Ý KIẾN
TÂM TÌNH
LÊ PHƯƠNG LAN
Trọng tâm của bài phúc âm Chúa Nhật thứ 28 mùa thường niên tuần này đề cập đến lòng biết ơn của một người Samaritan là dân tộc được xem như thù nghịch với người Do Thái vào thời đó.
Anh này là một trong số mười người bị bệnh phong hủi đã được Đức Giê Su chữa cho lành bệnh, nhưng chỉ có mình anh quay trở lại để cám ơn Ngài mà thôi.
Từ đó nhắc nhớ tôi đến câu chuyện của cô em gái đã nhờ tôi viết một bài trên Facebook để nói tấm lòng biết ơn với một ân nhân không hề quen biết. Anh đã xuất hiện như một thiên thần giúp cô trở về nhà an toàn khi ngoài trời đã tối đen sau một cơn mưa như trút nước. Năm đó, em tôi là một nữ sinh học lớp Đệ Tam (lớp 10 hiện nay) của trường trung học Hưng Đạo. Thường ngày thì sau khi tan học, theo lời dặn của bố, để tránh bị kẹt xe, em tôi phải đi bộ ra đứng đợi ở đầu đường Cống Quỳnh để bố đón cho nhanh. Không may cho em là chiều ngày hôm đó một cơn mưa như thác lũ ào ạt đổ xuống thành phố Sài Gòn kéo dài hơn một tiếng đồng hồ khiến em phải ở lại trường. Khi tạnh mưa em đi bộ ra chỗ hẹn thì không thấy bố đâu cả. Em mải miết chạy đến bến xe Lam để đón xe đi về nhà thì bến xe vắng tanh, không còn chuyến nào nữa vì đã quá trễ rồi! Trong cơn hoảng sợ, run lên vì đói và lạnh trong chiếc áo dài trắng mong manh khi màn đêm buông xuống. Như một phép lạ, em thấy xuất hiện một người chạy chiếc Vespa mình khoác áo mưa poncho của lính trùm kín chỉ để lộ ra khuôn mặt của một người đàn ông khá trẻ, dừng lại hỏi thăm với giọng nghiêm nghị. Anh hỏi thăm tên đường và đề nghị chở em tôi về nhà vì cùng chung tuyến đường. Ánh mắt và giọng nói của anh cho em tôi cảm giác tin cậy và em đã được người lạ mặt ấy đưa về tận nhà. Khi xuống xe, em chưa kịp nói lời cám ơn thì ân nhân đã rồ ga đi mất hút trong màn đêm!
Từ khi được Thiên Chúa tạo thành một cách tinh vi, kỳ diệu trong lòng mẹ cho đến lúc bước chân vào đời, chúng ta đã phải mang ơn biết bao người từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Tôi còn nhớ bài học thuộc lòng để dạy học sinh Tiểu Học về lòng biết ơn những đóng góp của xã hội: Bài thơ “Giấc Mộng Kinh Hoàng” được dịch sang lời Việt nói về nỗi sợ hãi của một người trong giấc mơ phải tự lực làm ra hết mọi nhu cầu trong cuộc sống:
“Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:
Ra công làm lấy gạo mà ăn.
Thôi tôi chẳng có nuôi anh,
Phải lo trồng trọt tháng năm cày bừa.
Người thợ dệt dặn dò làm áo.
Chú thợ nề lại bảo cầm bay.
Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài.
Lang thang thơ thẩn đọa đầy khắp nơi.
Tôi túng thế cầu trời cứu thử,
Lại thấy kìa sư tử chặn đàng!
Tỉnh ra giấc sáng mơ màng,
Nghe máy dệt vang vang tiếng chạy
Ruộng đâu đây người cấy đã xong
Phận mình nghĩ lại thong dong
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.”
Lòng biết ơn là ý thức hình thành trong loài người cũng như ở một số loài vật. Dẫu biết rằng trong thế giới loài người vẫn diễn ra cuộc tranh đấu giữa thiện và ác trong đó có những con người mà lòng biết ơn còn thua xa loài động vật “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”! Nhưng không vì thế mà chúng ta cứ mải đề cập đến những tiêu cực, những mảng tối của tội ác mà quên đi rằng “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là cứ mãi ngồi nguyền rủa bóng tối”!
Trên internet có một bài nói về 7 tác dụng tích cực của lòng biết ơn:
1- Lòng biết ơn gia tăng sự đồng cảm, giảm bớt đối nghịch khiến cho cuộc sống thuận lợi hơn.
2- Là chìa khóa đem lại niềm vui viên mãn trong cuộc đời.
3- Giảm bớt trầm cảm, cải thiện sức khỏe.
4- Tăng cường chất lượng giấc ngủ: mỗi ngày bạn chỉ cần dành 15 phút ghi nhận những cảm xúc khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon và ngủ sâu hơn.
5- Nâng cao sự tự tin nơi những người biết ơn thể hiện qua sự đánh giá cao người làm ơn, đồng thời nhìn lại những gì mình đang có để nỗ lực phát triển bản thân đáp lại thiện ý của người đã giúp mình.
6- Giảm bớt căng thẳng, vượt qua vết thương quá khứ để nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần.
7- Cuối cùng, lòng biết ơn làm cho cuộc sống thêm phong phú, giúp cảm nhận được niềm vui và sự mãn nguyện dù trong hoàn cảnh khó khăn.
Mặt khác, khi nói “Cám ơn” chúng ta không chỉ thừa nhận món quà mà chúng ta còn chấp nhận tình thương của người tặng. Lòng biết ơn kết nối hai trái tim lại với nhau. Đó là lý do tại sao việc cần phải dạy cho con trẻ biết nói lời “Cám ơn” đối với mọi ân huệ nhỏ bé mà chúng nhận được thật là quan trọng. Quan trọng hơn nữa là dạy các em không chỉ nói “Cám ơn” mà còn thấy biết ơn vì món quà đã nhận. Nếu không, chúng ta đã đánh mất cơ hội để hình thành và phát triển trong con trẻ sự gắn bó với người đã đem tình yêu thương lại cho chúng.
Bài học về lòng biết ơn mà chúng ta để lại cho con cái còn là sự thảo kính của cha mẹ đối với ông bà: săn sóc, hỏi han, thăm viếng hai bên ông bà nội, ngoại khi còn sống và giữ những ngày lễ giỗ khi ông bà đã qua đời là tấm gương tốt nhất về sự tri ân. Công việc cần làm trong những ngày lễ giỗ không thể hiện qua những bữa tiệc linh đình. Cho bằng là tùy theo hoàn cảnh của các thành viên trong gia đình, chúng ta tổ chức những buổi họp mặt thắp nến để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên với niềm tin rằng các ngài tuy hình hài không còn nhưng linh hồn sẽ được thanh nhàn nơi cõi vĩnh phúc.
Tóm lại, lòng biết ơn tốn rất ít để thực hiện, nhưng thật tuyệt vời cho sự nối kết giữa người với người khi còn sống với nhau và ngay cả khi không còn tại thế.
Lê Phương Lan