top of page
Banner edge
Trang Ý Kiến 11.png
Trang Ý Kiến 2.png

Ý KIẾN

TÂM TÌNH

NHƯ NGÃ

Cứ đến Tháng Tư, hàng năm cộng đồng người Việt tại hải ngoại lại bận rộn với những sinh hoạt tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30/4 hay Tháng Tư Đen. Tháng Tư Đen là tên gọi để mọi người nhắc nhở nhau về một Tháng Tư đen tối hơn bốn mươi năm trước khi toàn Miền Nam rơi vào tay cộng sản. Nhớ về tháng tư này, không ai bảo ai mọi người đều gọi nó là “Tháng Tư Đen”, bởi vì đó là khởi đầu cho một thời kỳ đen tối của đất nước dưới sự toàn trị của những người cộng sản.


Nhạc sĩ Phạm Duy, năm 2005 từ Quận Cam, Nam California, đã trở về Việt Nam sống cho đến ngày lìa đời 27/1/2013, đã từng sáng tác một ca khúc về Tháng Tư Đen có lời bài hát như sau:


“Tháng Tư Đen!

Xin cúi đầu mình xuống

Khóc quê hương, trói trong tay bạo cường.

Tháng Tư Đen!

Ba mươi năm quật cường

Tan tành vì lọt vào tay đế quốc.

Tháng Tư Đen!

Xin cúi đầu một phút

Nhớ anh em sống trong ngục tù

Tháng Tư Đen!

Nuôi cho sâu hận thù

Mong và chờ về Việt Nam ước mơ.

Này người Việt ở trên thế giới!

Nào cùng nhau họp chung khí giới!

Cất tiếng nói đòi tự do cho triệu đồng bào ta.

Hãy đoàn kết lại!

Tháng Tư Đen!

Xin ngước mặt nhìn tới,

Tới tương lai, tới quê hương vời vợi.

Tháng Tư ơi!

Hơn năm mươi triệu người

Như một người, phải thành công mới thôi!

Tháng Tư ơi!

Hơn năm mươi triệu người

Như một người, phải thành công mới thôi.”


Lời bài hát như một bản tuyên ngôn kêu gọi mọi người đoàn kết, triệu người như một, góp chung khí giới để đòi tự do cho quê hương Việt Nam. Tiếc thay cho đến đến tận hôm nay, những điều nhạc sĩ Phạm Duy kêu gọi vẫn chưa thành hiện thực nhưng ông thì đã trở về Việt Nam sinh sống những ngày cuối đời với những người mà ông từng gọi là bạo cường đòi lật đổ. Thật đáng tiếc!


Hồi tưởng lại những ngày sau tháng tư đen tối 1975, đất nước đã trải qua bao nhiêu đau thương tưởng chừng như “xuống hố cả nước” vì những kẻ bên thắng cuộc như những kiêu binh, cứ muốn đưa cả nước đi theo con đường “xã hội chủ nghĩa” không tưởng dưới sự lãnh đạo ngông cuồng của những người tự nhận là đỉnh cao trí tuệ. Ngày cộng sản chiếm được Miền Nam, họ ra sức tuyên truyền rằng những sự phồn thịnh, trù phú của Miền Nam chỉ là những sự “phồn vinh gỉa tạo”, là tàn dư do Mỹ Ngụy để lại. Họ nói như vậy để cố tình ngụy biện bào chữa cho sự nghèo đói, lạc hậu, yếu kém của cái gọi là thiên đường xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc. Nhưng dĩ nhiên cái mặt nạ bịp bợm, tuyên truyền lừa dối đó không làm sao che dấu được những sự phồn vinh thật sự của Miền Nam trước mắt họ. Sự thật đó đã làm cho nhiều anh chị cán cộng từ Miền Bắc vào như nhà văn Dương Thu Hương, như Trần Mạnh Hảo, như Trần Khải Thanh Thủy và nhiều người khác đã phải ngỡ ngàng như bừng tỉnh cơn mê. Chính nhà văn Dương Thu Hương đã từng thú nhận, năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân của bà đều hớn hở cười thì bà lại khóc, vì bà thấy tuổi xuân của bà đã bị hy sinh một cách uổng phí. Bà nói: “Thật là chua chát khi nền văn minh (ý bà nói Miền Nam) đã thua chế độ man rợ… Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.” (DTH trả lời phỏng vấn của Đinh Quang Anh Thái)


