top of page
Banner edge
Trang Ý Kiến 11.png
Trang Ý Kiến 2.png

Ý KIẾN

TÂM TÌNH

DOÃN HƯNG

Nhà tôi hồi xưa ở Sài Gòn  nằm cuối một con hẻm xóm lao động nghèo. Nhà nào có radio, cassette nghe  nhạc thì hàng xóm được (hay “bị”) nghe ké. Tết đến cũng không là ngoại  lệ. Là gia đình “Bắc Kỳ trí thức” hiếm hoi trong xóm, mấy bà chị lớn của  tôi nghe nhạc xuân Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng…Còn từ nhà  hàng xóm vọng sang là nhạc xuân bolero, habanera... Cũng vì vậy, mà khái  niệm “nhạc xuân sang” và “nhạc xuân sến” bắt đầu hình thành trong đầu  tôi từ bé.


Hồi còn nhỏ, tôi nghe nhạc xuân với tinh thần “kỳ thị” cao độ. Nghe “…tình xuân chớm nở đêm qua, khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời…”  thì thấy phê quá xá! Nhưng lại hết sức bực mình khi nghe bên hàng xóm vẳng sang “…  trên đường đi lễ xuân đầu năm… chách chách chách chách bum chách bùm  chách bum (tiết tấu habanera) Qua một năm ruột rối tơ tằm…”.  Tôi  càu nhàu trong đầu “nhạc xuân gì mà buồn thế!...” Sau này lớn lên, tôi  mới thấy mình vô lý quá cỡ. Thực ra bài Xuân Thì của Phạm Duy giai điệu  buồn cũng không kém gì bài Câu Chuyện Đầu Năm của Hoài An. Vấn đề chỉ là  tại mình thích thì khen hay, còn không thích thì chê là buồn, thế thôi!


Cách đây mấy năm, tình cờ  đọc báo trong nước thấy có mấy ông “nhạc sĩ lớn” ngoài Hà Nội, sau khi  khen nhạc của nhau hay không thua gì nhạc Phạm Duy, lại còn kêu gọi khán  giả đừng có nghe “nhạc sến” trước 1975 nữa! Mấy ông này làm tôi nhớ đến  kiểu nghe nhạc kỳ thị của mình hồi bé. Chỉ có điều khác là tôi không  dám kêu gọi người khác đừng nghe nhạc sến như những ông nhạc sĩ lớn này.  Tôi không nhớ mình đọc được lời phê bình nào của nhạc sĩ Phạm Duy chê  bai nhạc bolero. Tôi cũng nhận ra rằng số người nghe và thuộc lòng “nhạc  sến” đông hơn rất nhiều so với những người nghe “nhạc sang”. Có những  lần đi cắm trại hướng đạo, phụ huynh và các trưởng hay ngồi hát với nhau  trong đêm lửa trại về khuya. Đàn guitar bài Hoa Xuân của Phạm Duy thì  ít người hát theo. Nhưng đàn Xuân Này Con Không Về của Nhật Ngân, thì  hàng chục người sẽ nhắm mắt hát say sưa mà không cần tìm lời trên điện  thoại di động!


Tôi có quen một nhóm bạn  yêu văn nghệ, thỉnh thoảng hay hội họp ca hát với nhau. Phần lớn mọi  người đều thích hát nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến,  Trịnh Công Sơn… Tuy nhiên, có những buổi khi hứng lên bắt sang nhạc  “bolero mùi”, thì cả nhóm hát say sưa cũng không kém. Một thành viên  trong nhóm đã phải thốt lên rằng cái nhóm này chuyển từ “nhạc sang” qua  “nhạc sến” ngọt sớt, giống như có sẵn “máu sến” trong người rồi! Mà chắc  đúng là vậy. Có ai đó nói rằng than vãn, kể lể tâm sự buồn là nhu cầu  của đa số con người. Mà “nhạc sến” thực ra là một hình thức tâm sự  “chuyện buồn đời tôi” bằng âm nhạc. Nó chân tình, rất thực, nên dễ chạm  vào lòng người. Chắc vì vậy mà khi lớn lên, cuộc đời có bầm dập, tôi hát  nhạc bolero có lúc thấy đúng “tâm sự buồn”, nên không còn “kỳ thị” dòng  nhạc này như xưa nữa.


