top of page
Banner edge
Trang Ý Kiến 11.png
Trang Ý Kiến 2.png

Ý KIẾN

TÂM TÌNH

THÁI VĂN HÒA – K3 (Ghi lại ý kiến của TS TRẦN AN BÀI)

Trong mấy ngày xuân Tân Sửu-2021, tôi hân hạnh được hàn huyên với Thẩm Phán, Tiến Sĩ Trần An Bài, nguyên Giảng Sư Học Viện CSQG.


Nhân dịp này, tôi có tham  khảo ý kiến của Thầy về một số từ ngữ mà cho đến nay tôi nhận thấy vẫn  chưa được nhiều người sử dụng chính xác trong khi nói hoặc viết, ngay cả  bản thân tôi cũng vậy.


Được sự giải thích và  hướng dẫn cặn kẽ của Tiến Sĩ Trần An Bài, tôi xin lần lượt ghi lại những  điều đã học hỏi được và xin chia sẻ cùng quý Anh Chị để tùy nghi sử  dụng:


1- Về chức vụ của một người:

Ví dụ: Tổng Thống, Tư Lệnh  CSQG, Viện Trưởng Học Viện CSQG, Giảng sư Học Viện, Chỉ Huy Trưởng  BCH/CSQG Thủ Đô, Chỉ Huy Trưởng CSQG Tỉnh ABC, Tổng Thư Ký Giáo Hội VN  Thống Nhất, Giám Mục Giáo Phận XYZ, v.v... Trên đây là những chức vụ và  khi đã là "chức vụ", thì nay còn mai hết; và khi hết chức thì gọi là  "nguyên" hay "cựu".


2- Về đẳng cấp, học vị, công hàm...

thì đó là trình độ, tước  hàm mà một người đã đạt được trong cuộc đời. Ví dụ: Tú Tài, Cử Nhân,  Tiến Sĩ, Thiếu Úy, Thiếu Tá, Thiếu Tướng, Đại  Đức, Hòa Thượng, Hồng Y,  Giám Mục, Linh Mục,... Những "đẳng cấp" trên luôn luôn đi theo một  người, vì đó là trình độ, đẳng cấp, văn bằng họ đã đạt được trong cuộc  đời, cho nên không thể gọi là “nguyên” hay “cựu”. Ngoại trừ trường hợp  cơ quan đã cấp văn bằng hoặc tước vị, vì lý do nào đó, quyết định thu  hồi quyết định trước của chính họ.


Áp dụng hai nguyên tắc căn  bản trên vào thực tế, chúng ta sẽ thấy rất hợp lý mỗi khi giới thiệu  hoặc xưng hô. Ví dụ: Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, nguyên Tư Lệnh Lực  Lượng CSQG; Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Học Viện CSQG;  Tiến Sĩ Nguyễn Văn Canh, nguyên Phó Viện Trưởng  Đại Học Luật Khoa  Saigon; Tiến Sĩ Trần An Bài, nguyên Giảng Sư Học Viện CSQG; Hòa Thượng  Thích Thiền A., nguyên Tổng Thư Ký Giáo Hội PG; Linh  Mục Nguyễn Văn   B., cựu Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo VN tại HK.


3- Hai chữ "nguyên" và "cựu" theo tiếng Việt phải dùng thế nào?

Trong một số trường hợp,  có thể dùng chung hai từ "nguyên" và "cựu" cho chức vụ của một người  được bổ nhiệm trong quá khứ. Nhưng hai từ này không phải hoàn toàn giống  nhau. Chữ "nguyên" và “cựu” được dùng cho một người. Ví dụ: Thẩm Phán  Trần Minh Tiết, nguyên (hoặc cựu) Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện. Còn muốn  dùng cho nhiều người thì phải dùng chữ "cựu", chứ không dùng chữ  "nguyên". Ví dụ: Đây là hình các cựu Sinh Viên Sĩ  Quan Học Viện  CSQG/VNCH.