Bài học đắt gía đó là gì? Những năm đầu sau tháng tư đen 1975, những người cộng sản còn say men chiến thắng nên họ đã đưa ra khẩu hiệu quyết đưa cả nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Chủ nghĩa xã hội đâu không thấy, chỉ thấy quyết tâm đó đã đưa cả nước đến thời kỳ phải ăn độn bo bo, khoai, sắn, dù “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ” mà vẫn không đủ ăn. Vậy mà họ vẫn huênh hoang khoe sự tài tình lãnh đạo của cái đảng Vẹm của họ (Vẹm là chữ ám chỉ Việt Minh – tiền thân của Việt cộng – viết tắt là VM đọc theo kiểu đánh vần bình dân học vụ của VC là Vờ Em Vem thêm dấu nặng (.) thành Vẹm).

Thời kỳ sau 1975, vì bị Mỹ cấm vận nên nhiên liệu, xăng dầu rất khan hiếm. Vì thiếu xăng dầu nên VC đã phải cải tiến cho xe chạy bằng than thay cho xăng, chúng ì ạch lăn bánh phun đầy khói ngoài đường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng VC vẫn khoe, đó là nhờ đảng ta tài tình đầy sáng tạo. Cũng vào thời gian đó, phương tiện di chuyển chính của mọi người là chiếc xe đạp. Những ai còn ở lại Sài Gòn sau 1975, hẳn chưa quên những hình ảnh quen thuộc của những chiếc xe đạp chẳng  khác gì những xe thồ chở theo những chiếc lu sành hay những bao than  cồng kềnh, hoặc những kiện hàng cao ngất ngưởng được chuyên chở bằng xe đạp từ những nơi rất xa mang về Sài Gòn buôn bán làm kế mưu sinh. Đó cũng là thời kỳ người ta phải “buôn lậu” từ vài ký gạo đến vài ký thịt heo, thịt bò mà vẫn không thoát khỏi những cặp mắt soi mói của những tên hải quan, quản lý thị trường hống hách, đầy uy quyền. Chẳng lẽ đó cũng là nhờ tài lãnh đạo của đảng? Thật đúng là “Cả Nước Xuống Hố” hay “Xuống Hố Cả Nước” như người dân đã nhạo báng cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội hay Xã Hội Chủ Nghĩa mà VC đang ra sức tuyên truyền.


Nhưng rồi cũng đến lúc những kẻ chiến thắng biết lo âu, không phải chúng lo âu cho sự đói nghèo của người dân, hay sự chậm tiến của đất nước, mà chúng lo sợ cho chính số phận của chúng trước sự khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và khối cộng sản Đông Âu vào cuối thập niên 1980. Thế nhưng nhờ may mắn, Việt Nam có vị trí địa lý nằm xa những nước Đông Âu này nên chúng đã thoát được cái “hiệu ứng domino” trong đường tơ kẽ tóc để rồi từ đó, chúng lại tiếp tục những thủ đoạn độc tài, lọc lừa mới tinh vi hơn.


Ngày Liên Sô và những nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, người dân Việt đã khấp khởi mừng thầm tưởng đâu bọn vẹm cộng sắp cùng chung số phận với những tên trùm cộng sản thuở đó. Như Ceaucescu bị người dân Romania đem ra hành quyết, hay như Honecker bị dân Đông Đức lôi ra tòa xét xử phải ngồi tù dù đã trốn ra nước ngoài, và nhiều tên lãnh tụ cộng sản khác trong những nước cộng sản cũ đã bị bắt vào tù hay phải trốn chạy ra ngoại quốc. Nhưng tiếc thay những điều ấy đã không xảy ra cho nước Việt Nam! Tuy nhiên cũng chính nhờ những biến cố ấy, bọn cầm quyền CSVN đã thức tỉnh, chúng đã biết sợ, phần nào nới lỏng sự độc quyền kinh tế dù sự độc quyền chính trị thì chúng vẫn khăng khăng không dời đổi.


