bến đò, một ngôi chợ khá lớn, đầy đủ những mặt hàng tiêu dùng cho người dân; một sân bay quân sự phục vụ cho những cuộc hành quân trong chiến tranh Việt Nam.

ĐÔNG HÀ ƠI!

Về mặt văn hóa, Đông Hà có một nhà thờ, một ngôi chùa, một đài phát thanh và một hội Khổng học.


Từ những năm giữa thập niên 1960, theo giòng thời gian, Đông Hà trở thành quận hạt có 7 xã với dân số khoảng gần 20,000 người.


Nói như ri mà tính theo văn chương chữ nghĩa thì cũng chỉ là phép thắng lợi tinh thần chứ không mần răng mà thỏa mãn được lòng người vốn thiên về lợi nhuận vật chất.


Đông Hà quê tui là nơi tập trung của dân tứ xứ, chuyên nghề công chức hoặc buôn bán lẽ. Ngoại trừ vài người giàu có vượt bực mà tên tuổi nằm trong danh sách triệu phú, một số rất hiếm là các sĩ quan cấp tá, người giàu tiền của Đông Hà đồng nghĩa với đủ tiền để mua vui, xã giao vào các sòng tứ sắc, xóc đĩa, xì tẩy, chắn hoặc cho con cái “xuất ngoại” vô Huế học các trường dòng Thiên Hựu, Bình Minh, Quốc Học, Mai Khôi…


Vỏn vẹn chưa tới 10 con đường, dài nhất không quá 20 block với những tên Trần Hưng Đạo, Trịnh Minh Thế, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… cùng những con hẻm nối liền các xóm nhỏ bình dân xóm Hến, xóm Chợ, xóm Vạn, xóm Nhà Thờ, xóm Mỹ Viện Trợ vv, dân Đông Hà sống với nhau trong một tình thương đậm đà của “thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.


Lứa tuổi chúng tôi thuộc loại đàn em với tấm gương của các ông anh mà tôi nhớ như chụp bóng: Lê Văn Châu, Hồ Sĩ Hòe, Nguyễn Văn Linh, Lữ Phúc Chính, Nguyễn Thoại, Phan Bá Anh, Nguyễn Chi Lăng, Phạm Văn Bình; tự hào qua hình ảnh những bậc trưởng thượng thành danh như Đại Tá Nguyễn Hộ, Đại Úy Nguyễn Hào, Đại Úy Phạm Kỳ Nam, Đại Úy Trần Công, nhà giáo Nguyễn Khắc Thảo, thầy Phán Tịnh, triệu phú Trần Triệu Thành, thầy Hoàng Lượng, thầy Phạm Văn Liệu, Bác sĩ Phạm Văn Lương, Trung tá Lê Lâm…


Tuổi thơ của chúng tôi hòa theo sự phát triển thăng trầm của Đông Hà, quyện thành những ký ức khó quên cho đến mãi hôm này, lúc đang là một lão ông bảy chục.


Trận hỏa hoạn đầu tiên giáng xuống Đông Hà vào năm 1953 đã cướp mất ngôi trường tiểu học khiến chúng tôi phải học “di động” trong từng ngôi nhà thuê mướn theo hợp đồng hàng tháng để chờ ngôi trường mới, được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 1955 trước mặt Trạm Xá (nhà thương), sát cạnh ngôi chợ duy nhất của thị trấn.

ĐÔNG HÀ ƠI!

Cá nhân chúng tôi không bao giờ quên được những lời giảng dạy đầu tiên về A, B, C, về bổn phận trách nhiệm của người dân nước Việt của thầy Hoàng Lượng; những phương pháp giải các bài toán về cộng trừ nhân chia, phân số giản dị của thầy Phạm Văn Liệu qua các lớp hè hay luyện thi vào Đệ Thất trường Trung Học Công Lập Nguyễn Hoàng, tỉnh Quảng Trị, cách Đông Hà khoảng 14 cây số.


