top of page
Banner edge
Trang Ý Kiến 11.png
Trang Ý Kiến 2.png

Ý KIẾN

TÂM TÌNH

NGÔ VIẾT TRỌNG K2

Khi Việt Nam Cộng Hòa sụp  đổ năm 1975 đã có một số văn nghệ sĩ đang sống hoặc may mắn chạy thoát  ra các nước tự do. Sau đó, một số văn nghệ sĩ khác bằng nhiều cách khác  nhau cũng tiếp tục chạy ra nước ngoài. Dù đi trước biến cố 30 tháng 4  hoặc phải trải qua một thời gian tù đày, hầu hết những văn nghệ sĩ này  vẫn muốn trở về nghiệp cũ. Tiếp sức với họ còn có nhiều nhà văn, nhà  thơ, nhạc sĩ mới khởi nghiệp do thời cuộc thúc đẩy, rèn đúc nên. Lớp  người này gồm những chiến sĩ từng xông pha chốn lửa đạn, từng bị dập vùi  trong các trại tù “cải tạo”, từng lăn lộn trong các vùng kinh tế mới  đầy cảnh đói rách, bệnh tật… Họ vốn mang sẵn dòng máu văn nghệ trong  người nhưng trước đây bận trực diện chiến đấu giữ nước, chưa rảnh để  sáng tác. Nay súng đã gãy, họ cầm bút để tiếp tục cuộc chiến đấu vì sự  sống còn của dân tộc trên mặt trận văn hóa.


Khi các cộng đồng người  Việt tị nạn CS ở các nước tự do bắt đầu hình thành, lực lượng văn nghệ  sĩ này đã nghĩ ngay đến chuyện làm thế nào để hỗ trợ đồng bào về mặt  tinh thần: giữ vững lập trường đấu tranh đòi hỏi tự do, dân chủ, độc lập  cho tổ quốc cùng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt trên đất nước tạm  dung… Trong bước đầu tị nạn, lòng yêu nước còn bốc ngun ngút, một số  đồng hương có của đã hăng hái tạo điều kiện để giúp họ thực hiện ước  muốn. Thế là một số nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san tiếng  Việt lần lượt ra đời. Có người còn cho in lại cả những sách cũ ở miền  Nam mà họ đã mang theo được.


Lúc bấy giờ đa số đồng  hương còn rảnh rỗi, thiếu nhu cầu giải trí nhưng chưa hòa nhập được với  xã hội mới, đói sách đói chữ, đói cả tình quê hương nên số độc giả ủng  hộ sách báo tiếng mẹ đẻ tương đối khá đông đảo. Với không khí sinh hoạt  văn học có vẻ sáng sủa này, các vị chủ nhiệm báo chí cũng hưng phấn, vui  vẻ chia sẻ ít nhiều thù lao cho những người đóng góp bài vở. Chính ở  thời kỳ này, một số văn nghệ sĩ mới cầm bút cũng tạo dựng được một số  tác phẩm tương đối giá trị đã giúp họ thành danh.


Trước cái đà sinh hoạt văn  học như vậy, rất nhiều người kỳ vọng rồi đây giới văn nghệ sĩ tị nạn ở  hải ngoại, nhất là ở Mỹ, sẽ cống hiến cho tổ quốc Việt Nam những tác  phẩm với tầm cỡ cao hơn có thể dự tranh những giải văn học quốc tế.


Tin tưởng như thế cũng chẳng quá đáng đâu! Với những  tâm hồn đau khổ tột cùng trước cảnh nước mất nhà tan, tình yêu nước  thương xót đồng bào, nỗi thù hận kẻ gây nên thảm cảnh còn hừng hực trong  lòng, các văn nghệ sĩ có thể dồn mọi tinh lực lên ngọn bút lắm chứ! Họ  có cả một kho tàng đề tài để khai thác: Những thực tế chính bản thân họ  đã mục kích trong cuộc chiến kéo dài ngót 20 năm! Những cảnh đày đọa tù  nhân trong các nhà ngục Cộng Sản! Bao nhiêu gia đình bị tan nát, đau  thương do chính sách “học tập cải tạo” gây nên! Hàng ngàn cảnh chết chóc  do bão táp, do hải tặc, do đói khát đến nỗi phải ăn thịt người chết để  sống của những người vượt biển không may! Nỗi uất hận của những gia đình  bị đẩy đi các vùng kinh tế mới sống trở lại cảnh đói rách hoang dã để  nhường đất nhường nhà cho phe thắng trận hưởng! Con em những người phục  vụ trong chế độ cũ bị kỳ thị lý lịch, bị giới hạn từ việc học hành đến  công việc làm ăn v.v… Nhức nhối hơn là chuyện chính quyền tùy tiện cho  ngoại bang thuê đất để khai thác hàng 50 năm, 70 năm không cần quan tâm  đến hậu quả! Người Tàu lại ngang ngược chiếm dần biển đảo của tổ quốc,  giết hại biết bao ngư dân mà chính quyền VN vẫn cứ làm ngơ. Hễ người dân  nào bày tỏ sự bất mãn trước thái độ vô trách nhiệm đó chính quyền lập  tức thẳng tay trấn áp! Đỉnh cao làm xốn xang lòng người nhất là những  nghi vấn về lý lịch mơ hồ của vị lãnh tụ thần tượng của đảng CSVN mà các  tài liệu của nước ngoài đang hé lộ dần…