Hai thập niên sau khi chiến tranh chấm dứt, Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách với Việt Nam. Chính sách cấm vận đã được bãi bỏ và hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam đã nối lại quan hệ ngoại giao kể từ năm 1995 mở đường cho một thời kỳ phát triển mới cho Việt Nam với những dự án đầu tư lớn của tư bản Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Cũng kể từ đó, Việt Nam đã có cơ hội phát triển. Bộ mặt các thành phố, đô thị đã có nhiều thay đổi với nhiều công trình, kiến trúc to lớn hay “hoành tráng” (nói theo từ ngữ của VC trong nước) do tư bản ngoại quốc đầu tư. Nếu chỉ nhìn vào những hình ảnh này người ta dễ tưởng đến những sự phồn vinh đã diễn ra nhưng thực tế tất cả đều thuộc tư bản nước ngoài đầu tư làm chủ. Đó mới chính là sự phồn vinh gỉa tạo mà kẻ hưởng lợi chỉ là một thiểu số cán bộ đảng cộng, còn đại đa số người dân vẫn sống cuộc đời nghèo khó lam lũ trong những căn nhà ổ chuột tồi tàn tối tăm lụp xụp.


Trong lúc cuộc sống người dân mỗi ngày mỗi khó khăn cơ cực để mưu sinh thì các cán bộ đảng viên cộng sản tên nào cũng giàu sụ, nhà cao cửa rộng nhờ tham nhũng. Cái gọi là vô sản chuyên chính nay chỉ còn là khẩu hiệu của qúa khứ. Mấy triệu đảng viên nay là mấy triệu tư sản đỏ. Tòa án nào sẽ xét xử chúng như chúng đã từng xét xử những người từng bị chúng liệt vào những nhà tư sản mại bản mà tài sản của họ thì bị tịch thu, còn người chủ thì bị giam cầm “cải tạo” đến chết trong nhà tù.


Những bất công ấy không phải người dân trong nước không thấy. Đã có những tiếng nói đòi hỏi sự công bằng, đòi lại quyền làm người, đòi lại những tự do dân chủ đã bị những người cộng sản cầm quyền tước đoạt. Nhưng những tiếng nói ấy không hề được phản hồi một cách nghiêm túc. Trái lại, họ còn bị đàn áp, bị khủng bố, bắt bớ, tù đày vì những đòi hỏi, đấu tranh ôn hòa bất bạo động của họ.


Đảng CSVN lúc nào cũng tự nhận mình là sáng suốt, là đỉnh cao trí tuệ, nên mọi quyết định của họ luôn luôn là độc tài, độc đoán bất chấp những sự phản biện đến từ đâu. Nhiều kế hoạch lập ra dù bị dư luận phê phán, không đồng tình hay phản đối, nhưng họ vẫn bất chấp, quyết tâm thực hiện cho bằng được. Chẳng hạn như kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi, một nơi hẻo lánh (nhưng là quê hương của cố thủ tướng Đồng Mù), xa các mỏ dầu và thiếu các hệ thống giao thông đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài đã phải bỏ chạy nhưng CSVN thì vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được. Hay như kế hoạch nâng cấp con đường mòn Hồ Chí Minh thành xa lộ Tây Trường Sơn, nối liền hai miền Nam - Bắc Việt Nam, dù bị can ngăn rằng chỉ có gía trị chính trị, lịch sử mà không có gía trị kinh tế nhưng chúng vẫn làm ngơ đốt tiền thực hiện. Hoặc dự án khai thác bô-xít (bauxite) trên Tây Nguyên (cao nguyên Trung Phần) bị các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ vì những tác hại về môi trường, gây hủy hoại rừng và hoa màu, cũng như ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng do việc để Trung Quốc khai thác trên mái nhà Đông Dương nhưng cũng bị lãnh đạo CSVN làm ngơ…


Đến nay đã gần 50 năm cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng chúng vẫn chưa thống nhất được lòng người. Cố thủ tướng VC Võ Văn Kiệt trước khi đi về bên kia thế giới, khi nói đến ngày 30/4 đã từng phát biểu rằng đó là “một sự kiện có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.” Hàng triệu người vui dĩ nhiên là những người cộng sản bên thắng cuộc; còn hàng triệu người buồn không ai khác hơn là những quân dân Miền Nam, những người bên thua cuộc đã trở thành những công dân hạng hai trong chế độ mới. Họ buồn vì uất hận trước cảnh nước mất nhà tan vì sự phản bội của đồng minh và tủi hận cho thân phận của chính mình. Đó cũng là ý nghĩa của Ngày Quốc Hận 30/4. Chữ “hận” ở đây vì vậy không mang một ý nghĩa thù hận như có người đã suy nghĩ có thể tạo ra sự bất bình trong cộng đồng người Việt hải ngoại.


Như Ngã


bottom of page