top of page
Banner edge
Trang Ý Kiến 11.png
Trang Ý Kiến 2.png

Ý KIẾN

TÂM TÌNH

TOÀN NHƯ

Trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, kể cả chiến tranh Việt Nam, các tin tức tình báo đóng một vai trò rất quan trọng. Sách Binh Thư Tôn Tử đã từng viết “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. “Biết” ở đây là biết những tin tức tình báo về bên phía đối phương để có những kế hoạch hành quân thích ứng hiệu qủa. Trong chiến tranh Việt Nam, ngoài các cơ quan tình báo của VNCH, Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) của Hoa Kỳ cũng thiết lập một mạng lưới tình báo qui mô với hàng trăm nhân viên tại Việt Nam. Văn phòng chi nhánh CIA này đã đóng góp một phần không nhỏ trong mọi hoạt động về quân sự cũng như dân sự tại VN. Vì tầm mức lớn lao của nó nên người đảm nhận chức vụ Trưởng chi nhánh CIA tại VN cũng rất quan trọng. Chính vì lý do đó, William Colby (1920-1996), một trong những người từng là trưởng văn phòng CIA tại VN sau đã được bổ nhiệm trở thành Giám Đốc CIA tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ 1973 đến 1976.


Từ năm 1973 đến 1975, Richard W. Hale (1926-2009), một sĩ quan cao cấp nhiều thâm niên của CIA, đã được cử đến công tác tại Việt Nam. Trong bài tự thuật của ông “FIRSTHAND ACCOUNT OF A CIA OFFICER IN SAIGON (nguồn Historynet.com)”, ông đã kể về những ngày tháng cuối cùng của ông ở VN rằng, (xin trích):


“…Vào đầu năm 1973, tôi đã làm việc với cơ quan (CIA) được 23 năm, hơn một nửa thời gian đó tôi làm việc ở hải ngoại tại vùng Nam Á, Trung Đông và Phi Châu. Năm 1971, tôi đã từ chối đảm nhiệm chức vụ trưởng một chi nhánh để đi học Trường Cao Đẳng Hải Quân tại Newport, tiểu bang Rhode Island. Lớp học gồm có 100 sĩ quan Hải Quân cao cấp và 100 sĩ quan Bộ Binh, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến, cùng với hàng chục sĩ quan tình báo dân sự đến từ Bộ Ngoại Giao, Cục Tình Báo Trung Ương (CIA), Cục Tình Báo Quốc Phòng (DIA) và Cục An Ninh Quốc Gia (NSA).


Khi tôi trở lại Langley, tôi đã làm việc như một phụ tá đặc biệt để giết thì giờ, nôn nóng chờ đợi một công việc thích hợp đang trống ở Phi Châu, nhưng tôi lại được giao công tác ở Sàigòn. Tôi đã theo dõi các biến cố ở Việt Nam, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc tình nguyện…


Vợ tôi và tôi đến Sàigòn vào ngày 16 tháng Sáu, 1973. Cơ quan đã có một cơ sở tạm riêng ở Sàigòn tại Khách sạn Duc. Nó có một phòng ăn và một cái hồ bơi nhỏ trên sân thượng. Có một vài người độc thân sống ở đó toàn thời gian, nên công dụng đầu tiên của nó là làm chỗ ở tạm cho các nhân viên đến và đi, và cho những nhân viên từ những cơ sở từ bên ngoài đến để tham vấn hay để vui chơi, giải trí và mua sắm…”


Khi ông Richard W. Hale đến Sàigòn vào giữa năm 1973 thì chiến tranh Việt Nam trên nguyên tắc đã chấm dứt theo hiệp định Paris 1973. Nhiệm vụ của ông là theo dõi các sĩ quan trong các phái đoàn Ủy Hội Quốc Tế về Kiểm Soát và Giám Sát (UHQT) được lập ra theo tinh thần hiệp định Paris. Đặc biệt, ông không chỉ theo dõi mà còn có nhiệm vụ lung lạc và tuyển mộ những sĩ quan trong các phái đoàn Ba Lan và Hung Gia Lợi làm việc cho CIA. Qua công tác này, ông mới nhận ra rằng, những sĩ quan Ba Lan có vẻ không nhiệt tình lắm với chủ nghĩa cộng sản. Có lẽ vì vậy mà sau này, Ba Lan đã trở thành nước cộng sản đầu tiên ở Đông Âu sụp đổ, kéo theo toàn khối cộng sản Đông Âu tan rã như một hiệu ứng domino tiếp theo sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết vào cuối thập niên 1980’s. Ông kể, (trích):