Trở lại với nhạc xuân  trước 1975, mỗi độ xuân về thị trường băng đĩa nhạc lại nhộn nhịp với  nhiều chương trình chủ đề xuân mới. Tùy theo thị hiếu của người nghe,  nhắm vào giới thính giả nào, mà các nhà sản xuất chọn bài hát và ca sĩ.  Có nhà sản xuất chọn thị trường là giới trí thức thành thị, chỉ chọn  nhạc “xuân sang”. Số  băng nhạc xuân này không nhiều, kén chọn thính  giả. Thị trường lớn nhất vẫn là giới khán giả bình dân, do đó băng nhạc  “xuân sến” vẫn chiếm đa số. Cũng có nhà sản xuất chọn kiểu bắt cá hai  tay, cho xen kẽ nhạc  “xuân sang, xuân sến” trong một băng nhạc.


Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương là  một trong những nhà sản xuất hiếm hoi thực hiện chương trình nhạc “xuân  sang”.  Trong chương trình nhạc xuân Phạm Mạnh Cương chủ đề “Xuân Quê  Hương” phát hành vào khoảng đầu thập niên 1970s, có nhiều bài nhạc xuân  rất đặc sắc, hiếm tìm thấy ở những băng đĩa khác. Thí dụ như bài Bến  Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước. Bài hát này có thể được xem như là một  “Dòng Sông Xanh” của Việt Nam. Trong tiết điệu valse du dương, quí phái,  người nhạc sĩ tài danh đã phác họa một bức tranh phong cảnh đặc trưng  của mùa xuân:


Ngày xuân êm ấm,
Nắng xuân tưng bừng,
Hoa tô màu thắm,
Bướm bay quyến luyến.. hoa dịu dàng
Bầy chim ríu rít vui ca trên cành,
Thấy xuân vừa tới hót vang chào mừng xuân khắp nơi


Rồi sau đó, ông đưa thính giả bềnh bồng về với một bến thuyền thật lãng mạn, tình tứ:


…Hồ xuân duyên dáng, sóng xuân nhẹ nhàng,
Lướt trên làn nước gió đưa thuyền trôi về bến xuân xanh
Mái chèo nhịp nhàng buông theo dòng nước, Sóng lan mơ màng
Đâu thoáng nghe tiếng ca ngân tình tứ, Lướt ru thuyền mơ…


Bến Xuân Xanh viết với  phong cách đặc trưng của thể nhạc cổ điển Tây Phương. Giai điệu lên  bổng, xuống trầm. Tiết điệu thay đổi, lúc thì tưng bừng lễ hội, lúc thì  du dương tình tứ. Có lẽ vì vậy, mà tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh  là lựa chọn tuyệt diệu để trình bày ca khúc này.


Cũng trong chương trình  “Xuân Quê Hương”, thính giả được nghe tiếng hát quý phái của Duy Trác  trong hai bài nhạc xuân cũng quý phái không kém: Nhớ Bạn và Tình Xuân,  đều của Vũ Thành. Nghe Kim Tước mới đây trả lời phỏng vấn trong chương  trình The Jimmy Show thì biết rằng “Xuân” trong ca khúc Nhớ Bạn chính là  một người tình tên Xuân của tác giả. “Xuân” xuất hiện trong ca khúc ẩn  hiện có khi là thiên nhiên, có khi là người yêu xa xăm, thương nhớ:


Xuân vương trên ngàn hoa nhắc bao sầu nhớ mơ màng
mây buông trong chiều vắng như luyến tiếc giấc mơ phai tàn
nhớ dưới xuân năm nào lòng say ước mơ sống trong mộng vàng
Xuân nay bao sầu nhớ xuân xưa
tiếc mối tình phai hương cung vần đành lỡ dứt đường tơ vương
sầu vương áng mây bao nhuốm màu tang…
…Nhớ bóng ai bên thềm thanh vắng

Nhớ phút giây mơ màng dưới trăng

Xa kìa cánh chim chiều bạt gió muôn phương

Lạc loài cuối trời mang u sầu ngàn phương…


Còn trong Tình Xuân, mùa  xuân của Vũ Thành là mùa xuân của một Hà Nội thanh lịch, với hoa đào  trong gió, với mưa xuân, chan hòa nhã nhạc, nhớ về người tình:


Đào mỉm cười trong gió, chào đón xuân về
Nhạc tràn lan đây đó, muôn loài lắng nghe
Tình ngày xuân chứa chan, vương vấn cung đàn
Mắt huyền yêu, cách muôn trùng dương, như mơ hồ
Mưa sầu còn lưu luyến, ngàn cánh hoa buông tơi bời
Dường như nhớ thương, đong đầy gió sương  xa xôi
Hồn người thi khách theo, mây đến chân trời
Mong ước ngày, cùng chung tiếng tơ, nói bao lời…


Như đã nói, băng nhạc  “xuân sến” thì dễ tìm hơn. Lấy điển hình là chủ đề “Băng Nhạc Việt Nam  Xuân”. Nhạc xuân bolero rất “mùi”, ca sĩ cũng “mùi”. Cánh Thiệp Đầu Xuân  của Lê Dinh-Minh Kỳ là một ca khúc thường vang lên trong nhiều khu xóm  nhỏ Miền Nam, với tâm tình xuân thật chân thành, giản dị:


Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng,
Xuân đến rồi đây nào ai biết không?
Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang
Tôi chúc gì đây vào mùa Xuân này
Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai
Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm
Trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm…


Cũng trong băng nhạc xuân  này khán giả được nghe một trong những xuân khúc nổi tiếng nhất của Miền  Nam trước 1975: Xuân Này Con Không Về của Nhật Ngân. Bài hát trở thành  bất tử vì diễn tả những cảm xúc rất thật, đầy nhân bản của người lính  VNCH khi phải đón xuân xa nhà. Giọng hát của Duy Khánh đã lột tả thành  công nhất những cảm xúc đó:


Con biết bây giờ mẹ chờ tin con

Khi thấy mai đào nở vàng bên nương

Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa
ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng…
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào…


Shotgun là một trong những  trung tâm băng nhạc thành công trong việc phối hợp đa dạng giữa nhạc  “xuân sang” và “xuân sến”. Một thí dụ là băng nhạc chủ đề Xuân Shotgun  1973. Băng nhạc mở đầu bằng Xuân Họp Mặt của Văn Phụng, là một ca khúc  xuân vui tươi, rộn ràng , một dạng thanh âm không thể thiếu của không  khí đón xuân mới:


Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vạng
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Vui mùa xuân năm nay gần nhau, Nhớ khi xưa lúc ngây thơ, cầm tay hỏi nhau ngẩn ngơ, đến bao giờ đón xuân mơ…


Nhạc xuân bolero mùi thì  có Ngày Đầu Một Năm (Thanh Thúy), Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa (Anh Khoa).  Đặc biệt còn có Thiên Duyên Tiền Định, là một ca khúc xuân “đời thường”,  một thể loại nhạc xuân khá thịnh hành vào đầu thập niên 1970s. Lời ca  giống như câu chuyện tán gái đầu năm của một anh chàng thầy bói nghiệp  dư:


Đầu năm hoa lá xôn xao nở như đón chào
Nhờ anh tiên đoán năm nay duyên nợ thế nào
Phận nghèo chẳng dám ước cao
Chỉ cần tình nghĩa với nhau
Nếu ai tâm đầu ngỏ lời là nên giai ngẫu
Mười hai con giáp em đây cầm tinh quý mùi
Cầm tay anh đoán năm nay duyên lành đến rồi
Gặp chồng hiền đức dễ thương
Tuổi này vượng số lắm con
Muốn cho vuông tròn nhờ anh môi giới mối mai đưa tình…


Nhạc xuân trước 1975 đa  dạng như vậy đó! “sang” hay “sến” chỉ là khái niệm về thị hiếu. Giống  như một vườn hoa đa hương sắc, mọi người thuộc nhiều tầng lớp đều có thể  thưởng ngoạn. Sau bao năm đón xuân từ trong nước ra đến hải ngoại, nghe  đủ loại nhạc xuân qua bao thời đại thăng trầm của đất nước Việt Nam,  mỗi độ xuân về, tôi vẫn lên youtube tìm nghe lại những bài nhạc xuân  trước 1975, cả “xuân sang” lẫn “xuân sến”…


Doãn Hưng

(Nguồn: https://bienxua.wordpress.com)


bottom of page