Nhân tài không hiếm! Đề  tài để xây dựng tác phẩm cũng phong phú, dồi dào! Phương tiện để tìm  hiểu, tra cứu tài liệu cũng thuận lợi nhờ nhằm vào thời đại tin học rộng  mở! Tư tưởng, quan điểm xã hội cũng không bị ai ràng buộc, cưỡng bức!  Vậy thì giới văn nghệ sĩ VN tị nạn ở hải ngoại nếu xây dựng được những  tác phẩm văn học có tầm cỡ đâu có gì là lạ?


Nhưng éo le thay, việc  chẳng chiều người! Nếp sinh hoạt văn học tốt đẹp của cộng đồng người  Việt tị nạn ở hải ngoại chỉ bùng lên rực rỡ được một thời! Không lâu sau  đó cuộc sống thực tế đã chi phối làm nó suy yếu dần. Lớp trung niên  cùng lớp trẻ bắt đầu chuyên tâm vào việc học hành để kịp hội nhập với xã  hội mới. Họ chuyển dần sang đọc sách báo tiếng Mỹ và lơi dần sách báo  Việt ngữ. Độc giả sách báo Việt ngữ sụt xuống vùn vụt khiến các vị chủ  nhiệm báo chí không còn đủ sức chi thù lao cho người viết nữa. Những tạp  chí văn học chính hiệu chỉ còn sống thoi thóp rồi chết dần. Họa chăng  còn một hai tờ gắng dựa vào quảng cáo để phát triển văn học bằng cách tổ  chức những cuộc thi viết có thưởng hầu khuyến khích những tài năng mới.  Nhưng việc làm đó chỉ thể hiện thiện chí của những người chủ trương chứ  kết quả cũng rất khiêm tốn. Thật dở khóc dở cười cho những người “lỡ  mang nghiệp dĩ cầm bút”! Họ đành viết được gì cứ viết cho qua ngày  tháng... Trước tình trạng bi quan như vậy làm sao cổ động, khuyến khích  được lớp trẻ ở hải ngoại theo đuổi sự nghiệp sáng tác văn chương Việt?  Thế là coi như nghiệp sáng tác văn chương Việt ở Mỹ không có hậu duệ!  Nếu có chăng cũng chỉ là những tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài. Con  số độc giả tiếng Việt ngày càng co cụm vào tầng lớp lão niên. Nhưng tầng  lớp này đa số mắt đã yếu, trí óc đã rã rời và yếu luôn cả tài chánh.  Trong khi đó những loại báo giấy Việt ngữ quảng cáo “phát không” đua  nhau lan tràn. Đây là một loại báo đặc biệt người mình chỉ mới thấy trên  đất Mỹ. Báo cũng đăng truyện, thơ, tin tức thời sự nhưng chủ yếu sống  nhờ vào tiền quảng cáo. Khách ăn làm lại thường căn cứ vào lượng độc giả  của báo để đăng quảng cáo. Nhờ vậy độc giả được miễn trả tiền mua báo.  Bài vở thì phần nhiều lấy trên Internet hoặc nguồn sách báo cũ. Các chủ  báo thường lựa bài viết nào thu hút nhiều độc giả cứ việc đăng lại.  Người sáng tác cũng không hơi sức đâu để phàn nàn, khiếu nại chuyện này.  Thế là độc giả dần quen với việc đọc trên báo free. Con số độc giả thật  sự còn chiếu cố tới những kẻ moi tim óc để phụng sự văn học ngày càng  hiếm. Đó là lý do khiến nếp sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ ngày càng  tuột dốc.