“Tôi được chỉ định công tác tại cơ sở Sài Gòn. Cơ sở có hai tiểu ban là Liên Lạc và Nội Vụ. “Bill J.,” trưởng cơ sở, muốn tôi đứng đầu một tiểu ban mới đặc trách về Ngoại Vụ nhắm vào một mục tiêu mang tính cơ hội là các thành viên Ba Lan và Hung Gia Lợi trong Ủy Hội Quốc Tế về Kiểm Soát và Giám Sát.


Khi hòa ước được ký vào tháng Giêng năm 1973, Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát (UHQT) được thành lập để giám sát cuộc đình chiến với hai phái đoàn cộng sản và hai phái đoàn trung lập. Lúc tôi đến, các phái đoàn trung lập là người Ba Tư (Iran) và Nam Dương. Mỗi phái đoàn gồm khoảng 200 thành viên, tất cả có thể là các sĩ quan quân sự và hiện dịch.


Đây dường như là một dịp tốt nhất để tuyển mộ một số kẻ bỏ ngũ tại chỗ, tôi đã chuẩn bị báo cáo lại cho cơ quan sau khi họ trở về lại Hung Gia Lợi và Ba Lan. Chúng tôi không mong có những sự bỏ ngũ hoàn toàn, và quả thực đã có một số từ chối…


Một trong những địa điểm khá tốt để tiếp xúc trao đổi tin tức với các đối tượng của chúng tôi vào những ngày chủ nhật là ở cái hồ bơi dài khoảng 50 mét ở Tân Sơn Nhứt, nơi tụ tập của những sĩ quan trong UHQT. Một lần ở hồ bơi tôi đã có một cuộc cãi cọ dữ dội với một viên thiếu tá Hung Gia Lợi, người mà chúng tôi đã sưu tra ra y là một thành viên của AVH, cơ quan tình báo Hung giống như KGB của Sô Viết. Một trong những khiếu nại vô lý của sự tuyên truyền Cộng Sản cho rằng, “Có 10,000 lính Mỹ hiện đang ở trong một trại bí mật ở đồng bằng Cửu Long, sẵn sàng lộ diện để giúp QLVNCH nếu họ gặp khó khăn.” Khi viên thiếu tá Hung Gia Lợi vừa phun ra cái luận điệu đó, tôi đã nổi điên lên. Tôi nói, đối với VC và quân Bắc Việt thì họ mới có thể hành hạ dân của họ như thế, và tôi hỏi hắn: Ông có nghiêm chỉnh nghĩ rằng binh lính Hoa Kỳ có thể ẩn dấu được không? Những binh lính Hung Gia Lợi có thể nào chịu đựng được theo cái kiểu cô lập giả dụ đó không? Ở đâu cho những chiếc máy bay tiếp tế chuyên chở nặng? Rồi còn các hồ bơi, quân nhu, cửa hàng Quân Tiếp Vụ, v.v. … Hơn nữa, bởi vì UHQT được tự do đi lại bất cứ nơi nào ở Việt Nam, tại sao phái đoàn của y không nêu sự vi phạm hòa ước này ra?


Tôi không có câu trả lời ngoài những lời eo xèo, nhưng phái đoàn Hung Gia Lợi lại phàn nàn với Tom Polgar, trưởng văn phòng, về tôi. Khi Tom kể lại chuyện đó, tôi kể lại câu chuyện với ông mà chẳng cần phải xin lỗi. Tại sao bọn Hung Gia Lợi lại phàn nàn với Tom Polgar, người mà mọi người ở Việt Nam đều biết là một viên chức CIA cao cấp ở đó? Họ chỉ giả định rằng tôi làm việc cho Polgar, có lẽ vì sự ngụy thức của chúng tôi sơ sài qúa. Cũng may chưa có ai tố cáo chúng tôi là CIA. Tôi đoán rằng điều đó cũng tương tự như chúng tôi đã truy ra họ là những sĩ quan AVH.


