top of page
Banner edge
Trang Ý Kiến 11.png
Trang Ý Kiến 2.png

Ý KIẾN

TÂM TÌNH

ST

Nghe tên "xứ Nẫu", nhiều người biết vùng đất đang được nói đến là Bình Định, Phú Yên, tuy nhiên không mấy người hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi này.


Xứ Nẫu là cụm từ thân thương và đặc biệt để nói về vùng đất Bình Định, Phú Yên. Để biết từ này bắt nguồn là từ đâu, xuất hiện từ khi nào, chúng ta phải quay ngược về thế kỷ 16.


Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào nhận trọng trách Tổng đốc Thuận Quảng (Thuận Hóa Quảng Nam), từ đó ra sức củng cố cơ nghiệp ở phương Nam theo lời tư vấn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải hoành sơn đủ để tạo cơ nghiệp muôn đời). Lúc ấy, thừa tuyên (đơn vị hành chính cấp tỉnh) Quảng Nam kéo dài từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông.


Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp đi khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá giúp nơi đây hình thành làng mạc, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.


Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) nâng cấp phủ Phú Yên thành đơn vị hành chính cấp tỉnh là dinh Trấn Biên (cả xứ Đàng Trong từ Quảng Bình vào Phú Yên có 7 dinh).


Do vùng đất mới dân cư còn thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp thuộc, dưới thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như phường, nậu, man. Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu nậu. Ví dụ: “nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm.


Do sự phát triển của Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) ra lệnh ban hành quy định phạm vi chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị như “thuộc", “nậu” bị xóa bỏ. Từ “nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này trở thành đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít. Từ “nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ như:


Chiều chiều mây phủ Đá Bia

Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.


Phương ngữ Phú Yên - Bình Định rút gọn đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách dùng dấu hỏi. Ví dụ "ông ấy", "bà ấy" được thay bằng “ổng”, “bả”, "anh ấy", "chị ấy" được thay bằng “ảnh”, “chỉ”. Và thế là “nậu” được thay bằng “nẩu".


Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ” vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định – Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”. Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định – Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, với bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu – Phú Yên), các âm dấu ngã đều được phát âm thành dấu hỏi. Riêng người ở đồng bằng Tuy Hòa khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã.


Bởi vậy, “nẩu” hay được phát âm thành “nẫu”. Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “nẩu” cách theo phát âm quen miệng thành chữ “nẫu”.


Ví dụ: Thay vì hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy?” thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?” hay “Cái nhà này là của họ” thì "dân xứ Nẫu" sẽ nói là “Cái nhà này là của nẫu”. Chính vì vậy mà khi hòa cùng tiếng nói của mọi miền đất nước, tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được.


Dần về sau, tự "nậu" biến mất và được thay thế bằng từ "nẫu" mang ý nghĩa là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba cả số ít và số nhiều. Vì "nẫu'" là "đặc sản" của cùng Phú Yên, Bình Định nên người ta gọi vùng này là "xứ Nẫu". 


(ST)

bottom of page