Tình trạng sinh hoạt văn  học trong cộng đồng người Việt ở Mỹ càng bi quan hơn khi ngành Internet  phát triển càng mạnh. Báo Internet phổ biến nhanh chóng, rộng khắp, có  nhiều tài liệu quí giá nhưng phần tạp nhạp thiếu giá trị lẫn lộn cũng  không ít. Một số đồng hương thức thời đã khai thác ngành đó để phát  triển công việc làm ăn. Một số chạy theo xu hướng thời đại, tìm niềm vui  ở những hiện tượng ảo. Một số khác coi Internet như kho báu sách vở,  tài liệu phong phú dễ tìm kiếm mà ít tốn kém. Internet được ví như một  nhân tình mới đầy hấp dẫn khiến người ta trở nên lơ là với cái thú cầm  cuốn truyện để giải trí hay để tìm hiểu như trước! Chẳng còn mấy ai sốt  sắng bỏ tiền ra mua một cuốn sách để đọc nữa.


Các cuộc ra mắt tác phẩm  văn học không còn được đồng hương nồng nhiệt hưởng ứng như trước. Càng  về sau số người tham dự các buổi ra mắt sách càng giảm. Ngoại trừ vài  buổi ra mắt sách của các tác giả đã lừng danh hoặc của các chức sắc tôn  giáo, các buổi ra mắt sách khác rất ít khách. Ở Sacramento, thủ phủ  California, đã từng có vài buổi tổ chức ra mắt sách cho các tác giả từ  phương xa đến mà số người tham dự vẫn chẳng bao nhiêu. Thậm chí có lần  chỉ vỏn vẹn trên dưới hai chục mạng!


“Đọc báo free, đọc trên  Internet đủ rồi, để dành tiền uống vài lon bia vui hơn!”. Đó là câu trả  lời của một anh trung niên khi một người cầm một cuốn sách mời anh ta!  Nhân tiện, tôi xin kể một câu chuyện bi hài mà chính tôi đã gặp. Hồi ấy  tôi mới in cuốn tiểu thuyết lịch sử Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm.  Tôi ghé lại trường dạy Nail Mỹ Lệ để tặng anh bạn Như Đăng (dạy Nail)  một cuốn. Vừa bước vào phòng, tôi thấy anh đang tiếp chuyện một phụ nữ  khá sang trọng. Anh vui vẻ giới thiệu: “Đây là nhà văn NVT chị vẫn hâm  mộ đó! Chị mua ủng hộ anh ấy mấy cuốn đi!” Tôi mừng thầm đã gặp một độc  giả ái mộ mình, vui vẻ chào hỏi bà ta. Bà ta xổ một tràng bất cứ cuốn  sách nào, bài báo nào tôi viết ra bà đều đọc không sót một chữ. Bà khen  lấy khen để khiến lỗ mũi tôi muốn nở như cái thúng. Nghe xong tôi nói:


-Cám ơn chị đã yêu thích  văn của tôi. May mắn là tôi mới in một tập tiểu thuyết lịch sử mực chưa  kịp khô đây. Nay có dịp gặp chị, xin chị mua ủng hộ cho năm ba cuốn để  tặng bạn bè.


Bà ta chắc lưỡi cười:


-Rất tiếc, hôm nay tôi lại không mang tiền theo!


Anh Như Đăng liền rút trong túi ra một cọc tiền đặt xuống bàn và nói:


-Tôi cho chị mượn! Mua ủng hộ anh ấy mấy cuốn đi!


Bà ta cười lỏn lẻn:


-Thôi anh Như Đăng ơi! Lâu nay tôi có mua cuốn sách nào đâu? Lần nào cũng mượn của anh để đọc ké, anh biết rồi mà!


Anh Như Đăng cũng như tôi chỉ biết cười!


Trong cuốn “Chân Trời Dâu  Bể”, nhà văn Giao Chỉ cũng thuật lại một chuyện không kém tức cười: Khi  in xong một cuốn sách, ông gởi biếu một số thân hữu và một số chưa quen  biết nhưng do người quen giới thiệu. Sau khi gởi sách đi ít lâu ông lại  nhận được tập sách gởi trở lại kèm theo một câu nhắn của người nhận: “Đã  đọc xong, xin hoàn trả. Cám ơn” và ký tên! Gọn gàng chỉ có bấy nhiêu. Đã không có một chút gì tỏ ra khích lệ mà còn có tính cách trêu cợt nữa!


Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác  giả bộ truyện ký “Đại Học Máu” tiếng tăm một thời khi mới sang Mỹ nay  cũng tuyên bố gác bút. Tôi hỏi lý do anh trả lời: “Viết làm gì nữa? Viết  cho ai đọc? Hiện tại chẳng còn động lực nào khuyến khích cả nên tôi  chẳng còn hứng thú để cầm bút!”