Tôi có thể kết luận sau một năm tôi làm cái công việc này là, dù chúng tôi trước đây chưa tiếp xúc với người Ba Lan, chúng tôi đã khám phá ra rằng cái vỏ ngoài cộng sản của họ rất sơ sài. Đã có nhiều người xin tình nguyện làm việc cho chúng tôi đến nỗi chúng tôi phải từ chối một số và chỉ nhận một số chọn lọc. Những người Hung Gia Lợi lại là một vấn đề khác. Dù sau cùng chúng tôi cũng có một số thành công giới hạn, nhưng tôi phải nói rằng những anh chàng (Hung) này là những người cộng sản trung kiên nhất. Tôi vẫn tự hỏi làm sao họ thích ứng được với cái thực tại mới hậu Sô Viết sau này.”


Là một sĩ quan cao cấp của chi nhánh văn phòng CIA tại Sàigòn nhưng dường như ông Xịa này cũng không nắm vững tình hình an ninh tại Việt Nam sau ngày hiệp định Paris về VN đã được ký kết. Chẳng thế mà ông đã tỉnh bơ đưa vợ con đi du ngoạn Nha Trang để suýt bị chết vì đạn pháo kích của VC. Mặc dù hiệp định Paris là nhằm tái lập hòa bình cho VN, nhưng trên thực tế, những cuộc giao tranh sau đó vẫn liên tục xảy ra do sự cố tình vi phạm của phía cộng sản Bắc Việt. Ngoài ra, ông Xịa này cũng có vẻ đầy thiên kiến với chính phủ VNCH nên trong nhận định, phê phán, ông đều chê trách, đổ lỗi cho Miền Nam, in hệt những luận điệu xuyên tạc của những kẻ phản chiến tại Hoa Kỳ, (trích):


“Khi những người tù binh cuối cùng của chúng ta được thả vào tháng 3 năm 1973 thì tất cả các tùy viên quân sự Mỹ (military attachés), ngoại trừ 50 người, đã được lệnh rút đi. Việt Nam đã trở thành tin tức cũ. Người Mỹ dường như đã quên cái sự kiện rằng QLVNCH đã tổn thất trung bình 1000 binh lính một tháng trong những cuộc đụng độ với VC  trong năm 1973 và 1974. (Ghi chú: Mới đầu năm 1973 mà ông Xịa này đã đưa ra con số tổn thất của VNCH trong năm 1973, 1974 (?). Không biết con số tổn thất này ông lấy ở đâu ra, phải chăng từ cái đài BBC hay đài Giải Phóng của VC? Nên nhớ, ngay cả trong Tết Mậu Thân, VC đồng loạt mở nhiều cuộc tấn công lớn trên cả nước mà QLVNCH cũng không có con số tổn thất cao như thế)...


Khi con trai tôi đến thăm vào mùa hè năm 1974, chúng tôi đã bay ra Nha Trang để bơi lặn (snorkeling). Khi chúng tôi vừa lái xe đến nhà khách của tòa lãnh sự thì có mấy qủa đạn hỏa tiễn B-40 nã vào thành phố. Một qủa đã rơi ngay xuống đường cách chỗ chúng tôi chỉ khoảng 50 thước, để lại một cái hố sâu khoảng 1 foot và rộng khoảng 2 foot. Con trai tôi đã hơi ngỡ ngàng vì nó vẫn tưởng rằng chiến tranh đã qua rồi…”


Vào tháng 12 năm 1974, quân đội Bắc Việt đã mở một cuộc tấn công thăm dò đầu tiên vào tỉnh Phước Long. VNCH đã phản đối và kêu cứu nhưng Hoa Kỳ vẫn làm ngơ. Sau khi Phước Long thất thủ, sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi vào đầu tháng Ba 1975, VC tấn công thị trấn Ban Mê Thuột của tỉnh Darlac, ở ngay giữa Vùng II. Lại một lần nữa, Ban Mê Thuột thất thủ, lần này Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh di tản khỏi Pleiku để tái phối trí lực lượng. Nhưng cuộc di tản đã diễn ra trong hoảng loạn trên những con lộ tồi tệ hướng ra biển; và sau đó đã kéo theo kế tiếp những sự di tản của các đơn vị và các tỉnh ở miền Trung, bỏ lại rất nhiều vũ khí và trang thiết bị vì không còn đạn được, nhiên liệu và phương tiện vận chuyển.