4- Ngôn từ trong việc Phân Ưu và Cáo Phó dành cho những người theo đạo Công Giáo:

Sinh, Bệnh, Lão, Tử - theo  học thuyết của đạo Công Giáo - không phải là những nỗi khổ đau trên  đời. Tuy nhiên, có một vài ngôn từ chúng ta thường gặp thấy trong khi dự  các đám tang - mà theo Tiến Sĩ Trần An Bài - chúng ta nên cùng nhau xem  xét lại:


a) Trong  một số Cáo Phó, chúng ta thường đọc rằng: "Gia đình chúng tôi vô cùng  đau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc: Cha của chúng tôi là Ông  Giuse Nguyễn Văn Mỗ vừa được Chúa gọi về". Kiểu nói này hàm chứa hai tư  tưởng tương phản nhau. Nơi Chúa gọi về là Thiên Đàng. Thiên Đàng là quê  hương vĩnh cửu của người Công Giáo. Mỗi tín đồ phải sống trên trần  gian  theo tôn chỉ “mến Chúa, yêu người” để được Chúa gọi về Thiên Đàng.  Vậy  nếu thân nhân chúng ta đã "được Chúa gọi về " thì tại sao lại "vô  cùng  đau đớn"? Vì thế, Tiến Sĩ Trần An Bài đề nghị chúng ta nên sửa lại lời  Cáo Phó đó. Chẳng hạn: "Trong niềm hy vọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô Phục  Sinh, chúng tôi xin loan báo đến thân bằng quyến thuộc: Cha của  chúng  tôi là Ông Giuse Nguyễn Văn Mỗ vừa an nghỉ trong Chúa (hoặc vừa  được  Chúa gọi về)." Hoặc là "Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin  cùng  thân bằng quyến thuộc: Cha của chúng tôi là Ông Giuse Nguyễn Văn Mỗ vừa  qua đời ngày…" Kiểu nói trên hợp lý, vì một người chết đi, để lại  thân  nhân nơi trần thế thì sự đau buồn của thân nhân là điều dĩ nhiên.


b) Ngoài  ra, trong những bản Phân Ưu, chúng ta thường thấy câu này: “Nguyện xin  Thiên Chúa nhân từ sớm đưa linh hồn Giuse hay Maria... về hưởng Nhan  Thánh Chúa.” Chữ sớm ở đây hàm ý là linh hồn người vừa qua đời “chưa   được”. Nói cách khác, vì người quá cố bị vướng mắc điều gì đó, nên  Thiên Chúa chưa cho vào nước Thiên Đàng ngay. Thực ra, linh hồn một  người mới qua đời có được về nước Chúa ngay hoặc phải đền tội một thời  gian thì  đó là chuyện phán xét công tội riêng của Chúa đối với linh hồn  người đó.  Chúng ta là người trần, hoàn toàn không thể biết được việc  này. Do đó,  theo Tiến Sĩ Trần An Bài, chúng ta nên bỏ chữ "sớm" đi và  sửa lại như  sau:


Nguyện xin Thiên Chúa nhân  từ đón nhận linh hồn Giuse hay Maria... về hưởng Nhan Thánh Chúa." Hoặc  cũng có thể viết rằng: "Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ, qua lời cầu bầu  của Thánh (Quan Thầy của người chết) đón nhận linh hồn Giuse hay Maria  ... vào Nước Thiên Đàng."


5- Ngôn từ trong việc Phân Ưu và Cáo Phó dành cho những người theo Phật Giáo:


Tương tự như đã trình bày  trong mục 4 bên trên, hai tư tưởng “vô cùng đau đớn” và “được về Cõi  Niết Bàn” không thể đi chung với nhau. Do đó, câu: “Sớm được vãng sanh  miền Cực Lạc” cũng cần được xét lại, để bỏ chữ “sớm” đi.


Thưa Quý Anh Chị,


Việc sử dụng chữ “cựu” và  “nguyên” cũng như một số từ ngữ trong việc Cáo Phó và Phân Ưu đã trở  thành một thói quen do việc lập đi lập lại nhiều lần mà không chú ý tới ý  nghĩa chính xác của văn từ.


Trong tình thân hữu thuộc  đại Gia Đình Học Viện CSQG, nếu chúng ta xét thấy những lời phân tích và  hướng dẫn của Thầy Trần An Bài là căn bản, hợp lý  thì xin đề nghị từ  nay chúng ta sẽ cố gắng sử dụng đúng theo sự chỉ dẫn của Thầy.


Xin trân trọng cám ơn tấm  lòng thương mến của Thầy Trần An Bài luôn dành cho Anh Chị Em Cựu SVSQ  Học Viện CSQG và xin được Thầy tha thứ cho những thiếu sót không sao  tránh khỏi của người ghi lại vì đã không lĩnh hội  được đầy đủ sự phân  tích và hướng dẫn của Thầy.


Cầu chúc Quý Anh Chị và Gia Đình luôn khỏe mạnh và bình an, nhất là trong tình trạng lây lan của Covid-19 biến thể hiện nay.


Thân kính,

K3 Thái Văn Hòa


bottom of page