Nhân bài viết này, người viết xin được thay mặt những đồng hương cùng trang lứa để nói lên lòng thành kính tri ân đối với cụ Nguyễn Khắc Thảo, người đã tạo phương tiện, khai phá đầu óc chúng tôi qua việc xây dựng trường Trung Học Bán Công Đông Hà, mà hành trình đầy chông gai, khó khăn tưởng như không vượt qua được, và những người thầy đầu tiên của bậc trung học, Hồ Xuân Diện, thầy Tu. Phan Văn Cẩn, thầy Trọng, Trần Xuân Mai, Nguyễn Văn Linh, thầy Phán Tịnh…


Lũ chúng tôi bắt đầu lớp Đệ Thất tại những ngôi nhà thuê mướn từng địa điểm không cố định để kịp niên khóa với hình ảnh không quên được: học trò phải mang theo đòn ngồi, cơm vắt (đối với những người ở lân cận Đông Hà như Hoàng Huy Bá, Hoàng Khiêu, Hoàng Đằng, Trương Sĩ Sằn, Trần Thâm).


Từng năm lại từng năm, trường Trung Học Bán Công Đông Hà trở thành một ngôi trường đúng nghĩa về hình thái, đầy đủ bốn lớp Thất – Lục – Ngũ – Tứ của bậc trung học Đệ Nhất Cấp với số học sinh giỏi chen chân cùng học sinh các trường khác của tỉnh Quảng Trị, góp phần đáng kể trên các lãnh vực phát triển của đất nước.


Hãnh diện xuất thân từ ngôi trường này, từ những hoài bảo đầu tiên của những người sáng lập (cụ Nguyễn Khắc Thảo), chúng tôi đã trở thành những chuyên viên về quân sự, an ninh, hành chánh, kỹ thuật, theo học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trường Sĩ Quan Thủ Đức, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Trường Kỹ Thuật Phú Thọ, Đại Học Y Khoa Huế hoặc Saigon, Ngân Hàng vv…


Lũ chúng tôi, cả trai lẫn gái, có thể nhớ không hết, vì già rồi, hơi lú, đó là Lê Thành Quang, Đỗ Thiệu Nguyên, Hoàng Huy Bá, Hoàng Đằng, Hoàng Khiêu, Ngô Ngọc Chí, Nguyễn Thị Lê, Lê Thị Hồng Vân, Trần Thị Minh Châu, Trần Thị Lương, Nguyễn Thị Cẩm Hoa, Nguyễn Thị Cẩm Hạnh, Nguyễn Hữu Thanh, Phù Thị Lan, Phù Thị Huệ, Lữ Thị Hường, Lữ Phúc Viên, Lê Công Tâm, Lữ Phúc Viên, Trần Sanh, Lê Quang Y, Lữ Phúc Cam, Nhan Hữu Thanh, Nhan Hữu Mãi, Nguyễn Đăng Tế, Lữ Phúc Thuận, Trần Thâm, Mai Văn Hậu, Nguyễn Văn Cảnh, Lương Thị Nhuận, Nguyễn Thị Tuyết… cùng lớn lên tại Đông Hà với những kỷ niệm khó phai mà chắc hẳn từng người còn đang nhớ mãi để nở một nụ cười sảng khoái khi gặp lại nhau.


Vào thời người viết, con gái Đông Hà phần lớn đều là người đẹp hay ít nhất cũng bắt người đối diện phải xuýt xoa. Nào là Nguyễn Thị Lê, Lê Thị Hồng Vân, Ngô Thị Cam, Trần Thị Tân, Hồ Thị Lan, Đổ Thị Lan, Đỗ Thị Huệ, Lữ Thị Hường, Phù Thị Lan, Nguyễn Thị Hà (học sinh trường Nguyễn Hoàng, không biết đúng họ không), Trần Thị Minh Châu, Lê Thị Ngọc Thạnh, Lữ Thị Chưởng… và đặc biệt có nhiều ca sĩ nổi danh: Như Quỳnh (con của Lâm Thị Quý), Nini, Vina (con của Trương Sĩ Lương).

Con trai có chút tiếng tăm như nhà thơ Phạm Văn Bình, nhà văn Đỗ Phúc, nhà báo Trương Sĩ Lương, nhà giáo Hoàng Đằng, nhà giáo Trương Sĩ Sằn.


Đông Hà Ơi! Đủ chưa?


Có đáng cho tui tự hào không? Thưa quý đồng hương.


Lê Thành Quang


bottom of page