Trước tình hình lộn xộn như vậy, nhất là sau khi Huế và Đà Nẵng sụp đổ vào cuối tháng 3/1975, viễn ảnh VNCH bị sụp đổ là điều không tránh khỏi nên người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã bắt đầu chuẩn bị chuyện “tháo chạy” cho các nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ, trong đó có cả các nhân viên văn phòng CIA tại Việt Nam. Vợ của ông Xịa Hale là một trong những người đầu tiên xin trở về Mỹ vào đầu tháng 4/1975, (trích):


“Huế sụp đổ ngày 25 Tháng Ba, và Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai của Việt Nam thất thủ ngày 2 Tháng Tư. Người Miền Nam Việt Nam di tản luôn luôn cho rằng đáng lẽ họ đã giữ được nếu Hoa Kỳ cung cấp cho họ thêm trang thiết bị. Tôi có một ấn bản của tờ báo Sao và Sọc (Stars and Stripes, tuần báo của quân đội Mỹ) ngày 1 Tháng Tư năm 1975, liệt kê những trang bị đã bỏ lại ngay tại Huế và Đà Nẵng gồm: 60 xe tăng M-48, 255 xe bọc thép, 150 khẩu đại bác 105 ly, 60 khẩu đại bác 155 ly, 600 xe tải và hàng trăm súng M-16, đại liên và tiểu liên. Tổng số trang thiết bị bỏ lại ở Vùng I và Vùng II trị gía khoảng 1 tỷ Mỹ kim bao gồm cả một nửa số máy bay F-5, trực thăng và các máy bay khác của Miền Nam Việt Nam. (Ghi chú: Ông Xịa này quên một điều, những trang thiết bị này không có đạn dược và nhiên liệu thì chúng cũng chỉ là một đống sắt khổng lồ vô dụng.)


Lúc bấy giờ, lệnh khởi hành cho vợ tôi đã được chấp thuận, nhưng ngay lúc đó tòa đại sứ thúc đẩy các người phụ thuộc nên ra đi trước và cấp vé cho họ ngay tại chỗ. Vợ tôi ra đi miễn cưỡng trên chuyến bay của hãng Hàng Không Pan American ngày 3 Tháng Tư.”


Ngày 8/4/1975, tên phi công phản loạn Nguyễn Thành Trung của Không Quân VNCH đã lái chiếc phản lực cơ F5-E bỏ bom Dinh Độc Lập. Là một sĩ quan cao cấp của CIA ở VN vậy mà ông Hale lúc đó cứ tưởng đó là hành vi bất mãn của người phi công đối với TT Thiệu. Mãi 25 năm sau ông Xịa này mới biết tung tích thực của tên phi công phản loạn này là một VC nằm vùng thì thật là qúa dở. Cho nên, có thể nói hoạt động tình báo của CIA cũng chưa hẳn là ghê gớm như nhiều người vẫn tưởng. Hale viết, (trích):


“Một tin hấp dẫn tiếp theo xảy ra là vào Thứ Ba, ngày 8 Tháng Tư, một chiếc oanh tạc cơ F-5E của Không Quân Việt Nam đã gầm rú ngoài đường phố ngay trước văn phòng chúng tôi rồi thả hai trái bom 500 cân Anh ngay phía trước gần dinh tổng thống. Vì nhận ra mình đã trật mục tiêu, viên phi công đã lượn trở lại, khiến cho tôi có đủ thời gian để ra ngoài tò mò quan sát chuyện gì đã xảy ra. Hắn sà xuống đường chỉ cách khoảng 50 bộ và thả nốt hai trái bom 500 cân Anh xuyên qua mái dinh. Mục tiêu của viên phi công là giết Tổng Thống Thiệu, nhưng vì trái bom không trúng lúc đầu đã khiến cho ông Thiệu có đủ thời gian để xuống hầm chống bom.