Lời anh HTS thực tế lắm.  Ra một cuốn sách đâu dễ dàng gì? Ở Mỹ hiện nay khó kiếm ra nhà xuất bản  nào chịu nhận xuất bản sách tiếng Việt. Hầu hết các tác giả Việt thường  phải tự xuất bản lấy. Khi viết xong một tác phẩm, tác giả có thể nhờ vài  bạn văn coi giúp bản thảo để sửa bớt khuyết điểm. Kế đến tác giả phải  tự mình hay nhờ người nào đó trình bày cuốn sách. Đồng thời cũng phải  nhờ vài bạn văn có uy tín soạn sẵn một hai bài giới thiệu tác phẩm với  độc giả. Chỉ được một điều thoải mái là sách khỏi qua cơ quan nào kiểm  duyệt cả. Chuẩn bị xong các việc đó thì đem bản thảo đến nhờ nhà in lo.  Đây là phần việc mà các tác giả băn khoăn đắn đo nhất. Sách in số lượng  càng lớn tiền công in càng nhẹ. Ngược lại số lượng in càng ít tiền công  tính càng cao. Nhưng độc giả tiếng Việt đâu bao nhiêu, làm sao in số  lượng lớn được? Ví dụ in 1.200 cuốn được tính mỗi cuốn 2 đồng, nhưng nếu  chỉ in 400 cuốn phải tính mỗi cuốn 5 đồng. Đó là chưa kể đến tiền công  đánh máy và trình bày nếu tác giả không tự làm được. Muốn rẻ in nhiều  tiêu thụ không hết, nhà thiếu chỗ chứa lại sinh phiền phức! Sách in xong  phải thuê đăng quảng cáo, phải gởi đến các nhà sách để tiêu thụ. Nhà  sách thường ăn 50% hoa hồng vì sách là loại “hàng nằm”. Sách bán chạy  lắm mới được giảm xuống chút ít. Theo định kỳ, nhà sách sẽ trả tiền số  sách đã bán được cho tác giả sau khi trừ hoa hồng. Muốn ra một cuốn sách  bắt buộc phải ứng một số tiền “cần thiết” trước rồi sau đó mới thu lại  lần lần qua một thời gian khó định (mà chưa chắc thu lại được). Với một  quá trình phiền toái như thế “nhà nghèo” làm sao kham nổi?


Bởi thế, nhiều văn nghệ  sĩ, học giả, giáo sư các ngành từng hăng hái sáng tác hoặc sưu khảo biên  soạn được những thành phẩm giá trị nhưng rồi thấy thiên hạ thờ ơ với  văn học quá đành bỏ xó chờ thời. Tinh thần ham muốn viết lách của họ  cũng dần phai nhạt! Điển hình như Bộ Bách Khoa Từ Điển Địa Danh Việt Nam  của GS Hà Mai Phương & GS Lưu Chu Thanh Tảo đã hoàn thành từ lâu.  Đó là một bộ sách biên khảo rất đồ sộ gồm 40 cuốn mỗi cuốn khoảng 250  trang.Trong đó, độc giả có thể tìm hiểu về các địa danh mình cần biết đã  thay đổi thế nào qua các triều đại từ xa xưa đến nay. Chỉ vì thiếu  phương tiện xuất bản nên nay GS Hà Mai Phương đã qua đời mà tác phẩm tâm  huyết của người vẫn chưa được phổ biến đến độc giả.


Sống trên một đất nước tự  do bậc nhất thế giới, mọi công dân đều có quyền bày tỏ tư tưởng, quan  điểm xã hội qua sách báo. Đối với người quen nghề viết lách còn đâu lý  tưởng hơn? Thế mà thiên đường này lại không phải là “đất dụng võ” của  giới văn nghệ sĩ sáng tác VN! Quả là thuận cảnh mà nghịch duyên!


Bốn thập niên đã trôi qua!  Nền văn học tiếng Việt ở hải ngoại vẫn trầm trầm! Không nhà thơ nhà văn  nào đủ điều kiện cho ra đời được những tác phẩm văn học có tầm cỡ như  sự mong đợi. Chẳng qua cũng chỉ vì thiếu động lực thúc đẩy, khuyến khích  như lời thế gian thường nói “có thực mới vực được đạo” thôi!


Theo luật đào thải, lớp  văn nghệ sĩ sáng tác tị nạn ở hải ngoại nay đang lần lượt ra đi. Có lẽ  không bao lâu nữa nền văn học tiếng Việt ở hải ngoại sẽ kết thúc vì  nghiệp sáng tác văn chương Việt ở hải ngoại không có hậu duệ! Khi văn  học thiếu vắng thì việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của các cộng  đồng Việt e cũng dần phôi pha. Đây là một vấn đề đáng suy nghĩ!


Ngô Viết Trọng – K2


bottom of page