Trong suốt 25 năm, tôi vẫn có ấn tượng rằng việc làm của viên phi công đơn giản chỉ vì hắn chán ngấy sự bất lực của Tổng Thống Thiệu. Mới đây tôi mới biết rằng Thiếu Úy Nguyễn Thành Trung thực ra là một người nằm vùng của Bắc Việt từng được huấn luyện ở Căn Cứ Không Quân Kessler ở Biloxi, Miss. Y nhận lệnh từ VC thả hai trái bom đầu xuống dinh và hai trái bom kế xuống tòa đại sứ. Toà nhà tòa đại sứ khá kiên cố, nhưng tòa nhà ở phía trước cơ sở (CIA) Sài Gòn lại là loại nhà tiền chế, với kiểu kiến trúc giống như một cái hộp quẹt (diêm). Lúc đó chúng tôi không biết là mình đã may mắn. Trung sau đó còn chỉ đạo một cuộc không kích vào Tân Sơn Nhứt ngày 28 Tháng Tư với 5 chiếc Cessna A-37 cưỡng đoạt của Phi Đoàn Phi Long. Khi tôi viết những dòng này, Trung đang là một phi công cao cấp của Không Quân Việt Nam (KQ Việt Cộng).”


Hai tuần lễ cuối cùng trước ngày 30/4/1975, các nhân viên tòa đại sứ Mỹ cũng như CIA đều hầu như không làm việc gì ngoài việc chuẩn bị lên đường về nước. Mặc dù đã có lệnh của Tướng Westmoreland từ trước đến giờ vẫn còn hiệu lực là các nhân viên dân sự ở VN không được phép mang vũ khí, nhưng hầu như họ đều bất tuân lệnh. Ai cũng cất giữ một vũ khí trong mình để phòng thân do tình hình bất an ở Việt Nam. (trích):


“Sau khi vợ tôi đã rời khỏi, lúc nào tôi cũng mang theo khẩu súng 38 ly và thêm một ít đạn dự phòng. Tôi còn có một khẩu colt 45 trong xe hơi, và một khẩu súng trường M-2 ở nhà, và còn thêm súng lục và súng tiểu liên trong ngăn kéo an toàn ở văn phòng. Cảm thấy hơi bối rối về việc này, vào ngày đầu tiên tôi đi bộ đến văn phòng của Bill J. và vén cái đuôi áo của tôi lên cho thấy cái khẩu súng. Bill phá lên cười và đứng dậy, rút ra một khẩu Browning 9 ly từ trong túi quần.


Lại còn lạ lùng hơn: Tôi là tâm điểm tiếp xúc chính của nửa tá sĩ quan tùy viên Bộ Binh, Hải Quân và Không Quân làm việc ở cái văn phòng đối diện cái sân từ chỗ chúng tôi. Người sĩ quan tùy viên Bộ Binh đến gặp tôi và yêu cầu tôi thu xếp cho họ được mang súng (colt) .45. Họ đang di chuyển khắp Sàigòn – Gia Định để nắm giữ tình hình nên không được thoải mái nếu không có một sự bảo vệ nào đó. Tôi thật khó xử vì văn phòng chính của họ ở tận Tân Sơn Nhứt không có vũ khí cho họ. Tôi chuyển lời yêu cầu của họ tới vị Trưởng Văn Phòng để xin giấy phép từ ông đại sứ. Sau đó tôi dẫn các sĩ quan tùy viên đi xuống phòng an ninh của chúng tôi để họ ký nhận số súng .45 cần thiết với đầy đủ đạn dược.”


Cũng trong hai tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, 1975, trong khi chiến sự đang lan dần đến cửa ngõ Sàigòn thì ông bạn đồng minh Hoa Kỳ, dĩ nhiên trong đó có các nhân viên CIA, cũng bắt đầu chuẩn bị cho cuộc “tháo chạy” bằng cách đốt hồ sơ và lần lượt lên đường về nước. Rõ ràng Hoa Kỳ đã biết trước sự sụp đổ của VNCH, người bạn mà họ từng nhận là một đồng minh thân thiết của họ. Trong phần cuối của bài tự thuật về những ngày cuối cùng ở Sàigòn, ông Xịa Richard W. Hale đã viết, (trích):


“Hai tuần lễ cuối cùng tôi không nhớ chính xác lắm, nên tôi sẽ không cố gắng ghi lại ngày tháng xảy ra. Trận chiến duy nhất mà Quân Lực VNCH chiến thắng trong toàn bộ sự kiện đã rệu rã là ở Xuân Lộc cách Sài Gòn 40 dặm. Đây là một chiến thắng hoàn toàn ngắn ngủi, vì những binh sĩ khá hơn có thể đã được điều động về để bảo vệ vành đai Sài Gòn. Họ đã ngăn chặn được quân đội Bắc Việt và Việt Cộng trong 10 ngày, nhưng rồi quân Bắc Việt đã vượt qua họ. Sư Đoàn 18 cùng với 3000 Biệt động quân và Nhảy dù – một nửa lực lượng trừ bị cho Sài Gòn – đã từ từ bị loại.


Trở lại cơ sở, được sự chấp thuận của trưởng cơ sở, tôi đã ra chỉ thị rằng tất cả các hồ sơ phải, hoặc là tiêu hủy (nghiền cắt hoặc đốt cháy), hoặc ngay lập tức chuyển về Langley. Mỗi sĩ quan trưởng lưới có thể giữ lại một bìa hồ sơ dầy không qúa 1 inch cho những tài liệu thật thiết yếu cho công tác của mình. Có một vài sự phản đối, nhưng tôi biết hầu hết các sĩ quan trưởng lưới đều tuân lệnh, vì đã có vài trường hợp các văn phòng hay cơ sở ở Phi Châu đã bị tràn ngập trong những cuộc nội chiến và những hồ sơ an toàn để lại đầy những tài liệu đã phân loại. Trở lại thập niên 1950s, chúng ta đã có những trái lựu đạn mối để đề phòng trường hợp khẩn cấp, nhưng cái đó nay đã trở thành lỗi thời. Tôi đã quyết định rằng nếu quân đội Bắc Việt chiếm Sài Gòn, chúng sẽ không thể tìm thấy những hồ sơ của cơ sở (CIA) Sài Gòn….”


Cuối cùng, ngày 21/4/1975, mười ngày trước khi Sàigòn thất thủ, Richard W. Hale đã được lệnh lên đường về nước. Cho đến giờ phút đó, ông vẫn còn nghĩ sẽ có một giải pháp nào đó cho Việt Nam để ông có thể quay trở lại. Thật không thể tưởng tượng được, đến giờ phút đó, ông Xịa này vẫn còn có suy nghĩ như thế. Không biết ông vờ hay ông ngây thơ, hả ông CIA Richard W. Hale?


“Cuối cùng đến ngày 21 tháng Tư, cơ sở (CIA) Sàigòn chỉ còn 15 người. Bill J. nhìn tôi và nói: “OK, Dick, bây giờ đến lượt anh. Chúng ta có quá nhiều xếp và không có đủ lính tráng. Anh ra đi ngày mai.”


Tôi đã định phản đối, nhưng rồi bật cười. Đáp lại việc Bill và Monty đang cau mày, tôi nhắc họ là tôi đã từ chối từ cả hai tuần rồi và bây giờ cũng vậy. Nhưng rồi tôi nói OK, chúc họ may mắn và trở về nhà thu xếp đồ đạc vào một cái va li nhỏ.


Do đó, mặc dù tôi dự tính di tản bằng trực thăng, buổi sáng hôm sau, một trong những người thư ký còn lại của tôi cùng với một sĩ quan trưởng lưới và tôi được chở tới Tân Sơn Nhứt do người chồng của người thư ký lái. Chúng tôi mang theo những khẩu súng colt .45 trong cái túi giấy màu nâu để đề phòng bất trắc. Khi đến phi trường chúng tôi giao cái túi lại cho người tài xế và chúc anh may mắn. Cả ba chúng tôi lên chiếc máy bay China Airlines cuối cùng rời khỏi Tân Sơn Nhứt. Cô thư ký bồn chồn lo lắng cho anh chồng, nhưng cuối cùng anh ta cũng an toàn rời khỏi bằng một trong những chiếc trực thăng.


Tôi trải qua hai ngày ở Hồng Kông, rồi cùng bè bạn tới tòa tổng lãnh sự để xác nhận, rồi sau đó bay tới Honolulu, nơi con trai tôi đang theo học đại học. Tôi chờ đợi ở đó với một hy vọng xa vời là tình hình ở Việt Nam có thể được ổn định, trong trường hợp nào đó để tôi có thể quay trở lại. Lúc  Sàigòn thất thủ, tôi buồn rầu tiếp tục cuộc hành trình tới Hoa Thịnh Đốn.”


TOÀN NHƯ


bottom of page